100 dân hỗn chiến sông Yên: Động cơ hành xử giang hồ?

Google News

(Kiến Thức) – Chuyên gia luật, nhà xã hội và tâm lý học đều cho rằng, việc quản lý lơ là là nguyên nhân sâu sa dẫn tới vụ "hỗn chiến sông Yên" vừa qua.

Cuộc hỗn chiến kinh hoàng xảy ra tại cuối nguồn sông Yên, chảy qua địa phận xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương và xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), ngày 7/7 khiến 3 người chết, 9 người bị thương đã làm rúng động dư luận cả nước.

Những người chứng kiến vụ việc kể lại: Cuộc ẩu đả kinh hoàng diễn ra trong vòng 30 phút, có rất nhiều người bị thương ngã xuống sông, sau đó có người bơi vào bờ, một số người may mắn được cứu vớt.

 Đường xuống hiện trường vụ người dân 2 huyện "dàn trận" đánh nhau.

Nguyên nhân của vụ hỗn chiến ban đầu được xác định là do việc tranh chấp đất nuôi và khai thác ngao tại khu vực bãi giữa sông Yên từ trước. Tuy vậy, trao đổi với Kiến Thức, chuyên gia về luật pháp, nhà xã hội học và nhà tâm lý học đều đồng quan điểm: để xảy ra vụ hỗn chiến lộn xộn này, sau việc xử phạt những người trực tiếp tham gia vụ việc, là trách nhiệm không nhỏ của những nhà quản lý.

Sai phạm của những “nhân vật chính”

Về mặt pháp lý, theo luật sư Nguyễn Hoàng Tiến - Đoàn Luật sư Hà Nội, Trưởng Văn phòng Luật sư Đức Thịnh: “Cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra để xác định chính xác nguyên nhân thực hiện hành vi phạm tội. Những người trực tiếp tham gia vụ “hỗn chiến” có thể bị truy tố về tội gây rối trật tự công cộng có tổ chức hội nhóm đông người. Ngoài ra, còn xác định những tội danh khác, như tội cố ý giết người, tội cố ý gây thương tích…”.

“Với những người cầm đầu, chủ mưu hoặc những người thực hiện hành vi phạm tội tích cực gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cần áp dụng những hình phạt cao, nghiêm khắc để mang tính chất vừa răn đe người phạm tội, đồng thời phòng ngừa chung trong xã hội để những việc tương tự không được xảy ra”, luật sư Tiến cho biết.

 Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến.

Luật sư Tiến nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, để xảy ra việc này thực sự đáng buồn, nhất là khi thực trạng này không chỉ xảy ra ở Thanh Hóa, mà còn xuất hiện ở khá nhiều địa phương khác. Các vụ ẩu đả có tổ chức ngày càng xảy ra nhiều hơn, mức độ và hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn là điều đáng lo ngại. Đó là biểu hiện của những mâu thuẫn trong cuộc đấu tranh, tranh giành địa bàn làm ăn, tranh giành mặt hàng kinh doanh… không được giải quyết sớm”.

Ngoài sai phạm của những “nhân vật chính” trong cuộc hỗn chiến, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến cho rằng, chính quyền địa phương xảy ra vụ việc có trách nhiệm lớn: “Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng như: cơ quan an ninh, cảnh sát điều tra, chính quyền địa phương phải sớm phát hiện băng nhóm, mâu thuẫn gây mất đoàn kết nội bộ nhân dân, phát hiện sớm để có biện pháp giáo dục, răn đe.

Trong trường hợp các biện pháp giáo dục, cảnh cáo không có kết quả thì chính quyền địa phương cần áp dụng những biện pháp mạnh, như kiểm tra hành chính về việc sử dụng dao, súng, lựu đạn… Chính quyền địa phương cũng cần bố trí lực lượng đủ mạnh để trong trường hợp xảy ra xung đột thì có đủ lực lượng ngăn chặn hai phía, không để họ đánh nhau kinh hoàng, chết người rồi mới ngăn chặn”.

