Truy đuổi, nổ súng vào dân: Cái chân chạy trước cái đầu

Google News

(Kiến Thức) - Đó là quan điểm của luật sư Lê Đức Tiết về việc lực lượng chức năng truy đuổi đến cùng người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm. 

Hạ sách

Gần đây, truyền thông liên tiếp đưa tin về những vụ việc người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm bị lực lượng chức năng truy đuổi đến cùng, thậm chí có trường hợp bị công an xã nổ súng như ở Pleiku, Gia Lai. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Cá nhân tôi cho rằng, việc lực lượng chức năng truy đuổi người tham gia giao thông như thế, dù với bất kể lý do nào thì cũng đều là hạ sách. Nó càng không thể chấp nhận được khi dùng súng bắn trong lúc truy đuổi người vi phạm mà hành vi vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính. 

Vì sao ông lại cho đó là cách làm hạ sách? 

Bởi lẽ, việc cảnh sát giao thông dùng lưới vây chụp hoặc dùng xe phân khối lớn lao ầm ầm đuổi theo một người chỉ vì họ không đội mũ bảo hiểm gây nên sự náo loạn không đáng có và làm mất thiện cảm của người dân. Chưa kể, du khách sẽ nghĩ thế nào về một Hà Nội đã được công nhận là “Thành phố vì hòa bình”? Thêm nữa, việc truy đuổi giữa thành phố đông đúc sẽ gây ra hiểm họa khôn lường về sức khoẻ, tính mạng cho người bị đuổi, những người xung quanh, thậm chí cả với người đuổi bắt.

Luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Không thể “đánh đồng” người vi phạm

Theo ông thì việc người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm phải trốn chạy lực lượng chức năng nói lên điều gì?

Có thể người ta đang chở hàng lậu, hàng cấm trong xe, cũng có thể sợ bị làm luật, sợ bị phạt. 

Nghĩa là, người ta bỏ chạy không đơn thuần vì thiếu cái mũ bảo hiểm?

Đúng. Cũng cần nói thêm rằng, xã hội đồng tình với việc công an phải mạnh tay, cương quyết với những kẻ buôn bán hàng cấm (ma túy, pháo nổ...) nhưng phải bằng những biện pháp khéo léo, văn minh, không ồn ào. Công an càng không thể “đánh đồng” các biện pháp đối với những kẻ buôn bán hàng cấm với những người mà hành vi vi phạm đơn thuần chỉ là việc thiếu cái mũ bảo hiểm đội trên đầu. 

Ông vừa nói việc truy đuổi người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm là “hạ sách”. Nhưng cách làm ấy ít ra cũng phát hiện, bắt giữ được những kẻ buôn bán hàng cấm đấy chứ!

Đương nhiên. Nhưng tại sao lại cứ phải là đuổi bắt? Có nhiều cách khác hay hơn, hiệu quả hơn kia mà. Ví như anh có thể lập các chốt chặn chứ. Tóm lại, tôi cho rằng việc truy đuổi người vi phạm luật giao thông như thế là không thể chấp nhận được!

Làm gì có chuyện khuyên nhủ

Nói gì thì nói, nếu như người tham gia giao thông chấp hành nghiêm pháp luật thì làm gì có chuyện bị đuổi bắt nữa?

Đúng vậy. Thế nhưng, xã hội cũng nói nhiều đến tình trạng công an làm luật với lái xe. Có những nơi biển báo giao thông được cắm ở chỗ khó nhận ra hoặc thay đổi biển cấm mà người tham gia giao thông chưa kịp biết. Người điều khiển giao thông mật phục ở chỗ kín rồi xông ra bắt phạt. Người vi phạm bỏ chạy trong trường hợp này là do sợ bị phạt chứ không phải và không nên buộc họ vào tội “chống người thi hành công vụ”. Đã có những công an khi biết người vi phạm không cố ý thì nhẹ nhàng khuyên bảo rồi cho đi đấy thôi. 

