Chương trình ERI của Mỹ không thể làm yên lòng châu Âu

Google News

Trong tài khóa Mỹ 2018 (được tính bắt đầu từ ngày 1-10-2017), chính phủ Mỹ sẽ tăng hơn 40% ngân sách cho chương trình Sáng kiến Củng cố an ninh châu Âu (ERI).

Nhằm hỗ trợ châu Âu đối phó với mối đe dọa khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từ phía Nam cũng như thách thức trước một nước Nga đang trỗi dậy từ phía Đông, nước Mỹ dưới thời của cựu Tổng thống Barack Obama đã đầu tư hàng tỷ USD vào chương trình ERI.
Theo chương trình này, kể từ năm 2014, Mỹ và NATO đã tập trung tái củng cố năng lực quân sự và mức độ sẵn sàng của lực lượng ở châu Âu trên cơ sở luân phiên, tăng cường tập trận và triển khai tại đó số lượng vũ khí cũng như các thiết bị quân sự bổ sung. Bên cạnh đó, chương trình này còn nhằm hỗ trợ các đồng minh châu Âu bằng viện trợ quân sự dưới hình thức tăng cường đào tạo cho các binh chủng hải quân, lục quân, không quân cho các đồng minh Đông Âu…
Chuong trinh ERI cua My khong the lam yen long chau Au
 Lữ đoàn Tăng thiết giáp số 3 của Mỹ được điều từ Colorado sang Ba Lan hồi đầu năm 2017. Ảnh:popularmechanics.com 
Trong những năm qua, ngân sách của Mỹ dành cho ERI liên tục tăng. Bắt đầu từ 850 triệu USD vào năm 2015, ngân sách dành cho ERI đã tăng lên 3,4 tỷ USD vào năm 2017 và dự kiến sẽ tăng lên 4,8 tỷ USD vào năm 2018. Theo kế hoạch chi tiêu ngân sách dành cho ERI, gần một nửa chi tiêu của năm 2018 (khoảng 2,2 tỷ USD) sẽ được dùng để tăng hiệu quả của “kho dự trữ chiến lược của Mỹ” tại châu Âu (chính là các kho vũ khí được đặt tại các vị trí tiền tiêu), giúp Mỹ “triển khai nhanh chóng các lực lượng trên chiến trường”. 
Trong khi đó, 1,7 tỷ USD khác sẽ được sử dụng nhằm tăng cường sự hiện diện quay vòng các lực lượng của Mỹ trên toàn châu Âu. Phần ngân sách còn lại sẽ được sử dụng để phát triển cơ sở hạ tầng cho các căn cứ tại châu Âu nhằm đẩy nhanh tốc độ triển khai các hành động của Mỹ, tăng cường tiềm lực cho các cuộc tập trận quân sự, huấn luyện và tăng mức độ nhanh chóng cũng như khả năng phối hợp tác chiến của các lực lượng NATO.
Bộ chỉ huy châu Âu của Mỹ cho biết, ngân sách dành cho ERI chỉ là một phần trong các quỹ phục vụ cho “Chiến dịch Giải pháp Đại Tây Dương”, chứng minh khả năng của Washington trong việc đáp trả những mối đe dọa đối với các nước đồng minh của Mỹ. Trong khuôn khổ chiến dịch này, vào tháng 1-2017, Mỹ đã điều Lữ đoàn Tăng thiết giáp số 3, gồm 3.500 quân, 85 xe tăng, 18 súng cối tự hành, 144 xe chiến đấu bộ binh… từ căn cứ Fort Carson (Colorado) đến Ba Lan. Các đơn vị trực thuộc lữ đoàn này sau đó sẽ được điều chuyển sang các nước Đông Âu khác, nhất là Estonia, Litva, Latvia, Bulgaria, Rumania và cũng có khả năng ở cả Ukraine nhằm mục đích huấn luyện và tập trận. Điều đó có nghĩa là các lực lượng này tiếp tục được triển khai ở biên giới với Nga.
Nằm trong khuôn khổ “Chiến dịch Giải pháp Đại Tây Dương”, vào tháng 2-2017, một lữ đoàn không quân gồm hơn 2.000 binh sĩ và khoảng 100 máy bay trực thăng chiến đấu đã được chuyển từ căn cứ Fort Drum (New York) đến căn cứ Illesheim (Đức). Từ căn cứ này, các lực lượng đặc nhiệm Mỹ sẽ được điều đến căn cứ Amari ở Estonia và Graf Ignatievo (Bulgaria), các máy bay ném bom của Mỹ và NATO luôn túc trực nhằm thực hiện nhiệm vụ giám sát bầu trời khu vực Baltic.
Ngoài ra, chiến dịch này còn dự kiến duy trì sự hiện diện lâu dài tại Biển Đen, với sự hiện diện của các lực lượng tại căn cứ không quân Kogalniceanu (Rumania) và căn cứ huấn luyện Novo Selo (Bulgaria).
Rõ ràng, kế hoạch triển khai quân của Mỹ đến châu Âu là một phần trong nỗ lực nhằm đối phó với Nga, đồng thời giúp Washington giành lại lợi thế về lợi ích cũng như tương quan lực lượng với các cường quốc châu Âu. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ làm tình hình ở châu Âu thêm căng thẳng, lôi cuốn các nước trong khu vực vào một cuộc chạy đua vũ trang mới tiềm tàng và nguy hiểm.
Đó là lý do vì sao mà giới quân sự châu Âu cho rằng, 10 tỷ USD được Mỹ đầu tư trong 4 năm thông qua chương trình ERI nhằm làm yên lòng châu Âu, nhưng trên thực tế nó khiến cho “lục địa già” trở nên kém an toàn hơn.
Theo Bình Nguyên/Quân đội Nhân Dân Online

>> xem thêm

Bình luận(0)