Thầy thuốc trẻ tiêu biểu: “Tôi làm không phải vì lương“

Google News

(Kiến Thức) -  "Hãy làm việc không phải vì Bộ Y tế, không phải vì sức ép. Hãy làm việc vì người dân", BS Vũ Quốc Lương, 1 trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu, tâm đắc.

Công tác vì cộng đồng

Chỉ có 10 người được vinh danh trong một năm. Nguyên cớ làm sao mà năm nay anh được trao tặng danh hiệu "Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu"?

(Cười) Tôi được một người bạn trong Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam động viên làm hồ sơ đăng ký xét duyệt. Vậy là tôi làm hồ sơ, và được duyệt. 

Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam có đông hội viên không? Tôi hỏi vì muốn biết anh đã vượt qua bao nhiêu người để đạt danh hiệu này?

Thú thực là tôi cũng không nắm được con số. Nhiều năm qua tôi là bác sĩ ở Bệnh viện Mắt T.Ư, thuộc phòng chỉ đạo tuyến. Tôi làm công tác chỉ đạo tuyến, đi công tác thường xuyên. Khi Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam ra đời, có công việc gì liên quan đến vì cộng đồng mà họ cần mình góp sức là tôi luôn sẵn sàng. Tôi chỉ làm việc chuyên môn liên quan đến cộng đồng, không để tâm lắm đến những điều khác.

Vậy về việc chuyên môn liên quan đến sức khoẻ cộng đồng, anh đã làm gì - cả ở Bệnh viện Mắt T.Ư lẫn ở Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam?

Tôi thường đi mổ với Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam. Chúng tôi có chiếc xe lưu động. Chiếc xe này là của bệnh viện, có từ năm 2007 do Hội doanh nghiệp Nhật Bản cho. Chúng tôi đi xin tiền để có kinh phí mổ cho người bệnh nghèo, dùng xe này đi nhiều tỉnh, đến vùng sâu vùng xa mổ cho bệnh nhân ngay trên xe. Công việc lúc thuộc Bệnh viện Mắt T.Ư, lúc đi theo đoàn Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam. Nói chung, đi kiểu gì thì công việc của tôi cũng vẫn thế: mổ mắt chữa bệnh cho người nghèo.

TS.BS Vũ Quốc Lương, Bệnh viện Mắt T.Ư.

Đi không phải vì tiền

Tôi đã từng nhìn thấy chiếc xe đặc biệt này. Nó rất to, dài, trông như một cái ô tô tải hoặc xe container, màu trắng sạch sẽ...

Đúng vậy. Trong xe có máy phát, bể nước, 2 bàn mổ, máy móc đủ để mổ theo phương pháp Phaco - là phương pháp tiên tiến bây giờ. Năm 2007, chiếc xe đi được 3 - 4 chuyến mổ lưu động. Năm 2008, khi chúng tôi nhận xe, đi xin tiền, liên hệ mổ... đã có khoảng 1.000 ca được phẫu thuật. Năm 2009 được 1.300 ca. Năm 2010 là 1.500 ca. Năm 2011 là 1.800 ca. Năm 2012, kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến việc xin tài trợ nhưng chúng tôi vẫn mổ được 1.800 ca.

Anh nhớ rõ các con số thế?

Thì tôi là người lập quy chế, đi xin tiền và dự trù kinh phí mà. Kinh phí cho một ca mổ là khoảng 1 triệu đồng. Đi xin được 500 triệu đồng thì phải mổ được 500 ca. Nói vậy chứ xin được 500 triệu đồng nhưng thực tế mổ có khi hơn 600 ca đấy. Nhưng cái số hơn thì chẳng cần báo cáo làm gì.

Đi phẫu thuật lưu động có tiền bồi dưỡng không? 

Tôi đi không phải vì tiền, vì tiền bồi dưỡng ít lắm. Mỗi ca được 300.000đ mà chia cho mười mấy người. Quan trọng là khi đi mình làm được nhiều việc. Trước khi có xe lưu động này, tôi đã đi các tỉnh để giúp mọi người với phương pháp mổ ngoài bao rồi. Có cái xe này và phương pháp mổ mới thì giúp được nhiều người hơn.

Chiếc xe lưu động đã cùng các anh đến những đâu?

