Giải mã thất bại thê thảm của CIA trong chiến tranh Việt Nam (1)

Google News

(Kiến Thức) - Ngoài các hình thức can thiệp, tập kích đường biển, đường không, Mỹ còn sử dụng kiểu chiến tranh “không quy ước” trong cuộc xâm lược Việt Nam.

Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, ngoài đưa lực lượng vào can thiệp, tập kích đường biển, đường không, Mỹ còn sử dụng một loại chiến tranh khác có tên gọi Chiến tranh “không quy ước”. Lực lượng thực hiện là Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và sau đó được chuyển cho (SOG).
Vậy diễn biến của loài hình chiến tranh này là thế nào? Báo Kiến Thức xin giới thiệu tới độc giả loạt bài hồ sơ cuộc chiến tranh “không quy ước” mà CIA trực tiếp tiến hành chống phá Việt Nam:
Nền tảng ban đầu
Trước khi Mỹ sử dụng quân biệt kích “Mũ nồi xanh” (Special Forces) và Người nhái Hải quân (Navy Seals) để huấn luyện, làm cố vấn cho Việt Nam cộng hòa thực hiện những phi vụ bí mật của “chiến tranh không quy ước” thì từ năm 1957 họ đã huấn luyện cho Sài Gòn lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt.
Năm 1957, chính quyền Eisenhower tài trợ cho quân đội Sài Gòn chương trình bí mật. Theo đó, Trung ương tình báo CIA và Bộ Quốc phòng Mỹ phối hợp để thành lập cho quân đội Sài Gòn một đơn vị biệt kích lấy tên là Liên đoàn quan sát số 1. Đơn vị này có nhiệm vụ bí mật xâm nhập vào hàng ngũ quân đối phương nắm tin, chống phá. Để giữ bí mật, Liên đoàn quan sát số 1 do Ban Nghiên cứu điều hành (thuộc ngành tình báo của Bộ Quốc phòng quản lý), về sau đổi tên là Phòng Liên lạc Phủ Tổng thống, đặt dưới sự theo dõi trực tiếp của Tổng thống Ngô Đình Diệm, do Trung tá đặc vụ Lê Quang Tung làm trưởng phòng.
Giai ma cuoc chien tranh “khong quy uoc” o Viet Nam (1)
 Tổng thống Ngô Đình Diệm hội đàm với sĩ quan CIA. Ảnh TL
Năm 1958, cơ quan CIA tại Sài Gòn thành lập Ban Ngoại vụ do Russell Miller, núp dưới bóng một nhà ngoại giao làm trưởng ban. Russell lệnh cho Trung tá Tung chọn lực lượng. Ít lâu sau, 12 sĩ quan trẻ cấp bậc từ thiếu úy đến trung úy được điều về và đặt dưới quyền chỉ huy của Đại úy Ngô Thế Linh. Tháng 11/1958, cả 12 sĩ quan trẻ đều được đưa sang Saipan để huấn luyện. Ở đó, họ được CIA huấn luyện hai tháng về nghiệp vụ tình báo, tác chiến, phương thức phá hoại và chỉ huy đường dây tình báo. Cuối 1958, Đại úy Ngô Thế Linh trở về Sài Gòn và được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Bắc Việt (mật danh là Phòng 45), trực thuộc Phòng Liên lạc Phủ Tổng thống, quân số chỉ có hơn chục người. Trong những tháng còn lại của năm 1958, Phòng 45 chuyên lo việc huấn luyện cho nhân viên mới.
Đến giữa năm 1959, một nhóm 5 sĩ quan khác được đưa sang Saipan huấn luyện 6 tuần. Sau đó ít lâu, CIA cử nhân viên đến Sài Gòn huấn luyện hai khóa trong năm, mỗi khóa huấn luyện kéo dài 12 tuần. Lần này, chương trình huấn luyện nhắm vào những sĩ quan trẻ miền Bắc, có gốc là dân tộc thiểu số. Khóa huấn luyện kéo dài đến cuối năm 1959.
Con cưng của “chiến tranh không quy ước”
Thời gian sau, Trung úy Đỗ Văn Tiên (mật danh Francois) nhận lệnh phái một điệp viên đơn tuyến xâm nhập miền Bắc. Francois tìm được một người thích hợp là Phạm Chuyên, nguyên là một Đảng viên biến chất, quê ở tỉnh Quảng Ninh. Chuyên bị vợ bỏ nên anh ta di cư vào Nam. Thoạt đầu Phạm Chuyên từ chối, dù Trung tá Lê Quang Tung đã cho đàn em theo dõi, dụ dỗ suốt nửa năm trời. Cuối cùng, sau 6 tháng cộng tác với Edward Reagan, nhân viên của CIA, họ đã thuyết phục Chuyên.
Giai ma cuoc chien tranh “khong quy uoc” o Viet Nam (1)-Hinh-2
 Điệp viên CIA Phạm Chuyên. Ảnh TL
Trong lúc Chuyên được huấn luyện các kỹ năng thì Trung úy Tiên và Reagan bận rộn phác thảo kế hoạch đưa điệp viên xâm nhập miền Bắc. Theo kế hoạch, Chuyên sẽ nằm vùng dài hạn ở tỉnh Quảng Ninh, một tỉnh ven biển Bắc Bộ, nơi Chuyên rất quen thuộc. CIA cho rằng, việc phái Chuyên xâm nhập miền Bắc bằng đường biển là rất hợp lý. Với niềm hứng khởi ấy, hai chuyên viên tình báo bay ra Đà Nẵng tìm địa điểm xuất phát. Họ thuê một biệt thự kín đáo, có tường bao quanh làm mật cứ.
