Dự án bauxite Tây Nguyên: Lo hóa chất từ hồ bùn đỏ

Google News

(Kiến Thức) - Tại hồ bùn đỏ, chúng tôi có thể đi dạo trên mặt bùn mà không lo lấm giày, nhưng đại diện địa phương vẫn lo ngại hóa chất từ đây có thể phát tán vào không khí và thẩm thấu xuống đất.



Mới trồng cây thử nghiệm

Tới Tân Rai, điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân là khu đã khai thác và khu vực 4 ha đang được trồng thử nghiệm một số loại cây như bạch đàn, keo, thông...  Theo quan sát của chúng tôi có cả cây cao, cây thấp. Những cây bạch đàn, keo phát triển nhanh hơn, những cây thấp lè tè mọc chưa quá đầu gối là cây thông... 

Ông Lê Việt Quang, chủ tịch hội đồng Thành viên Công ty TNHH MTV Nhôm-Vinacomin cho biết những cây này đã được trồng thử nghiệm từ khoảng 2 năm với nhiều loại như bạch đàn, sao, keo, thông ba lá... Khi so sánh đối chứng với cây mọc trên đất nguyên khai chưa khai thác (cùng loại cây, trồng cùng thời điểm) thì cây trồng trên đất sau khai thác bauxite tốt hơn.
 
Đại diện người dân địa phương lại tỏ ra lo ngại hóa chất từ bùn đỏ có thể phát tán vào không khí và thẩm thấu vào đất. 

Tuy nhiên, trả lời phóng viên, ông Phạm Quang Tú, Viện Tư vấn Phát triển cho biết, đất Tây Nguyên gồm có các tầng là đất màu mỡ phía trên, lớp bauxite, tầng sét và tầng đá mẹ. Nếu bóc lớp bauxite đi thì sẽ là tầng sét, mà tầng sét thì cũng khó để trồng cây như bauxite. Như vậy, không thể nói sau khi khai thác bauxte trồng cây có thể tốt hơn. 

Theo chủ đầu tư khai thác bauxite sẽ được thực hiện theo cách bóc lớp đất phủ phía trên để ra một chỗ, sau khi khai thác xong thì lại trả lớp đất phía trên trở lại. Tuy nhiên cần phải nhớ rằng lớp đất màu mỡ phía trên rất mỏng. Vì vậy, trong quá trình khai thác phải tuân thủ rất chặt chẽ các quy trình khai thác, vận chuyển để tránh việc rơi vãi lớp đất màu mỡ phía trên.
 
Khu đất đang được trồng thử nghiệm một số loại cây như bạch đàn, keo, thông...  

Bay lên trời, thấm xuống đất

Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là nhà máy tuyển quặng. Nơi đây máy móc chạy ầm ầm, ở nhiều chỗ nước lép bép nơi lối đi. Sau khi được tuyển rửa, quặng tinh sẽ được đưa về nhà máy sản xuất alumin. Bùn thải quặng đuôi sẽ được đưa vào bể chứa. Sau một thời gian, bùn sẽ lắng xuống. Phần nước phía trên sẽ được tuần hoàn, tái sử dụng vào quá trình tuyển quặng. Còn bùn thải lắng ở phía dưới sẽ được đưa ra bãi thải nằm cách đó không xa. 

Rời nhà máy tuyển quặng chúng tôi đi tiếp tới khu vực chứa bùn đỏ và nhà máy sản xuất alumin. Theo ghi nhận của chúng tôi khu chứa bùn đỏ đã xây xong 2 ô và khá kiên cố. Bùn đỏ đã được đổ vào ô thứ nhất, ô thứ 2 là ô dự phòng. Theo ông Lê Việt Quang, bùn đỏ mới được thải ra không lâu. Dưới cái nắng Tây Nguyên bùn đỏ đã bắt đầu khô. 

Đây là khu vực vừa mới khai thác, đất phủ đã được lấp trở lại để chờ trồng cây. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Cảng, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Bảo Lâm, cho biết, người dân ở đây đều nhất trí với việc xây dựng dự án. Thực tế, dự án mang lại một số điểm tích cực giúp giải quyết việc làm, tạo ra hệ thống dịch vụ, tăng nguồn thu nhập cho địa phương... Tuy nhiên, ông Cảng lại tỏ ra lo lắng về vấn đề môi trường. 

Theo ông Cảng thì không khí, tiếng ồn, nước ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Mặc dù chưa có đánh giá cụ thể nào nhưng bằng cảm quan có thể cảm nhận được. Đầu tiên là về rừng, khi khai thác dự án sẽ động đến rừng. Thứ nữa là tiếng ồn, thời kỳ đầu nhà máy cũng tạo ra tiếng ồn, giờ thì đã giảm nhưng giao thông với lưu lượng xe cộ vào, ra lớn cũng gây ra tiếng ồn... Để dẫn chứng ông Cảng đưa ra ví dụ, mấy năm trước khi chủ đầu tư nhập xút về, bao bì chưa kịp xử lý thì mưa xuống, xút theo nước mưa chảy ra môi trường làm ảnh hưởng tới vài hộ dân cạnh đó khiến họ rất bức xúc.

Toàn cảnh nhà máy tuyển Tân Rai. 

Đặc biệt, ông Cảng cũng bày tỏ sự lo ngại về hồ bùn đỏ. Theo ông, hồ bùn đỏ tích nhiều, các hóa chất trong đó có thể phát tán ra không khí. Ngoài ra là  nguồn nước. Mặc dù chủ đầu tư cố gắng thiết kế hoàn thiện hồ bùn đỏ không thẩm thấu xuống đất, nhưng người dân cũng lo ngại sẽ không khắc phục hoàn toàn được. 

Tháng 9 sẽ vận hành chính thức

Tại nhà máy sản xuất alumin, alumin có màu trắng được đóng trong những bao lớn, phủ bạt xếp thành những đống nằm la liệt giữa các lối đi. Ông Lê Việt Quang cho biết, trong 3 tháng kể từ tháng 6 dự án sẽ bàn giao từng phần theo hợp đồng EPC. Dự kiến tháng 9 sẽ bắt đầu vận hành chính thức. Như vậy ước lượng dự án chậm so với kế hoạch ban đầu là gần 2 năm, nếu trừ đi những tháng mùa mưa thì mất 1 năm. 

Alumin đã được xếp đống phủ bạt chờ xuất. 

Theo ông Quang, một trong số những nguyên nhân làm chậm tiến độ là do điều chỉnh thiết kế hồ bùn đỏ. Khi sự cố vỡ đập hồ bùn đỏ ở Hungary, Bộ Công thương đã yêu cầu điều chỉnh lại và tái thẩm định lại hồ bùn đỏ. Một nguyên nhân nữa dẫn đến chậm dự án là do không lường trước được mùa mưa ở Tây nguyên. Từ tháng 7 - 9 mưa cả ngày không làm được... 

- Ông Lê Việt Quang cho biết, mưa cũng không thể làm bùn đỏ rã ra vì đã có hệ thống tách nước mưa. Theo thiết kế, mỗi hồ sẽ chứa được bùn đỏ trong vòng 2 năm. Các hồ số 3, 4... sẽ tiếp tục được xây dựng trong thời gian tới.

- Theo ông Phạm Quang Tú, khi hoàn thổ, đất chưa kịp kết dính và cây con vừa mới trồng xuống chưa kịp có tán để che cho lớp đất phía dưới thì mưa xuống. Mưa Tây Nguyên rất lớn sẽ dẫn đến rửa trôi. 

TIN BÀI LIÊN QUAN

Sơn Hà

Bình luận(0)