Thật khó để có thể liên tưởng rằng, những người thực thi công vụ đuổi bằng được người không đội mũ bảo hiểm chỉ để khuyên nhủ người ta nên chấp hành pháp luật!

Làm gì có chuyện đó! Nếu đã thật sự có ý định khuyên nhủ thì người ta đã chẳng truy đuổi đến cùng như thế.

Và liệu vấn đề có nằm ở chỗ mấy trăm nghìn tiền phạt không hay người ta cũng có những động cơ không dễ tiết lộ?

Động cơ để họ đuổi bằng được người vi phạm là gì, tôi không rõ. Nhưng như báo chí cũng từng đưa tin người ta có chỉ tiêu phạt cơ mà. Có thể do áp lực về chỉ tiêu chăng?!

Ông nhìn nhận thế nào về sự tồn tại của những cái chỉ tiêu ấy?

Đó là những chỉ tiêu trái pháp luật! 

Thế mà nó vẫn tồn tại?

(Cười) Cái đó phải hỏi những nhà quản lý. 

Có trách thì trách lãnh đạo

Người ta đã từng có ý định trao quyền nổ súng trực tiếp cho người thi hành công vụ vào người chống đối đấy, thưa ông! Gắn với việc truy đuổi người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm như bây giờ thì không hiểu việc trao quyền ấy rồi sẽ thế nào?

Cách làm ấy cực nguy hiểm. Làm thế chẳng khác nào để cho cái chân chạy trước cái đầu. 

“Cái chân chạy trước cái đầu”? Ông định ám chỉ điều gì?

Thì đấy, việc đuổi bằng được người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm chẳng khác nào thấy nhà dột chỗ nào thì đi lợp lại chỗ ấy. Nó chỉ là giải pháp tình thế mà thôi, không thể có hiệu quả lâu dài được. Hiệu quả ấy, muốn có thì phải từ cái đầu của sự hoạch định mà ra.

Nói thế nghĩa là ông đang “buộc tội” người ta không dùng đầu để quản lý!

Thực tế đã chứng minh điều đó, tôi không hề suy luận.

Khi cái chân chạy trước cái đầu thì hệ quả của nó là gì?

Là sự đổ vỡ niềm tin, là những quy định đưa ra bị coi là “quy định trên trời” rồi vất xó... Tôi cho rằng, không nên trách những anh cảnh sát, thực thi nhiệm vụ đuổi bắt người vi phạm trên phố mà hãy trách chính những người lãnh đạo, quản lý của họ.

Trách người lãnh đạo?

Đúng vậy. Vì cấp dưới của họ có thể còn hạn chế ở nhận thức, ở sự giáo dục, rèn luyện. Người lãnh đạo phải dùng cái đầu để đưa ra những cách làm, những giải pháp mang tính chiến lược chứ không phải là hối thúc cấp dưới phải hoàn thành những chỉ tiêu nào đó do mình tự nghĩ ra,  kiểu thấy nhà dột chỗ nào thì lợp lại chỗ ấy. 

Theo ông, những giải pháp mang tính chiến lược ấy sẽ là gì?

Đương nhiên vẫn là câu chuyện cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông. Đồng thời phải đẩy mạnh giáo dục ý thức cho cả người dân và người thực thi công vụ. Phải loại bỏ những chỉ tiêu phạt vô lý ra khỏi hoạt động quản lý nhà nước. Quan trọng nhất, hãy để cái đầu chạy trước cái chân!

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện! 

Rạng sáng 21/3, công an và dân quân xã Trà Đa (Pleiku, Gia Lai) đã đập phá, hành hung gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí nổ súng vì người tham gia giao thông... không đội mũ bảo hiểm. Trước đó, ngày 17/3, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động của tổ công tác Y5/141 để phục vụ công tác điều tra khi tổ này bị tố đánh gãy xương gò má người tham gia giao thông cũng vi phạm lỗi trên.

BÀI LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Vũ Thủy (Thực hiện)

Bình luận(0)