Lý do gì khiến EU quyết định nhất thể hóa quân đội?

Google News

Quyết định nhất thể hóa quân đội sẽ giúp EU độc lập hơn về quân sự với Mỹ và củng cố vai trò của châu Âu trên trường quốc tế.

Ngày 13/11 tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Ngoại giao 23 thành nước viên EU đã ký một hiệp định quân sự, đánh dấu kỷ nguyên mới của hội nhập quân sự châu Âu, củng cố sự thống nhất sau khi Anh quyết định rời khỏi EU.
Trong nỗ lực nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào Mỹ và giúp EU có vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế. Đây còn được coi là chiến thắng của EU sau hàng thập kỷ chờ đợi.
Ly do gi khien EU quyet dinh nhat the hoa quan doi?
 EU sắp có một lực lượng quân đội riêng. Ảnh: Reuters
Từ thất bại đến vận hội…
Sau một thời gian dài cân nhắc, cuối cùng Liên minh Châu Âu (EU) đã thông qua thỏa thuận lịch sử Hợp tác cấu trúc thường trực quốc phòng (PESCO) về việc nhất thể hóa lực lượng quân đội các nước, nhằm gia tăng sức mạnh tập thể.
Một quan chức cao cấp của EU cho biết: “Những nỗ lực hội nhập quốc phòng của EU đã trở lại, sau khi thất bại trong những năm 1950 của thế kỷ trước. Chúng tôi chưa bao giờ đến gần sự thật như lúc này. Chúng tôi đang có vận hội mới”.
Một quan chức khác của EU nhấn mạnh: “Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp với chiến thắng của Emmanuel Macron và cảnh báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng châu Âu phải đóng góp nhiều hơn cho an ninh, đã đẩy chúng tôi phải thực hiện dự án này”.
PESCO hướng tới việc xây dựng một trung tâm chỉ huy về quân y, mạng lưới các trạm vận tải, một trung tâm phản ứng trước các thảm họa và chương trình đào tạo sĩ quan quân đội chung. Các nước cũng có thể thành lập những nhóm nhỏ sẵn sàng triển khai binh sĩ tham gia chiến đấu hoặc can thiệp quân sự khi cần.
PESCO sẽ tạo ra những quy định pháp lý mang tính ràng buộc nhiều hơn so với NATO. Trong đó, nổi bật là việc mỗi thành viên phải tăng chi tiêu quân sự, dành 20% chi phí quốc phòng cho mua sắm vũ khí, trang bị và 2% cho nghiên cứu công nghệ quân sự. Theo đó, một khoản ngân sách phòng vệ chung vào khoảng 5 tỷ euro.
Vẫn còn sự khác biệt…
Mặc dù có sự ủng hộ rộng rãi của 23 quốc gia thành viên, song giữa Pháp và Đức vẫn có sự khác biệt nhất định. Paris ban đầu muốn một quân đội tiên phong của EU, hoạt động hoàn toàn độc lập với NATO và do Pháp lãnh đạo, trong khi Berlin có quan điểm ôn hoà hơn trong vấn đề này.
Theo Hiệp định, ban đầu “quân đội EU” sẽ thiết lập một mạng lưới các trung tâm thực hiện dịch vụ y tế, hậu cần; trung tâm ứng phó khủng hoảng châu Âu và các cơ sở đào tạo sĩ quan quân đội châu Âu, nhằm bảo đảm tính tự chủ cao, trong bối cảnh Mỹ và NATO thường xuyên chỉ trích EU rằng họ luôn tìm cách dựa dẫm vào Washington về an ninh nội khối.
Tuy nhiên, cho đến nay ngoài Đan Mạch không tham gia “quân đội EU”, thì Ireland, Bồ Đào Nha và Malta vẫn còn bỏ ngỏ khả năng tham gia định chế này. Nước Anh vẫn có thể tham gia, nhưng chỉ trong những trường hợp đặc biệt và sẽ được thể hiện trong đàm phán quan hệ Anh – EU thời hậu Brexit.
Theo Reuters, sau khi được các Bộ trưởng Ngoại giao của EU ký kết, hiệp định hội nhập quốc phòng của EU sẽ được các nhà lãnh đạo EU xem xét thông qua vào tháng 12/2017, sau đó nó sẽ trở thành đạo luật của EU.
Và sự “lệch pha” giữa các đồng minh…
Theo giới phân tích, có thể sẽ có những chuyển động lệch pha giữa các đồng minh hai bên bờ Đại Tây Dương sau khi “quân đội EU” ra đời vào tháng 12 tới và một kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ - châu Âu sẽ bắt đầu.
Được biết, tuy cùng xây dựng nên cấu trúc an ninh chung giữa hai bờ bởi NATO, nhưng trên thực tế châu Âu gần như lệ thuộc hoàn toàn vào Mỹ, vì NATO tồn tại và hoạt động được chủ yếu là phụ thuộc vào kinh phí của Mỹ tới 70%.
Mặt khác, phải kể đến đó là, nền tảng của sự ra đời và phát triển của EU ngày nay chính là từ lợi ích Mỹ, được xác lập bởi Kế hoạch Marshall - tái thiết châu Âu sau Thế chiến II (1947 – 1951).
Trong thế bị lệ thuộc, thời hậu Chiến tranh Lạnh, khi NATO không còn đối thủ (khối Warsaw sụp đổ) thì châu Âu lại bị cuốn vào vòng xoáy của chiến lược mở rộng không gian của NATO do Mỹ chủ biên, khiến EU phải vật lộn với những nhiệm vụ quân sự và nhân đạo trong các cuộc chiến ở Nam Tư, Iraq, Afghanistan, Libya, Syria…
Lạm dụng “Trách nhiệm bảo vệ” của Liên Hợp Quốc, Mỹ đã tạo ra tiền lệ từ Kosovo đến cuộc chiến lật đổ các chính thể độc tài, gieo mầm “dân chủ” ở Trung Đông – Bắc Phi… đã để lại hậu quả nặng nề cho EU và giờ đây “thảm hoạ Catalonia”, khủng hoảng di cư… mà EU là người “lĩnh đủ”. Sự hỗn loạn về xã hội, sự trì trệ về kinh tế, bất ổn về chính trị… khi nào mới được tháo gỡ, hiện vẫn chưa có câu trả lời.
Trong khi châu Âu gánh hậu quả nặng nề từ các cuộc ném bom của NATO thì Mỹ lại như người đứng ngoài cuộc. Thậm chí, Washington còn “té nước theo mưa” khi Tổng thống Trump cho rằng nếu EU không giải quyết tốt hậu quả “lời nguyền Gaddafi” thì có thể bị tan rã.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất đối với EU khi nhất thể hóa quân đội là phải tăng tính hiệu quả trong khoản chi tiêu quốc phòng của từng thành viên, thông qua việc khuyến khích đầu tư xuyên quốc gia. Ngoài ra, các quốc gia chấp thuận PESCO cũng sẽ phải đáp ứng yêu cầu tăng cường năng lực chung của quân đội EU.
Như vậy, cuối cùng thì “quân đội EU” cũng được thành lập sau hàng thập kỷ thai nghén. Với động thái mới nhất này, châu Âu cho thấy rõ mong muốn hạn chế sự lệ thuộc vào Mỹ trong cấu trúc an ninh chung Mỹ - châu Âu (NATO).
Vì thế, giới nghiên cứu và dự luận cho rằng, đây là một trong những động thái phản ảnh xu thế mới của cấu trúc an ninh toàn cầu “đa cực, đa trung tâm” đang định hình rõ nét hơn./.

 

Theo VOV

>> xem thêm

Bình luận(0)