Xây Bảo tàng Khoa học: Đừng tư duy nguy hiểm, lãng phí

Google News

(Kiến Thức) - "Làm bảo tàng kiểu Bảo tàng Hà Nội để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long là loại tư duy rất cũ. Đó là tư duy nguy hiểm và rất lãng phí. Nếu không cẩn thận, đổ tiền vào làm bảo tàng rồi chẳng có ai đến thăm", GS.TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ.

Đừng nghĩ đến tiền

Sở KH&CN Đồng Nai đang có dự định xây dựng bảo tàng khoa học trị giá khoảng 60 - 70 triệu USD. Là một người làm bảo tàng, ông nghĩ thế nào về thông tin này?

Theo tôi, cái cần phải trả lời là việc xây bảo tàng có cần thiết không, chứ đừng nghĩ đến số tiền đó là bao nhiêu. Nếu nhu cầu cần phải có, bảo tàng đáp ứng được yêu cầu nâng cao dân trí, mở rộng nhận thức, hiểu biết của người dân về khoa học kỹ thuật thì hàng trăm triệu USD đầu tư cũng đáng. 

Vậy đặt vấn đề xây dựng bảo tàng khoa học trong thời điểm này có cần không?

Tôi rất là mừng trước thông tin này. Vì nhu cầu về bảo tàng khoa học kỹ thuật là rất cần thiết với đất nước ta. Hiện mới chỉ có hệ thống bảo tàng thiên về lịch sử mang tính giáo dục truyền thống chứ chưa có  bảo tàng về khoa học kỹ thuật. Nhu cầu xã hội đang rất cần phát triển loại hình bảo tàng này ở Việt Nam.

Thông qua một bảo tàng để người dân hiểu hơn về KHKT, có tham vọng quá không?

Mỗi một bảo tàng phải xác định rõ mục tiêu của mình, đối tượng công chúng là ai. Mục tiêu của bảo tàng khoa học thì định làm cái gì vì khoa học có vô vàn lĩnh vực, chuyên ngành. 

Tôi đã từng đến thăm một số bảo tàng KHKT. Có nơi để nâng cao hiểu biết về con người người ta làm cả một mô hình vận động của quả tim to bằng cả một phòng trưng bày 50 - 60m2. Người tham quan đi vào bên trong quả tim đó để hiểu sự vận hành của nó. Sự giáo dục trực quan về khoa học như thế thật là tuyệt vời.

Nhưng để xây dựng những bảo tàng tầm cỡ như vậy cũng phải xét đến sự tương xứng với trình độ phát triển kinh tế và khoa học của nước đó?

Thực ra đất nước nào cũng phải vươn đến sự tiến bộ của nền KHKT. Ở Việt Nam hiện nay, KHKT cũng đã vươn đến các ngõ ngách rồi. Con người được hưởng bao thành tựu của khoa học, kỹ thuật nhưng mấy ai hiểu được nguyên lý của chúng. 

GS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
nói về việc dự kiến xây Bảo tàng Khoa học hơn 1.200 tỷ đồng. 

Đó là một kế hoạch khá "lãng mạn" 

Có người nói rằng trong khi nhà khoa học đang thiếu tiền nghiên cứu mà đem 70 triệu USD đi xây bảo tàng thì không hợp lý?
Tôi nghĩ rằng nên nghĩ đến câu chuyện dài hơi, tạo ra là nền tảng giúp cho thế hệ trẻ nâng cao dân trí. Còn tiền bao nhiêu và làm có chất lượng hay không thì là câu chuyện khác. Chúng ta phải tính đến những dự án dài hơi, dự án 10 năm, 20 năm, 30 năm cho một bảo tàng. Phải chia ra nhiều giai đoạn. Vấn đề là tổ chức toàn bộ hệ thống có hiệu quả. Hệ thống đội ngũ cán bộ phải được đào tạo. Nếu không chuẩn bị được đội ngũ các nhà khoa học làm bảo tàng khoa học và kỹ thuật có trình độ cao như thế thì không thể có bảo tàng tốt được.

Ý ông xây dựng bảo tàng khoa học là cần, nhưng quan trọng là cách làm?

Nếu dùng 70 triệu USD xây bảo tàng chỉ với tư duy phổ biến như bây giờ ở những người chủ quản công tác bảo tàng, những người làm bảo tàng hiện nay thì chưa đáng đầu tư. Chỉ nên làm bảo tàng KHKT với một tư duy hoàn toàn mới so với hiện nay.

Cụ thể của cái tư duy cũ mà ông nói đến là gì?

