Vũ khí công nghệ cao, cuộc chơi không còn dành riêng cho Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Nếu như trước đây Mỹ luôn là quốc gia thống trị thị phần vũ khí công nghệ cao trên thế giới, thì giờ đây cuộc đua này đã có thêm sự góp mặt của nhiều quốc gia và Trung Quốc là một ví dụ điển hình.

Các nhà sản xuất và xuất khẩu vũ khí Trung Quốc đang chia sẻ một số phần cứng và kiến thức quân sự hàng đầu của họ với khách hàng nước ngoài. Họ cũng cố gắng cải tiến dịch vụ hậu mãi khi các nhà sản xuất cố gắng giữ thị phần trong một thị trường vũ khí cạnh tranh ngày càng khốc liệt, SCMP cho biết.

Trong một thỏa thuận mua bán gần đây nhất, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc (CSIC) và lực lượng vũ trang Thái Lan đã đồng ý hợp tác phát triển trang thiết bị quân sự. Thỏa thuận này được thực hiện theo quyết định của chính phủ Thái Lan vào năm ngoái đồng ý chi 393 triệu USD để mua tàu ngầm Trung Quốc.

Tàu ngầm phi hạt nhân Type-039A của Trung Quốc. Ảnh: China Military Review.

Một nguồn tin nội bộ trong quân đội Trung Quốc nói với SCMP, rằng hợp đồng đi kèm thỏa thuận phụ bao gồm chuyển giao một số công nghệ đóng tàu tiên tiến. Trung Quốc sẽ giúp Thái Lan phát triển chuyên môn đóng tàu, giúp họ cạnh tranh hơn trong lĩnh vực này.

“Trung Quốc sẽ bán hệ thống động cơ không khí tuần hoàn độc lập (AIP) cho Thái Lan. Bắc Kinh cũng chia sẻ một số kết nối tàng hình cho tàu ngầm và vũ khí tiên tiến với Bangkok. Mức độ chuyển giao công nghệ sẽ phụ thuộc vào tiêu chuẩn đóng tàu của Thái Lan”, nguồn tin cho biết.

Công nghệ AIP cho phép tàu ngầm phi hạt nhân Type-039A của Trung Quốc hoạt động liên tục dưới nước lên đến 3 tuần. Li Jie, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh nói rằng Mỹ và các nước châu Âu từ lâu đã sử dụng công nghệ vũ khí để xây dựng các mối quan hệ chiến lược, điều mà Trung Quốc đang cố gắng làm theo.

“Trung Quốc bắt đầu chia sẻ một số công nghệ quân sự tiên tiến nhưng với điều kiện điều đó không làm hại đến việc phát triển công nghệ cốt lõi của đất nước”, ông Li nói.

Thỏa thuận chia sẻ công nghệ quân sự tiên tiến với Thái Lan được công bố chỉ vài tháng sau khi tạp chí quốc phòng Jane’s Defence Weekly, Anh báo cáo rằng Công ty Tàu biển và Cảng biển Quốc tế Trung Quốc, công ty con của CSIC, lên kế hoạch mở một cơ sở tại Thái Lan để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và dịch vụ khác cho Hải quân Hoàng gia Thái Lan.

Một năm trước đó, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Trung Quốc (CASC) đã ký một thỏa thuận với Saudi Arabia để xây dựng nhà máy sản xuất vũ khí đầu tiên ở Trung Đông. Bắc Kinh sẽ chuyển giao linh kiện và công nghệ cần thiết để Saudi Arabia sản xuất máy bay không người lái Rainbow 4. Một số nhà máy chuyển giao công nghệ tương tự đã được xây dựng ở Pakistan và Myanmar.

Mời độc giả xem video: Xe tăng VT-4 của Thái Lan do Trung Quốc chế tạo. (nguồn meko neko)

Một số nhà quan sát khác cho rằng việc Trung Quốc đẩy mạnh việc chia sẻ các công nghệ tiên tiến cho khách hàng nước ngoài nhằm xóa đi hình ảnh kém chất lượng của vũ khí “Made in China”. Nhiều mẫu vũ khí do Trung Quốc sản xuất bị nghi ngại về chất lượng.

Theo dữ liệu mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm, Trung Đông và Trung Á vẫn là thị trường chính của vũ khí Trung Quốc. Các nước mua nhiều vũ khí Trung Quốc nhất vẫn không thay đổi từ đầu những năm 2000 đến nay.

Các nhà phân tích quân sự cho rằng, ngoài vấn đề chất lượng, các nhà thầu quốc phòng Trung Quốc thiếu hệ thống dịch vụ sau bán hàng đủ mạnh để trấn an khách hàng. Bắc Kinh cần phải thi đua trong dài hạn để cải thiện vấn đề này nếu muốn xây dựng thương hiệu vũ khí tầm quốc tế.

Quốc Minh

>> xem thêm

Bình luận(0)