Điều chưa biết về quần áo của phi công tiêm kích Việt Nam

Google News

Bộ quần áo bay của phi công Không quân Việt Nam được thiết kế "tinh vi" như máy bay chiến đấu. 

Quân trang nghiệp vụ bay là quân trang đặc thù được bảo đảm cho phi công và các thành viên tổ bay trong khi làm nhiệm vụ bay huấn luyện, chiến đấu và được trang bị từ đầu xuống chân bao gồm mũ, quần áo, găng tay, giầy.
Ấn tượng và dễ nhận ra nhất có lẽ là bộ quần áo bay. Thay vì màu cát cháy, vài năm gần đây, quần áo phi công đã được chuyển sang màu ghi sáng, đậm chất “lính canh trời”. Thượng tá Trần Trung – Phó trưởng Phòng Quân nhu (Cục Hậu cần) cho biết, dựa trên những nghiên cứu về mẫu vải của Nhật, Đức và khối Nato, vải dệt dobby hiện đang được sử dụng để may quần áo bay cho phi công quân sự. Vải được cài sợi các bon, có khả năng chống tĩnh điện, xử lí chống cháy, chống tia UV, thấm mồ hôi, chống nhàu và siêu bền. Thêm vào đó, một đặc tính vượt trội của loại vải này là rất nhẹ. Có thời kỳ quần áo phi công nặng tới 3 kg/bộ, nếu mặc đi trực chiến dài ngày, phi công thường rất khó chịu. Thứ nữa, khi nhảy dù, nếu tiếp đất ở vị trí các ao, hồ, do quần áo giữ nước, trọng lượng trên người lúc đó tăng thêm đến hàng chục ki lô gam.
Dieu chua biet ve quan ao cua phi cong tiem kich Viet Nam
 Phi công Trung đoàn 925 (Sư đoàn 372) trong trang phục bay 
khi làm nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu.
Về kiểu dáng, để tiện lợi, trang phục bay mùa hè được thiết kế áo rời quần; để tăng độ ấm, trang phục bay Đông được thiết kế áo liền quần, bằng chất vải dày hơn; cả hai đều có các lỗ thoáng. Trang phục bay của phi công, học viên bay và lực lượng dù có nhiều điểm được thiết kế khác biệt với trang phục của các lực lượng khác. Quần áo bay có tới 7 loại túi chuyên dụng cả ở áo và quần: túi đựng bản đồ, sổ tay phi công, túi để súng ngắn, túi để băng tiếp đạn, túi đựng dao cắt dù. Hệ thống khuy trên quần áo đã được hạn chế tối đa, thay vào đó là các khóa nhựa cao cấp, dễ sử dụng.
Trung tá Đinh Văn Yên - Trợ lí Quân trang, Phòng Quân nhu cho biết, để có được trang phục bay khá phù hợp như hiện tại, Phòng Quân nhu đã phối hợp với Viện nghiên cứu ứng dụng, Cục Quân nhu đến các đơn vị bay lấy ý kiến phi công và đề nghị trên phê duyệt. Còn đồng chí Đào Xuân Thu - Quyền phụ trách Phân xưởng May đặc chủng, Trung tâm Đo lường miền Bắc, để có được những bộ quần áo phi công, cán bộ, nhân viên Phân xưởng phải cơ động đến các đơn vị trực tiếp đo số đo của từng phi công; kế đó, phải chọn những thợ may có kỹ thuật, tay nghề cao thực hiện việc may đo. Sản phẩm hoàn thiện trước hết phải đáp ứng được tính năng trong huấn luyện, SSCĐ; đảm bảo tiện ích khi phi công ngồi trong buồng lái hoặc khi nhảy dù và phải đảm bảo tính thẩm mĩ, nghĩa là quần áo phải vừa với “phom” người, không quá chật hoặc quá rộng.
Trao đổi với Trung tá Nguyễn Trường Nam - Chính trị viên Phi đội 1, Trung đoàn 927 (Sư đoàn 371), được biết trong trang phục bay của phi công còn có cả quần áo kháng áp và quần áo cao không. Quần áo kháng áp tạo ra áp suất lên cơ thể phi công tùy theo cường độ, hướng tác động của gia tốc nhằm hạn chế tác động của quá tải. Còn quần áo cao không làm tăng hiệu quả của việc thở ô xy dưới áp lực cao, do đó nâng được trần bay của phi công. Khi hoạt động ở độ cao từ 10km, phi công bắt buộc phải sử dụng quần áo cao không và đội mũ kín. Cả mũ và quần áo cao không đều được bơm ôxy, làm ấm cơ thể và giúp lưu thông máu. Các loại quân trang này đều được nhập khẩu.
Bên cạnh quần áo, trong trang phục nghiệp vụ bay còn có mũ lót, găng tay và giày. Mũ lót bay được may bằng vải cotton, thấm mồ hôi, thoáng. Mũ lót có tác dụng cố định, giữ ổn định mũ bay; đồng thời tạo cảm giác êm và thấm mồ hôi. Găng tay với chất vải sợi, không chỉ giúp thấm mồ hôi mà còn phòng điện giật khi phi công sử dụng các nút ấn, công tắc trong buồng lái. Giày của phi công cũng có những đặc thù riêng. Phi công phản lực khi bay sử dụng giày da bay cao cổ; phi công trực thăng, vận tải sử dụng dày da thấp cổ. Ngoài ra còn có giầy da nhảy dù cao cổ cho lực lượng dù. Giày bay thường rất êm, ôm chân song cũng rất dễ cởi (giúp phi công dễ dàng giải phóng đôi chân khỏi giày khi gặp sự cố). Đế giày có lớp cao su non, mềm, xốp, dẻo, có độ ma sát nhưng không dính cát để đảm bảo không có vật ngoại lai theo đế dày lên buồng lái.
Phi công, xưa nay thường được biết đến là những người có “phom” chuẩn, dáng đẹp. Vẻ đẹp hình thể ấy một phần được tôn lên bởi những trang phục bay. Đó là nhận xét và đánh giá từ những người ngoài cuộc. Còn với phi công, bên cạnh yêu cầu thẩm mĩ thì sự tiện ích là yếu tố phải bảo đảm trước tiên khi sử dụng quân trang nghiệp vụ bay.
Theo Hồng Linh/Báo PK-KQ

Bình luận(0)