Tiết lộ “sốc”, Trung Quốc từng muốn mua tiêm kích Harrier

Google News

(Kiến Thức) - Trung Quốc từ những năm 1970 đã từng muốn mua tiêm kích cất hạ cánh thẳng đứng Harrier của Anh để tác chiến đánh đảo.

Thời báo Hoàn Cầu mới đây tiết lộ một số thông tin mới liên quan tới mối quan hệ Trung – Mỹ, phương Tây thời kỳ “nồng ấm” những năm 1970-1980. Theo đó, cuối những năm 1970, Trung Quốc đã bắt liên lạc với Anh mua mẫu tiêm kích cất hạ cánh thẳng đứng Harrier để hỗ trợ tác chiến đổ bộ, đánh đảo.
Theo một số nguồn tin, khi đó Trung Quốc muốn mua khoảng 70-80 chiếc và dự kiến bàn giao vào giữa những năm 1980, nhưng cuối cùng do các “lý do khác nhau” mà không thể thực hiện.
Theo Hoàn Cầu, “lý do khác nhau” ở đây là giá cả - máy bay lúc đó khá đắt so với quốc gia mới cải cách mở cửa. Thứ 2 là do phía Anh đồng ý bán Harrier nhưng không chấp nhận cùng hợp tác sản xuất. Vì thế, thương vụ đã không thành công, và hiện chỉ có một chiếc máy bay Harrier được sưu tầm đặt trong Bảo tàng Hàng không Bắc Kinh.
 Tiêm kích cất hạ cánh như trực thăng - Harrier.
Harrier là tên gọi mẫu tiêm kích phản lực cất hạ cánh thẳng đứng hoặc cất/hạ cánh ngắn (V/STOL) do hãng Hawker Siddeley, British Aerospace/McDonnell, Douglas, Boeing/BAE Systems sản xuất cho Không quân Hoàng gia Anh, Lính thủy Đánh bộ Mỹ và xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới.
Loại máy bay độc đáo này được thiết kế chủ yếu phục vụ trên tàu sân bay cỡ nhỏ hoặc tàu đổ bộ lớn (có đường băng) cho các hoạt động tuần tra không phận, phòng không, tấn công mục tiêu trên biển, trinh sát, chống ngầm…
Ngoài ra, nhờ ưu thế cất hạ cánh như một chiếc trực thăng hay chỉ cần một đường băng rất ngắn để cất hạ cánh thì Harrier cực kỳ hữu dụng trong thời chiến nếu sân bay bị đánh phá.
Harrier phát triển thành 2 thế hệ với 4 biến thể chính gồm: thế hệ 1 - Hawker Siddeley Harrier; British Aerospace Sea Harrier; thế hệ 2 - Boeing/BAE Systems AV-8B Harrier II (phục vụ chủ yếu trong Lính thủy Đánh bộ Mỹ) và British Aerospace Harrier II (biến thể AV-8B thiết kế cho Không quân Hoàng gia Anh).
Biến thể mà Trung Quốc nhắm tới khả năng cao là thế hệ đầu tiên Harrier được thiết kế cho nhiệm vụ chi viện hỏa lực đường không tầm gần và trinh sát chiến trường. Nó có khả năng cất hạ cánh trên các tàu sân bay cỡ nhỏ.
Harrier trang bị một động cơ Rolls-Royce Pegasus 103 với 4 vòi phun có thể quay đổi hướng bố trí ở đuôi, gốc cánh giúp máy bay cất hạ cánh thẳng đứng. Tuy nhiên, thiết kế động cơ này chỉ giúp Harrier đạt tốc độ cận âm 1.176km/h, bán kính chiến đấu với tải trọng 2 tấn chỉ là 370km.
Nó được trang bị 2 pháo 30mm ở trong thân và 5 giá treo trên cánh và thân cho phép mang tổng cộng 4 pod rocket với 18 quả 68mm; 2 tên lửa không đối không AIM-9 hoặc các loại bom.
Bằng Hữu

Bình luận(0)