Mỹ muốn bán những vũ khí tối tân nhất cho Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Đích thân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giới thiệu cho Việt Nam một loạt vũ khí tối tân do Mỹ chế tạo trong chuyến thăm vừa rồi.

Theo website chính thức của Nhà Trắng, trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát biểu nguyên văn như sau:
“Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ mua các trang bị thiết bị từ Mỹ. Nước Mỹ là nơi làm ra những trang bị tốt nhất, chúng tôi làm ra những thiết bị quân sự tốt nhất, từ các loại máy bay cho đến bất kể thứ gì mà bạn có thể nêu tên. Những tên lửa do chúng tôi sản xuất nằm trong danh mục mà không phải ai cũng có thể tiếp cận được.
Tôi đã nói trước đó, như bạn biết, cách đây không lâu khi một tên lửa được bắn vào Saudi Arabia từ phía Yemen, một trong những hệ thống tên lửa của chúng tôi đã bắn hạ nó. Thậm chí không ai biết điều đó khi nó xảy ra. Quả tên lửa đó đã nổ tung trên không trung, nó bị bắn hạ như chưa từng có gì xảy ra.
Chúng tôi làm ra những tên lửa tốt nhất trên thế giới, những máy bay tốt nhất trên thế giới, những máy bay thương mại tốt nhất trên thế giới.
Vì vậy chúng tôi mong muốn Việt Nam mua các trang bị này từ chúng tôi, và chúng ta cần phải xoá bỏ sự mất cân bằng thương mại. Chúng ta không nên có sự mất cân bằng về thương mại giữa hai nước.
Mặt khác, tôi nghĩ rằng chúng ta đang hướng tới một mối quan hệ tuyệt vời, và tôi mong đợi điều này sẽ diễn ra trong nhiều năm tới.”
My muon ban nhung vu khi toi tan nhat cho Viet Nam
 Việc sở hữu song song các hệ thống phòng không của cả Nga lẫn Mỹ không phải là điều mới trên thế giới. Trong ảnh là một phần của hệ thống phòng không Patriot PAC-3 của Mỹ. Nguồn ảnh: Defenseworld.net
Từ bài phát biểu trên của Tổng thống Trump có thể nhận thấy rằng, Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh vào khả năng chống tên lửa đạn đạo của hệ thống tên lửa phòng không do Mỹ sản xuất mà hai sản phẩm ăn khách nhất hiện nay chính là Patriot PAC-3 và THAAD.
Mặc dù còn một số nghi ngại về năng lực thực sự của chúng nhưng phải nhìn nhận thực tế rằng tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có duy nhất các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ là đã trải qua thực chiến và thu về một tỷ lệ thành công nhất định.
Các tổ hợp do những quốc gia khác sản xuất như Nga, châu Âu, Israel tuy rằng được quảng cáo rất hoành tráng nhưng chưa có gì đảm bảo chúng sẽ làm được điều mà Patriot đã thực hiện.
>>> Mời độc giả xem clip: Quá trình triển khai hệ thống phòng không Patriot PAC-3 của lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. (Nguồn CMP).\
Việt Nam hiện nay chưa có hệ thống đánh chặn tên lửa đúng nghĩa, các tổ hợp phòng không S-300PMU-1 đã đưa vào biên chế hay S-400 có thể mua sắm trong tương lai thì vai trò chính vẫn là chống máy bay, khả năng chống tên lửa đạn đạo cũng ở mức tương đối.
Bởi vậy trong tương lai, Việt Nam có thể nghĩ tới phương án mua kèm một số hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ chế tạo để phối hợp tác chiến cùng các loại do Nga sản xuất như cách mà Saudi Arabia đang làm khi họ hỏi mua cả THAAD lẫn S-400.
Ngoài tên lửa, còn một số loại vũ khí, khí tài trang thiết bị quân sự khác do Mỹ sản xuất từ lâu đã được Việt Nam đưa vào tầm ngắm.
My muon ban nhung vu khi toi tan nhat cho Viet Nam-Hinh-2
Tiêm kích hạng nhẹ F-16  Fighting Falcon là một trong những ứng cử viên phù hợp nhất để Việt Nam bù đắp khoảng trống của MiG-21. Nguồn ảnh: af.mil.
Đầu tiên là tiêm kích hạng nhẹ F-16 Fighting Falcon, “Chim ưng chiến” chính là ứng viên sáng giá nhất cho vai trò thay thế MiG-21 đã nghỉ hưu nhờ các ưu điểm như nhỏ gọn, chi phí khai thác và bảo dưỡng rẻ, có thể đảm nhiệm cả vai trò chiếm ưu thế trên không lẫn tấn công mục tiêu mặt đất - mặt biển rất tốt nhờ khí tài trinh sát tinh vi và vũ khí uy lực.
Tiếp đó là máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion, đây là mảnh ghép còn thiếu của Không quân Hải quân Việt Nam khi chúng ta chưa có phương tiện nào loại này kể từ sau khi phi đội Be-12 ngừng hoạt động.
Ngoài P-3C Orion thì trực thăng hải quân MR-60R SeaHawk cũng được nhắc đến khi nó làm tốt cả chức năng chống ngầm lẫn yểm trợ hỏa lực cho lính thủy đánh bộ, vượt trội hoàn toàn so với các dòng trực thăng hải quân đã lỗi thời của Nga như Ka-27, Ka-28 và cả Ka-29. Bên cạnh đó, nhiều loại khí tài phi sát thương như thiết bị nhìn đêm, radar trinh sát, khí tài quang điện tử, hệ thống định vị thủy âm… do Mỹ sản xuất vẫn được đánh giá rất cao về tính năng.
Hy vọng rằng với quan hệ hợp tác rộng mở và nhất là nhận được lời “gợi ý” từ lãnh đạo cao nhất của Mỹ, giữa hai quốc gia sẽ sớm có những hợp đồng mua sắm vũ khí tối tân trong tương lai không xa.
Chí Linh

>> xem thêm

Bình luận(0)