Chuyện CSGT không phải ở cái bụng to

Google News

(Kiến Thức) - "Nếu cảnh sát giao thông (CSGT) chỉ nhăm nhăm tìm lỗi để phạt thì dù không có ai bụng phệ, đội hình đẹp thì hình ảnh người CSGT cũng khó mà đẹp được", TS Hoàng Ngọc Giao chia sẻ.

Chuyện không ở cái bụng to

Ông nghĩ thế nào về quy định những CSGT có vòng bụng quá to, ngoại hình thấp bé sẽ được chuyển vào xử lý các công việc văn phòng thay vì hướng dẫn và xử lý vi phạm?

Tôi rất hoan nghênh nỗ lực của lực lượng công an mong muốn làm đẹp hình ảnh của người CSGT. Gần đây, việc quy định điều chuyển một số nữ CSGT điều khiển ngoài đường rõ ràng đã có tác dụng. Việc điều chuyển cảnh sát bụng to để làm đẹp hình ảnh người CSGT phù hợp với những quy định của pháp luật. Nhưng theo tôi, việc điều chuyển các chiến sĩ CSGT bụng to làm việc trong văn phòng có lẽ chỉ giải quyết được một phần nào đó thôi. 

Một phần nào đó là sao thưa ông?

Không biết trong lực lượng cảnh sát ở ta thì thế nào nhưng một số nước, CSGT phải đi kiểm tra thể lực định kỳ. Nếu không đạt chuẩn thì không được tác nghiệp. Về nghiệp vụ, thường xuyên kiểm tra, nếu không đạt điểm tối thiểu theo yêu cầu thì cũng không được tác nghiệp. Nghĩa là cả về thể  lực và chuyên môn đều phải được kiểm tra thường xuyên, định kỳ. Chúng ta dường như không kiểm tra thể lực thường xuyên, định kỳ nên mới phát sinh vấn đề bụng to. Mà hình ảnh của CSGT đẹp hay không, không nằm ở hình thức của họ.

Vậy cái đẹp nằm ở đâu ạ?

Sẽ là hình ảnh đẹp nhất nếu chống được tham nhũng trong lực lượng. Xử phạt nghiêm minh, có lý có tình, giao tiếp với người dân thân thiện. Đừng cứ nhăm nhăm tìm lỗi của người ta để phạt. Cứ đè dân ra mà phạt thì hình ảnh đẹp thế nào được. Câu chuyện nó không nằm ở cái bụng to.

Nhưng nhiệm vụ của CSGT là bắt lỗi và xử phạt?

Không phải vậy, nhưng dường như CSGT hiện nay chỉ rình bắt lỗi để phạt. Khi người nào có quan hệ "rất to", gặp người quen, đồng nghiệp... thì thôi, lại cho qua. Như thế không nghiêm minh, không công bằng, tạo điều kiện cho tham nhũng. Còn dưới con mắt của người dân thì một loạt các sự việc xảy ra như cảnh sát hành hung dân, cảnh sát bắt chẹt dân, dọa dẫm dân... thì không thể có hình ảnh đẹp được.

TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách,
Pháp luật và Phát triển. 

Người chuẩn mà ăn tiền thì...

Chắc hẳn hình ảnh một CSGT bụng to bệ vệ điều khiển giao thông dễ khiến người ta liên tưởng đến những điều không hay?

Hình ảnh đó hiện nay sẽ khiến người ta nghĩ đến tiêu cực hơn là tích cực. Một là trông anh chàng này chắc là thường xuyên nhậu nhẹt, bia bọt đây. Hai là khả năng chạy, vận động của anh này chắc cũng kém. Để đuổi theo người vi phạm thì chắc là cũng mệt đây. Do đó, giải quyết vấn đề gốc rễ là phải tổ chức thi hay là sát hạch về thể chất, sức khoẻ của CSGT, phải đạt chuẩn thì mới tiếp tục làm nhiệm vụ.

Nghĩa là dù bụng to nhưng đạt tiêu chuẩn sức khoẻ thì vẫn làm việc bình thường?

Đúng thế, đó chỉ là câu chuyện thể lực thôi. Hoàn toàn không phải câu chuyện hình ảnh. Một anh bụng to mà tác phong đàng hoàng chững chạc, ứng xử ôn hòa, không bắt chẹt dân... thì vẫn cứ là một hình ảnh rất đẹp. Còn một anh trông rất to cao vạm vỡ đẹp trai sáng ngời mà hách dịch, quát tháo, ăn tiền... thì rõ ràng là không thể đẹp được.

Chắc hẳn, đó cũng điều người dân mong mỏi?

