S-300PM Syria đứng đâu trong đại gia đình "rồng lửa" S-300 (kỳ 1)

Google News

(Kiến Thức) - Biến thể S-300PM mà Syria vừa được Nga tặng “không” chỉ là một trong nhiều biến thể S-300 từng được Liên Xô và Nga sau này phát triển, và ở mỗi biến thể S-300 lại sở hữu một sức mạnh khác nhau.

Với lịch sử phát triển gần 50 năm và có tới hàng chục biến thể khác nhau, S-300 được xem là tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa thành công nhất trong lịch sử Liên Xô và nước Nga sau này. Do đó không quá ngạc nhiên khi S-300 trở thành “lá chắn” chiến lược của nhiều quốc gia trên thế giới trước mọi mối đe dọa từ trên không, và một trong số đó có cả Syria.
Mặc dù Syria có kế hoạch chi tới gần một tỷ USD để mua ít nhất bốn tổ hợp S-300 đầu tiên từ đầu những năm 2010, tuy nhiên sau đó dưới tác động của Israel lên Moscow, đơn hàng này của Damascus đã bị hủy bỏ. Thế nhưng số phận lại khá trớ trêu khi cũng chính Israel đã gián tiếp khiến Nga đổi ý chuyển giao S-300 cho Syria sau sự cố tai nạn máy bay trinh sát IL-20 ngày 17/9 vừa qua.
S-300PM Syria dung dau trong dai gia dinh
S-300 được xem là tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa thành công nhất trong lịch sử Liên Xô và nước Nga sau này. Nguồn ảnh: nikkei.com. 
Chỉ chưa tới hai tuần kể từ khi máy bay Il-20 của Nga bị bắn rơi trên bầu trời Syria, các tổ hợp tên lửa S-300 với biến thể S-300PM đầu tiên đã được Nga chuyển đến Syria với ít nhất 3 tổ hợp cùng 300 tên lửa. Và biến thể S-300PM mà Syria vừa được Nga tặng “không” chỉ là một trong nhiều biến thể S-300 từng được Liên Xô và Nga sau này phát triển, và ở mỗi biến thể S-300 lại sở hữu một sức mạnh khác nhau.
Nhìn lại lịch sử phát triển “rồng lửa” S-300
S-300 (NATO định danh là SA-10 Grumble) là các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa do Tập đoàn công nghiệp vũ khí Almaz của Liên Xô (nay là Nga) phát triển sản xuất từ đầu năm 1979, dựa trên phiên bản S-300P đầu tiên. Các tổ hợp S-300 được phát triển cho Lực lượng phòng không Liên Xô để đánh chặn máy bay và tên lửa hành trình của đối phương nhằm tạo ra một hệ thống phòng thủ hiệu quả bảo vệ các cơ sở công nghiệp, hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận.
S-300 cũng có khả năng tiêu diệt các mục tiêu là máy bay tàng hình có diện tích bộ lộ radar nhỏ cỡ 0,02 m2 và được coi là một trong những hệ thống tên lửa phòng không mạnh nhất trên thế giới ở thời điểm nó xuất hiện. Nhiều chuyên gia cho rằng, S-300 sở hữu nhiều thông số vượt trội hơn so với hệ thống đối thủ của Mỹ là MIM-104 Patriot vốn được phát triển cùng thời.
Trải qua nhiều lần nâng cấp, phát triển, hiện nay hệ thống S-300 đã có nhiều biến thể khác nhau gồm: S-300P (đây là hệ thống dành cho lực lượng mặt đất); S-300F (là phiên bản dùng cho hải quân) và S-300V. Mỗi biến thể lại chia ra nhiều loại với từng tính năng riêng biệt hoặc theo yêu cầu của khách hàng đặt mua.
S-300PM Syria dung dau trong dai gia dinh
Một đơn vị phòng không của Nga với tổ hợp S-300P, đằng xa ta có thể thấy được radar thám sát tầm thấp 76N6. Nguồn ảnh: Sputnik.
Ngạc nhiên “những đứa con” của đại gia đình S-300
Biến thể S-300 đầu tiên cần được nói đến và được xem như là phiên bản hoàn thiện đầu tiên của tổ hợp phòng không này là S-300P được đưa vào hoạt động năm 1978. S-300P được thiết kế không chỉ để chống lại các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, mà còn đủ khả năng đối phó với cả các tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm trung. Một đơn vị S-300P được biên chế gồm: 01 radar giám sát 36D6, 01 hệ thống kiểm soát bắn 30N6, 01 radar thám sát tầm thấp 76N6 và các xe chở tên lửa phóng 5P85-1.
