“Sợ thang máy” sau những tai nạn liên tiếp

Google News

(Kiến Thức) - Các vụ tai nạn thang máy xảy ra bất ngờ trong lao động cũng như sinh hoạt khiến nhiều người phát sợ khi sử dụng phương tiện này.

Hãi hùng tai nạn thang máy

Sớm ngày 18/5, tại công trình xây dựng toà nhà CT10, khu đô thị Đại Thanh (đường Phan Trọng Tuệ, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) đã xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khiến 3 công nhân tử vong. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, trong quá trình lao động, 3 công nhân trên sử dụng thang máy đã bị tụt chốt an toàn nên rơi từ tầng 18 xuống đất, gây tử vong.

Nơi xảy ra vụ tai nạn thang máy tại khu đô thị Đại Thanh sáng ngày 18/5.

Trước đây, một vụ tai nạn lao động do đứt cáp thang máy xảy ra ngày 3/10/2011, tại công trình thi công khách sạn Cồn Khương (thuộc khu vực Cồn Khương, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) cũng khiến 3 công nhân tử nạn. 

Vào hôm đó, các công nhân bắt đầu khởi động thang vận để chuyển gạch ống lên các tầng cao. Có 5 công nhân leo lên thang vận chuyển gạch để “đi nhờ” lên các tầng cao. Khi thang đến tầng 3 thì bất ngờ dây cáp bị đứt và thang rơi xuống đất khiến một người tử vong tại chỗ, hai nạn nhân khác tử vong tại Bệnh viên Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Trưa ngày 11/9/2012 tại Công ty may công nghiệp MyungShinVina, thuộc khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (Bình Dương) cũng xảy ra vụ tai nạn khiến hai công nhân trọng thương. Nạn nhân là chị Phùng Thị Tuyết Mai (SN 1976) bị thương phần cột sống, anh Phan Thanh Sĩ (SN 1982) bị chấn thương đốt sống cổ và tổn thương vùng đầu. 

Nạn nhân Mai kể lại: “Chúng tôi vừa bước vào thang máy tầng 3 thì xảy ra sự cố. Sau đó, thang máy rơi xuống tầng 2 rồi đứng lại một lúc. Chúng tôi đã bấm chuông cầu cứu bên ngoài, tuy nhiên thang tiếp tục rơi tự do xuống tầng hầm”.

Tháng 10/2010, tại một công trường xây dựng ở Đống Đa - Hà Nội cũng xảy ra vụ việc thang máy chở 2 công nhân bất ngờ đứt cáp khi lên đến tầng 6. Hậu quả, hai công nhân bị thương nặng do thang rơi thẳng xuống đất.

Ngày 14/5/2006, tại công trình xây dựng 70-72 Bà Triệu (Hà Nội) xảy ra một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. 5 công nhân xây dựng đang đứng trong thang máy vận chuyển từ tầng 15 xuống đất, đến tầng 10 thì thang máy gặp sự cố về điện, thang rơi tự do từ tầng 10 xuống đất khiến cả 5 công nhân bị thương phải vào bệnh viện cấp cứu. 5 công nhân gồm: Khúc Mạnh Thắng bị gãy chân trái và gãy tay phải; Hoàng Văn Nhã bị vỡ đốt sống, vỡ mắt cá chân phải; Khổng Văn Tuân  bị vỡ gãy đốt sống, liệt hai chân; Hoàng Văn Tích bị gãy vỡ đốt sống, chấn thương hàm mặt và Nguyễn Văn Vinh, bị vỡ xẹp đốt sống, liệt hai chân.

Không chỉ gặp sự cố khi đang thi công, một số công trình đi vào sử dụng cũng xảy ra tai nạn liên quan đến thang máy. 

Sự cố thang máy tại chung cư CT3 Constrexim (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến một người chết. Nạn nhân là ông Nguyễn Văn Hòa (56 tuổi, ở Thụy Khuê, Hà Nội). 
 
Theo điều từ cơ quan chức năng, vào thời điểm xảy ra tại nạn, ông Hòa ở trong thang máy, đang vận hành đến lưng chừng tầng 4 thì đột ngột dừng do mất điện. Ở bên trong, ông Hòa phát tín hiệu cứu hộ và nhận được sự trợ giúp từ bên ngoài của bảo vệ tòa chung cư này. Sau khi mở được cửa thang máy, thấy sàn của thang máy cách sàn nhà tầng 4 hơn một mét, hai bảo vệ hỏi nạn nhân có xuống được không. Ông Hòa liền tụt xuống và bị mất thăng bằng, ngã xuống hố thang máy, rơi xuống đất, tử vong.
 
