Giải mã pháo binh Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ (1)

Google News

(Kiến Thức) - Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, pháo binh là một trong những “vũ khí” bí mật của quân đội ta, nhất là lực lượng pháo xe kéo. 

Pháo binh của ta đã chi viện hỏa lực kịp thời, chính xác, chế áp hỏa lực địch, tạo cơ hội để bộ binh ta xung phong, đánh chiếm các mục tiêu, bóc dần Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây là một kỳ tích đã được Chính phủ và Tổng quân ủy chuẩn bị lực lượng kỹ lưỡng từ trước.
Kỳ 1: Bí mật xây dựng lực lượng
Mặc dù quân đội Pháp biết rằng chúng ta đã có một lực lượng pháo binh, nhưng không ngờ chúng ta đưa một lực lượng pháo binh hùng mạnh, trong đó có cả lựu pháo 105 ly lên lòng chảo Điện Biên. Bởi trước đây địch mới chỉ thấy có sơn pháo và các loại súng cối của ta. Do vậy, sự có mặt của lựu pháo 105 ly tham gia chiến đấu hiệu quả ở chiến dịch Điện Biên Phủ là một kỳ tích, khiến kẻ thù khiếp sợ. Việc tạo thế vững chắc cho pháo binh, gây bất ngờ cho đối phương tại chiến dịch Điện Biên Phủ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, cực kỳ công phu từ những năm 1950.
Giai ma phao binh Viet Nam trong tran Dien Bien Phu (1)
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và kiểm tra bộ đội pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trước chiến dịch Thu Đông năm 1950, pháo binh của quân đội ta mới chỉ được tổ chức thành những phân đội, liên đội, quy mô tác chiến hiệp đồng còn nhỏ, chủ yếu là tác chiến hỗ trợ bộ binh. Ngày 20/11/1950, tại bản Nà Tấu, Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng, ta thành lập Trung đoàn sơn pháo 657, gồm sáu liên đội sơn pháo 75ly. Ngày 27/3/1951, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Đại đoàn 351, bao gồm Trung đoàn 675 Sơn pháo 75 ly, Trung đoàn 45 lựu pháo 105 ly và Tiểu đoàn 960... Điều đáng nói là, Trung đoàn pháo binh 45 có tiền thân của Trung đoàn 34 thuộc tự vệ chiến đấu thành Nam Định, từng được Bác Hồ tặng danh hiệu "Trung đoàn Tất Thắng". Trước đó, cuối tháng 12/1950, toàn Trung đoàn 34 được lệnh rút quân khỏi Nam Định lên Cao Bằng để chuyển loại và đưa sang nước bạn huấn luyện.
Tháng 3/1951, Trung đoàn 45 hành quân dọc theo biên giới đến Hà Giang, sang Mông Tự, Vân Nam - Trung Quốc và huấn luyện tại quân khu Tây Nam. Trung đoàn được trang bị 20 khẩu pháo 105 ly với 3.500 viên đạn, 40 xe GMC, 2 xe công trình và cần cẩu, 33 máy quan trắc, 66 tổng đài và điện thoại, 100km dây. Đến cuối năm 1952, ta hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện pháo binh.
Tháng 1/1953, Trung đoàn 45 được bạn tổ chức buổi lễ bàn giao trang bị và tiễn chân về nước. Thiếu tướng Trần Tử Bình đã thay mặt Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam tặng Trung đoàn 45 lá cờ thêu tám chữ: "ẩn lặng như tờ, đánh mạnh như sét". Đồng chí Tư lệnh Quân đoàn 38 Quân giải phóng Trung Quốc cũng tặng Trung đoàn lá cờ thêu bốn chữ Hán: "Bách phát bách trúng".
Được lệnh lên Điện Biên Phủ, ngày 22/12/1953, Trung đoàn 45 xuất phát từ Tuyên Quang, đến ngày 7/1/1954 thì tới vị trí tập kết ở Tuần Giáo an toàn. Để đưa pháo xe kéo lên Điện Biên Phủ, bộ đội ta cho pháo xe kéo hành quân bằng đường thủy. Phải mất hai tháng trời chuẩn bị Trung đoàn 45 mới chặt đủ 30 ngàn cây bương, đóng được 100 cái bè, mỗi bè có trọng tải 4 tấn. Pháo được tháo tung ra, đưa xuống bè nứa, đi gầm 100km đường sông, vượt qua được 25 cái thác.
Giai ma phao binh Viet Nam trong tran Dien Bien Phu (1)-Hinh-2
 Bộ đội kéo pháo vào trận địa chuẩn bị tác chiến theo phương án "đánh chắc, tiến chắc".
