Giải bí ẩn tàu ngầm hạt nhân tốt nhất hành tinh của Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Không phải Virginia hay Ohio hay Borei, USS Seawolf mới được coi là tàu ngầm hạt nhân tốt nhất hành tinh. Vì sao lại là Seawolf, hãy cùng tìm hiểu...

Đầu những năm 1980, để đối trọng với các loại tàu ngầm siêu tốc hạt nhân Typhoon và Akula của Hải quân Liên Xô hoạt động trong môi trường biển sâu, Hải quân Mỹ đã phát triển tàu ngầm hạt nhân lớp Seawolf.
Tuy nhiên, do sử dụng nhiều giải pháp kỹ thuật cao với tính năng hiện đại nên giá thành chế tạo của các tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Seawolf  ước tính vào thời điểm đó khoảng tư 2 - 4 tỷ USD.
Với chi phí cao như vậy nên Hải quân Mỹ đã chỉ đặt đóng 3 chiếc thay vì 29 chiếc như kế hoạch ban đầu. Hiện nay, 3 chiếc đang được biên chế trong Hải quân Mỹ gồm USS Seawolf (SSN-21), USS Connecticut (SSN-22) và USS Jimmy Carter (SSN-23).
Giai bi an tau ngam hat nhan tot nhat hanh tinh cua My
Sơ đồ cấu tạo của tàu ngầm Seafolf. Ảnh: Fas.org
Tàu ngầm USS Seawolf (SSN-21) lớp Seawolf dài 107m; rộng 12m; lượng giãn nước khi lặn là 9.138 tấn; trang bị 01 lò phản ứng hạt nhân Westinghouse S6G công suất 52.000 mã lực; 2 động cơ turbine khí; tốc độ khi nổi 33 km/h; tốc độ tối đa khi hoạt động ngầm là 61 km/h; tốc độ khi chạy ở chế độ im lặng là 37 km/h; biên chế 140 người (14 sĩ quan, 126 thủy thủ).
Từ lâu tàu ngầm USS Seawolf (SSN-21) được thế giới ca ngợi là hiện đại nhất, đắt nhất trong lịch sử hàng hải của nhân loại dùng cho mục đích “tìm và diệt” tàu ngầm hạt nhân tấn công của Liên Xô. Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, USS Seawolf (SSN-21) tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ sau:
- Trinh sát, cảnh báo hoạt động tác chiến ngầm và chống ngầm của đối phương (chủ yếu là Nga, Trung Quốc) cho lực lượng chống ngầm của Hải quân Mỹ;
- Thu thập thông tin tình báo theo khu vực khi có yêu cầu;
- Bảo đảm trung chuyển thông tin liên lạc giữa các đơn vị, lực lượng chống ngầm dưới nước với lực lượng mặt nước của Hải quân Mỹ;
- Trong một số trường hợp đặc biệt, USS Seawolf (SSN-21) còn đảm nhận nhiệm vụ rải và rà phá thủy lôi.
Giai bi an tau ngam hat nhan tot nhat hanh tinh cua My-Hinh-2
Ngư lôi Mk-48 đang được lắp vào tàu. Ảnh: Dynamicscience
Tàu ngầm USS Seawolf (SSN-21) được trang bị tới 8 ống phóng ngư lôi cỡ 660mm, chủ yếu để phóng ngư lôi hạng nặng Mk-48 cỡ 533mm, nên giảm ồn, tránh bị tàu ngầm đối phương phát hiện.
Ngư lôi hạng nặng Mk-48 nặng 1,5 tấn, dài 5,79m, lắp đầu đạn nặng 295kg, đạt tốc độ hành trình 55 hải lý/h. Đặc biệt, Mk-48 có thể bắn mục tiêu ở độ sâu tối đa 800m, tầm bắn 38km (dẫn đường thụ động) hoặc 50km (dẫn đường chủ động).
Ngoài Mk-48, USS Seawolf (SSN-21) còn có khả năng phóng một số loại ngư lôi hạng nhẹ, thủy lôi, tên lửa hành trình chống tàu UGM-84 Harpoon và cả tên lửa hành trình đối đất tầm xa Tomahwk (tối đa 50 quả). Với tên lửa Tomahawk, tàu ngầm USS Seawolf (SSN-21) không chỉ có khả năng săn ngầm mạnh mà còn đe dọa mục tiêu đất liền cách xa hàng nghìn km với độ chính xác cực cao.
