Quân giải phóng đã đánh sập “cửa thép” Xuân Lộc thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Chiến dịch Xuân Lộc thắng lợi đã đập tan “cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn, làm rung chuyển cả hệ thống phòng thủ còn lại của địch ở xung quanh Sài Gòn.

...Sau khi rút bỏ Tây Nguyên, quân VNCH lùi dần về phía Nam và xây dựng các vị trí phong thủ. Ngày 5/4, Thiệu ra lệnh củng cố khẩn cấp tuyến phòng thủ Phan Rang. Quân khu 3 được tăng cường xe thiết giáp, pháo binh, giữ các khu vực phòng thủ then chốt. Các vị trí này được tăng cường thêm mìn, dây thép gai, vật chướng ngại chống tăng, kết hợp với hệ thống đồn bốt bảo an, dân vệ chăng ra thành một mạng lưới dày đặc hòng buộc quân ta phải lùi dần từng bước, khi tới ven đô thì kiệt sức.
Trước rạng ngày 16/4, dưới sự chi viện mạnh mẽ của hoả lực pháo binh, một lực lượng của Sư đoàn 325 thuộc Quân đoàn 2 được tăng cường xe tăng, thiết giáp cùng với Sư đoàn 3 và Trung đoàn 25 từ ba hướng tiến công vào trung tâm thị xã Phan Rang và sân bay Thành Sơn.
Trước sự uy hiếp nặng nề của pháo binh ta và lối đánh thọc sâu táo bạo của các đơn vị thiết giáp kết hợp bộ binh, quân địch hoảng loạn và bỏ chạy.
Kết quả, ta đã tiêu diệt bộ tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 6 không quân, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 2 bộ binh, tiêu diệt Lữ 2 dù, Liên đoàn 31 biệt động quân và 1 trung đoàn của Sư đoàn 2 mới khôi phục, bắt tên Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn 8 và tên Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang Tư lệnh Sư đoàn 6 không quân nguỵ cùng nhiều sĩ quan cao cấp khác của chúng, thu gần 40 máy bay còn nguyên.
Quan giai phong da danh sap “cua thep” Xuan Loc the nao?
 Xe tăng, bộ binh Quân đoàn 4 tiến công giải phóng Xuân Lộc tháng 4/1975. Nguồn ảnh: Báo Bình Dương
Sau khi mất Phan Rang, địch lùi về phòng thủ thị xã Xuân Lộc, nhằm ngăn chặn hai đường tiến của quân ta về Sài Gòn, đường số 1 và đường số 20. Lúc bấy giờ trên trục đường số 1, quân ta đã tiến đến gần Phan Rang, còn trên trục đường số 20, quân ta sau khi giải phóng Lâm Đồng, Đà Lạt, Tuyên Đức đã tiến xuống gần Kiệm Tân. Địch cố giữ đường số 15 từ Sài Gòn ra Vũng Tàu, để nhận hàng viện trợ của Mỹ vào Sài Gòn theo đường biển và đó chính cũng là một con đường rút chạy sau này của địch.
Giữ được Xuân Lộc - Long Khánh thì tuyến Biên Hoà - Nhân Trạch - Bà Rịa - Vũng Tàu chưa trực tiếp bị uy hiếp, sân bay Biên Hoà và cả Tân Sơn Nhất còn hoạt động được Vì vậy, bằng bất cứ giá nào địch cũng cố giữ Xuân Lộc - Long Khánh. Quân đoàn 3 của địch nói chung và Sư đoàn 18 nói riêng còn nguyên chưa bị đánh đau. Hơn nữa, nguỵ quân, nguỵ quyền Sài Gòn và Mỹ cũng đem hết sức ra để chi viện cho Xuân Lộc với một hy vọng độc nhất là kéo dài ngày hấp hối, để tìm một biện pháp khả dĩ có thể tồn tại không đến nỗi mất hết, đổ sập cả, thất bại hoàn toàn.
Ngày 9/4, Quân đoàn 4 gồm Sư đoàn 7, Sư đoàn 341, Sư đoàn 6 và lực lượng Khu 7 do đồng chí Thiếu tướng Hoàng Cầm làm Tư lệnh và đồng chí Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện làm Chính uỷ bắt đầu nổ súng mở màn chiến dịch Xuân Lộc.
Địch điều toàn bộ lực lượng Sư đoàn 18, tăng cường Lữ kỵ binh 3, một bộ phận của Sư đoàn 5 đang phòng ngự ở đường số 13, các tiểu đoàn pháo binh trực thuộc, các liên đoàn biệt động quân của Quân khu 3 và các liên đoàn biệt động quân què quặt của Quân khu 1, Quân khu 2, chưa kịp chấn chỉnh, vá víu ném vào Xuân Lộc. Một cuộc thí quân, thí tướng của Mỹ, nguỵ trước nguy cơ sụp đổ.
Địch còn đưa cả Lữ 1 dù vào mặt trận Xuân Lộc, huy động đến mức cao nhất không quân còn lại ở Biên Hoà, Tân Sơn Nhất và Cần Thơ để kéo dài ngày tận số.
Trận chiến đấu Xuân Lộc ngay từ những ngày đầu trở nên gay go, ác liệt. Các Sư đoàn 7, Sư đoàn 6 và Sư đoàn 341 của ta đã phải tổ chức tiến công nhiều lần vào thị xã, đánh đi đánh lại diệt từng mục tiêu và phải nhiều lần đẩy lùi các cuộc phản kích của địch.
