Bộ sưu tập cổ vật khổng lồ của “Sếp” Unesco Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Bộ sưu tập cổ vật khổng lồ được ông Đoàn Anh Tuấn, GĐ Trung tâm Unesco Nghiên cứu và Bảo tồn cổ vật VN, gom góp mấy chục năm.

Đó là ông Đoàn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Unesco Nghiên cứu và Bảo tồn cổ vật Việt Nam. Mấy chục năm sưu tầm cổ vật cũng là ngần ấy thời gian ông mày mò đi tìm cho những cổ vật kia những thông điệp hoài niệm vọng về từ ngàn năm trước. 
Cổ vật như một tôn giáo
Ngôi nhà nhỏ chật kín bởi bộ sưu tập cổ vật ở phố Kim Ngưu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa là nhà ở, vừa là nơi làm việc và trưng bày hiện vật của ông Tuấn. Dáng người nhỏ, búi tóc củ hành, bộ râu dài bàng bạc nhưng ánh mắt tinh tường cũng đủ nói đôi phần về con người đã vạn dặm trường chinh với hiện vật cổ.
Vốn nổi tiếng là người biết chơi, chịu chơi và chơi đến cùng trong giới cổ vật, ông Tuấn còn là người luôn đi tìm thông điệp cho mỗi hiện vật. Những cổ vật kia, không đơn thuần là những đồ xưa cũ bày trên giá kệ mà đó là tiếng nói của cả một thời kỳ gợi về, đó là thông điệp thời gian.
bo suu tap co vat khong lo cua sep unesco viet nam hinh anh 1
 Một góc trưng bày cổ vật ở nhà ông Tuấn.
Ông Tuấn tâm sự rất thật rằng, ông không nhớ đã gắn bó với cổ vật từ khi nào, chỉ mang máng là cách đây mấy chục năm nay. Tức là khi Hà Nội mới chỉ có một số ít người chơi cổ vật chuyên nghiệp.
"Ngay từ thời xưa, những người có điều kiện đã sưu tầm cổ vật để chia sẻ cái đẹp và thông điệp mà cổ vật nói ra. Bản thân tôi lúc đầu chỉ là sưu tầm thuần túy. Nhưng sau này nhận ra, ngoài giá trị vật chất thì còn giá trị lịch sử, đó là những vật chứng mà ta mất công tìm kiếm một cách vất vả, mệt mỏi để sở hữu nó", ông Tuấn cho biết.
Nhiều người từng cho rằng, bản thân ông Tuấn và những người chơi cổ vật là điên, hâm. Có thể họ chưa hiểu bởi họ không ở trong lĩnh vực này. Sự sâu sắc từ cổ vật là nhận được thông điệp bằng chất liệu, công nghệ sản xuất của từng giai đoạn lịch sử. Chỉ những ai bước chân vào con đường sưu tầm thì mới hiểu được cổ vật, nó giống như một tôn giáo có sức mê hoặc khủng khiếp.
bo suu tap co vat khong lo cua sep unesco viet nam hinh anh 2
Ông Tuấn trao tặng cổ vật cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. 
Cái gì cũng có giá
Sau mấy chục năm tìm tòi, cho đến nay số cổ vật ông Tuấn có trong tay là bao nhiêu, chính ông cũng không rõ. Chỉ biết rằng, đó hoàn toàn là những thứ có giá trị. Nhiều người bảo, ông Tuấn giàu bởi nếu bán cổ vật đi phải có vài trăm tỷ. Nhưng ông Tuấn lại thấy mình nghèo về tiền bạc, vì ông đâu có bán những thứ quý giá ấy. Nhưng ông tự cho mình là người giàu về văn hóa và sẵn sàng chia sẻ vốn văn hóa ấy cho bất cứ ai.
Từng có nhiều người nịnh ông Tuấn rằng, những cổ vật kia là vô giá. Nhưng ông Tuấn nói: "Tất cả những cổ vật đều có giá. Có giá ngay từ lúc nó được làm ra. Chẳng qua là nó nằm trong bối cảnh lịch sử nào, có thông điệp gì mà thôi". Theo ông Tuấn, cổ vật có những ngôn từ đủ để giáo dục thế hệ sau này. Có thể đây là điều thái quá, nhưng mấy chục năm trong nghề đủ để ông đúc rút kinh nghiệm đó.
"Tôi từng phải bán nhà, bán xe để có tiền mua cổ vật. Tuổi tôi không còn trẻ nhưng năm nào tôi cũng tổ chức triển lãm, hiến tặng cổ vật. Thậm chí đi giảng giải miễn phí cho thế hệ trẻ để họ biết trân trọng, biết giữ gìn những gì cha ông để lại", ông Tuấn chia sẻ.
