Bất ngờ hệ thống điều khiển hỏa lực của xe tăng T-55 Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Hệ thống điều khiển hỏa lực của xe tăng T-54/55 khá đơn giản nhưng vẫn phát huy hiệu quả cao khi đặt vào thiết kế tổng thể của xe.

Hệ thống điều khiển hỏa lực (fire control system - FCS) là tập hợp nhiều thành phần con như máy tính đường đạn, máy chỉ thị mục tiêu, đo xa laser và các cảm biến được thiết kế để hỗ trợ hệ thống vũ khí. Nó thực hiện các nhiệm vụ như một pháo thủ, nhưng làm điều đó nhanh và chính xác hơn.
Xe tăng T-55 hay T-54 được ra đời từ những năm 1950, ở thời điểm mà công nghệ điện tử còn gặp nhiều hạn chế. Tuy nhiên, rất đáng kinh ngạc là các nhà thiết kế Liên Xô đã cố gắng trang bị cho dòng tăng huyền thoại này hệ thống điều khiển hỏa lực cơ bản.
Hệ thống điều khiển hỏa lực của T-54/55 chủ yếu gồm các kính ngắm ban ngày/đêm được bố trí cho trưởng xe và pháo thủ phục vụ chiến đấu.

Chỉ huy

Bat ngo he thong dieu khien hoa luc cua xe tang T-55 Viet Nam
Xe tăng T-54/55 của quân đội nhân dân Việt Nam. 

Chỉ huy xe tăng T-54/55 ngồi phía sau xạ thủ, dưới mái vòm của tháp pháo. Vị trí này có 5 khối lăng kính rộng cung cấp khả năng quan sát và định hướng tốt. Khi phát hiện đối tượng khả nghi, chỉ huy có thể nhanh chóng chuyển sang thiết bị quan sát TPK-1 nằm ở vị trí trung tâm khối quan sát.

TPK-1 có độ phóng đại khoảng 2,75 lần. Tuy nhiên, thiết bị này nhanh chóng được thay thế bằng TPKU-2B. Thiết bị này không có khối nhìn riêng nhưng có độ phóng đại 5 lần cùng một thiết bị đo khoảng cách được bổ sung vào. TPKU-2B có thể nhìn thấy mục tiêu cao 2,7 m ở cự ly tới 3.000 m. Lăng kính của thiết bị có thể dễ dàng thay thế khi bị hỏng hóc hoặc sự cố.

TPKU-2B chỉ huy có thể quan sát và tìm kiếm mục tiêu thông qua thiết bị ngắm độc lập của xạ thủ bằng một nút bấm. Chỉ huy sẽ kiểm soát quá trình quay của tháp pháo để giữ mục tiêu trong tầm quan sát, giúp cho xạ thủ khóa mục tiêu vào thiết bị ngắm.

Khi tác chiến vào ban đêm, thiết bị quan sát có thể ngắt kết nối và thay thế bằng thiết bị nhìn hồng ngoại TKN-1. Hệ thống quan sát hồng ngoại gắn trên mái vòm ở vị trí ngồi của chỉ huy, tuy nhiên phạm vi quan sát khá hạn chế chỉ 400 m với độ phóng đại 2,75 lần.

Trong khi đó, kính nhìn đêm của xạ thủ lại có tầm quan sát gấp đôi, 800 m nhưng chỉ ở vòm phía trước của tháp pháo. Thiết bị nhìn hồng ngoại của xe tăng T-54/55 tồn tại khá nhiều nhược điểm. Thiết bị nhìn hồng ngoại dạng đèn của xe dễ bị phát hiện từ xa bằng các hệ thống hồng ngoại thụ động với tầm trinh sát vượt trội so với thiết bị trên T-54/55.

Mặt khác, thiết bị nhìn hồng ngoại của xe hơi khó sử dụng khiến chỉ huy khó giữ mục tiêu trong tầm nhìn, đặc biệt là lúc xe đang di chuyển.

