Vụ tập kích Sơn Tây: Cách tù binh Mỹ cầu cứu (1)

Google News

(Kiến Thức) - Chính bằng những thủ đoạn cực kỳ tinh quái và tinh vi mà các tù binh phi công Mỹ tại Sơn Tây đã cầu cứu được Lầu Năm Góc.

Vụ tập kích Sơn Tây hay còn được giới tình báo Mỹ gọi với cái tên mỹ miều đó là chiến dịch Bờ biển ngà. Chiến dịch này diễn ra vào đêm 20 rạng sáng ngày 21/11/1970 tại thị xã Sơn Tây, cách Hà Nội khoảng 50 km. Xét trong Chiến tranh Việt Nam, đây là cuộc tập kích xâm nhập vào miền Bắc có quy mô lớn nhất được thực hiện bởi biệt kích Mỹ. Mặc dù chỉ trực tiếp đưa 56 biệt kích Mỹ đặt chân xuống thị xã Sơn Tây, tuy nhiên phạm vi của chiến dịch này còn bao trùm toàn bộ khu vực từ Thái Lan-nơi lính biệt kích Mỹ xuất phát tới tận vịnh Bắc Bộ với sự tham gia của lực lượng Không quân Hải quân Hạm Đội 7 của Mỹ làm nhiệm vụ tấn công Quảng Ninh, Hải Phòng để thực hiện kế nghi binh.

Để thực hiện được một chiến dịch quy mô lớn như vậy, đòi hỏi các nguồn tin tình báo cực kỳ đáng tin cậy và phải được chuẩn bị kỹ lưỡng trong nhiều tháng trời, với ưu thế khoa học kỹ thuật của mình, thiếu chút nữa thì Mỹ đã đạt được mục đích ban đầu đề ra đó là đột kích giải cứu các tù binh phi công Mỹ đang bị giam giữ tại Sơn Tây.

Mọi chuyện bắt đầu rất đơn giản, từ những chiếc móc phơi quần áo và những đống gạch vụn.

Phi công tù binh Mỹ ở trại Sơn Tây

Trại giam Sơn Tây được “khai trương” chính thức từ năm 1968, do số lượng phi công Mỹ bị ta bắt giữ ngày càng nhiều nên trại giam Hỏa Lò có nguy cơ bị quá tải, thêm vào đó, việc Mỹ ném bom xuống Hà Nội với tần xuất ngày càng cao cũng khiến cho Chính phủ ta lo ngại nếu giam giữ phi công Mỹ ở một địa điểm duy nhất có thể dẫn tới việc tất cả bọn họ sẽ thiệt mạng nếu Hỏa Lò dính một… vệt bom từ máy bay Mỹ.

Sau khi được thành lập vào năm 1968, trại Sơn Tây liên tục được bổ sung thêm những tù binh phi công Mỹ bị bắt và chỉ sau vài tháng số lượng tù binh tại đây đã lên tới con số vài chục người. Giống như ở Hỏa Lò, nơi các phi công Mỹ trừu mến đặt cho cái biệt danh là Hilton Hanoi-nhại lại tên của chuỗi khách sạn Hilton lớn nhất nhì thế giới thời bấy giờ, Sơn Tây cũng có biệt danh riêng.

Vu tap kich Son Tay: Cach tu binh My cau cuu (1)
 Khu vực trại giam Sơn Tây nằm giữa đồng không mông quạnh. Ảnh: Wiki.

Các phi công Mỹ đặt biệt danh cho Hilton là “Hy vọng”, với hy vọng về ngày được trao trả, được trở về quê hương hoặc táo bạo hơn là có thể trốn thoát được khỏi miền Bắc Việt Nam.

Việc đi bộ trốn khỏi miền Bắc Việt Nam rõ ràng là điều không thể, họ cần có lực lượng ứng cứu và hỗ trợ. Tuy nhiên, các phi công này hiểu rõ ràng rằng Lầu Năm Góc không hề biết họ đang ở đâu và bản thân họ cũng không hề biết mình đang ở đâu. Cần phải nói thêm, khi bị giam giữ tại Hilton Hà Nội, tất cả các tù binh Mỹ đều biết mình đang ở Hà Nội, tuy nhiên khi bị chuyển tới trại Sơn Tây, họ được đưa đi trong những chiếc xe bịt kín mít không cửa sổ, đường đi lại quá xấu, nhiều ổ gà nên các phi công không thể đoán nổi mình vừa trải qua đoạn đường dài bao nhiêu và kể cả khi có thể đoán được mình vừa di chuyển bao nhiêu kilomet thì họ cũng không thể biết được liệu đó có phải là một đường thẳng hay các sỹ quan an ninh Bắc Việt đã cố tình đưa họ đi lòng vòng để đánh lạc hướng họ. Nói tóm lại, các binh lính Mỹ ở trại Sơn Tây không hề biết mình đang ở đâu.

