Tốn điện, hại thiết bị vì cách bố trí nội thất

Google News

(Kiến Thức) - Nhà chật, thói quen sử dụng cộng với thiết kế nội thất thiếu hợp lý khiến không ít gia đình mắc sai lầm trong bố trí đồ điện gia dụng, gây tốn điện, hại thiết bị...

Tủ lạnh: Chật, đừng cố "nhét"
TS Nguyễn Phan Kiên, Viện Điện tử Y sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: Đối với các thiết bị điện tử sử dụng trong gia đình, nhiều người có thói quen đặt cho tiện sử dụng, cho "vừa mắt" là được. Tuy nhiên, việc kê/đặt thiết bị không đúng chỗ là nguyên nhân khiến cho hóa đơn tiền điện tăng lên, đồng thời làm giảm tuổi thọ của các thiết bị điện. 
Ví dụ, nhiều người có thói quen kê tủ lạnh gần bếp nấu ăn để tiện cho việc nấu nướng. Thế nhưng, khi nấu ăn thì nhiệt từ bếp tỏa ra sẽ khiến cho quá trình trao đổi nhiệt của tủ lạnh bị ảnh hưởng khiến tủ lạnh nhanh hỏng. Ngoài ra, tủ lạnh kê quá gần bếp nấu cũng rất dễ bám bẩn do hơi dầu mỡ và khói thức ăn "ám" vào.
Không đặt cạnh bếp nấu, nhiều gia đình lại đặt tủ lạnh sát vào tường hoặc "ốp" hai bên tủ lạnh là các thiết bị khác như bình lọc nước, lò vi sóng. Cách kê đồ kiểu này cũng làm cho tủ lạnh nhanh bị hỏng vì dễ tạo điều kiện cho côn trùng chui vào đó làm tổ (phía sau tủ lạnh có hốc nhỏ). Đặc biệt, việc kê sát tủ lạnh vào tường, vào các thiết bị khác sẽ khiến cho nhiệt bị om lại không thoát được, gây ảnh hưởng đến chất lượng sử dụng.
Tốt nhất là để tủ lạnh ở vị trí thoáng mát, thành tủ cách tường và các đồ vật khác ít nhất 5cm. Ngoài ra, không chỉ không nên đặt tủ lạnh gần bếp nấu mà ngay đối với những phòng bếp quá chật chội tốt nhất nên "di dời" tủ lạnh ra khu vực khác trong nhà để tránh việc tủ lạnh không thể trao đổi nhiệt được gây hỏng hóc.
Lò vi sóng đặt trong những hộc tủ "vừa khít" sẽ khiến cho nhiệt tỏa ra từ vỏ lò không thoát được.  
Máy giặt: Tiện nhưng dễ chập cháy
Hiện nay, nhiều gia đình đặt máy giặt trong phòng tắm để tiết kiệm diện tích, đồng thời thuận tiện cho việc giặt giũ, đặc biệt là khi máy giặt xả nước, nếu nước giặt chẳng may bị tràn ra ngoài cũng dễ dội rửa, không làm dây bẩn ra nhà. 
Tuy nhiên, theo KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Viện Kỹ thuật Quân sự, không nên đặt máy giặt trong nhà tắm. Lý do là trong khi tắm, nước có thể bắn vào máy giặt gây chập cháy các mạch điện tử của máy giặt. Ngoài ra, nhà tắm thường là nơi có độ ẩm cao sẽ gây ảnh hưởng xấu tới vỏ của máy giặt. Hơn thế, khi máy giặt xả nước, nước có xà phòng sẽ tràn ra sàn của nhà tắm dễ gây trơn trượt nếu chúng ta tắm giặt mà không để ý. 
Tốt nhất nên thiết kế chỗ để máy giặt ở khu vực bên ngoài nhà tắm. Trong trường hợp đặt máy giặt trong nhà tắm cần phải có miếng vải/nilon để che máy giặt khỏi bị nước bắn vào, không đi lại trong nhà tắm khi máy giặt hoạt động bởi nước xả xà phòng có thể khiến người tắm, giặt bị trơn trượt, ngã.
Tivi, đài hỏng vì gần lò vi sóng
Nhiều gia đình khi mua lò vi sóng về thường có thói quen thấy chỗ nào "vừa mắt" là để, có gia đình đặt lò vi sóng ngay cạnh tivi, hoặc đặt đài lên trên bề mặt lò vi sóng, thậm chí nhiều người có thói quen lấy mặt trên của lò vi sóng làm nơi để điện thoại. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Phan Kiên, đối với các thiết bị hoạt động theo phương thức thu phát sóng thì không nên để cạnh lò vi sóng. Lý do là vì bức xạ phát ra từ lò vi sóng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến các thiết bị thu phát sóng.
Vẫn liên quan đến việc đặt lò vi sóng, nhiều gia đình lại đặt thiết bị điện này trong các hộc tủ bếp cho đẹp và tiện. Tuy nhiên, cũng theo TS Nguyễn Phan Kiên, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại lò vi sóng khi sử dụng vỏ lò thường bị nóng. Vì thế, nếu đặt những chiếc lò vi sóng này vào trong những hộc tủ "vừa khít" sẽ khiến cho nhiệt tỏa ra từ vỏ lò không thoát được. Tốt nhất, đối với lò vi sóng nên đặt nơi thoáng mát. Nếu đặt trong hộc tủ thì phải đảm bảo có đủ độ rộng để hơi nóng thoát ra ngoài được, tốt nhất là nên bố trí đường thoát hơi nóng cho lò.
"Không đặt tủ lạnh gần các vật phát điện (bếp gas, bếp lò...) hay ánh nắng mặt trời chiếu vào, để tránh thất thoát năng suất lạnh, hao điện".
KS Nguyễn Huy Bạo
Huy Khánh

Bình luận(0)