Xạ thủ

Xạ thủ ngồi phía trước, bên dưới chỉ huy và được trang bị khối quan sát ban ngày TSh2B-32P tương tự như khối quan sát chính của chỉ huy. Đây là phiên bản nâng cấp từ hệ thống quan sát của xe tăng T-34. Khi không chỉ thị  mục tiêu, xạ thủ có thể sử dụng khối này để quét đường chân trời hoặc sử dụng khối lăng kính riêng để quan sát khu vực rộng lớn hơn.

Bat ngo he thong dieu khien hoa luc cua xe tang T-55 Viet Nam-Hinh-2
Tuy thiếu máy tính đường đạn, nhưng hiệu suất tác chiến của xe tăng T-54/55 vẫn ở mức tối ưu

Khi tác chiến vào ban đêm, xạ thủ sử dụng kính ngắm hồng ngoại TPN-1 (từ phiên bản T-54B) trở đi, thay cho khối lăng kính. Bên dưới khối quan sát là cần điều khiển tháp pháo, với nút bấm khai hỏa pháo bên phải và súng máy đồng trục bên trái.

Tháp pháo quay bằng điện, nhưng cũng có thể thao tác quay và ngắm bắn bằng cơ khí, tuy vậy sẽ ảnh hưởng nhiều đến hiệu suất chiến đấu. Pháo chính của xe tăng được trang bị hệ thống ổn định 2 trục STP-2 từ năm 1956.

Hệ thống này ổn định pháo chính theo chiều ngang và chiều dọc. Tuy nhiên, xe thiếu hệ thống máy tính đường đạn nên khả năng bắn trong khi đang di chuyển thực sự có vấn đề. T-54/55 không thể bắn chính xác khi đang di chuyển sang trái hoặc sang phải so với mục tiêu.

Mặc dù pháo chính được trang bị hệ thống ổn định 2 trục nhưng không thể duy trì việc khóa mục tiêu khi xe đang di chuyển. Ví dụ nếu xe đang chạy ở tốc độ 40 km/h, tháp pháo quay ngang so với hướng di chuyển của xe, viên đạn pháo bắn vào mục tiêu cách 1.000 m sẽ bị lệch 1,5 so với vị trí ngắm ban đầu.

Tương tự, khi xe di chuyển từ trên cao xuống, đạn bắn ra sẽ bị thấp hơn so với vị trí ngắm. Để tác chiến chính xác khi xe đang di chuyển đòi hỏi kinh nghiệm của xạ thủ. Tuy vậy, T-54/55 vẫn có thể bắn chính xác khi xạ thủ có kinh nghiệm hướng thẳng xe vào mục tiêu hoặc di chuyển ở tốc độ chậm hơn.

Xét về tính năng, hệ thống điều khiển hỏa lực của T-54/55 chỉ ở mức cơ bản, không muốn nói là lạc hậu so với tiêu chuẩn phương Tây. Tuy nhiên, đặt vào thiết kế tổng thể của xe, hệ thống vẫn phát huy hiệu quả cao.

Hiệu suất tác chiến của xe tăng T-54/55 phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người, đây cũng là quan điểm thiết kế chính của các vũ khí của Liên Xô trước đây, Nga hiện nay. Trên chiến trường, T-54/55 vẫn phát huy hiệu quả cao khi đối phó với các mục tiêu bọc giáp vừa đến nhẹ của đối phương.

Những năm Kháng chiến chống Mỹ, xe tăng T-54/55 của quân đội Việt Nam đã tiêu diệt nhiều xe tăng M41, M48 của Mỹ viện trợ cho VNCH. Ngày nay, T-54/55 chắc chắn không thể so sánh với các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại, nhưng nếu vận dụng chiến thuật hợp lý, dòng xe tăng huyền thoại này vẫn cho thấy tính hữu dụng của nó.

Quốc Minh

>> xem thêm

Bình luận(0)