Rửa rau quả bằng máy sục ozone thế nào là đúng cách?

Google News

(Kiến Thức) - Nên cho chút muối vào nước khi sục ozone để rửa thực phẩm. Muối làm tăng thời gian tồn tại của ozone, giúp hiệu quả sục rửa tốt hơn. 

Theo các chuyên gia, khí ozone độc nên cần sử dụng theo đúng hướng dẫn để đảm bảo an toàn, khi cảm thấy có mùi thì mở cửa cho thoáng. Để tăng tác dụng sát khuẩn, loại bỏ chất độc trong thực phẩm nên cho thêm một chút muối vào trong nước lọc ozone hoặc thái nhỏ thực phẩm...
Liều lượng khí gây tổn thương tế bào
Bạn đọc Nguyễn Ngọc Dũng (trường trung học cơ sở Diễn Tân, Nghệ An) đang sử dụng một chiếc máy khử ozone nhãn hiệu Bkozone của Công ty Cổ phần Đầu tư và Ứng dụng công nghệ cao HCT. Nhưng anh thắc mắc máy có khả năng khử chất độc trong các loại thực phẩm và nước uống hay không, nguy cơ ảnh hưởng của khí đến sức khoẻ con người như thế nào vì khi chạy máy thường có mùi hơi hôi... 
Theo GS Nguyễn Hoàng Nghị, chủ nhiệm đề tài khoa học máy ozone, Đại học Bách khoa Hà Nội, do có khả năng oxy hóa mạnh nên khí ozone có thể gây tổn thương tế bào, nhất là hệ hô hấp. Tuy nhiên, liều lượng sức khoẻ chỉ bị ảnh hưởng nếu thở 8 giờ mỗi ngày trong không khí có nồng độ ozone là 0.1mg/lít, tức liều lượng giới hạn không được vượt qua là: 0.1mg/lít x 8 giờ). 
Điều này thực tế không xảy ra vì: Để rửa rau quả tươi sống, chúng ta sục khí ozone vào nước, lượng ozone thoát ra không khí là rất ít, nhỏ hơn nhiều so với ngưỡng 0.1mg/lít. Hơn nữa, khí ozone tan trong nước sẽ tái hợp thành oxy thông thường trong vòng ít phút. Và húng ta chỉ sục ozone trong 10 - 20 phút mỗi lần. 
Vì vậy, liều lượng ozone mà ta có khả năng nhận nhỏ hơn nhiều ngưỡng giới hạn (0.1mg/lít x 8 giờ). Đa phần người thường nhận thấy mùi đặc trưng của ozone khi nồng độ là 0.02mg/lít, nhỏ hơn 5 lần so với nồng độ giới hạn là 0.1mg/lít. Do đó, khi ngửi thấy mùi ozone, nếu cẩn thận thì tạm tắt máy, mở cửa cho thoáng rồi lại bật lại máy.
 Ảnh minh họa.
Tăng tiết diện tiếp xúc thực phẩm 
Theo ông Vũ Đình Nam, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Cổ phần Đầu tư và Ứng dụng công nghệ cao HCT, máy tạo ozone có tác dụng làm sạch bề mặt. Vì thế, muốn tăng tác dụng này của khí ozone, người tiêu dùng có thể tăng tiết diện tiếp xúc. 
Cụ thể, tất cả thực phẩm cần sơ chế, rửa bằng nước sạch như bình thường để loại bỏ các vết bẩn. Sau đó thái nhỏ dạng miếng nấu, cho vào thiết bị sục ozone. Bằng cách này, thực phẩm sẽ được khí ozone tác động nhiều nhất, miếng thịt càng mỏng thì tác dụng càng cao. Mỗi lần sục từ khoảng 10 - 20 phút. 
Đối với rau, củ, quả cũng cần rửa bằng nước sạch từ 3 lần trở lên dưới chậu nước lớn lẫn vòi nước xối nhằm loại bỏ các chất bẩn bám dính trên vỏ, lá như đất cát, bụi bẩn và một số vi khuẩn khác. Sau đó ngâm trong dung dịch nước ozone có thêm một chút muối. Hoa quả bị thối cần cắt bỏ phần hỏng, sau đó mới cho vào nước lọc ozone.   
Giải thích về việc nên cho thêm muối vào nước khi sục ozone, ông Vũ Đình Nam cho rằng, muối không phải để làm tăng độ pH mà để làm tăng thời gian tồn tại của ozone trong môi trường giúp hiệu quả sục rửa tốt hơn. Vì ozone có tính không bền vững, không tồn tại lâu trong môi trường, trong không khí từ 2 - 3 phút, trong nước lâu hơn từ 3 - 5 phút. Vì vậy, cho thêm muối để kéo dài thời gian tồn tại của ozone trong nước.
Khí ozone là chất oxy hóa mạnh (thế oxy hóa của ozone ~ 2,05V), mạnh hơn oxy (~ 1.23V) và clo (~ 1.36V). Do đó, ozone có khả năng oxy hóa kim loại, chất dẻo cùng nhiều hợp chất hóa học, oxy hóa cả tế bào, vi khuẩn và các vi sinh vật nói chung. Vì vậy, khí ozone hòa tan trong nước là chất diệt khuẩn mạnh, mạnh hơn cả chlo, cloramin.
GS Nguyễn Hoàng Nghị
Thu Hiền

Bình luận(0)