Điểm danh top hệ thống phòng không tối tân nhất hành tinh

Google News

(Kiến Thức) - Để đối phó với các máy bay chiến đấu, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình... các nước không ngừng phát triển hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến.
 

Một trong những thành phần chủ chốt của hệ thống phòng không được quân đội các nước đặc biệt ưu tiên đầu tư nghiên cứu, phát triển, mua sắm và trang bị là các tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung và xa. Đây là những tổ hợp có khả năng cơ động cao, phạm vi đánh chặn lớn, độ chính xác cao và có khả năng đối phó với nhiều loại mục tiêu khác nhau.
Diem danh top he thong phong khong toi tan nhat hanh tinh
Tổ hợp phòng không S-400 Triumf của Nga. Ảnh: Defencenews
Tổ hợp phòng không S-400 Triumf của Nga
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf của Nga được giới chuyên gia quân sự đánh giá cao nhất hiện nay. Theo đó, S-400 Triumf có tính năng vượt trội so với các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại khác trên thế giới, với  khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly tối đa 600km, gấp 6 lần tổ hợp Patriot của Mỹ. Cùng một lúc, S-400 có thể theo dõi 300 mục tiêu, gấp 3 lần so với Patriot; tiêu diệt đồng thời 32 mục tiêu, gấp 5 lần so với Patriot; và dẫn đường cho 72 tên lửa, gấp 12 lần so với Patriot. Thời gian để triển khai tổ hợp S-400 chỉ mất 5 phút. 
Thành phần cơ bản của tổ hợp S-400 Triumf gồm: Hệ thống chỉ huy và điều khiển 56K6E đặt trên khung gầm xe Ural-532301; hệ thống nhận dạng mục tiêu sử dụng ra-đa  91N6E có khả năng chống nhiễu, cự ly quan sát 600km; tên lửa phòng không 48N6E/E2/E3, 48N6DM, 9M96E, 9M96E2 và tầm xa 40N6E (xa 400km). Trong đó, hệ thống tự động chỉ huy 56K6E có thể điều khiển cả tổ hợp tên lửa S-400, S-300PMU, Tor-M1 và Pantsir-S1 trong hệ thống phòng không tích hợp. 
Tổ hợp Patriot PAC-3 của Mỹ
Mỗi tiểu đoàn Patriot PAC-3 được biên chế: 6 đại đội, mỗi đại đội biên chế 6 tổ hợp, một radar AN/MPQ-53, một trạm chỉ huy AN/MSQ-104. Tổ hợp tên lửa phòng không này cho phép Lục quân Mỹ có thể tiến hành tấn công bất kỳ mục tiêu nào trong phạm vi bán kính tác chiến 500km, 600km và 1.000km.
Hiện nay, phiên bản cải tiến mới nhất của Patriot là Patriot PAC-3 MSE. So với phiên bản Patriot PAC-3, phiên bản Patriot PAC-3 MSE có tính năng tốt hơn rất nhiều, khả năng đánh chặn hiệu quả hơn 50%, cự ly đánh chặn tăng lên gấp đôi, đồng thời có năng lực phòng thủ rất hiệu quả trước các loại tên lửa hành trình. Đồng thời, Lục quân Mỹ đang tiếp tục nghiên cứu nhằm nâng cao hơn nữa năng lực tác chiến phòng thủ cấp tiểu đoàn đối với các biến thể của Patriot thông qua việc thay đổi biên chế từ 2 tổ hợp cho 1 đại đội như trước đây thành 3 tổ hợp. 
Diem danh top he thong phong khong toi tan nhat hanh tinh-Hinh-2
Tổ hợp Patriot PAC-3 của Mỹ. Ảnh: Defenseforces
Tổ hợp phòng không MEADS của châu Âu
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung MEADS là sản phẩm hợp tác giữa Đức, Italia và Mỹ. MEADS ra đời nhằm mục đích thay thế các tổ hợp Patriot triển khai tại Đức và Mỹ, tổ hợp Nike Hercules ở Italia. Nhiệm vụ chính của MEADS là bảo vệ các lực lượng cơ động trước máy bay tiêm kích, máy bay ném bom, máy bay trực thăng, UAV, cũng như tên lửa đạn đạo chiến thuật và tên lửa hành trình.
Một tiểu đoàn MEADS được biên chế: 6 bệ phóng cơ động, một radar giám sát, 2 radar điều khiển hỏa lực đa năng, 2 hệ thống quản lý chiến đấu và xe nạp đạn. 