Tính đến thời điểm hiện tại, Nga đã triển khai hơn 100 địa điểm bố trí S-300P xung quanh thủ đô Moscow và chúng cũng được phát triển thành nhiều biến thể khác nhau như: S-300PT, S-300PS, S-300PT-1, S-300PM, S-300PMU...
Được phát triển cùng thời S-300P là S-300V nhưng thay vì được sản xuất bởi tập đoàn Almaz thì S-300V lại do Tập đoàn Antey chế tạo nên còn được gọi là Antey-300. Hệ thống phòng thủ này dùng tên lửa đánh chặn có tên Gladiator với tầm bắn hiệu quả tối đa 75km và các tên lửa Giant có thể nhằm trúng các mục tiêu cách xa 100km ở độ cao khoảng 32km.
S-300V là được thiết kế cho nhiệm vụ bảo vệ các lực lượng chiến đấu, các mục tiêu quân sự, chính trị trọng yếu trước các cuộc tiến công của đối phương như: tấn công đường không quy mô lớn bằng các loại tên lửa đường đạn chiến thuật, chiến thuật - chiến dịch và chiến lược tầm trung; các loại tên lửa hành trình và tên lửa đường đạn hoạt động trong tầng khí quyển; các loại máy bay tấn công chiến thuật và chiến lược, máy bay tác chiến điện tử, máy bay trinh sát vũ trang, máy bay cảnh giới và chỉ huy trên không.
S-300PM Syria dung dau trong dai gia dinh
Tổ hợp tên lửa phòng không S-300V với khung gầm bánh xích đặc trưng. Nguồn ảnh: Air Power Australia 
S-300V được đặt trên khung gầm bánh xích MT-T, khiến nó có khả năng cơ động tốt hơn trên nhiều dạng địa hình khác nhau. Radar của S-300V có khả năng tìm kiếm tự động và khả năng kháng nhiễu cao, bảo đảm năng lực phòng không hữu hiệu trước các loại phương tiện tiến công đường không và tên lửa đường đạn tầm trung của đối phương trong mọi điều kiện thời tiết, mọi thời điểm, cũng như môi trường chiến đấu bị đối phương chế áp điện tử và chế áp phòng không. Hiện nay, S-300V đã được phát triển thành nhiều phiên bản khác nhau như: S-300V1, S-300V2, S-300VM1, S-300VM2, S-300VMD...
Biến thể cuối cùng trong gia đình “rồng lửa” S-300 chính S-300F được giới thiệu năm 1984 và là phiên bản đầu tiên trang bị trên tàu chiến mặt nước với loại tên lửa 5V55RM mới có tầm hoạt động 7 - 90km. S-300F sử dụng 3 loại radar tùy theo từng biến thể và đơn đặt hàng gồm: TOP SAIL, TOP STEER và TOP PAIR với phương thức dẫn đường radar bán chủ động giai đoạn cuối.
S-300F đầu tiên được lắp đặt và thử nghiệm trên tàu tuần tiễu lớp Kara, tàu tuần tiễu lớp Slava và tàu chiến lớp Kirov. Phiên bản được dùng cho Hải quân Nga có ký hiệu S-300FM và sử dụng loại tên lửa 48N6 mới với tốc độ tiếp chiến mục tiêu tối đa lên tới 8,5Mach.
Ngoài ra, S-300FM còn được trang bị một máy dò tìm hồng ngoại giai đoạn cuối thứ hai để giảm khả năng bị ảnh hưởng của hệ thống dò bão hoà, tương tự như hệ thống tên lửa Standard mới của Mỹ. Điều này cũng giúp tên lửa có khả năng tiếp chiến các mục tiêu dưới đường chân trời của radar, như các tàu chiến hay các tên lửa chống tàu bay lướt trên mặt biển.
Trong khi đó, phiên bản xuất khẩu của hệ thống này được gọi là Rif-M. Hai hệ thống Rif-M đã được Trung Quốc mua năm 2002 và lắp đặt trên các tàu khu trục tên lửa phòng không có điều khiển Type 051C.
...còn tiếp

Mời độc giả xem video: Tổ hợp S-300P của Nga chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu. (nguồn vexed123)

Lam Ngọc

>> xem thêm

Bình luận(0)