Bão táp sa mạc: Chiến dịch định hình chiến tranh hiện đại

Google News

(Kiến Thức) - Bom thông minh dẫn đường laser, GPS, tên lửa hành trình được sử dụng ồ ạt trong chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991 đã mở màn kỷ nguyên chiến tranh công nghệ cao.

Bom dẫn đường laser tiêu diệt xe tăng Iraq từ bầu trời, máy bay do thám theo dõi từng bước di chuyển và máy bay ném bom tàng hình tránh sự theo dõi của radar đối phương được sử dụng trong ngày mở màn chiến dịch Bão táp sa mạc.

Đầu năm 2016, các nhà sử học, cựu chiến binh và nhà phân tích đã tiến hành kỷ niệm 25 năm kết thúc chiến dịch bão táp sa mạc. Các nhà phân tích kết luận, chiến dịch đã tạo ra bước ngoặt lớn trong việc định hình chiến trường hiện. Chiến dịch đã trở thành biểu tượng mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên tác chiến công nghệ cao.

Kỷ nguyên GPS

Bão táp sa mạc là chiến dịch quân sự đầu tiên sử dụng công nghệ tàng hình, hệ thống GPS để định vị trạm radar cảnh báo sớm, khu vực bố trí tên lửa của đối phương. Đây cũng là chiến dịch sử dụng số lượng lớn bom dẫn đường laser với độ chính xác cao.

Thiếu tướng Paul Johnson, phó tham mưu trưởng kế hoạch và chiến lược, chiến dịch Bão táp sa mạc nói với Scout Warrior, trong một cuộc phỏng vấn đặc biệt, “chúng tôi thoáng nhìn thấy chiến dịch Bão táp sa mạc sẽ thay đổi sức mạnh tác chiến trên không. Đây là buổi bình minh GPS với khả năng di chuyển chính xác bất kỳ nơi nào mà không cần hệ thống điều hướng khác”.

Bao tap sa mac: Chien dich dinh hinh chien tranh hien dai
. Tiêm kích F-15 ném bom thông minh JDAM. Bom thông minh phát triển mạnh kể từ sau chiến dịch Bão táp Sa mạc. Ảnh: Không quân Mỹ 

Chiến dịch mở màn bằng cuộc tập kích ồ ạt trên không bằng tên lửa hành trình, tiếp đến không quân và lục quân tung máy bay xâm nhập sâu bên trong lãnh thổ Iraq để săn lùng các trạm radar cảnh báo sớm. Trực thăng MH-53 Pave Low của không quân cùng trực thăng tấn công AH-64 Apache làm nhiệm vụ săn lùng và tiêu diệt các trạm radar của Iraq.

Ý tưởng nhiệm vụ là tiêu diệt hoàn toàn radar cảnh báo sớm để mở toang bầu trời cho các máy bay khác tiêu diệt mục tiêu một cách an toàn. Cuộc tập kích đường không diễn ra trong 5 đến 6 tuần để dọn đường cho cuộc xâm lược trên mặt đất và chiến dịch đã thành công.

“Bây giờ, mọi người có thể sử dụng GPS trên hầu hết các smartphone nhưng ở thời điểm những năm 1990, đó thực sự là một cuộc cách mạng”, tướng Johnson nói.

Sự ra đời của GPS giúp các máy bay ném bom tàng hình F-117A, B-52 và các chiến đấu cơ khác tác chiến hiệu quả hơn. Ngày nay, ngoài hệ thống GPS của Mỹ, một số quốc gia cũng phát triển hệ thống định vị toàn cầu riêng như GLONASS của Nga, Bắc Đẩu của Trung Quốc để điều hướng và dẫn đường cho các hệ thống vũ khí của họ.

Các công nghệ mới

Bom dẫn đường laser và một số vũ khí có điều khiển khác đã từng được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam nhưng Bão táp sa mạc mới là chiến dịch đầu tiên sử dụng ồ ạt các vũ khí dẫn đường chính xác. Ngoài ra, các tên lửa không đối đất dẫn đường như AGM-65 Maverick cũng được sử dụng với số lượng chưa từng có.

Bao tap sa mac: Chien dich dinh hinh chien tranh hien dai-Hinh-2
Tiêm kích F-16 phóng tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick. Ảnh: Military.com 

Tên lửa Maverick là một trong những vũ khí chủ lực để đánh bại lực lượng xe tăng Iraq. Bên cạnh vũ khí dẫn đường, chiến dịch còn ghi nhận sự phát triển của một loại hình chiến thuật tác chiến mới là radar khẩu độ tổng hợp (SAR).

Radar SAR có khả năng lập bản đồ mặt đất để tạo ra hình ảnh các đối tượng trên mặt đất với độ phân giải cao. “Công nghệ này cho phép chúng tôi giám sát chiến trường bất kể ngày đêm hay điều kiện thời tiết để phát hiện và theo dõi mọi chuyển động trên mặt đất của đối phương”, tướng Johnson nói.

Công nghệ giám sát chiến trường bằng máy bay lắp radar khẩu độ tổng hợp cung cấp cho các chỉ huy Mỹ một cái nhìn toàn cảnh và liên tục về tình hình chiến trường, từ đó đưa ra những điều chỉnh chiến thuật phù hợp nhất.

Sự phát triển của vũ khí thông minh, công nghệ giám sát trên không đã mở ra một loại hình tác chiến mới được gọi là “tác chiến dựa trên hiệu ứng”, tức kỹ thuật tác chiến trên không nhắm vào một mục tiêu cụ thể mà không cần phá hủy các cơ sở hạ tầng xung quanh.

Điều đó có nghĩa là Mỹ có thể tiêu diệt một trung tâm chỉ huy để làm tê liệt quá trình điều hành tác chiến của đối phương thay vì phải phá hủy các lực lượng khác. Chiến thuật này được sử dụng rất thành công tại chiến dịch Bão táp sa mạc, đánh dấu sự thay đổi lớn trong việc sử dụng chiến lược đường không.

Sự thành công của chiến dịch Bão táp sa mạc đã kéo theo sự phát triển ồ ạt các vũ khí dẫn đường công nghệ cao, các phương tiện giám sát đường không bằng radar SAR. Ngày nay, chiến trường hiện đại là cuộc đối đầu của các loại phương tiện chiến tranh và vũ khí công nghệ cao được hình thành từ chiến dịch cách đây 25 năm.

Quốc Minh

>> xem thêm

Bình luận(0)