Để giữ bí mật tuyệt đối, trung đoàn trọng pháo kéo pháo bằng sức người chiếm lĩnh trận địa. Đại đoàn 308, Trung đoàn sơn pháo 675, Trung đoàn công binh 151 làm nhiệm vụ mở đường để kéo pháo từ Nà Nham KM70 vào KM42, luồn lách trong rừng rậm, qua đỉnh Pha Sông cao 1.450m. Khi kéo pháo vào đến Bản Tấu thì có lệnh kéo pháo ra ngay. Bộ Tổng Tư lệnh đã thành lập cả một Bộ chỉ huy kéo pháo và chỉ định các đồng chí Lê Trọng Tấn, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312; đồng chí Phạm Ngọc Mậu, Chính ủy và đồng chí Đào Văn Trường, Đại đoàn phó đại đoàn Công pháo là những người chỉ huy chiến dịch kéo pháo ra. Đúng ngày mồng 3 Tết Nguyên đán, tức ngày 5/2/1954, toàn bộ 24 khẩu pháo được kéo bằng tay trở lại vị trí ban đầu. Đến ngày mồng 5 Âm lịch, bộ đội pháo binh mới được ăn Tết mừng "Kéo pháo vào, kéo pháo ra thắng lợi".
Để có được thành công này phải kể tới công lao to lớn của hàng ngàn hàng vạn dân công và bộ đội công binh ngày đêm xẻ núi mở đường cho pháo ta lên Điện Biên. Ngoài tấm gương lấy thân mình chèn pháo của Anh hùng LLVT Tô Vĩnh Diện còn có gương hy sinh của Nguyễn Văn Chức, chiến sĩ Đại đội 806. Rạng sáng ngày 25/1/1954, trong đợt kéo pháo vào. Khi đại đội này đang kéo pháo vượt qua một con dốc đứng thì đứt dây kéo, có nguy cơ lao xuống vực, đồng chí Chức đã dũng cảm lấy thân mình chèn vào bánh pháo để khẩu pháo bật nghiêng vào phía taluy.
Giai ma phao binh Viet Nam trong tran Dien Bien Phu (1)-Hinh-3
 Kéo pháo.
Thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, ngày 10/2/1954, Trung đoàn công binh 151, Trung đoàn sơn pháo 675, Đại đoàn 312, Đại đoàn 316 đồng loạt triển khai mở sáu con đường để xe ô tô kéo pháo vào trận địa bắn, đặt trên hai dãy núi Pú Hồng Mèo và Pú Tà Cọ có tổng chiều dài gần 75km, gồm: Đường số 1 từ Bản Tấu đến Tà Lùng, dài 27km, ở phía Tây Điện Biên Phủ; đường số 2 từ Bản Sôm đến Pú Hồng Mèo, dài 8km; Đường số 3 từ Đa Voong đến Na Lời, dài 3km; đường số 4 từ Pe Na đến Tà Lời, dài 9km; Đường số 5 từ Nà Nham đến Mường Phăng, dài 7km; Đường số 6 từ Bản Xin qua đỉnh Pú Y Tao, cao gần 1.000m, đến Bản Tấu, chạy song song với con đường khi ta dùng sức người kéo pháo vào.
Trung đoàn pháo binh xây dựng 15 trận địa thành hai tuyến, lấy nóc hầm chỉ huy tướng De Castries làm chuẩn. Từ các trận địa đến mục tiêu trung bình từ 6 đến 8km. Xây dựng 25 đài quan sát. Mỗi khẩu pháo đào một hầm đủ mười pháo thủ ở và một khẩu pháo. Gỗ dày 30cm chôn xung quanh hầm. Nóc hầm rải một lượt nứa, một lượt đất dày 3m để chống bom. Hệ thống điện thoại trận địa pháo dài hơn 380km.
Đúng 17 giờ 10 phút ngày 13/3/1954, gần 150 khẩu pháo 105, 75 ly, cối đồng loạt mở đợt tập kích hỏa lực trong 15 phút vào toàn bộ các mục tiêu trong khu trung tâm Mường Thanh, mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Gần một nghìn quả đạn pháo của ta đã phá hủy năm máy bay, phá hỏng 12 khẩu pháo, diệt trên 100 tên, phá hủy nhiều kho đạn của địch. Tiếp đó, pháo binh chuyển làn, tập trung bắn vào cứ điểm Him Lam, trực tiếp chi viện cho Đại đoàn 312 tiêu diệt gọn tiểu đoàn quân Pháp đóng ở cứ điểm này.
Ngày tiếp theo, các trung đoàn trọng pháo, sơn pháo, cao xạ chi viện cho Đại đoàn 308 tiêu diệt một tiểu đoàn quân Pháp đóng ở cứ điểm đồi Độc Lập. Địch ở cứ điểm Bản Kéo ra đầu hàng. Pháp vội vã dùng hai tiểu đoàn, có chín xe tăng dẫn đầu, tiến hành phản kích hòng chiếm lại những vị trí đã bị quân ta đánh chiếm, nhưng đã bị pháo ta cùng bộ binh bắn tan nát đội hình, phải rút chạy tán loạn. Sau ba ngày đêm chiến đấu, nhiệm vụ tiến công đánh bóc vỏ giành thắng lợi giòn giã. Pháo xe kéo lần đầu xuất quân, trận đầu đánh thắng, đã củng cố niềm tin cho bộ binh và toàn Mặt trận. Bộ chỉ huy Mặt trận quyết định trao cờ Quyết chiến - Quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Đại đoàn công - pháo 351. Đại đoàn lại quyết định trao lá cờ đó cho Đại đội 806 thuộc Tiểu đoàn 2 lựu pháo 105 ly, là đại đội đã bắn những phát đạn đầu tiên vào cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch.
Đại Dương

>> xem thêm

Bình luận(0)