Quan giai phong da danh sap “cua thep” Xuan Loc the nao?-Hinh-2
 Bộ đội Sư đoàn 341, Quân đoàn 4 chiến đấu giành từng tấc đất, từng căn nhà trong lòng thị xã Xuân Lộc, đập tan tuyến phòng thủ mạnh nhất phía Đông Sài Gòn ngày 21/4/1975. Nguồn ảnh: Báo Bình Dương
Trung đoàn 43 địch bị tổn thất nặng. Pháo binh chiến dịch và pháo binh đi cùng của các sư đoàn của ta đã phải dùng thêm cơ số đạn. Xe tăng, xe bọc thép của ta một số bị hỏng, một số phải trở về vị trí xuất phát tiến công để bổ sung xăng dầu, đạn dược.
Kế hoạch tiến công Xuân Lộc của Quân đoàn 4 lúc đầu chưa tính hết được sự phát triển phức tạp của tình hình, chưa đánh giá hết tính chất ngoan cố của địch nên không thành công. Ngay lập tức, đồng chí Văn Tiến Dũng chỉ thị cho Quân đoàn 4: Khi địch đã dồn quân vào để cố cứu thị xã Xuân Lộc thì ta không cần tập trung lực lượng tiếp tục đánh thẳng vào đấy nữa, mà chuyển lực lượng đánh các đơn vị địch đến phản kích đứng chân chưa vững ở vòng ngoài đang thiếu công sự, và thiếu sự hiệp đồng chặt chẽ với nhau, dùng pháo tầm xa bắn phá và khống chế liên tục ngày đêm sân bay Biên Hoà, không cho máy bay chiến đấu của địch cất cánh.
Tiếp theo việc ta đánh chiếm Túc Trung, Kiệm Tân, tiêu diệt Trung đoàn 52 của Sư đoàn 18 nguỵ, ta theo đường số 20 phát triển xuống ngã ba Dầu Giây và chốt cứng một đoạn đường số 1, diệt một số xe tăng, đánh lui Lữ 3 kỵ binh địch từ Biên Hoà ra tiếp viện. Xuân Lộc đã bị cắt lìa khỏi Sài Gòn. Thị xã cùng Ban chỉ huy Trung đoàn 48 vẫn bị pháo kích, ở Bàu Cá, Lữ 3 kỵ binh nguỵ vẫn bị chặn, không nhúc nhích được.
Quân đoàn 4 tiếp tục dùng pháo binh triệt dần các cụm pháo địch, tiêu diệt từng bộ phận Trung đoàn 48 và Lữ 1 dù mới ra tăng viện.
Cánh quân phía đông của ta ào ạt tiến, ngày 19/4 cùng với bộ đội Khu 6 giải phóng Phan Thiết, và bộ phận đi đầu ngày 20/4 trên trục đường số 1 đã đến Rừng Lá gần Xuân Lộc. Đêm 20/4, toàn bộ các lực lượng địch ở Xuân Lộc, trước nguy cơ bị bao vây và bị tiêu diệt, đã phải bỏ chạy tán loạn theo đường tỉnh số 2 về phía Bà Rịa.
Bị chặn đánh dọc đường, chúng bỏ lại rất nhiều xe pháo, súng đạn. Một số nhà báo phương Tây phải đánh điện về toà soạn xin huỷ bài báo vừa gửi về ngay tối hôm đó để "phù hợp với tình hình". Đài phát thanh quân đội Sài Gòn trơ trẽn không ngừng tác động tinh thần cho đám tàn quân Sư đoàn 18 len lỏi trong các cánh rừng vùng Bà Rịa. Tên Trung tướng nguỵ Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân khu 3, đến Củ Chi bàn việc cố thủ tuyến Củ Chi ở hướng tây bắc đồng thời điều chỉnh lực lượng phía đông để giữ chặt Biên Hoà - Long Bình - Long Thành.
Ngày 20/4, địch dùng pháo binh bắn vào các trận địa của ta để nghi binh cho cuộc rút lui. 17 giờ, trời mưa tầm tã, phát hiện quân địch đi lại nhiều, ta phán đoán địch có thể rút khỏi thị xã về hướng Vạn Kiếp, Bà Rịa và sở cao su Ông Quế về Nước Trong hoặc Trẳng Bom; tư lệnh chiến dịch đã lệnh cho các đơn vị tiến công và truy kích địch. Tuy nhiên, do phát hiện và tổ chức tiến công truy kích chậm, chốt chặn không tốt, mặt khác do trời tối, mưa to, nên ta chie diệt được một bộ phận đi sau của địch, bắt sống tên Đại tá tỉnh trưởng tỉnh Long Khánh. Ngày 21/4, thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh được giải phóng.
Kết quả, ta đã đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 18, Lữ đoàn dù 1, tiêu diệt Chiến đoàn 52, Sư đoàn 18, đánh thiệt hại Trung đoàn 5 và Lữ đoàn 3 thiết giáp, loại khỏi vòng chiến đấu 2.056 tên, bắt 2.785 tên địch và thu 48 ô tô, 1.499 súng các loại, phá hủy 42 xe tăng, xe thiết giáp, 16 ô tô.
Chiến dịch tiến công Xuân Lộc thắng lợi đã đập tan “cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn, làm rung chuyển cả hệ thống phòng thủ còn lại của địch ở xung quanh Sài Gòn, làm suy sụp tinh thần chiến đấu của quân ngụy, mở đường cho chiến thắng cận kề.
Đại Dương

>> xem thêm

Bình luận(0)