Đó mới là những cái quan trọng. Thế nhưng, việc lực lượng CSGT bắt đầu nghĩ đến hình ảnh của mình thì cũng là rất đáng hoan nghênh rồi. Chứ trước đây, họ làm việc như thế, hạnh họe dân như thế, thì chắc là vì họ chưa nghĩ đến hình ảnh của mình trong mắt người dân như thế nào. 

Vì sao bây giờ họ lại quan tâm đến hình ảnh ạ?

Vì trong thực tế thì hình ảnh của họ không được đẹp lắm. Cứ phỏng vấn ngẫu nhiên người dân về hình ảnh của CSGT thế nào là thấy ngay. Đa phần là hách dịch, thái độ trịch thượng, nhiều trường hợp không có văn hóa. Tác nghiệp thì mang tính chất soi mói, rình mò để mà bắt, phạt. Giờ muốn xây dựng hình ảnh là phải xây dựng thực chất, về tác phong, đạo đức, chuyên nghiệp, chống tham nhũng mạnh mẽ.

Chả ai dám kiện CSGT

Khi vi phạm giao thông, trong một khung hình phạt thì bao giờ CSGT cũng đưa ra mức cao nhất. Phải chăng như thế mới mang tính răn đe?

Cách xử lý vấn đề như vậy không công minh, không khuyến khích người ta không tái phạm, không khiến dân hiểu pháp luật hơn. Có thể có người có tư duy là cứ phạt thật nặng thì lần sau sẽ không dám nữa, nhưng cái đó sai. Nếu người ta được giảng giải cho hiểu luật, họ sẽ không lặp lại những vi phạm đó nữa. 

CSGT có quyền làm như vậy không thưa ông?

Hiện CSGT có toàn quyền xử phạt dù luật xử phạt vi phạm hành chính có nói rõ là trong trường hợp người bị phạt không đồng tình với việc phạt thì có thể khiếu kiện. Thế nhưng khiếu nại với ai? Nếu tôi muốn khiếu nại thì tôi phải nộp đơn trực tiếp cho đơn vị quản lý CSGT đó. Trong nghề bao giờ người ta cũng bao che dung túng cho nhau, đời nào người ta chấp nhận chuyện khiếu nại đó. Mà thời gian khiếu kiện rất khó khăn nên chả ai khiếu kiện. Cùng lắm là ra đến tòa án hành chính, thì cũng mất quá nhiều thời gian và thủ tục. 

Lợi dụng luật để phạt

Thực tế tham gia giao thông tôi thấy, đa phần những người "trông có vẻ hiền lành" thì dễ bị phạt hơn là những người trông đầu gấu, dân chơi. Và những lỗi bị phạt đa phần là rất nhỏ như quên bật đèn xe, quên bật xi nhan...

Có những CSGT núp ở một gốc cây, một ngã rẽ nào đó... thấy người vi phạm là nhô ra tuýt còi phạt. Những người bị phạt đó đa phần là do bất cẩn không để ý chứ không phải cố ý vi phạm. Kiểu phạt đó có thể gọi là lợi dụng luật để phạt.

Trong khi đáng lẽ những trường hợp đó thì nên giáo dục để người dân hiểu luật giống như có địa phương đã làm?

Tôi nhớ có một lần tôi vào Đà Nẵng. Do không quen đường nên tôi lái xe vào đường 1 chiều. Gặp mấy CSGT đứng đó, tôi đã chuẩn bị tinh thần xuống xe để nộp phạt. Nhưng điều làm tôi khá bất ngờ đến ngỡ ngàng là thay vì yêu cầu nộp phạt thì CSGT Đà Nẵng đã tận tình chỉ dẫn đường đi đúng cho tôi. Họ biết tôi không phải là người địa phương nên có thể không thuộc đường. Trường hợp đó, kể cả nộp phạt tôi cũng thấy thoải mái. Nhưng cái cách ứng xử của họ khiến tôi có ấn tượng không thể quên. Đấy, chỉ với cách tác nghiệp như vậy, cử chỉ thân thiện như vậy, hình ảnh CSGT không thể xấu được.

Xin cảm ơn ông!
Công an TP Hà Nội đang đưa ra nhiều quy định nhằm từng bước cải thiện hình ảnh lực lượng này trên từng tuyến phố. Một lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết, theo lộ trình sẽ có khoảng 8 bước để thay đổi hình ảnh cảnh sát giao thông (CSGT) Thủ đô. Những cán bộ có ngoại hình thấp bé, vòng bụng quá to sẽ được chuyển vào xử lý các công việc văn phòng thay vì hướng dẫn và xử lý vi phạm.

TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU

Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(1)

Minh Hiền

hai Nhách

Có CSGT gọi người dân là mày tao nữa chứ,nhất là CSGT người bắc,dù người dân đó không còn nhỏ tuổi.Như vậy người dân không ghét mới lạ?!