Thường chúng tôi đến vùng sâu vùng xa, đa số là vùng rừng núi. Chúng tôi đi Lạng Sơn, Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, sang cả Lào phẫu thuật miễn phí... Có lần đi Văn Yên (Yên Bái), giữa đường xe hỏng, về đến huyện lúc 1h sáng, nửa đêm mới được ăn, chữa xe đến 10h tối hôm sau mới xong, lại tiếp tục đi. Sau đó chiếc xe được sửa chữa, tốn đến vài trăm triệu, nay nó lại "ngon" rồi.

Anh có thể kể về một vài chuyến đi đặc biệt mà anh nhớ nhất?

Thực ra, mỗi chuyến đi có một kỷ niệm và những cảm xúc riêng. Mỗi chuyến đi kéo dài 3 - 5 ngày, có lúc 10 ngày. Có lần chúng tôi đi Vụ Quang - Hương Khê - Quảng Xương, mổ 3 ngày ở 3 huyện thuộc 2 tỉnh. Làm như thế rất vất vả bởi cứ mổ xong lại thu dọn máy móc đi đến địa điểm mới và lại mổ. 

Kinh nhất là lần đi Hà Tĩnh đúng đợt bão lụt. Vừa có vụ xe khách bị trôi trên quốc lộ 1 lúc 5h sáng thì 3h chiều chúng tôi vào đến nơi. Chúng tôi phải đi đường tránh đoạn trôi xe để vào huyện Lộc Hà. Đi tránh rồi nhưng nhìn xung quanh mênh mông là biển nước, tôi cũng thấy sợ. Đi vòng vèo mãi mới vào đến bệnh viện huyện. Bệnh nhân sau đó được đưa đến bằng thuyền...

Bác sĩ trẻ nên đi tuyến dưới

Các chuyến đi về cộng đồng cho anh được những điều gì và anh có thấy mất điều gì khi tham gia như vậy?

Tôi từng học bác sĩ nội trú, tức là chui vào bệnh viện học 24/24h. Sau khi mổ thành thạo, tôi chuyển sang học y tế công cộng với thầy nước ngoài. Tôi nhớ thầy đã nói với tôi rằng: "Anh sẽ thấy mổ không quan trọng. Làm phòng chống mù lòa mới giúp được nhiều người. Phải học nhiều và làm dự án để giúp được nhiều người".

Nhiều người bạn, người thầy ở các tổ chức phi chính phủ cũng nói với tôi: "Hãy làm việc không phải vì Bộ Y tế, không phải vì sức ép. Hãy làm việc vì người dân". Tôi cứ suy nghĩ làm thế nào để giúp được nhiều người. Việc về cộng đồng chính là để tôi giúp được nhiều người chưa có điều kiện đến bệnh viện. Còn "mất" à? Cũng thấy mình không được chu toàn với vợ con. Đi công tác có khi nửa đêm mới về, sáng hôm sau lại đi tiếp, con không biết là tối hôm qua bố về. Một năm đưa đón con đi học được 5 - 10 lần là cùng. May là vợ quen rồi, không dỗi (cười).

Anh có cho rằng thầy thuốc trẻ thì nên xung phong đi xuống cộng đồng?

Thực ra, đang có chương trình 1816 (đưa bác sĩ tuyến trên xuống tuyến dưới) nên thầy thuốc trẻ không muốn cũng phải luân phiên đi xuống vùng khó khăn một thời gian. Nếu đi với tâm thế vui vẻ thì thời gian xuống tuyến dưới sẽ thấy có ý nghĩa.

Là một thầy thuốc được tuyên dương trong dịp này, anh có điều gì muốn nhắn nhủ tới các thầy thuốc trẻ khác?

Tôi nghĩ các bạn trẻ phải học tốt thì mới giúp được nhiều người. Phải học nhiều thứ như kiến thức xã hội, hòa nhập cộng đồng, tâm lý... chứ không chỉ học chuyên môn. Khi có các chuyến đi thực tế, bác sĩ trẻ nên tham gia vì mỗi chuyến đi là một lần được học thêm nhiều thứ.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ của mình.

TS.BS Vũ Quốc Lương từng tổ chức hàng ngàn ca phẫu thuật lưu động tại vùng sâu vùng xa các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La... Sau đó, cũng chính anh là người giúp các bệnh nhân hồi phục thị lực nhanh chóng, tái hoà nhập cộng đồng, góp sức cho xã hội. Anh nhiều lần được bằng khen về công tác phòng chống mù lòa.


Hoài Hương (Thực hiện)

Bình luận(0)