Mỹ “lo sợ” tên lửa đạn đạo JL-2 của Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Trong đánh giá mới nhất của Lầu Năm Góc về sự phát triển của tên lửa đạn đạo thế giới đã bày tỏ mối quan tâm tới tên lửa JL-2 của Trung Quốc.

Trong báo cáo của cơ quan tình báo thuộc Lầu Năm Góc về “Mối đe dọa tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình” cho biết, Quân đội Trung Quốc có chương trình tên lửa đạn đạo đa dạng nhất và đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân.

“Trung Quốc hiện có thể nhắm tới Mỹ với một lực lượng khá nhỏ các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và số lượng có khả năng vươn tới Mỹ có thể vượt con số 100 trong vòng 15 năm tới”, báo cáo viết.

Hiện nay, kho vũ khí của Trung Quốc có loại tên lửa đạn đạo liên lục địa JL-2 được thiết kế để phóng từ tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 (định danh của NATO là lớp Tấn). Với loại tên lửa này, lần đầu tiên cho phép các tàu ngầm Trung Quốc hoạt động gần các khu vực gần bờ biển Trung Quốc có thể nhắm tới mục tiêu của Mỹ.

JL-2 là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm thế hệ 2 do nhà thiết kế Huang Weilu nghiên cứu thiết kế và được Nhà máy 307 sản xuất vào những năm 2000.

 Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 có khả năng mang 12 tên lửa đạn đạo JL-2 đặt trong bệ phóng thẳng đứng.

Theo một số nguồn tin, JL-2 được thiết kế dựa trên loại tên lửa đạn đạo liên lục địa đặt trên mặt đất DF-31 với kết cấu 2 tầng động cơ đẩy (tầng 1 động cơ đẩy nhiên liệu rắn và tầng 2 dùng động cơ nhiên liệu lỏng). Toàn bộ tên lửa có trọng lượng tổng thể 42 tấn, dài 13m, đường kính thân 2,25m, tầm bắn xa tới 8.000km. Tên lửa có thể mang phần chiến đấu kiểu MIRV (chứa 3-4 đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập).

Từ khi đưa vào sử dụng tới nay, JL-2 được cho  là đã thực hiện hơn 10 cuộc bắn thử (trên đất liền và trên biển). Đặc biệt vào ngày 21/8/2012, tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 lần đầu phóng thử tên lửa đạn đạo JL-2. Về độ chính xác của loại tên lửa này thì theo một số nguồn tin bán kính lệch mục tiêu chỉ khoảng 40m, nghĩa là nó có độ chính xác cực cao.

Cũng theo báo cáo này, Trung Quốc đang mở rộng chương trình tên lửa giữa lúc Mỹ theo đuổi chính sách chuyển trọng tâm các lực lượng sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một số vũ khí của Trung Quốc được “thiết kế đặc biệt để ngăn chặn các lực lượng đối lập tiếp cận các điểm tranh chấp trong khu vực” và Trung Quốc “đang phát triển và thử nghiệm các loại tên lửa tấn công, hình thành thêm các đơn vị tên lửa, nâng cấp về chất lượng cho các tên lửa và phát triển các phương pháp phòng thủ chống tên lửa đạn đạo”.

Ngoài ra, báo cáo cũng nêu ra một số thông tin về chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và Iran.

Theo báo cáo này, Triều Tiên vừa cho ra mắt tên lửa đạn đạo thế hệ mới Hwasong-13 (Hỏa tinh 13) với tính cơ động cao (có thể đặt trên bệ phóng di động) và đang tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo Taepo Dong-2. Cả hai loại tên lửa đạn đạo Hwasong-13 và Taepo Dong-2 đều đạt tầm bắn tới 5.000km.

Triều Tiên cũng đang duy trì kho dự trữ lớn các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn (như Hwasong-5/6) và đang phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung (ví dụ như BM-25 Musudan).

“Các nỗ lực tiếp theo để phát triển tên lửa Taepo Dong-2 và loại tên lửa Hwasong-13 vừa ra mắt cho thấy quyết tâm của Triều Tiên trong việc sở hữu tên lửa đạn đạo tầm xa và khả năng phóng vào không gian, Triều Tiên đã xuất khẩu các hệ thống tên lửa đạn đạo và có thể sẽ tiếp tục xuất khẩu”, báo cáo viết.

Triều Tiên đang nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo từ tầm xa tới liên lục địa để có khả năng đe dọa lãnh thổ Mỹ.

Ngoài ra, báo cáo này cũng cho biết thêm là Iran có thể phát triển và thử nghiệm một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới đủ sức chạm tới lãnh thổ Mỹ vào năm 2015.

“Iran có các chương trình phát triển và phóng tên lửa đạn đạo đầy tham vọng và tiếp tục tìm cách cải thiện tầm bắn cũng như độ chính xác và khả năng sát thương của lực lượng tên lửa. Các đơn vị Quân đội Iran tiếp tục đào tạo với cường độ cao tại các địa điểm công khai để cho phép các lực lượng này rèn luyện các kỹ năng vận hành thời chiến và phát triển các chiến thuật mới. Iran cũng đang triển khai số lượng ngày càng lớn các tên lửa đạn đạo, cải thiện kho dự trữ hiện tại và phát triển năng lực kỹ thuật để sản xuất một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM)”, báo cáo nhận định.

Báo cáo này do Trung tâm tình báo hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ soạn thảo, Trung tâm tình báo tên lửa và hàng không thuộc Cục tình báo Bộ quốc phòng Mỹ và Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ cung cấp tài liệu. Trung tâm tình báo hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ là cơ quan cao nhất cung cấp tin tình báo hàng không vũ trụ của Lầu Năm Góc.
Bằng Hữu

Bình luận(0)