Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng: Cứu dân, doanh nghiệp hưởng lợi

Google News

(Kiến Thức) - "Chỉ có lác đác vài hộ dân vay được tiền mua nhà trong gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, trong khi rất nhiều doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ gói này", ông Cao Sỹ Kiêm chia sẻ.


Dân vay được tiền khó lắm

Cho đến thời điểm này, sau hơn 1 tháng triển khai gói hỗ trợ người dân mua nhà 30.000 tỷ đồng, mới chỉ có khoảng trên chục hộ dân được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Trong khi đó, hàng loạt dự án nhà ở xã hội rầm rộ khởi công. Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng ngân hàng đang lợi dụng chính sách dành cho người dân để cứu doanh nghiệp. Quan điểm của ông thế nào?

Cơ cấu giải ngân của gói này là 30% cho doanh nghiệp và 70% cho người dân. Việc giải ngân cho doanh nghiệp nhanh hơn, dễ hơn vì thủ tục khá đơn giản, lại chỉ tập trung vào một vài đầu mối. Và phải giải ngân nhanh thì mới nhanh có nhà để phân phối. Mà những căn hộ nằm trong diện nhà ở xã hội, nhà giá rẻ này thì phần lớn lại là những nhà chuẩn bị xây. Những cái nhà giá cao mà đang ế ngập thị trường lại không phải là nhà giá rẻ. 

Thế nhưng rõ ràng mục tiêu của gói này là hỗ trợ người dân, không phải doanh nghiệp?

Chủ trương này ra đời từ rất sớm nhưng mãi đến tháng 5/2013 mới xây dựng xong chính sách. Sau đó còn nhiều vấn đề nảy sinh như tiêu chuẩn thế nào, ai là người thẩm định, điều kiện vay thế nào? Nhà thì đang xây, mà người dân muốn vay được tiền phải có hợp đồng mua nhà. Ngân hàng thì phải nắm đằng chuôi. Họ phải nhìn thấy trên giấy tờ hợp đồng mua nhà trong đó người dân sở hữu chính chủ rồi, họ mới cho vay. Trong khi đó, muốn mua nhà thì phải đăng ký, đặt cọc, đóng làm nhiều đợt, chứ lấy đâu ra ngay hợp đồng mua bán nhà.

Xem ra thì có phần phức tạp quá?

Đấy là còn đơn giản hơn nhiều rồi đấy. Chứ trước đây phức tạp trăm bề. Để vay được tiền với lãi suất ưu đãi, họ yêu cầu nhiều thứ lắm, rồi thời hạn vay là bao nhiêu, lãi suất bao nhiêu, bao giờ thì trả hết, người chứng nhận như thế nào... Giờ chỉ có mấu chốt là đòi hỏi cái hợp đồng mua nhà mới được vay. Mà nhà đầu tư mới đang giải phóng mặt bằng, chuẩn bị xây dựng, thì lấy đâu ra hợp đồng. Đã biết nhà cửa méo tròn thế nào đâu.

Đó chính là điểm "tắc nghẽn" để giải ngân gói này?

Khó ở chỗ ấy. Giờ chỉ cần khai thông khâu này là sẽ thông suốt thôi. Với khoảng 20.000 tỷ đồng cho người dân vay thì sẽ có khoảng gần 30.000 người có điều kiện tiếp cận với nhà ở. Tuy nhiên, vay được tiền không phải là dễ. Người ta cứ sốt sình sịch, bám riết hỏi han các ngân hàng, cũng là vì lo như thế.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 

Đừng kỳ vọng!

Sau khi gói 30.000 tỷ đồng công bố, nhiều người dân kỳ vọng mình sẽ mua được nhà. Thế nhưng đến nay, xem ra niềm hy vọng ấy còn mong manh lắm?

Gói này giúp cho cả người mua nhà và doanh nghiệp làm ra nhà. Vì nếu không giúp cho doanh nghiệp làm nhà thì lấy đâu nhà để phân phối. Làm sao để giá nhà thấp, giá đất thấp, ưu đãi thuế... để giám giá thành. Từ thiết kế đến vật liệu, đều phải mang tính đặc thù. Thế nên gói này để cứu người dân, nhưng thực tế thì doanh nghiệp lại hưởng lợi trước. Tôi cũng phải nhấn mạnh rằng kể cả vay được nhanh chóng thì cũng không nhiều người mua được nhà giá rẻ đâu. So với nhu cầu thực tế hiện nay thì vẫn như muối bỏ bể.

Theo ông mấu chốt nó ở đâu?

Đó là hai cái đích khác nhau. Đích của nhà thu nhập thấp là nhà giá rẻ. Mà nhà giá rẻ thì hiện không có. Nhà bán trên thị trường đều là nhà giá cao. Muốn có thì phải xây. Muốn xây thì phải có thời gian, phải có nhiều chính sách ưu đãi thì mới xây được. Nó chỉ là một yếu tố rất nhỏ thúc đẩy thị trường. Người dân cũng không nên quá kỳ vọng.

