Tiết lộ thí nghiệm trên không gian của phi công Phạm Tuân (1)

Google News

(Kiến Thức) - Trong thời gian ở trạm không gian Salyut 6, phi công vũ trụ Phạm Tuân đã thực hiện hàng chục thí nghiệm khoa học có giá trị.

Bên cạnh những giá trị cực kì to lớn về mặt chính trị, ngoại giao, chuyến bay lên vũ trụ của Anh hùng phi công Phạm Tuân cùng với V.V.Gorbatko còn mang ý nghĩa khoa học rất lớn. Trong một thời gian gần 8 ngày trên vũ trụ, Phạm Tuân và các cộng sự đã tiến hành hàng chục thí nghiệm khoa học. 
Báo điện tử Kiến thức xin thông tin khái lược với bạn đọc về nội dung của các thí nghiệm, dựa theo tài liệu của Ủy ban nghiên cứu vũ trụ Việt Nam:
Tiet lo thi nghiem tren khong gian cua phi cong Pham Tuan (1)
 Phi công vũ trụ Phạm Tuân
Phi công vũ trụ Phạm Tuân cùng với phi công vũ trụ Liên Xô đã tiến hành các thí nghiệm khoa học sau đây:
Các thí nghiệm vật lý và công nghệ vũ trụ
- Thí nghiệm “Hồ quang”
Mục đích của thí nghiệm là nghiên cứu cơ chế một số hiện tượng thường xảy ra ở các lớp khí quyển tầng cao, làm cho khí quyển ở đó phát ra ánh sáng, các hồ quang đỏ ở vùng xích đạo, hiện tượng lục quang, sự phát sáng của khí quyển ở các vùng vĩ tuyến trung bình. Thí nghiệm này do các nhà khoa học Bulgary đề xuất. Trong khi tiến hành thí nghiệm sẽ dùng điện quang kế do các nhà khoa học Bulgary chế tạo.
Tiet lo thi nghiem tren khong gian cua phi cong Pham Tuan (1)-Hinh-2
 Phạm Tuân và V.V.Gorbatko bên bản đồ các vì sao (Ảnh đăng trên báo Hà Nội mới số 3.873, ra thứ sáu ngày 25/7/1980)
- Thí nghiệm “Phân cực”
Dùng thiết bị do Liên Xô chế tạo, các phi công vũ trụ tiến hành đo độ phân cực của ánh sáng mặt trời do khí quyển phản xạ lại. Mục đích của thí nghiệm là nghiên cứu ảnh hưởng của khí quyển, của mây cũng như của cảnh quan lên các tính chất phân cực của ánh sáng mặt trời. Các kết quả thí nghiệm sẽ được so sánh với tính toán lý thuyết và sẽ góp phần vào sự hiểu biết các quy luật về sự thay đổi các tính chất của ánh sáng khi đi qua khí quyển. Chúng ta phải nắm vững các quy luật này mới có thể nghiên cứu được tài nguyên thiên nhiên trên mặt đất bằng phương pháp chụp ảnh đa phổ từ vũ trụ. Thí nghiệm do các nhà khoa học Liên Xô đề xuất. Các cán bộ vật lý lý thuyết Việt Nam sẽ tham gia vào việc tiến hành các tính toán và so sánh lý thuyết với thực nghiệm.
Tiet lo thi nghiem tren khong gian cua phi cong Pham Tuan (1)-Hinh-3
 V.V.Gorbatko (bìa trái) cùng gia đình phi công vũ trụ Phạm Tuân (Ảnh đăng trên báo Hà Nội mới số 3.873, ra ngày 25/07/1980)
- Thí nghiệm “Hạ Long-1”
Tiến hành nuôi đơn tinh thể bán dẫn phát quang GaP bằng lò “tinh thể” trong điều kiện không trọng lượng để nghiên cứu ảnh hưởng của trọng trường từ đó tìm kiếm những phương pháp tạo ra các đơn tinh thể GaP hoàn hảo trong phòng thí nghiệm trên mặt đất để sử dụng làm các linh kiện quang điện tử chất lượng cao. Thí nghiệm do các cán bộ Vật lý Việt Nam đề xuất. Quá trình chuẩn bị thí nghiệm được tiến hành ở Liên Xô với sự giúp đỡ của các nhà khoa học Liên Xô.