Tại sao lại giải quyết mâu thuẫn bằng… “luật giang hồ”?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) đặt câu chuyện trong bối cảnh xã hội hiện đang khủng hoảng về kinh tế, những khó khăn trong việc kiếm sống, áp lực sinh tồn đã làm tăng thêm xung đột giữa các cá nhân, giữa các nhóm với nhau.

Tuy nhiên, theo PGS Bình, những vụ xung đột dữ dội có mức độ ngày càng đậm đặc hơn là điều đáng quan ngại. “Câu chuyện liên quan tới vấn đề đạo đức xuống cấp, những va chạm quanh giá trị sống, sự lệch pha trong chuẩn mực đời sống tinh thần. Và giai đoạn này dường như các xung đột đua nhau bùng nổ", PGS Bình nói.

 PGS.TS Trịnh Hòa Bình

Cái tôi cá nhân hiện giờ được tôn trọng hơn trước, người ta cởi mở hơn với những động cơ không lành mạnh, tranh quyền đoạt lợi. Từ đó, tính vị kỷ lên ngôi và chỉ vì chút lợi ích nhỏ thôi nhưng người ta cũng có thể xuống tay tàn sát đồng loại.  

Thêm vào đó, việc hiểu pháp luật của nhiều người rất mong manh, thậm chí người ta không cần trang bị. Những câu chuyện va chạm, xung đột cho thấy tình trạng thả lỏng đang diễn ra ở nơi này hay nơi khác, mà không bị ngăn chặn, dẫn tới sự bắt chước, tâm lý lây lan trong cộng đồng và người ta không còn tôn trọng chuẩn mực chung. Chuẩn mực trở nên mơ hồ, cũng không có ai đứng ra dàn xếp và điều đó càng như kích hoạt thêm cái tình trạng lộn xộn, rối tinh rối mù trong đời sống xã hội. Chuyện đổ máu, sống còn càng có cơ hội cất cánh”, PGS Bình phân tích.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, giải pháp cho tình trạng lộn xộn này là phải hướng tới đời sống pháp trị nghiêm minh khi mà “nhân trị” không đạt hiệu quả tốt nhất.

Dưới góc độ của nhà nghiên cứu tâm lý, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất phân tích: “Trước hết, việc đánh lộn là sai, với kẻ thù đánh hay không ta còn phải cân nhắc nữa là đồng bào, là những người bạn, người thân ngay bên cạnh nhau. Hiện thực đáng buồn này đang diễn ra ở nhiều nơi, khi mà giá trị cá nhân, dòng họ, thôn này, làng khác ngày càng được nâng cao.

 Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất

Cái sai trước hết là của chính những người tham gia vụ hỗn chiến, nhưng sau đó, trách nhiệm quan trọng hơn thuộc về những người quản lý. Đáng lẽ chính quyền địa phương phải nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân, phải phát hiện sớm những mâu thuẫn, những bức xúc đã tồn tại từ lâu để tiến hành hòa giải, giải quyết những mâu thuẫn đó một cách ôn hòa, tránh để xảy ra ẩu đả.

“Hiện nay, tầng lớp xã hội đen hoành hành, bất chấp chính quyền ngày càng nhiều. Những người trực tiếp làm sai phải chịu hình phạt là đương nhiên nhưng vấn đề là tại sao lại để xảy ra việc sai vô độ, sai có tổ chức, giải quyết mâu thuẫn bằng “luật giang hồ”? Là vì một bộ phận người dân mất niềm tin vào những nhà quản lý khi họ nói một đằng, làm một nẻo, giải quyết công việc thiếu công tâm. Ngay với sự việc này, khi cuộc hỗn chiến đã xảy ra để lại hậu quả nghiêm trọng thì việc vào cuộc của các cơ quan chức năng càng đòi hỏi phải được tiến hành khách quan, vô tư, “xử” thiên vị thì chẳng khác nào… đổ thêm dầu vào lửa”, ông Nguyễn An Chất nhận định.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Tiểu Phong

Bình luận(0)