Máy ozone không khử hết hóa chất trên rau quả

Google News

(Kiến Thức) - Máy sục ozone sẽ giúp rau củ quả sạch hơn, nhưng không thể loại bỏ hết các hóa chất trong thực phẩm.

Nhiều bạn đọc đã gửi đến tòa soạn những câu hỏi liên quan đến tác dụng của máy ozone trong việc loại bỏ nguy cơ tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong rau quả, thực phẩm. Để có cái nhìn khách quan, phóng viên đã trao đổi với các chuyên gia nghiên cứu và được giải thích rõ tác dụng cùng nguyên lý hoạt động của máy ozone. 
Khử độc cyanide, phá hủy urê, khoáng hóa
"Tôi dùng máy sục ozone một năm nay vì tôi có thói quen ăn rau sống, sẽ yên tâm hơn khi dùng khí ozone khử khuẩn. Tuy nhiên, gần đây một số bạn bè của tôi bảo, sục bằng máy ozone không có tác dụng gì, chỉ là trò quảng cáo của công ty sản xuất, tôi rất lo lắng và cũng tiếc rẻ máy đã mua nên vẫn dùng". 
"Xin hỏi quý báo, khí ozone có tác dụng diệt khuẩn trên rau quả như thế nào? Dùng máy sục ozone có tác dụng không? Nó có thể khử hết chất độc trong các loại thực phẩm và nước uống không? Có ảnh hưởng đến sức khoẻ con người không? Khi sử dụng khử ozone thì người dùng có phải tránh xa nơi khử đó không hay có thể đứng gần đó, vì khi máy chạy thì thường có mùi hơi hôi...". 
Nội dung nêu trên cũng là trăn trở của nhiều người đang sử dụng máy sục ozone hiện nay. Trong số đó, có nhiều bạn đọc hỏi về máy sản xuất trong nước, thuộc Viện Vật lý kỹ thuật, trường Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu. 
Trước vấn đề này, chúng tôi đã có trao đổi cùng công ty sản xuất cũng như GS Nguyễn Hoàng Nghị, cố vấn khoa học Công ty HCT, nguyên giảng viên cao cấp trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ nhiệm đề tài khoa học máy ozone trường Đại học Bách khoa Hà Nội (2005).  
Theo GS Nguyễn Hoàng Nghị, khí ozone là chất oxy hóa mạnh. Với khả năng đó, ozone phá hủy tế bào vi sinh vật, phá hủy cấu trúc của nhiều hợp chất hóa học, đặc biệt là các chất hữu cơ, trong đó có các chất bảo vệ thực vật. Khi bị ozone "oxy hóa", cấu trúc phân tử bị phá hủy làm cho tính chất của các vi sinh vật, các hợp chất hóa học bị suy yếu và thay đổi mạnh. Đấy là cơ chế diệt khuẩn và khử độc của khí ozone. 
Ví dụ, rau quả tươi sau khi rửa sạch, ngâm 10 - 20 phút trong nước sục ozone không khó để diệt 99,9% khuẩn trong 10 phút. Như vậy, rau quả sạch hơn rất nhiều! Các loại nấm mốc cũng bị tiêu diệt, vì vậy thời gian bảo quả hoa quả sẽ lâu hơn đáng kể mà không phải dùng các hóa chất bảo quản. 
"Ozone có khả năng diệt khuẩn chỉ thị (coliforms, E.coli) đến mức 99.99% (4 log) trong thời gian 10, 20 phút. Ngoài ra, ozone còn có thể khử độc cyanide, phá hủy urê, khoáng hóa các chất thải hữu cơ trong nước, có khả năng loại bỏ độc tố của nhiều chất bảo vệ thực vật như diazinon, parathion...", GS Nguyễn Hoàng Nghị cho hay. 
 Ảnh minh họa.
Chỉ là một biện pháp sạch hơn
Tuy nhiên, vị chủ nhiệm để tài máy ozone cũng cho hay, thực tế hằng ngày lại có thêm các chủng loại vi khuẩn xuất hiện hoặc biến thể và hiện có cả trăm ngàn chủng loại vi khuẩn cùng virus đang tồn tại. Hàng trăm loại thuốc bảo vệ thực vật đang lưu hành, nhiều loại đã bị cấm, thí dụ DDT, nhưng nhiều loại mới an toàn hơn lại xuất hiện. Việc sử dụng chúng chưa được kiểm soát chặt chẽ... 
Người dùng cũng cần xác định không có bất kỳ phương pháp nào, chất nào có thể tiêu diệt được tất cả các loại độc tố và tiêu diệt được thì cũng không khi nào đạt 100%. Vì thế, việc dùng máy ozone để làm sạch rau, quả thực phẩm chỉ là một biện pháp tham gia tích cực vào việc làm thực phẩm, nước sạch hơn. 
Khái niệm "sạch hơn" có ý nghĩa rất thực tế, bởi với một liều nhỏ (khuẩn, độc tố, tia cực tím, tia X...) con người hoàn toàn chịu được và thực tế hằng ngày chúng ta vẫn đang hứng chịu. Ozone diệt khuẩn đến mức cao đã tạo ra ngưỡng an toàn cho người sử dụng.
"Vấn đề diệt khuẩn, loại bỏ độc tính của các chất gây ô nhiễm vô cơ hay hữu cơ có thể giải quyết bằng cách lồng ghép, kết hợp nhiều biện pháp khoa học công nghệ... Dưới cách nghĩ khoa học thì không thể có cái gì là tuyệt đối, không có gì có thể đạt được 100%. Ozone không thể loại bỏ được 100% độc tố, kể cả khuẩn và các hóa chất. Nhưng ozone rất hiệu quả trong việc làm sạch nước và thực phẩm, nhất là rau quả tươi".
GS Nguyễn Hoàng Nghị 
Thu Hiền

Bình luận(1)

Minh Hiền

Nguyễn Thị Duyên

cho em hoi GS Nguyễn Hoàng Nghị một câu a. Khi em sục máy trong phòng ngủ để khử mùi thì em ngửi thấy mùi từ máy phát ra rất khó chịu, buồn nôn. vậy có ảnh hưởng gì cho sức khỏa không a?