Một trong những bằng chứng luận tỏ việc không biết quý trọng những gì cha ông để lại chính là tình trạng "chảy máu cổ vật". Nhưng theo ông Tuấn, để ngăn chặn là không dễ. Trước khi có luật di sản văn hóa thì chuyện "chảy máu cổ vật" ra nước ngoài rất nhiều. 
bo suu tap co vat khong lo cua sep unesco viet nam hinh anh 3
Ông Tuấn thuyết trình cho khách tham quan cổ vật tại Huế. 
Thông điệp để lại
Trong bộ sưu tầm cổ vật khổng lồ của ông Đoàn Anh Tuấn, có thể chia thành nhiều tập nhỏ mà đa dạng. Ông Tuấn bảo, trong bộ sưu tập ấy, thấy thứ nào chưa có là phải đi tìm ngay. Có khi phải lặn lội cả nghìn cây số chỉ để mua về một mảnh gốm nhỏ về ghép vào cái bình vỡ. 
"Nếu không biết chơi đồ cổ thì sẽ dễ vỡ nợ. Năm 1970, tôi đã phải đi sửa xe, đi đào vàng để có vốn mua đồ. Nhiều đồ quý giá tôi đã hiến tặng bảo tàng. Có những vật dụng độc nhất vô nhị mà Bảo tàng Quốc gia không có mà tôi vẫn có. Con cá không phải chọn cần nào đẹp, mồi nào ngon để lao tới, mà người câu phải có duyên. Tôi không mê cổ vật Tàu, mà cổ vật nước mình đâu có thiếu, chẳng qua không chịu đi tìm", ông Tuấn thổ lộ.
Trước tình trạng cổ vật bị "đóng băng" trong các bảo tàng, năm 2012 lần đầu tiên tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức triển lãm cổ vật đã được sự giúp đỡ của ông Tuấn. Cuộc triển lãm quy mô vừa là "khoe" văn hóa Đông Sơn, vừa để các chuyên gia Trung Quốc biết rằng, nhiều hiện vật mà họ tự nhận thực chất là của Việt Nam. 
bo suu tap co vat khong lo cua sep unesco viet nam hinh anh 4
Ông Tuấn cho rằng, cần quảng bá hình ảnh cổ vật Việt Nam ra quốc tế. 
Từ ngày thành lập trung tâm đến nay, ông Tuấn đã góp phần chuyển tải thông điệp cổ vật tới đông đảo công chúng. Chơi cổ vật ngoài cái duyên và tình yêu còn phần trách nhiệm đối với cộng đồng. Theo ông, làm được vậy thì không hô hào nói suông mà phải có vật chứng. Bởi theo ông, nhân chứng không trường tồn nên phải biết sắp xếp vật chứng theo từng thời kỳ để không bị lẫn lộn với các dân tộc, quốc gia khác.
Vì thế, việc tìm kiếm và hệ thống hóa cổ vật là một môn khoa học. Song song với sự tìm kiếm cổ vật là sự giải mã. Giải mã bằng nghiên cứu, tìm cho chúng một triết lý và thông điệp riêng.
"Mỗi cổ vật là một thông điệp. Ví dụ, về cái ấm, ấm xưa để rót rượu, cái ấm bị sứt vòi, vậy mình chuyển tải thông điệp gì. Đó là cái ấm sứt. Nhiều người bảo, cái ấm này cổ mà sứt, vứt. Ô hay, tôi có bán ấm đâu, tôi đang muốn nói nó là cái ấm cổ đã bị sứt vì thời gian", ông Tuấn lý luận.
Ông cũng cho rằng, có những cổ vật rất đơn giản nhưng có giá trị về nghiên cứu. Nhiều người xem sự hoàn mỹ của cổ vật là quan trọng, nhưng với người nghiên cứu thì vết rạn, vết nứt cũng đầy giá trị.
"Những cổ vật tôi mua cho tôi thì không khó khăn gì, vì toàn mua thứ người ta chán. Mua cho người khác mới khó, ví như trống đồng lớn nhất Việt Nam với đường kính mặt 106cm thuộc văn hóa Đông Sơn. Tôi phải bài binh bố trận 6 năm mới mua về được cho Bảo tàng Quốc gia. Rất vui sau đó, Hàn Quốc đã ra giá 1 triệu đô la bảo hiểm để mượn đem về triển lãm" ông Tuấn chia sẻ. 
"Một trong những cách giữ lại cổ vật là tặng cổ vật. Tặng để làm gì, không phải để lấy giấy khen mà để giáo dục tư duy bảo vệ. Bản thân tôi đã tặng 2 nghìn cổ vật cho các bảo tàng. Nhiều người nhìn nhận vấn đề về hiến tặng cổ vật như một phong trào để quần chúng được gần gũi với cổ vật, từ đó biết đến giá trị văn hóa để mà bảo vệ".
Ông Đoàn Anh Tuấn
Xem thêm: Bộ sưu tập cổ vật triệu đô của vua đồ cổ Sài Gòn
Trần Hòa

Bình luận(0)