Tiet lo thi nghiem tren khong gian cua phi cong Pham Tuan (1)-Hinh-4
 Phi công dự bị Bùi Thanh Liêm (trái) và phi công chính Phạm Tuân (phải) trong một bài tập thể lực (Ảnh đăng trên báo Hà Nội mới số 3.873, ra ngày thứ sáu 25/7/1980)
- Thí nghiệm “Hạ long-2”
Tiến hành nuôi các đơn tinh thể bán dẫn nhiệt Bi2 (Te, Se) (Te, Se)3 và (SB, Bi)2. Te3 bằng lò “tinh thể” trong điều kiện không trọng lượng để nghiên cứu ảnh hưởng của trọng trường. Từ đó tìm ra phương pháp chế tạo các đơn tinh thể hoàn hảo để sử dụng trong các thiết bị làm lạnh bằng bán dẫn. Thí nghiệm do các cán bộ vật lý Việt Nam đề xuất. Quá trình chuẩn bị thí nghiệm được tiến hành ở Liên Xô và CHDC Đức với sự giúp đỡ của các nhà khoa học Liên Xô và CHDC Đức.
Tiet lo thi nghiem tren khong gian cua phi cong Pham Tuan (1)-Hinh-5
Cấu trúc phân tử Gallium phosphide (GaP) 
- Thí nghiệm “Mô phỏng”
Trong quá trình chuẩn bị thí nghiệm “Hạ Long - 2”, các cán bộ Việt Nam đã cùng với các nhà khoa học CHDC Đức đề xuất một phương pháp đo sự phân bố nhiệt trong các lò nuôi đơn tinh thể. Trong thí nghiệm “Mô phỏng” sẽ áp dụng phương pháp đó để xác định bằng thực nghiệm sự phân bố nhiệt trong lò “tinh thể” khi làm việc trên trạm quỹ đạo “Chào mừng”. Các kết quả thu được sẽ cho phép sử dụng tốt hơn nữa lò “tinh thể” trong việc nuôi các đơn tinh thể. Phương pháp thí nghiệm “Mô phỏng” cũng sẽ được áp dụng cho các lò nuôi đơn tinh thể khác trong các phòng thí nghiệm trên mặt đất.
Các thí nghiệm sinh - y học vũ trụ
- Thí nghiệm “vấn đáp”
Yếu tố tâm lí có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nghiên cứu sự thích nghi của con người với những điều kiện cực đoan. Sống trong “ngôi nhà vũ trụ” đối với các nhà du hành vũ trụ sẽ làm thay đổi mối quan hệ bình thường giữa con người với sự vật xung quanh. Để tìm hiểu, giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học thường áp dụng phương pháp vấn đáp định hướng. Trong thí nghiệm “vấn đáp” có sử dụng sổ ghi các câu hỏi về những vấn đề như ăn, uống, ngủ, tình trạng hoạt động của các giác quan, v.v... Các phi công vũ trụ tự đánh giá theo một thang điểm nhất định và trả lời vào sổ ghi các câu hỏi. Căn cứ vào đó có thể đánh giá mức độ thích nghi với các điều kiện vũ trụ.
Tiet lo thi nghiem tren khong gian cua phi cong Pham Tuan (1)-Hinh-6
 Phạm Tuân và V.V.Gorbatko trong khoang hạ cánh (Ảnh đăng trên báo Hà Nội mới số 3.874, ra thứ bảy ngày 26/07/1980)
- Thí nghiệm “Người thao tác”
Hoạt động của các nhà du hành vũ trụ là một loại lao động rất đa dạng, đòi hỏi phải thu nhận và xử lí một khối lượng thông tin lớn trong một khoảng thời gian rất hạn chế.
Các dữ kiện thực nghiệm thường cho thấy, các nhân tố bên ngoài và tình trạng của người thực hiện có thể tác động rất mạnh đến các quá trình tâm lí, có thể làm giảm khả năng lao động và chất lượng công tác.
Việc tiên đoán khả năng lao động và độ tin cậy của việc thực hiện các thao tác dựa trên lượng thông tin phản ánh những đặc điểm của các quá trình nhất định trong những điều kiện thử nghiệm. Thí nghiệm “người thao tác” dựa vào nguyên lí này. Thí nghiệm sử dụng máy “Stredes” do các chuyên gia Bulgary ở phòng thí nghiệm Trung tâm nghiên cứu vũ trụ của viện hàn lâm khoa học Bulgary và Viện nghiên cứu không quân Bulgary chế tạo.
