Quân đội Việt Nam áp dụng đại trà công nghệ mô phỏng

Google News

Công nghệ mô phỏng ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh đặc biệt là lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Nhận biết rõ tính hiệu quả mà công nghệ mô phỏng đem lại, những năm qua, các học viện, nhà trường trong quân đội đã chủ động đầu tư nghiên cứu, chế tạo, chuyển giao thành công nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ mô phỏng đem lại hiệu quả thiết thực.
“Tôi thấy môn học Giáo dục QPAN hiện nay rất thực tế, có sức hấp dẫn cao đối với người học. Đặc biệt, ở đây chúng tôi được huấn luyện và kiểm tra bắn thực hành trực tiếp trên mô hình “trường bắn ảo”, đây thực sự là một mô hình có tính sáng tạo cao, rất hiệu quả và phù hợp với chúng tôi, giúp chúng tôi đạt được kết quả tốt trong môn học…”. Đó là nhận xét của anh Vũ Văn Nghĩa, sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), đang tham gia học môn Giáo dục QPAN tại Trung tâm Giáo dục QPAN của trường.
Quan doi Viet Nam ap dung dai tra cong nghe mo phong
 Các kỹ thuật viên thao tác trên mô hình “trường bắn ảo” do Học viện Kỹ thuật Quân sự nghiên cứu, chế tạo.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, mô hình trường bắn ảo là sản phẩm từ đề tài nghiên cứu khoa học của Học viện Kỹ thuật Quân sự (KTQS), do Trung tướng, GS, TS Phạm Thế Long, nguyên Giám đốc Học viện KTQS làm chủ nhiệm, dựa trên cơ sở ứng dụng CNMP. Từ sự kết hợp của các lĩnh vực toán học, công nghệ thông tin, mô hình hóa, điều khiển học, điện tử, cơ khí… mô hình “trường bắn ảo” được ra đời với thiết kế nhỏ, gọn (lắp đặt trên diện tích từ 15m2 đến 30m2), tích hợp đầy đủ các tính năng của thao trường thật, vũ khí thật, đã giải quyết được những vấn đề khó khăn thường gặp trong quá trình học tập, huấn luyện như: Thao trường, vũ khí, thời tiết… Đến nay, Học viện KTQS đã thiết kế, chế tạo và chuyển giao sản phẩm “trường bắn ảo” cho hơn 50 cơ quan, đơn vị, trong đó có Trung tâm Giáo dục QPAN thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Là một trong những người chỉ huy đi tiên phong trong chỉ đạo nghiên cứu, ứng dụng CNMP vào giảng dạy, Thiếu tướng Trần Văn Thanh, Giám đốc Học viện Phòng không-Không quân (PK-KQ) cho biết: Những năm qua, Quân chủng PK-KQ được trang bị nhiều loại vũ khí, khí tài mới, hiện đại, một số loại vũ khí cũ đã được cải tiến để tăng thời hạn sử dụng, phù hợp với điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Học viện PK-KQ chưa được biên chế những loại vũ khí, trang bị, khí tài như đã nêu ở trên. Quá trình huấn luyện, thầy và trò phải học theo hình thức kỹ về lý thuyết và thực hành trên sơ đồ, tranh vẽ hoặc trên khí tài cũ, chưa cải tiến, vì vậy đội ngũ sĩ quan PK-KQ khi ra trường gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp xúc và sử dụng vũ khí, khí tài mới.
Để khắc phục những bất cập đó, học viện đã quan tâm, đầu tư cho ứng dụng CNMP trong GD-ĐT và nghiên cứu khoa học. Bằng sự vào cuộc đồng bộ và nỗ lực cao của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, học viện đã thực hiện thành công hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học về CNMP như: Thiết kế và sản xuất thiết bị mô phỏng “Phòng luyện tập dẫn đường-chỉ huy bay”; thiết bị “Phòng luyện tập chỉ huy bắn cho sĩ quan chỉ huy phân đội pháo phòng không”; thiết bị “Máy dẫn đường ra-đa P-18, P-37”; mô phỏng sở chỉ huy kíp chiến đấu đài điều khiển C-125M1A; sở chỉ huy chiến đấu trung đoàn tên lửa phòng không; dự án mô phỏng tổ hợp tên lửa C-300PMY-1; sáng kiến “Mô phỏng tủ YK-10-2TM đài điều khiển tên lửa PK C-125-2TM”… Đặc biệt, Học viện PK-KQ đã thực hiện thành công đề tài cấp Bộ Quốc phòng về “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị huấn luyện thực hành đào tạo kỹ sư hàng không trên một số hệ thống máy bay SU-27”. Việc đưa thiết bị trên vào huấn luyện đã giúp người học được tăng cường luyện tập sát thực tế, khí tài, trang bị, góp phần nâng cao trình độ, khả năng làm chủ khí tài sau khi ra trường. Đồng thời giúp đơn vị tiết kiệm được một phần kinh phí huấn luyện, do giá thành chế tạo thấp hơn nhiều so với thiết bị cùng chủng loại nhập ngoại.
Trung tướng Nguyễn Đức Tỉnh, Cục trưởng Cục Nhà trường (Bộ Tổng tham mưu) cho biết: Những năm qua, thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các học viện, nhà trường trong toàn quân đã tích cực, chủ động đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đã có hàng trăm đề tài khoa học được nghiên cứu thành công từ ứng dụng CNMP được chuyển giao, chế tạo và đưa vào phục vụ giảng dạy đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Nhờ ứng dụng tốt CNMP nên học viên, người học không chỉ được trang bị kỹ về lý thuyết mà còn được thực hành trực tiếp như trên vũ khí, khí tài thật. Điều đó đã góp phần khắc phục tình trạng học “khan”, học trên khí tài cũ, giúp học viên có điều kiện cọ xát thực tế và tự tin hơn khi tốt nghiệp, về các đơn vị công tác. Các sản phẩm mô phỏng còn góp phần tiết kiệm thời gian, nhân lực, phương tiện và kinh phí trong huấn luyện”.
Cũng theo Trung tướng Nguyễn Đức Tỉnh, trong điều kiện còn khó khăn như hiện nay, việc các học viện, nhà trường quan tâm, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng CNMP để nâng cao chất lượng GD-ĐT và các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng khác là một trong những giải pháp hữu hiệu, vừa mang tính cấp thiết, vừa mang tính lâu dài; góp phần cùng toàn quân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.
Theo báo Quân đội Nhân dân

Bình luận(0)