Đức Hải nói về bi kịch thiếu sân chơi cho trẻ

Google News

Nổi tiếng là ông bố yêu con, NSƯT Đức Hải chia sẻ, vợ chồng anh khá đau đầu vì nỗi lo cuối tuần cho con đi đâu, xem gì?

Yêu con và... trăn trở

Là diễn viên, MC, là Tổng giám đốc Thăng Long Media của Công ty Xây dựng - Bất động sản Sông Đà Thăng Long, Phó tổng giám đốc O2TV và là ông bầu rất có duyên…, rất “hot” ở Sài Gòn, nhưng NSƯT Đức Hải ít xuất hiện trên sân khấu. Anh không ngại thể hiện tình yêu với các con và cho biết, thời gian được dành phần lớn cho công việc chăm sóc gia đình. Đức Hải cũng có nỗi lo như bao ông bố bà mẹ khác, cuối tuần cho con đi xem gì, chơi gì. ...Và ước mơ làm một sân khấu cho thiếu nhi từ lâu lại sống dậy trong người đàn ông nổi tiếng yêu con này.

NSUT Đức Hải

NSƯT Đức Hải nổi tiếng là ông bố yêu con và luôn hãnh diện khoe về những đứa con của mình. Anh yêu con đến nỗi, tưởng như ai cũng biết hết tên của những đứa con lau nhau, cùng lứa của anh. Ai gặp Đức Hải cũng cảm nhận thấy tình yêu của anh với các con. Cứ nhắc đến con là Đức Hải xuýt xoa: “Không thể tả hết được, mỗi đứa một tính cách nhưng đáng yêu lắm. Trần Hoàng Hải My là chị cả, cặp sinh ba: Trần Hoàng My (duyên ngầm), Trần Hà My (nhõng nhẽo), Trần Đức Huy (cục cưng), chúng luôn có câu cửa miệng là: “Con yêu bố nhất trên đời!” Thử hỏi có bố mẹ nào mà chả yêu!”.

Yêu đến mụ mị vì con, có giai đoạn ngày nào ra khỏi nhà đi làm, cứ khoảng 9-10h sáng Đức Hải lại thắc thỏm: “Nhớ bọn nhóc quá, nhớ điên…!”. Một thời gian Đức Hải buông hết mọi công việc, ở nhà lập “chiến lược” lo chăm bẵm, nâng niu, dạy dỗ chúng từ đánh răng đến đi vệ sinh, mặc đồ, rồi chơi đồ hàng với chúng bất kể ngày hay đêm… Yêu con như vậy, lại là người nghệ sỹ, làm kịch cho thiếu nhi, anh canh cánh nỗi niềm, không có một sân khấu, một điểm đến cho các em nhỏ trong dịp cuối tuần. “Ở Bắc Kinh (Trung Quốc) có 7 nhà hát cho nhi đồng, Tokyo (Nhật Bản) cũng có 7 nhà hát cho nhi đồng, thế mà Việt Nam với hơn 80 triệu dân, tỷ lệ “tương lai của đất nước” khá đông lại chẳng có nhà hát riêng nào cho thiếu nhi.

Vẫn mong Hà Nội có sân chơi đúng nghĩa cho thiếu nhi

Anh chia sẻ: “Tôi cứ nhìn những nhà hát ở Hà Nội bị bỏ không, bị biến thành quán bia, nơi gửi xe mà đau xót. Trong khi, chúng tôi mong muốn có một rạp hát cho thiếu nhi thì không có. Giá Nhà nước giao cho chúng tôi một rạp bỏ không, đầu tư lại sân khấu, ghế, cửa… rồi cho chúng tôi thuê giá rẻ thì chúng tôi sẽ làm được, sẽ tạo thói quen đưa con đến rạp cho người Hà Nội. Chứ giờ, thuê rạp ở Hà Nội đắt đỏ, chúng tôi lấy đâu lãi để trả tiền điện nước, tiền cho diễn viên”.

Anh bảo làm sân khấu cho thiếu nhi rất khó, rất kỳ công, đặc biệt là không được áp đặt ý nghĩ của người lớn vào cách nghĩ của các em nhỏ và phải rất yêu trẻ. “Ví dụ, khi thực hiện “Câu chuyện thiên nga”, mình viết cảnh cô công chúa út lạc một mình trong rừng, mưa tuyết, đêm tối, các em nhỏ sẽ rất thương công chúa út. Rất ít khi có trường hợp các em nhỏ nghĩ “sân khấu đấy, không phải thật đâu”. Mình phải đặt mình vào các em nhỏ, nghĩ như các em ấy để thực hiện. Nếu nghĩ theo cách của người lớn thì câu chuyện sẽ khô cứng”.

Trong dịp Quốc tế thiếu nhi này, người ta đổ xô vào các chương trình ca nhạc, tạp kỹ thì Đức Hải lại làm hẳn một câu chuyện trên sân khấu với đầu tư kỹ lưỡng từ trang phục đến diễn xuất của diễn viên. Anh bảo, “tôi có thể so sánh như thế này, nếu như, làm một chương trình cho người lớn, trang phục cho diễn viên chỉ hết 200.000 đồng thì ở vở “Câu chuyện thiên nga”, chúng tôi phải mất đến 2 triệu đồng. Trong khi đó, giá vé cho thiếu nhi cũng rẻ chỉ bằng một nửa giá vé các chương trình người lớn. Nói thế để cho thấy, chúng tôi đang làm với tình yêu cho trẻ em, không phải lợi nhuận đặt lên hàng đầu mà là mong muốn, sẽ có những chương trình sân khấu thực sự cho trẻ em, chứ không phải cái gì không phải cho người lớn là cho trẻ em”.

Ra Hà Nội dịp này, Đức Hải phải mang theo con và vợ, nhưng cả ngày thực hiện chương trình không gặp vợ con, tối về mệt không nuốt nổi cơm chứ chưa nói đến thời gian đưa các con đi chơi ở đâu. Nhưng anh bảo, tất cả qua đi nhanh chóng, khi chương trình có được sự tương tác rất lớn với các em nhỏ, đem lại cho chúng nụ cười.

Vở kịch “Câu chuyện thiên nga” cũng là một chương trình hợp tác đầu tiên giữa NSƯT Đức Hải với Nhà hát Tuổi trẻ và Đông Đô Show trong việc xây dựng một thương hiệu “nhà hát cho thiếu nhi” định kỳ tổ chức vào các sáng Chủ nhật hằng tuần. Đức Hải khẳng định, hạn chế bạo lực học đường, hạn chế thói quen chơi games…chính là ở những việc tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ như sân khấu thiếu nhi.

TIN LIÊN QUAN

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

 
Theo Gia đình & Xã hội

Bình luận(0)