Để đối phó với những đòn phản công của tàu ngầm địch, USS Seawolf (SSN-21) sử dụng hệ thống phóng ngư lôi mồi WLY-1 của Northrop Grumman và một tổ hợp đối phó điện tử GTE WLQ-4. Hệ thống khí tài này đã cho tàu ngầm USS Seawolf (SSN-21) khả năng toàn diện: Phát hiện sớm mục tiêu, tấn công mạnh mẽ, cơ động nhanh chóng và phòng ngự tránh đòn phản công. Tất cả các hệ thống vũ khí trên đều chịu sự chỉ huy kiểm soát của hệ thống kiểm soát vũ khí AN/BYG-1 do Tập đoàn Raytheon thiết kế.
USS Seawolf (SSN-21) được trang bị hệ thống phát hiện tàu ngầm sonar BQQ 5D, trong đó có hệ thống thuỷ âm hình cầu chủ động và bị động đường kính 24 feet BQQ-5D và BQS-24. Thông tin từ hệ định vị thủy âm thu về sẽ được hệ thống AN/BBQ-10 (V4) do Lockheed Martin chế tạo. Để định hướng, tàu sử dụng radar BPS-16, hoạt động trên băng tần I. Ngoài ra tàu còn được trang bị hệ thống định vị thủy âm TB-29 để phát hiện nhanh đối tượng gần như mìn hay thuỷ lôi. Nhờ hệ thống hiện đại này, USS Seawolf (SSN-21) có khả năng phát hiện sớm tàu ngầm đối phương và tung đòn đánh chặn.
Giai bi an tau ngam hat nhan tot nhat hanh tinh cua My-Hinh-3
Radar BPS-16. Ảnh: Wikimediacommons
Một số đặc điểm kỹ chiến thuật nổi bật
- Thân tàu USS Seawolf (SSN-21) được chế tạo từ hợp kim thép HY-100 dày 5,08cm chịu được áp lực khi lặn sâu. Thép HY-100 có độ cứng hơn 20% so với thép HY-80 được sử dụng cho các tàu lớp Los Angeles. Điều này cho phép tàu ngầm lớp Seawolf có khả năng lặn sâu 731m - 914m.
- Tàu ngầm USS Seawolf (SSN-21) là tàu ngầm đầu tiên của Mỹ sử dụng hệ thống bơm phun (pump-jet) để di chuyển thay cho chân vịt, giúp tàu hoạt động êm và nhanh hơn. Nhờ kỹ thuật này, USS Seawolf (SSN-21) vận hành với độ ồn ít hơn 70 lần so với các phiên bản cải tiến của tàu ngầm lớp Los Angeles trong khi vẫn bảo đảm tốc độ nhanh gấp đôi so với các loại tàu ngầm trước đó.
- USS Seawolf (SSN-21) được lắp đặt thêm một hệ thống thiết bị dài hơn 30m, có tên gọi Nền tảng đa nhiệm (MMP) vào thân tàu. Thiết bị này giúp USS Seawolf (SSN-21) triển khai và thu hồi các phương tiện do thám không người lái dưới nước, hoặc mang theo 50 lính đặc nhiệm SEAL để thực hiện các sứ mệnh đặc biệt. Chính đặc điểm này đã khiến giới phân tích quân sự đánh giá USS Seawolf (SSN-21) là một trong những tàu ngầm gián điệp bí mật nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Theo giới chuyên gia quân sự, tàu ngầm hạt nhân tấn công USS Seawolf (SSN-21) lớp Seawolf là mẫu tàu ngầm tốt nhất thế giới từng được chế tạo. Dù chỉ được chế tạo với số lượng ít do những chuyển biến trong thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh, nhưng đội tàu Seawolf vẫn được xem là phần rất hữu dụng của lực lượng tàu ngầm Mỹ, với những khả năng mà thậm chí thế hệ tàu ngầm lớp Virginia được chế tạo sau này không thể sánh kịp.
Lam Ngọc

>> xem thêm

Bình luận(0)