Đó là tư duy nhiệm kỳ, tư duy ăn xổi phục vụ các ngày kỷ niệm, để báo cáo thành tích. Làm bảo tàng kiểu bảo tàng Hà Nội để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long là loại tư duy rất cũ. Đó là tư duy nguy hiểm và rất lãng phí. Còn nếu cố làm mà vẫn đội ngũ đó, con người đó, tư duy đó... thì làm sao mà có được bảo tàng tốt được. Nếu không có tư duy mới thì hàng chục năm nữa cũng không làm được đâu.

Theo kế hoạch thì Bảo tàng Khoa học Đồng Nai sẽ khởi công năm 2015 và hoàn thành năm 2018?

Đó là một kế hoạch khá "lãng mạn". Giờ chưa chuẩn bị gì cả thì làm sao mà ra được bảo tàng trong 5 năm nữa? Đó chính là kiểu tư duy nhiệm kỳ. Tính từ lúc có ý tưởng thì phải mất ít nhất là 10 năm mới cho ra được bảo tàng theo đúng nghĩa. Bảo tàng Dân tộc học tôi phải chuẩn bị mất 15 - 20 năm mới hoàn thành.

Để có một bảo tàng KHKT theo đúng nghĩa thì từ bây giờ phải làm gì ạ?

Để chục năm nữa có được bảo tàng thì ngay từ bây giờ đã phải hoạch định được định hướng nội dung trưng bày; có kế hoạch nghiên cứu, sưu tầm tài liệu rồi. Để khi khai trương trưng bày mới có cái để bày, có câu chuyện để kể. Đừng để như Bảo tàng Hà Nội, làm xong ngôi nhà rồi lại không có cái gì để bày cả.

Đếm trên đầu ngón tay bảo tàng có khách

Là người làm về bảo tàng thì theo ông, hiện nay các bảo tàng ở Việt Nam đã làm được đúng vai trò của mình?

Vừa rồi tôi đi một loạt bảo tàng của các địa phương thì thấy cái thực hành của các bảo tàng quá yếu. Nhận thức về bảo tàng từ lãnh đạo các địa phương đến các bộ ngành cũng không được đúng. Vì thế mà vai trò của bảo tàng trên lý thuyết thì quan trọng nhưng về thực tế thì nó không đạt được. 

Theo nhìn nhận của tôi thì đa số bảo tàng dường như chỉ để bảo tồn?

Hiện nay, cả hệ thống bảo tàng chuyển động rất là chậm chạp. Đếm trên đầu ngón tay các bảo tàng có khách. Chỉ một vài như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Chứng tính chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử Quân sự, Phòng không Không quân. Còn lại hầu hết các bảo tàng là lượng khách rất hạn chế, có bảo tàng gần như không có người đến thăm. 

Hiện chúng ta có bao nhiêu bảo tàng ạ?

Hiện có khoảng dưới 130 bảo tàng.

Rõ ràng là một sự lãng phí?

Quá lãng phí. Ví dụ, Hà Nội cố xây bằng được Bảo tàng Hà Nội để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, nhưng đến giờ vẫn cứ loay hoay với trưng bày. Nó có rất nhiều vấn đề như về năng lực của người làm, số lượng hiện vật, thông tin và câu chuyện về các hiện vật  và cả cách thức tổ chức trưng bày.

Sưu tầm hiện vật trong lĩnh vực khác đã khó, trong khoa học hẳn là càng khó hơn?

Khó lắm. Việc sưu tầm mẫu vật hay xây dựng các mô hình đều không đơn giản một chút nào. Những bảo tàng như thế thường là những dự án dài hơi đến mươi mười lăm năm. Tôi cho rằng muốn làm được thì phải ưu tiên xây dựng đội ngũ, đào tạo nhân lực cho loại bảo tàng này. Họ là những nhà khoa học có trình độ cao làm bảo tàng, người làm bảo tàng phải am hiểu khoa học thì mới vận hành được  một bảo tàng rất chuyên ngành như thế.

Vậy là để có một bảo tàng khoa học đúng nghĩa cần đến rất nhiều thời gian nữa?

Ở đây người ta mới hình thành ý tưởng, nhưng biến nó thành hiện thực đẹp thì còn rất nhiều thách thức. Còn nếu xây dựng xong rồi lại biến nó thành một bảo tàng giống như tình trạng nhiều bảo tàng khác hiện nay thì là một sự lãng phí ghê gớm. Nhưng không phải vì thế mà ngăn cản ý tưởng này.

Xin cảm ơn ông!
Hiện nay, hầu hết các tỉnh đều có bảo tàng nhưng hầu hết chất lượng rất kém và không ai đi xem cả. Chất lượng kém phụ thuộc vào nhiều chuyện. Đầu tư không đáng kể, cơ sở vật chất thì không có. Rồi cứ đến ngày lễ mới có hoạt động. Nếu làm thế thì không ai đi xem cả. Vì thế, phải thay đổi hoàn toàn tư duy về bảo tàng.

TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU

Tô Hội (thực hiện)

Bình luận(0)