Trước khi Chuyên được gửi đi, Phòng 45 quyết định triển khai kế hoạch ngắn hạn: Thả điệp viên đến khu phi quân sự, dọc theo vĩ tuyến 17 để thăm dò. Nhân vật được chọn là Vũ Công Hồng (mật danh là Hirondelle).
Hồng được huấn luyện cấp tốc và đưa ra sống tại căn nhà được bảo vệ rất nghiêm mật ở Huế. Thiếu tá Trần Khắc Kính có mật danh là Atlantic, người của Phòng Liên lạc Phủ Tổng Thống chỉ đạo mọi hoạt động xuất phát từ Huế. Sau khi thả qua sông Bến Hải, vài tuần sau, Vũ Công Hồng trở về căn cứ. Hắn cung cấp một ít thông tin về đường đi, nước bước của hệ thống an ninh Bắc Việt, đủ làm cho những nhân viên của Phòng 45 hứng khởi.
Hai tháng sau, Phạm Chuyên (mật danh Ares) được cử trở về miền Bắc thu thập tin tức tình báo, tuyển mộ thêm điệp viên, chuẩn bị tinh thần lót ổ nằm vùng dài hạn. Chuyên sẽ đóng vai một người đánh cá ở một làng nhỏ ở Cẩm Phả, ngay gần vịnh Hạ Long, quê hương của Chuyên trước năm 1958. CIA tính toán, sự trở về của Chuyên có thể không an toàn, nhưng bù lại Chuyên còn có gia đình, người thân, hy vọng sẽ được che chở. Đầu tháng 4/1961, Chuyên lên tàu Nautilus 1, rời Đà Nẵng, theo hành trình hai ngày về phía Bắc, nhưng do thời tiết xấu nên phải quay trở vể nơi xuất phát. Vài hôm sau, khi thời tiết đẹp, Chuyên mới lên đường.
Sau khi vào vùng biển Quảng Ninh, Chuyên chèo chiếc thuyền nhỏ, đổ bộ lên một địa điểm gần Cẩm Phả. Chuyên đem đồ đạc, trang bị lên bờ rồi giấu ngay hai máy truyền tin. Sau khi sum họp với gia đình, Chuyên đã cố thuyết phục người em trai là Phạm Độ làm việc cho mình. Chuyên đã nhờ người em trai quay máy truyền tin để gửi đi bức mật điện đầu tiên. Để tránh cho làn sóng bị giao thoa, Phạm Chuyên đánh tín hiệu từ bờ biển miền Bắc Việt Nam, vượt đại dương đến trạm Bugs, với mật mã do CIA đặt cho trạm viễn thông tại căn cứ quân sự ở cảng Subic, Philippin. Từ đó, bức mật điện sẽ được chuyển tiếp đến cơ quan CIA tại Sài Gòn với tên là trụ sở hãng IBM; ct N.C.). Sau này, Chuyên còn gửi thêm 22 bản báo cáo nữa trong một thời gian rất ngắn.
“Nhấn ga”, phát triển chiến tranh “không quy ước”
Sáng 28/1/1961, Tổng thống John F. Kenedy đã chủ trì họp Hội đồng an ninh quốc gia, thảo luận về tình hình Việt Nam. Tại đây, các đại biểu đã được nghe Lansdale, người giàu kinh nghiệm các hoạt động bí mật của Cục tình báo Trung ương (CIA) báo cáo về tình hình Nam Việt Nam với những vấn đề hết sức bi đát. Đây chính là cơ sở để đầu tháng 3/1961, John F. Kenedy yêu cầu có báo cáo về các hoạt động ngầm chống Bắc Việt Nam của CIA. Tiếp đó, Kenedy ra Chỉ thị số 28, yêu cầu CIA phải nỗ lực tiến hành hoạt động du kích ở lãnh thổ Bắc Việt Nam. Điều chú ý là, Điều 25 của chỉ thị này, cho phép cơ quan CIA sử dụng quân biệt kích “Mũ nồi xanh” (Special Forces) và Người nhái Hải quân (Navy Seals) để huấn luyện, làm cố vấn cho quân đội Việt Nam thực hiện những phi vụ bí mật.
Giai ma cuoc chien tranh “khong quy uoc” o Viet Nam (1)-Hinh-3
 Tổng thống Kennedy.
Ngay sau đó, CIA thực hiện hàng loạt các hoạt động ngầm: Tuyên truyền; chiến tranh kinh tế; hành động phòng ngừa trực tiếp như phá hoại, chống phá hoại, huỷ hoại và sơ tán và hoạt động lật đổ chống lại các quốc gia thù địch, trong đó có việc trợ giúp cho phong trào kháng chiến ngầm, du kích và các nhóm tị nạn, và hỗ trợ các phần tử chống cộng tại chỗ.
Như vậy, CIA đã trở thành công cụ qua đó Hoa Kỳ có thể tiến hành các hoạt động chiến tranh không quy ước, chống các nước có tư tưởng, chế độ chính trị đối lập, đồng minh và là giải pháp thay thế trong tình huống chưa đến mức "xung đột vũ trang do lực lượng quân sự thông thường tiến hành".
Đại Dương

>> xem thêm

Bình luận(0)