Chuyện “những người mở cửa bầu trời” cho tiêm kích

Google News

Theo yêu cầu huấn luyện, những chiếc phi cơ tiêm kích ở Trung đoàn 935 từ khi nhận mệnh lệnh chiến đấu đến khi cất cánh khỏi đường băng thời gian cho phép chỉ từ 5 đến 8 phút. 

Để làm được điều này, ngoài các phi công còn cần đến sự trợ sức của hàng nghìn người thuộc nhiều bộ phận… Có những bộ phận mà ngay cả chính tôi, người đã nhiều lần đến các đơn vị không quân nhưng bây giờ mới biết.

“Những chú ong thợ ít lời”

Một chiếc máy bay tiêm kích càng hiện đại thì công tác bảo đảm kĩ thuật càng phức tạp. Tôi đã hoa mắt khi chứng kiến cảnh hàng trăm nhân viên kĩ thuật nhộn nhịp trong garage máy bay.

Họ là những kĩ sư vô tuyến điện tử, chuyên gia động cơ, chuyên gia thiết bị hàng không, chuyên gia vũ khí… có trình độ chuyên môn rất cao. Nhiều người trong số họ đã tu nghiệp ở nước ngoài ở những trường danh tiếng. Người nào việc ấy, hối hả, nhịp nhàng.

Tôi rất tò mò khi thấy một người thợ kéo một chiếc ống màu vàng rất to cắm ngay vào bụng máy bay. Hỏi thì được Đại úy Nguyễn Văn Phối, chuyên gia vô tuyến điện tử giải thích: Đó là công đoạn… ‘thổi mát’ máy bay.

Kiểm tra vũ khí trên máy bay.
Kiểm tra vũ khí trên máy bay.

Buồng lái của phi cơ tiêm kích thế hệ mới có hệ thống điện thử cực kì tối tân nhưng cũng vô cùng… ‘đài các’, chỉ chịu làm việc trong điều kiện "mát mẻ". Ở các nước có thời tiết lạnh thì không nói làm gì. Nhưng tại Việt Nam, khi máy bay ở chế độ nghỉ dàn máy lạnh chưa hoạt động, những người thợ phải dùng khí nén 50C thông gió buồng lái trước khi bật hệ thống điện tử để kiểm tra, nạp dữ liệu bay vào máy tính.

Uy lực của một chiến đấu cơ phụ thuộc phần lớn vào số vũ khí đạn dược mà nó mang theo. Su-30MK2 là loại tiêm kích đa năng hiện đại, có thể mang được 8 tấn vũ khí đạn dược để tiêu diệt nhiều mục tiêu khác nhau cả trên không, trên biển và mặt đất. Việc lắp vũ khí cho máy bay ở trung đoàn 935 là khâu được coi trọng đặc biệt.

Tùy theo nhiệm vụ của từng chiếc máy bay mà thợ phải lắp loại vũ khí gì, loại đạn nào. Có loại chỉ nhẹ chừng vài chục cân, có thể dùng tay nhưng có những loại nặng vài trăm kí phải dùng máy nâng chuyên dụng. Dù là những loại vũ khí truyền thống hay những loại vũ khí đời mới có giá thành hàng triệu USD thì công đoạn lắp đặt đều phải đảm bảo chính xác, an toàn tuyệt đối.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thuấn, Tổ trưởng kĩ thuật nói: “Mỗi nhân viên kĩ thuật phụ trách một nội dung, đảm bảo máy bay được kiểm tra kĩ đến từng mm bằng máy, bằng mắt và cả bằng tay”.

Việc tiếp nhiên liệu cho máy bay tiêm kích cũng một khâu thú vị. Sau mỗi chuyến bay, tất cả nhiên liệu trong máy bay phải xả ra kiểm tra xem có đổi màu, biến chất… hay không, rồi được nạp lại bằng những chiếc xe bồn có bơm công suất lớn.

Trước giờ, để chỉ một phương tiện nào đó tiêu tốn xăng dầu, dân ta hay nói “uống xăng như xe tăng”, nhưng khi chứng kiến cảnh tiếp nhiên liệu cho máy bay tiêm kích thì tôi nghĩ phải đổi thành “uống xăng như máy bay tiêm kích” mới đúng. Tôi đã quá choáng khi biết mỗi giờ bay một chiếc phản lực Su-30MK2 có thể ‘uống’ hết… 5000 lít xăng! Nhưng đấy mới chỉ là chế độ bay trung bình.