Đặc điểm nổi bật nhất của MEADS là được tích hợp tên lửa đánh chặn MIM-104F - loại tên lửa sử dụng cho tổ hợp Patriot PAC-3. Tên lửa này có khả năng cơ động cao và phá hủy mục tiêu bằng phương thức va chạm động năng. Tên lửa MIM-104F đạt tầm bắn tối đa 40km, có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao lên đến 20.000m. Mỗi bệ phóng của MEADS mang được 12 quả tên lửa MIM-104F. Không giống như Patriot bắn ở một góc cố định, thiết bị phóng của MEADS khai hỏa theo chiều gần thẳng đứng ở góc tà 700, có khả năng tấn công các mục tiêu xung quanh 3600 mà không cần phải quay bệ phóng. Các bệ phóng sử dụng hệ thống nạp đạn song song, nên thời gian nạp lại 12 tên lửa rất nhanh.
Trong khi đó, radar điều khiển hỏa lực đa năng có giới hạn hoạt động góc phương vị 3600, quét điện tử chủ động băng tần X, cung cấp khả năng theo dõi, phân loại chính xác mục tiêu để điều khiển tên lửa tiêu diệt. 
Diem danh top he thong phong khong toi tan nhat hanh tinh-Hinh-3
Tổ hợp phòng không SAMP/T của Pháp.Ảnh: Defenseadvocacy
Tổ hợp phòng không SAMP/T của Pháp
SAMP/T là tổ hợp tên lửa phòng không tự hành tầm trung sử dụng tên lửa có điều khiển Aster-30 do Hãng MBDA của Pháp nghiên cứu, chế tạo.
Tổ hợp SAMP/T được trang bị radar đa năng 3 tọa độ ARABEL, angten mạng pha thụ động, dễ dàng phát hiện, nhận dạng và theo dõi đồng thời 130 mục tiêu trên không khác nhau, và có khả năng dẫn đường cho các tên lửa tấn công 10 trong số 130 mục tiêu theo dõi. Radar sử dụng cơ cấu quay angten cơ khí theo góc phương vị với tốc độ 60 vòng/phút và quét điện tử theo góc tà. 
Thành phần của tổ hợp SAMP/T gồm: 6 xe mang bệ phóng thẳng đứng, mỗi bệ phóng có khả năng phóng đồng thời 8 tên lửa phòng không có điều khiển về phía mục tiêu và 2 xe tiếp đạn. Sức mạnh của SAMP/T nằm ở tên lửa 2 tầng nhiên liệu rắn Aster-30, tầm bắn 5 - 120km, độ cao 30.000m, tốc độ bay 1.400m/s, cự ly tiêu diệt mục tiêu hiệu quả đối với máy bay là 3 - 100km hoặc 3 - 35km với tên lửa đạn đạo. Tên lửa được trang bị hệ thống điều khiển phức hợp chính xác cao, cho phép điều chỉnh lỗi dẫn đường và tăng tính cơ động.
Tổ hợp MR-SAM của Ấn Độ
Tổ hợp MR-SAM của Ấn Độ được thiết kế để tiêu diệt máy bay, máy bay trực thăng,  UAV và tên lửa ở cự ly lên đến 70km bằng tên lửa phòng không Barak-8 trong điều kiện cả ngày lẫn đêm. 
Sức mạnh của MR-SAM nằm ở tên lửa đánh chặn Barak-8 và radar EL/M-2084, có thể phát hiện mục tiêu ở cự ly 470km. Tên lửa Barak-8 dài 4,5m, đường kính thân 0,54m, sải cánh 0,94m, nặng 274kg, đầu đạn kiểu nổ phá mảnh với ngòi nổ định hướng nặng 60kg, tốc độ bay 2Mach, tầm bắn 70km và trần bay 16.000m. Tên lửa được bắn đi theo chiều thẳng đứng từ ống phóng kiêm ống bảo quản, tầm bao quát 3600, cơ số đạn sẵn sàng chiến đấu gồm 8 quả tên lửa chia làm 2 cụm riêng biệt. Xe phóng được thiết kế hoàn toàn tại Ấn Độ và được bố trí thêm lá chắn lửa phụt từ động cơ tên lửa để không gây ảnh hưởng đến xe phóng, thiết bị này chịu được ít nhất 60 lần phóng. Toàn bộ 8 quả tên lửa có thể bắn trong vòng 20 giây, công việc tái nạp tên lửa do một xe chuyên dụng đảm nhiệm.
Diem danh top he thong phong khong toi tan nhat hanh tinh-Hinh-4
Tổ hợp MR-SAM của Ấn Độ. Ảnh: Idrw
Tổ hợp tên lửa M-SAM của Hàn Quốc
M-SAM được đánh giá là tổ hợp phòng không tầm trung hiện đại nhất Châu Á hiện nay, được Tập đoàn LiGnex1 của Hàn Quốc nghiên cứu phát triển. M-SAM có tầm bắn đến 70km và có thể đánh chặn máy bay bay, máy bay trực thăng, tên lửa ở độ cao 10.000 - 15.000m. Mỗi quả tên lửa nặng 400kg, dài 4,61m, đường kính thân 0,275m, sử dụng động cơ rocket nhiên liệu rắn, gọn nhẹ được đặt trong ống phóng kiêm bảo quản. Tổ hợp này sử dụng hệ thống radar 3D hoạt động trong băng tần X, tốc độ quay 40 vòng/phút và góc tà lên tới 800. Mỗi tiểu đoàn M-SAM được trang bị 8 xe phóng, mỗi xe mang 8 quả tên lửa để thực hiện nhiệm vụ đánh chặn.
Tên lửa của M-SAM sử dụng phương thức dẫn đường bằng quỹ đạo tên lửa ở giai đoạn đầu, sử dụng đầu dò radar chủ động giai đoạn cuối để tiếp cận và tiêu diệt mục tiêu. M-SAM được phóng thẳng đứng theo phương pháp phóng nguội giống như các tổ hợp S-300, S-400 và Tor của Nga. 
Lam Ngọc

>> xem thêm

Bình luận(0)