Thủy lôi tự dẫn: "Cơn ác mộng" đáng sợ nhất của lính tàu ngầm

Google News

(Kiến Thức) - Có khả năng dẫn đường chính xác, thời gian hoạt động lâu, tự nhận biết mục tiêu và có sức phá hủy lớn, là nhiều trong những ưu điểm khiến hải quân các nước đầu tư phát triển thủy lôi tự dẫn chống ngầm.

Cái chết đến từ đáy biển
Thủy lôi chống ngầm tự dẫn là loại thủy lôi mới, có nhiều tính năng hiện đại đang được nhiều cường quốc quân sự trên thế giới nghiên cứu phát triển mạnh mẽ. Trước đây, các loại vũ khí thủy lôi kiểu cũ đều sử dụng phương thức tác chiến thụ động nên chỉ có thể chặn thu tín hiệu tàu đối phương trong phạm vi nhỏ, hoặc khi tàu chạm vào thủy lôi mới có thể tấn công. Loại thủy lôi kiểu cũ này có nhiều hạn chế đó là dễ tránh né; số lượng sử dụng lớn mới đem lại hiệu quả; công tác bảo đảm hậu cần cho rải thủy lôi phức tạp và tốn nhiều nhân lực.

Để khắc phục các hạn chế trên, thủy lôi tự dẫn ra đời. Thủy lôi tự dẫn có các ưu điểm đó là: Có khả năng tàng hình, ẩn mình dưới nước hoặc đáy biển trong thời gian dài; có khả năng tự động dò tìm mục tiêu trong phạm vi cho phép; tấn công chính xác mục tiêu với hiệu quả cao; ít tốn nhân lực vận hành bảo đảm; chi phí thấp. Nghiên cứu thử nghiệm của các nước chỉ ra rằng, hiệu quả tác chiến chống ngầm của một quả thủy lôi tự dẫn tương đương với 100 - 250 quả thủy lôi thông thường.

 Phương thức hoạt động của Mk-60. Ảnh: Slideserve

Phương thức tác chiến ưu việt

Sau khi được thả xuống nước, thủy lôi tự dẫn sẽ thực hiện chức năng như các vũ khí thủy lôi khác nhưng nó sẽ ẩn náu đồng thời liên tục phát đi tín hiệu thủy âm để thăm dò mục tiêu. Khi phát hiện được mục tiêu trong phạm vi tấn công, lập tức phóng ngư lôi hoặc tên lửa mang theo tấn công nhanh chóng và chính xác tàu đối phương, làm cho tàu đối phương khó có thể tránh né.

Các loại thủy lôi chống ngầm tự dẫn nổi tiếng:

- Thủy lôi tự dẫn Mk-60 của Mỹ: Mk-60 được Mỹ phát triển từ cuối những năm 1980, mẫu thủy lôi này có đường kính 533mm; chiều dài 3,7m; trọng lượng 1.070kg; được cấu tạo bởi thân ống có trang bị thiết bị thăm dò và nhận biết mục tiêu; đầu đạn, thiết bị neo và thân thủy lôi được làm bằng hợp kim nhôm, có khả năng tự nổi theo phương thẳng đứng. Độ sâu hoạt động ổn định nhất của thân thủy lôi là 305m; khoảng cách bố trí tốt nhất giữa các thủy lôi là 2km; độ sâu rải lôi lớn nhất là 800m; thiết bị phản xạ sóng âm của hệ thống điều khiển thăm dò có thể bảo đảm cho thủy lôi thăm dò tàu ngầm ở mực nước sâu 460m; bán kính thăm dò khoảng 1km; thời gian sử dụng hiệu quả trong 6 tháng, sau đó tự động tiêu hủy.

Thủy lôi Mk-60 có thể được thả từ tàu mặt nước, tàu ngầm, máy bay ném bom B-52, máy bay tuần tra P-3C và từ máy bay chiến đấu trên tàu sân bay. Sau khi được thả, thiết bị neo sẽ giữ cố định thân thủy lôi tại mực nước sâu đã xác định để chờ thời cơ. Trong quá trình nằm chờ, Mk-60 sẽ liên tục phát tín hiệu sóng âm để nhận biết mục tiêu, đồng thời thu tín hiệu thủy âm và thăm dò nguồn tiếng ồn. Sau khi hệ thống thăm dò và hệ thống nhận biết xác định đúng tàu ngầm đối phương đã tiến vào phạm vi tấn công, thủy lôi sẽ tự động phóng lôi tiêu diệt mục tiêu.

Mô phỏng phương thức tấn công của PMK-2. Ảnh: Modernwartech

- Thủy lôi tự dẫn SET-40 của Nga: Thủy lôi này có chiều dài 4,5m; trọng lượng 550kg; đầu đạn mang 80kg thuốc nổ; sử dụng pin ôxít bạc làm nguồn cung cấp năng lượng; vận tốc lớn nhất 29 hải lý/h. SET-40 sử dụng hệ thống tự dẫn bằng âm thanh chủ động, thụ động và không chạm nổ kiểu mới, khoảng cách thăm dò lớn nhất đạt từ 600 - 800m; độ sâu thả lớn nhất đạt 200m.

Nguyên lý hoạt động của SET-40 khá tương đồng với Mk-60, sau khi hệ thống thăm dò trên thủy lôi phát hiện tàu ngầm xâm nhập vào phạm vi tấn công, SET-40 sẽ khởi động thiết bị tạo cháy bằng việc dùng thuốc nổ thể rắn làm nguồn tạo khí, thuốc nổ trong quá trình đốt cháy tạo ra lượng lớn thể khí ở nhiệt độ cao làm cho áp suất trong ống phóng dần tăng lên, cuối cùng đánh bật nắp ống phóng để đẩy ngư lôi ra khỏi ống phóng. Khi đó, ngư lôi sẽ bay theo quán tính lực ép của thể khí thuốc nổ, sau đó khởi động động cơ đồng thời bắt đầu theo dõi mục tiêu để tiêu diệt.

Ống phóng lôi trang bị trên tàu chiến Mỹ. Ảnh: Seaforces

- Thủy lôi tự dẫn PMK-2 của Nga: Loại thủy lôi này có đường kính 533mm; chiều dài 7,83m; trọng lượng 1.850kg; vận tốc thả của tàu ngầm là 4 - 8 hải lý/h; độ sâu thả nông nhất là 200m; sâu nhất là 400m; thời gian tấn công mục tiêu không quá 7 giây. Thành phần của PMK-2 gồm: Thân vỏ; đầu đạn,; modun hệ thống phóng; modun hệ thống thăm dò và chỉ thị mục tiêu; thiết bị đo độ sâu và hệ thống pin. PMK-2 được đánh giá là một loại thủy lôi tấn công có hiệu quả tác chiến cao, sử dụng tiện lợi và giá thành tương đối thấp.

Mời độc giả xem video: Việt Nam chế tạo hàng loạt thủy lôi để bảo vệ chủ quyền biển đảo. (nguồn QPVN)

Lam Ngọc

>> xem thêm

Bình luận(0)