Phòng chống mại dâm... chỉ nghe báo cáo: có nên làm?

Google News

(Kiến Thức) - "Chỉ cần vi hành trong địa phương như Đồ Sơn và Quất Lâm… sẽ thấy ngay, người mua dâm hoàn toàn tìm ra nơi bán dâm", PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp khẳng định.

Trao đổi với Kiến Thức xung quanh vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp, nhìn nhận: “Hoạt động mại dâm là câu chuyện muôn thuở mà phần đông các nước trên thế giới, dù phát triển hay chậm phát triển đều có. Đây là vấn đề xã hội nói chung của cả loài người. Nhu cầu sinh lý là nhu cầu bình thường của con người như những nhu cầu khác: ăn, uống, giải trí... Nhưng cuộc sống vốn phức tạp và đa dạng, không phải có lúc nào và khi nào cũng có vợ chồng bên cạnh và đồng thuận giải quyết quan hệ này. Xã hội phương Đông chịu ảnh hưởng của Nho giáo đã quy chiếu quan hệ tình dục thành phạm trù đạo đức. Ai có hành vi mua dâm bán dâm bị xã hội lên án, thậm chí xử lý bằng các biện pháp dã man”.

 Hoạt động mại dâm ở Đồ Sơn vẫn diễn ra công khai.

Ông Tiệp đánh giá, thực tế xã hội Việt Nam hiện nay khi tiếp nhận những giá trị mới về con người thì quan niệm này đã thay đổi, nhưng còn "thâm căn cố đế" ở một số người, ngay cả những người có chức có quyền. Bây giờ không chỉ có mại dâm nữ mà có cả mại dâm nam, vì nhiều phụ nữ cũng có nhu cầu giải quyết sinh lý. Hoạt động mại dâm trở nên sống động trong nền kinh tế thị trường và toàn cầu hoá, nhất là những thành phố lớn và trung tâm hoạt động du lịch.

PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp gay gắt nói: “Chỉ cần vi hành trong địa phương như Đồ Sơn và Quất Lâm… sẽ thấy ngay, người mua dâm hoàn toàn tìm ra nơi bán dâm. Chẳng lẽ, chính quyền, công an, nhất là Phòng Chính sách phòng chống mại dâm, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) là cơ quan phụ trách về vấn đề này lại không thấy. Thế thì sinh ra cơ quan này để làm gì. Căn cứ vào báo cáo của chính quyền địa phương ư? Rất ít ai nói lên sự thật vì "bệnh thành tích" mà người ta sẵn sàng nói dối, kể cả cơ quan công quyền”.

 PGS. TS Nguyễn Văn Tiệp.

“Xử lý vấn đề hoạt động mại dâm ở Việt Nam hết sức phức tạp. Quan niệm về vấn đề này chưa có sự đồng thuận từ các cơ quan công quyền: luật pháp, công an, chính quyền và các đoàn thể xã hội. Nhưng không thể vì thế mà lảng tránh với những lý do không chính đáng và không thuyết phục như Cục Phòng chống tệ nạn xã hội nêu ra là số liệu thống kê không đầy đủ, báo cáo lên trên nói không có... Không thể đổ thừa cho lý do trên dẫn đến hành vi tắc trách. Chính quyền không trực tiếp quản lý và có chính sách cụ thể thì đương nhiên hoạt động mại dâm phải ẩn núp dưới những hình thức khác và như thế, làm sao thống kê chính xác", ông Tiệp lý lẽ.

Cũng theo đề nghị của PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp, Chính phủ đã giao cho một cơ quan chức năng là Phòng Chính sách phòng chống mại dâm, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội đảm nhận công việc này thì không có lý do gì để thoái thác. Đây là cơ quan xây dựng chính sách và phối hợp với các cơ quan hữu quan khác để giải quyết một vấn nạn xã hội hiện nay mà nạn mãi dâm không phải không có, đã bùng phát gây hậu quả xấu về mặt xã hội mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin

Chung quan điểm, TS Nguyễn Ngọc Mai,  PGĐ Trung tâm Tư vấn đào tạo Kỹ năng, Viện Nghiên cứu con người (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, không địa phương nào lại khẳng định ở địa phương đó có tệ nạn mại dâm. Quan trọng là cách quản lý của cơ quan chức năng ở khu vực đó ra sao?

“Hiện nay, nước ta không coi mại dâm là một nghề nên không ứng xử với nó như là một nghề. Các cơ quan quản lý như Phòng Chính sách phòng chống mại dâm phải có bằng chứng thì họ mới kết luận ở địa phương đó có mại dâm hay không? Trong khi đó không địa phương nào lại báo cáo có tình trạng mại dâm đang diễn ra. Cần xem lại cách quản lý của cơ quan phòng chống mại dâm ở địa phương đó, họ quản lý như thế nào? Có hiệu quả hay không? Nếu thực trạng mại dâm vẫn diễn ra thì cách quản lý ở địa phương đó chưa phát huy hiệu quả. Để quản lý tốt vấn đề mại dâm thì cần có những phương thức sao cho phù hợp với từng địa phương đó”, TS Nguyễn Ngọc Mai gợi ý.

TIN LIÊN QUAN

ĐANG ĐỌC NHIỀU


Thiên Hải

Bình luận(0)