Tháng 6/2010, một giám đốc ngân hàng tại Khánh Hòa cũng tử vong vì sự cố thang máy. Thang máy lên đến nơi đã không dừng lại mà vẫn tiếp tục đi lên rồi đột ngột đi xuống. Sự cố bất thường khiến bà giám đốc này hoảng hốt lao ra khỏi cửa thang máy, ngã và bị trần thang máy ép vào tường, gây chấn thương nặng dẫn đến tử vong.
 
Tại máy hay tại người?

Từ những vụ việc trên cho thấy an toàn lao động bị xem nhẹ, người lao động luôn đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Thống kê mới đây của Cục An toàn lao động, năm 2012 cả nước xảy ra gần 6.800 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 6967 người bị nạn, làm chết 606 người, bị thương nặng 1470 người. 

Với các vụ tai nạn lao động liên quan đến thang máy, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính do người quản lý lao động và bản thân người lao động chủ quan, lơ là công tác bảo hộ.

Các vụ tai nạn do thang máy đều lỗi của người và máy. Ảnh minh họa

Thực tế hiện nay do nhiều doanh nghiệp muốn tiết kiệm chi phí nên đã cắt giảm các khâu mua sắm trang thiết bị bảo hộ cho người lao động. Hầu hết các doanh nghiệp khi bị thanh tra đều mắc phải các lỗi như: người lao động làm việc trong môi trường ô nhiễm lại không được trang bị mặt nạ chống độc, không thắt dây an toàn, không đội mũ bảo hộ, không khám sức khỏe định kỳ cho công nhân… Đặc biệt là việc sử dụng lao động thiếu chuyên môn trong lĩnh vực về điện, hàn.

Bên cạnh việc các doanh nghiệp làm sai thì chính người lao động cũng chủ quan. Khi thấy chủ công ty, doanh nghiệp không trang bị bảo hộ lao động thì chính người lao động không yêu cầu hay trình báo, dẫn đến nguy hiểm tính mạng khi làm việc.

Điều đáng nói, các doanh nghiệp, công ty hiện nay có khá nhiều hình thức đối phó khi có đoàn thanh tra đến.

Liên quan đến các vụ tai nạn thang máy ở chung cư cao tầng, ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó giám đốc Công ty thang máy Gia Phát, người đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm nghề cho rằng có nhiều nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn nhưng trước hết cần xem xét về những lỗi sơ đẳng trong công tác cứu hộ khi thang máy gặp sự cố.
 
“Thông thường, bất kỳ loại thang máy nào, dù cao cấp hay bình dân, cũng được trang bị bình ắc quy cứu hộ. Khi có sự cố mất điện, ngay lập tức bình ắc quy sẽ được vận hành để thang máy di chuyển về sàn tầng gần nhất. Trong trường hợp bất thường, thang máy bị treo lửng giữa hai tầng, nhân viên cứu hộ bên ngoài phải lên phòng điều khiển thang máy, dùng tay quay máy kéo đưa phòng thang đến tầng gần nhất. Trước khi quay phòng thang di chuyển, phải thông báo cho những người bên trong để tránh sự hoảng sợ do thang đột ngột hoạt động, sau đó mới mở cửa từ bên ngoài để giải phóng khách bị kẹt”, “Ông Khánh phân tích:

Cũng theo ông Khánh, không ít trường hợp, để tiết kiệm chi phí hoặc do thiếu trách nhiệm, đơn vị quản lý bỏ qua việc bảo dưỡng định kỳ, chữa hoặc thay thế những chi tiết bị hỏng của thang máy trong quá trình hoạt động kéo dài. Trong khi đó, chỉ một lỗi nhỏ ở bộ phận điều khiển cánh cửa thang máy như chập mạch, bụi bẩn ở bộ phận điều khiển hoặc có chướng ngại vật trong thanh ray ở thành cửa cũng khiến cửa thang máy không thể đóng được hoặc mở ra bất ngờ trong quá trình đang vận hành.

Một nhân viên kinh doanh nhiều năm ở một đơn vị cung cấp, lắp đặt thang máy tại Hà Nội cũng tiết lộ thị trường mặt hàng này hiện cũng cảnh “thượng vàng hạ cám”. Các công ty cung cấp thiết bị cạnh tranh gay gắt. Giá một thang máy nhập khẩu loại tốt dùng cho 11 tầng thường dao động khoảng 60.000 USD (1,2 - 1,3 tỷ đồng). Tuy nhiên, nhiều đơn vị cung cấp cũng có thể đáp ứng yêu cầu với mức giá chỉ bằng một nửa.

TIN BÀI ĐỌC NHIỀU


Thuần Lương (T.H)

Bình luận(0)