Ấn Độ phát triển xe tăng bọc giáp tốt nhất thế giới

Google News

(Kiến Thức) - Ấn Độ sẽ phát triển một mẫu xe tăng chiến đấu tương lai có thể vô hiệu hóa bất kỳ hệ thống hỏa lực nào của đối phương.

Tạp chí Armyrecognition cho biết, Viện nghiên cứu và phát triển tăng thiết giáp của Ấn Độ (CVRDE) đang lên kế hoạch phát triển một mẫu xe tăng chiến đấu tương lai cho lục quân nước này.
Giám đốc CVRDE Tiến sĩ P. Sivakumar đã công bố thông tin trên trước báo giới vào hôm thứ 2 (28/7), hiện tại CVRDE đã bắt tay vào nghiên cứu phát triển nền tảng của mẫu xe tăng trên.
Mẫu xe tăng mới của CVRDE sẽ được trang bị một loạt công nghệ mới trong phòng thủ - tấn công. Ví dụ, mẫu tăng này sẽ có lớp giáp phòng chủ động - thụ động, hệ thống đánh chặn các loại tên lửa chống tăng, pháo chính có khả năng phóng tên lửa chống tăng qua nòng.
Mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới Arjun Mark 2 của Lục quân Ấn Độ.
Bên cạnh đó nó cũng được phát triển một hệ thống giáp bảo vệ tích cực để bảo vệ xe tăng trước loại đạn xuyên phá động năng Sabot (FSAPDS), các loại đạn xuyên giáp. Hiện tại trên thế giới vẫn chưa có bất kỳ quốc gia nào phát triển được hệ thống giáp bảo vệ xe tăng trước sức tấn công của FSAPDS với tốc độ bay 1.700m/s.
"Các cường quốc về xe tăng như Israel, Nga, Đức và Thụy Điển cũng chỉ mới sở hữu công nghệ đạn xuyên giáp có tốc độ di chuyển 1.000m/s. Và Ấn Độ sẽ là nước đầu tiên có thể vô hiệu hóa các loại đạn xuyên giáp mạnh nhất thế giới hiện nay", đó là nhận định của tiến sĩ Sivakumar bên lề hội nghị quốc tế về vật liệu năng lượng diễn ra tại Đại học Sathyabama ở Ấn Độ.
Trước đây, CVRDE từng kết hợp công nghệ bảo vệ thụ động lên các hệ thống giáp bảo vệ của mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực Arjun Mark 2 của Lục quân Ấn Độ.
Các kỹ sư của CVRDE đã chỉ ra rằng, nếu bị tấn công bởi tên lửa chống tăng dẫn đường bằng hồng ngoại, công nghệ phòng thủ thụ động Softkill của Arjun Mark 2 sẽ vô hiệu hóa hoàn toàn tín hiệu dẫn đường của đạn tên lửa.
Trong trường hợp bị tấn công bằng tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser hoặc tên lửa sử dụng công nghệ dẫn đường bằng BRM thì hệ thống giáp bảo vệ trên mẫu xe tăng chiến đấu tương lai sẽ xác định và phân tích hệ thống dẫn đường mà tên lửa chống tăng sử dụng. Sau đó nó sẽ đưa ra giải pháp xử lý phù hợp hoặc tiến hành kích hoạt hệ thống lựu đạn khói trên xe nhằm vô hiệu hóa hệ thống dẫn đường trên và tiến hành đáp trả bằng tên lửa. Dựa theo nguyên lý đó CVRDE sẽ tiến hành tích hợp nghiên cứu và phát triển một hệ thống bảo vệ thụ động trên mẫu xe tăng mới.
Trà Khánh

Bình luận(0)