Tù binh phi công kêu cứu Lầu Năm Góc

Với sự mưu mẹo và trí thông minh của một người phi công, các phi công Mỹ trong trại giam đã tìm được cách liên lạc qua các phòng giam với nhau để chuẩn bị kế hoạch cầu cứu Lầu Năm Góc.

Về nguyên tắc, các tù binh trong trại Sơn Tây bị giam giữ khá thoải mái, họ được phép nói chuyện với nhau hàng ngày, nhưng lo ngại lực lượng an ninh Việt Nam có thể cài máy nghe lén được cuộc nói chuyện nên tuyệt nhiên họ không hề nhắc tới kế hoạch kêu cứu của mình khi nói chuyện trực tiếp, thậm chí không dám thì thầm với nhau.

Tất cả mọi kế hoạch cầu cứu đều được bàn bạc trong bí mật và cách đơn giản nhất, hiệu quả nhất chính là gõ vào tường theo kiểu mã Morse hay Việt Nam ta còn gọi là “tà tạch”. Đây là thứ mật mã đơn giản mà bất cứ phi công Hải quân Mỹ nào đều thuộc nằm lòng, cách liên lạc bằng kiểu mã này tuy tốn thời gian vì tốn tới cả chục giây mới gõ được một chữ và đôi khi tốn cả tiếng mới nói xong một câu nhưng lại an toàn tuyệt đối vì lực lượng an ninh Việt Nam hoàn toàn không hay biết hoặc không để ý tới.

Cứ như vậy, từng phòng giam một sẽ báo với phòng còn lại, hơn 50 phi công Mỹ trong trại giam Hy Vọng đã nắm vững được kế hoạch kêu cứu và tự giác làm việc theo sự phân công của nhau.

Theo kế hoạch của mình, các phi công tù binh Mỹ biết hàng tuần, thậm chí là hàng ngày đều có các máy bay do thám của Mỹ bay qua bầu trời phía bắc Việt Nam để chụp ảnh do thám, những tấm không ảnh này sẽ được gửi về Lầu Năm Góc và được các chuyên gia tình báo phân tích kỹ lưỡng nhằm tìm ra những địa điểm quan trọng, những mục tiêu có giá trị cao cho lực lượng Không quân Mỹ tấn công.

Nhìn từ trên cao, trại giam phi công Mỹ Sơn Tây không khác gì một trường học hoặc một khu nhà kho chứa hàng ít người qua lại, các phi công Mỹ biết điều đó và họ cố gắng tạo ra những ký hiệu lạ để thu hút sự chú ý từ Lầu Năm Góc qua những bức không ảnh.

Vu tap kich Son Tay: Cach tu binh My cau cuu (1)-Hinh-2
 Không ảnh của Mỹ chụp nhà tù Sơn Tây. Ảnh: Pinterest.

Để làm được điều đó, các phi công Mỹ đã phơi quần áo theo ký hiệu mã Morse, phơi quần áo thành các ký tự có thể đọc được trên không, tận dụng việc được đưa đi đào rãnh, xếp gạch để mở rộng trại giam, họ còn bạo dạn xếp gạch, đào rãnh thành những ký hiệu khác nhau để kêu cứu. Các thông điệp thường được sử dụng đó là SOS (cấp cứu), K (hãy đến cứu chúng tôi) hay SAR (tìm kiếm và giải cứu) cùng với rất nhiều các ký tự khác lạ để cung cấp các thông tin khác cho Lầu Năm Góc như số lượng tù nhân, tình trạng sức khỏe, thậm chí là cả tên, cấp bậc và đơn vị của từng người.

Những thông tin này được sắp xếp một cách cực kỳ khéo léo, chỉ có thể nhận ra được khi nhìn từ trên cao và sẽ trông như một mớ hỗn độn do sự bừa bãi, bất cẩn của con người khi nhìn từ dưới mặt đất, và cứ như thế, các phi công Mỹ đã qua mặt được lực lượng an ninh Việt Nam để “nói chuyện” với Lầu Năm Góc. Dù không có bất cứ cách nào Lầu Năm Góc đáp trả lại được những tín hiệu kêu cứu của họ, tuy nhiên những phi công tù binh vẫn kiên nhẫn gửi đi những thông điệp của mình ngày qua ngày.

Và bằng một cách kỳ diệu nào đó, tiếng kêu cứu của họ đã vang đến tận Lầu Năm Góc.

(còn nữa)
Nhật Vi

>> xem thêm

Bình luận(0)