Lắp đạn pháo 30mm.
Lắp đạn pháo 30mm.

Phi công Đào Quốc Khánh nói: “Nếu trong trường hợp máy bay phải tăng lực để bám đuổi mục tiêu, nhào lộn tránh tên lửa…, thì chỉ trong một phút nó đã ‘đốt’ hết… 600 lít xăng!”.

 Khi mọi việc đã hoàn tất, tổ trưởng kiểm tra lần cuối rồi ra lệnh khởi động. Tiếng động cơ gầm lên đinh tai buốt óc. Tôi đã phải vội dùng hai cục giấy nhét vào lỗ tai, còn những người thợ thì đã có những bộ tai đeo bảo hộ.

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Thuấn, độ ồn lúc máy bay khởi động khoảng 100 đề-xi- ben, nhưng khi tăng lực cất cánh sẽ lên tới 170 đề- xi- ben mỗi chiếc. Nếu hai, ba chiếc cùng cất cánh theo đội hình biên đội thì tiếng rít động cơ “sẽ xé rách màng nhĩ bất cứ ai đứng gần mà không đeo bảo hộ tai!”. Nhà báo Đoàn Hoài Trung một lần vì ham chụp cảnh biên đội xuất kích mà hai tai đã chảy máu ròng ròng, nhờ chữa kịp thời nên không bị điếc.

Làm việc trong môi trường có độ ồn cao và đòi hỏi sự tập trung nên những nhân viên kĩ thuật rất ít trò chuyện. Họ chủ yếu giao tiếp bằng ánh mắt và cử chỉ. Có lẽ vì thế mà họ được ví là “những chú ong thợ ít lời”, ngày đêm cần mẫn chăm chút để những chiếc tiêm kích có tốc độ đặc biệt lớn này luôn trong trạng thái sẵn sàng.

Những người làm “sạch đất”

5h sáng, tôi được Thượng úy Lại Thanh Phương, Trợ lí Tuyên huấn Trung đoàn “tốc” dậy: “Anh nên ra sân bay, lúc này có nhiều cái hay lắm!”.

Sân bay trong khung cảnh bình minh thật đẹp. Sương sớm lãng đãng bay trong không gian khoáng đạt thơm mùi cỏ tươi. Có một tốp chiến sĩ dàn hàng ngang, người nào cũng một tay cầm chổi, một tay cầm hốt rác đi lom khom dọc đường băng, căng mắt ra nhìn. Thỉnh thoảng có người ngồi hẳn xuống dùng ngón tay… sờ đường băng... Đó là những chiến sĩ công binh.

Ở đơn vị không quân, nhiệm vụ của đại đội công binh là bảo vệ, bảo dưỡng đường băng, bãi đỗ, xây dựng các công trình phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện bay, an toàn bay…

Các chiến sĩ công binh làm sạch đường băng.
Các chiến sĩ công binh làm sạch đường băng.

Để có đường băng “sạch” cho máy bay cất cánh, công việc dọn dẹp đường băng được tiến hành thường xuyên bằng nhiều cách: Dùng máy dò kim loại, dùng xe quét, xe thổi khí… Nhưng dù các biện pháp cơ giới có tốt đến đâu thì cuối cùng vẫn phải cần đến phương pháp thủ công. Bởi chỉ cần một viên đá nhỏ, một mẩu gỗ, một cây đinh… sót lại trên đường băng thì hậu quả thật khôn lường.

 Và cái động tác “sờ đường băng” mà tôi vừa nhìn thấy được Thượng úy Trịnh Xuân Hùng, chỉ huy đại đội công binh giải thích đó là động tác kiểm tra khe co giãn. Đường băng dành cho máy bay tiêm kích được ghép bằng những tấm bê tông cốt thép lớn với những khe đàn hồi bằng chất nhựa đặc biệt có khả năng tự điều chỉnh. Nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường như lồi lõm, nứt nẻ, co ngót quá qui định… công binh phải xử lí ngay để đảm bảo đường băng lúc nào cũng “phẳng lừ, sạch bóng”.