Liệu sẽ có một kịch bản cho nhà ở xã hội giống như nhà ở thương mại bây giờ. Đó là xây ồ ạt và không bán được?

Khó có kịch bản đó vì khi được phép xây là đã phải tuân thủ các quy định về thiết kế, giá thành. Lúc nào dân cũng có nhu cầu. Thế nhưng khả năng ấy vẫn có thể xảy ra. Mà khi đó thì việc giải quyết hậu quả, khó khăn vất vả, mệt mỏi hơn nhiều so với nhà ở thương mại hiện nay.

Khả năng đó xảy ra trong bối cảnh hiện tại nếu không tính đến điều gì?

Theo tôi thì phải tính đến từng khu vực có nhu cầu về nhà. Giả sử đồng loạt xây ở khu vực mà dân ít hoặc không có nhu cầu thì khả năng bị tồn đọng nhà, dù là nhà giá rẻ, cũng sẽ không tránh khỏi. 

Trong năm nay, cũng chưa nhiều người vay được

Thưa ông, người dân có thể trông đợi gì vào việc mua nhà giá rẻ trong bối cảnh này?

Tôi nghĩ rằng sang đến tháng 7 này là tình hình tháo gỡ vướng mắc về các thủ tục cho người dân cũng được cải thiện nhiều. Số người vay được tiền sẽ nhiều lên. Nhưng chắc chắn là trong năm nay, cũng chưa có nhiều người vay được đâu. Chưa thể giải ngân một cách cơ bản ngay gói này chỉ trong năm 2013. 

Vì sao thế?

Vì nhà đã xây xong đâu. Nhà tồn kho thì giá cao lắm, làm sao người thu nhập thấp mua được. 

Được biết nhiều dự án nhà ở thương mại đã chuyển sang nhà ở xã hội?

Họ phải cải tạo lại, phải có thêm chi phí. Chi phí lại đội lên vượt 14 - 15 triệu đồng/m2. Rồi phí quản lý như thế nào.

Thực tế số nhà tồn đọng đang rất lớn, liệu có nên chuyển hết sang nhà ở xã hội để khơi thông bế tắc?

Có hai cách, hoặc là doanh nghiệp phải giảm giá, chịu lỗ, hoặc là nhà nước bỏ tiền ra mua lại cho dân. Trong tình hình ngân sách khó khăn thế này thì làm sao mà có tiền để mua lại cho dân được. Nó chỉ như muối bỏ bể. Chính sách nhà không chỉ làm trong một hai năm, mà phải làm lâu dài.

Có người đề xuất nên có mỗi năm một gói tương tự thế này để thị trường bất động sản thông thoáng, ấm lên?

Khó lắm, tiền đâu mà làm được thế. Trong khi nguồn ngân sách thì đang cạn kiệt dần. Các ngân hàng cũng phải tự cứu mình trước rồi mới cứu doanh nghiệp chứ. 

Nhưng như ông vừa nói gói này là rất nhỏ so với yêu cầu thực tế?

Nói là nguồn vốn như muối bỏ bể, chưa đáp ứng hết nhu cầu của người dân, nhưng nếu tính toán quy hoạch tốt thì vẫn cứ phát huy tác dụng. Chứ không thể nói vì là một gói nhỏ mà không cần phải tính toán, để dẫn đến những thất thoát lãng phí.

Xin cảm ơn ông!

- Dù ngân hàng đã sẵn sàng vốn, nhưng nó vẫn cứ tắc. Ngân hàng giải ngân được nhiều nhất là Vietinbank với 8 khách hàng ở Hà Nội và một số tỉnh khác. Vietcombank cũng mới chỉ giải quyết hồ sơ cho 9 hộ được vay. Trong khi đó, Agribank nhanh tay cho vay 13 dự án của 10 doanh nghiệp với tổng mức là 3.295 tỷ đồng. BIDV cũng dự kiến sẽ giải ngân khoảng 2.700 tỷ đồng trong năm 2013.

- Trong tháng 6 vừa qua, hàng loạt dự án nhà ở xã hội đã được động thổ tại Hà Nội: Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai), Quốc Oai, Đặng Xá II. 3 dự án nhà ở xã hội này đã chiếm tổng số tiền giải ngân từ gói tín dụng gần 2.000 tỷ đồng/9.000 tỷ đồng. Không chỉ dừng lại ở các dự án ở Hà Nội, nhiều dự án nhà ở xã hội tại các tỉnh như Vinh, Quy Nhơn, Bình Dương cũng thi nhau khởi công.

ĐANG ĐỌC NHIỀU


Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)