Không đối xử bất công bằng giữa dân lập và công lập

Google News

(Kiến Thức) - "Trước nguy cơ nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập có nguy cơ đóng cửa, tôi nghĩ, xây trường mới khó, còn phá thì dễ lắm.

Những bất cập trong cả hệ thống giáo dục, từ khâu đào tạo, sử dụng nhân lực đến các chính sách thu hút và giữ chân người tài đã thể hiện rõ trong thực tế. Đổi mới giáo dục, phải là sự khai thông giữa các khâu: đào tạo và sử dụng.

Có cơ quan kiểm định chất lượng

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho biết, xã hội hóa giáo dục để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là điều cần làm. Nhưng nhìn nhận lại thực trạng giáo dục, các chính sách cho giáo dục, cách sử dụng sản phẩm giáo dục... lại tồn tại những bất cập lớn. Tồn tại lớn nhất là các cơ sở giáo dục ngoài công lập không được đối xử công bằng, không có cơ chế để phát triển. Cho phép đào tạo, nhưng từ quan niệm, luật bất thành văn đến các văn bản quy định cụ thể, lại không sử dụng sản phẩm giáo dục của hệ này. Có sự phân biệt đối xử rõ ràng đối với các bậc học. Đổi mới giáo dục, phải là sự giải phóng cái "gọng kìm" bóp nghẹt giáo dục đại học hiện nay.

Ở một số địa phương còn có những chủ trương chính sách mâu thuẫn với tinh thần Nghị định, không phù hợp với Luật Giáo dục, gây ra những bất lợi không đáng có đối với các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập. Chẳng hạn như ở Đà Nẵng, Nam Định, Hà Nội có những chủ trương từ chối tuyển công chức đối với những đối tượng học tại chức, hoặc học ở trường đại học dân lập, tư thục. Việc quy định như vậy là vi phạm Luật Giáo dục. Nhưng nhìn đi phải nhìn lại, vì sao họ lại có quy định đó? Nếu hệ thống giáo dục tại chức, liên thông, trường tư thục... làm đúng chức năng của mình, đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, thì liệu họ có phải đặt ra quy định đó. Mà cho họ đào tạo, nhưng không sử dụng sản phẩm của họ, liệu có phải là cách làm đúng?

Để làm được điều này, phải xây dựng một bộ công cụ tốt để đánh giá chuẩn đầu ra. Có các tiêu chí rõ ràng, có một cơ quan kiểm định độc lập, làm chặt chẽ đầu ra của hệ ĐH, CĐ. Các trường ĐH, CĐ thực hiện tốt sự sàng lọc trong quá trình đào tạo. Có như vậy, chất lượng nguồn nhân lực mới được tăng lên.

Nới lỏng giáo dục ngoài công lập

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đề xuất 7 giải pháp để phát triển giáo dục dựa trên sự phân biệt hệ thống giáo dục công lập và dân lập. Sự bất cập này dẫn đến hệ quả là trường học không có học sinh, học sinh muốn học mà không được học, người được học ra trường không được dùng. Đó là sự lãng phí lớn của cả xã hội. 

Trước tiên là Chính phủ cần có chỉ thị cho các bộ, ngành địa phương rà soát việc thực hiện Nghị định 69 và có chế tài đối với bộ, ngành địa phương chưa thực hiện Nghị định này. Nhà nước cần cung cấp đất sạch, cung cấp đủ tiêu chuẩn, diện tích đất/sinh viên, học sinh cho tất cả các trường, ngoài công lập từ mầm non cho đến đại học, cao đẳng. Ngân hàng chính sách cần cho các trường ngoài công lập vay vốn ưu đãi để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nhà trường, thực hiện miễn thuế cho các trường ngoài công lập cho đến khi trường có lãi. Hỗ trợ học bổng cho những học sinh ở tất cả các bậc học ở các trường ngoài công lập nhất là học sinh nghèo hoặc cận nghèo. Hạn chế việc mở trường mới để tập trung nguồn lực phát triển. Để các trường ĐH, CĐ được tự chủ tuyển sinh, mở rộng đầu vào và thắt chặt đầu ra theo đúng xu thế chung của thế giới. Học sinh tốt nghiệp THPT là có quyền đăng ký vào bất kỳ trường ĐH, CĐ nào theo ý muốn.

"Trước nguy cơ nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập có nguy cơ đóng cửa, tôi nghĩ, xây trường mới khó, còn phá thì dễ lắm. Đã đến lúc cần có một sự khai phóng sức kìm kẹp bấy lâu của ngành giáo dục", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ kết luận. 

Một chuyên gia về quản lý nhân sự ở Học viện Hành chính nói với tôi rằng, không phải ai học tại chức cũng là loại "lềnh phềnh". Có những người vì lý do này lý do khác không thể đi học, đến khi đi làm họ mới có điều kiện học. Họ có năng lực và là người thông minh. Cách tuyển dụng như vậy vừa phạm luật, vừa để lọt người tài.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ

Tô Hội (ghi)

Bình luận(0)