Các nhà du hành vũ trụ phải nhanh chóng thực hiện các phép tính số học trong một khoảng thời gian hạn chế. Kết quả số được ghi lại trong máy. Sau chuyến bay, các số liệu thực nghiệm sẽ giúp đánh giá khả năng lao động trí óc của con người trong điều kiện không trọng lượng. Số liệu này có ý nghĩa quan trọng đối với việc tiếp tục hoàn thiện chế độ lao động và nghỉ ngơi cho phi đoàn và kiểm tra các tiêu chuẩn tâm lí trong quá trình chọn lựa các phi công vũ trụ.
Tiet lo thi nghiem tren khong gian cua phi cong Pham Tuan (1)-Hinh-7
 Phạm Tuân và V.V.Gorbatko trên tàu vũ trụ.
- Thí nghiệm “giải trí”
Các chuyến bay quốc tế vào vũ trụ đã có truyền thống là các phi đoàn lên trạm “Chào mừng 6” mang theo chương trình ca nhạc. Đó vừa là quà, vừa là tư liệu để tiến hành thí nghiệm “giải trí”. Giải trí có ý nghĩa quan trọng trong việc phục hồi khả năng lao động và phát triển ý thức thẩm mỹ.
Các cán bộ Đài vô tuyến truyền hình trung ương của Việt Nam đã chuẩn bị một chương trình giải trí bao gồm các tiết mục ca múa nhạc ghi trên băng từ gửi lên vũ trụ. Chương trình giải trí bao gồm các điệu múa dân tộc, các bài hát quen thuộc do các diễn viên quen biết biểu diễn. Chương trình giải trí còn giới thiệu một số phong cảnh đẹp của đất nước ta. Kết quả của thí nghiệm “giải trí” sẽ được ghi vào sổ thí nghiệm “vấn đáp”.
Căn cứ vào ý kiến của các nhà du hành vũ trụ và các số liệu thu được, các nhà tâm lí học sẽ đánh giá hiệu quả của tác dụng giải trí đối với hoạt động của các nhà du hành vũ trụ.
Tiet lo thi nghiem tren khong gian cua phi cong Pham Tuan (1)-Hinh-8
 Một bài kiểm tra sức khỏe đối với phi công Phạm Tuân (Ảnh đăng trên báo Hà Nội mới số 3.879, ra thứ sáu ngày 01/08/1980)
- Thí nghiệm “Cảm thụ quan”
Trong quá trình bay trong vũ trụ, các nhà du hành vũ trụ thường cảm thấy vị giác bị thay đổi. Thí nghiệm “Cảm thụ quan” tiến hành theo chương trình nghiên cứu sinh - y học vũ trụ của Liên Xô và Bulgary. Thí nghiệm nghiên cứu ảnh hưởng của yếu tố vũ trụ đối với vị giác bằng cách đánh giá định tính và định lượng các loại cảm giác ngọt, mặn, chua, cay... do các viên thuốc tạo ra.
Thí nghiệm này giúp các chuyên gia đánh giá trạng thái chức năng của cảm thụ quan vị giác của con người trong điều kiện không trọng lượng.
- Thí nghiệm “Thính giác”
Thí nghiệm nghiên cứu tác dụng của điều kiện vũ trụ đối với thính giác của các nhà du hành vũ trụ, tiến hành theo chương trình Interkosmos giữa các nhà khoa học Liên Xô và CHDC Đức. Thí nghiệm tiến hành trên máy “Elba” do CHDC Đức chế tạo. Máy đo mức độ tiếng ồn chung và đặc trưng tần số của tiếng ồn để đánh giá tình trạng chức năng của hệ thính giác trong điều kiện vũ trụ.
Tiet lo thi nghiem tren khong gian cua phi cong Pham Tuan (1)-Hinh-9
 Phi công Phạm Tuân rèn luyện thể lực trước khi lên vũ trụ (Ảnh đăng trên báo Hà Nội mới số 3.879, ra thứ sáu ngày 01/08/1980)
- Thí nghiệm “Vị giác”.
Thí nghiệm nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố vũ trụ đối với vị giác. Thí nghiệm tiến hành trên máy “nếm điện” do các chuyên gia Ba Lan chế tạo. Các số liệu thu được để giúp đánh giá tình trạng chức năng của thụ thể vị giác con người trong điều kiện không trọng lượng.
Thanh Hoa

Bình luận(0)