Mặc dù công việc kiểm tra đường băng kĩ lưỡng đến thế nhưng một chiếc máy bay khi cơ động từ garage ra đường băng, đoạn đường chỉ chừng trăm mét vẫn phải dừng lại để kiểm tra lần cuối ở những bộ phận lốp, càng, đề phòng vướng dính những vật ngoại lai trên đường đi. Chỉ khi nhân viên chốt cuối ra tín hiệu an toàn, máy bay mới được phép vào “vạch đối chuẩn”.

Những tiếng súng “mở cửa bầu trời”

Ở Trung đoàn không quân 935 có một nhân vật rất “lạ”, đảm nhiệm một nhiệm vụ cũng rất… “độc”. Anh người dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, từ nhỏ đã giỏi về tài săn bắt chim nên dù tốt nghiệp trung cấp Phòng cháy chữa cháy, nhưng về đơn vị anh  được giao nhiệm vụ “bẫy, bắt và xua đuổi chim” trong khu vực sân bay. Mặc dù họ tên đầy đủ của anh là Xa Văn Cầu, nhưng anh em trong đơn vị vẫn trìu mến gọi bằng cái biệt danh trìu mến: Cầu chim.

Trên thế giới đã có rất nhiều vụ tai nạn máy bay mà thủ phạm chính là những con chim bé nhỏ. Ngày 15/1/2009, chiếc máy bay Airbus 320 của hãng hàng không United Airway đã bị một đàn chim chui vào động cơ khiến máy phải hạ cánh khẩn cấp xuống… sông Hodson.

Cũng ở Mỹ, ngày 31/7/2012, chiếc Boing 737 của hãng hàng không United Airlines đã bị một chú chim đâm cho toác đầu khi đang hạ cánh xuống sân bay quốc tế Denver. Và gần đây nhất, ngày 28/9/2012, một chiếc máy bay chở khách của hãng hàng không tư nhân Nepal đã đâm phải một con chim và lao xuống ngọn núi Everest khiến 19 người thiệt mạng…

Bắn súng đuổi chim
Bắn súng đuổi chim "mở toang cánh cửa" bầu trời.

Đối với phi cơ tiêm kích thì hiểm họa gây ra từ những chú chim còn cao hơn nhiều. Bởi thiết kế của máy bay có hai họng hút rất lớn hai bên thân với lực hút gió cực mạnh, có thể hút được những con chim lớn bay cách hàng vài chục mét.

Để hạn chế nguy cơ “hút chim”, các nhà sản xuất đã bố trí hai tấm lưới dày trước hai họng hút. Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp bất đắc dĩ và chỉ có tác dụng khi chim đang đậu trên đường băng. Sau khi cất cánh khỏi mặt đất 2m, những tấm lưới bắt buộc phải mở ra để đủ gió cho động cơ đốt nhiên liệu tăng tốc. Và đó là thời điểm nguy hiểm. Chỉ cần một chú chim nhỏ bị hút vào họng gió là động cơ máy bay có thể bị hoàn toàn phá hủy…

Các nhà khoa học đã đau đầu nghĩ các cách đuổi chim tại các sân bay nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào triệt để. Vì thế, ở mỗi sân bay quân sự luôn luôn có một đội săn đuổi chim.

Gặp Cầu chim ở sân bay, anh nói: “Bọn em ngày thường thì tìm cách bắt, bẫy, xua đuổi không cho chim làm tổ trong khu vực sân bay. Trước giờ máy bay cất cánh thì đi dọc đường băng dùng những khẩu súng chuyên dụng có tiếng nổ lớn bắn liên hồi để không còn con chim nào dám bén mảng...”.

Rồi Cầu cùng đồng đội lắp đạn, đứng đúng tư thế xạ kích chĩa súng lên trời. Những tiếng nổ lớn lan khắp không gian phi trường lồng lộng. Không có một bóng chim, “cửa trời” đã mở. Và những chiếc phi cơ tiêm kích ở vạch xuất phát đầu đường băng lập tức gầm lên lấy đà lao vút lên trời.

Theo Văn nghệ Quân đội

Bình luận(0)