Cận cảnh máy bay Anh hùng Phạm Tuân lái bắn rơi B-52

Google News

(Kiến Thức) - Trong chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử trên bầu trời Hà Nội, máy bay MiG-21 số hiệu 5121 do Anh hùng Phạm Tuân điều khiển đã bắn hạ một B-52 đối phương.

 Chiếc phi cơ Anh hùng Phạm Tuân đã điều khiển để bắn hạ một pháo đài bay B-52 trong chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử là loại MiG-21 F96 thuộc Đoàn 921 Không quân, đơn vị đã bắn rơi tổng cộng 137 máy bay Mỹ các loại trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 Trong chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, chiếc phi cơ của Anh hùng Phạm Tuân dưới sự dẫn dắt tài tình của bộ đội radar đã luồn qua được rừng máy bay chiến thuật của Mỹ, tấn công hạ gục một pháo đài bay của đối phương và thoát ra ngoài, hạ cánh xuống căn cứ an toàn.

 Cần phải nói thêm, với 197 máy bay B-52 tham gia chiến dịch Linebacker II, phía Mỹ còn huy động thêm tới hơn 2000 máy bay chiến thuật các loại để yểm trợ cho các máy bay B-52 này khi chúng tiến vào bầu trời Hà Nội.

 Điều đó đồng nghĩa với việc, trung bình mỗi chiếc B-52 sẽ có tới 10 máy bay chiến thuật bảo vệ và mỗi tốp ba chiếc B-52 sẽ dàn đội hình với tổng cộng 30 máy bay chiến thuật bảo vệ xung quanh.

 Để lọt được qua 30 máy bay địch đã khó, tiếp cận, bắn hạ được siêu pháo đài bay của đối phương thậm chí còn khó hơn. Tuy nhiên, Anh hùng Phạm Tuân không những vượt qua được các máy  bay chiến thuật, bắn hạ được phi cơ B-52 của đối phương mà còn tìm cách thoát ra được khỏi khu vực giao tranh, hạ cánh an toàn chiếc phi cơ 5121 này.

 Có thể coi đây là một kỳ tích của Không quân Việt Nam, nhất là trong suốt thời gian được biên chế trong Không quân Mỹ tới nay, chỉ có duy nhất tiêm kích MiG-21 của Không quân Việt Nam bắn rơi được máy bay B-52 của Mỹ trong tình trạng giao tranh trực tiếp.

 Điều đáng nói ở đây chính là việc Mỹ huy động tới tổng cộng 2.200 máy bay các loại tấn công bầu trời Hà Nội, trong khi đó phía Không quân Việt Nam chỉ vào trận với khoảng 50 phi cơ chiến đấu MiG làm nhiệm vụ đánh chặn đối phương.

Năm mươi chiến đấu cơ đối đầu với 2.200 máy bay các loại của Mỹ là nhiệm vụ bất khả thi, tuy nhiên với chiến thuật hợp lý, sự hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, ăn ý giữa các phi công với lực lượng tên lửa dưới mặt đất đã mang về chiến thắng vinh quang cho lực lượng không quân của ta.

 Chiến thuật hay được các phi công MiG cùng với lực lượng tên lửa dưới mặt đất của ta sử dụng nhiều nhất đó là phóng tên lửa giả. Khi các dàn tên lửa phía dưới mặt đất gửi tính hiệu phóng tên lửa giả lên trời, phi công Mỹ sẽ lập tức cơ động, đổi lộ trình để né tránh, khi này đội hình địch sẽ dãn ra, tạo khoảng trống cho MiG của ta "len" vào tiếp cận B-52.

Khó nhất ở đây đó là sự nhanh nhẹn của các phi công điều khiển MiG, vì khi len được qua dàn máy bay hộ tống, phi công chỉ có ít phút, thậm chí tính bằng giây trước khi bị tiêm kích đối phương phát hiện, trong thời gian đó, họ phải vừa bắn hạ được B-52 của đối phương, vừa thoát được ra ngoài.

 Có thể nhắc tới trường hợp của phi công Vũ Xuân Thiều, trong chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử, Anh hùng Vũ Xuân Thiều đã lao chiếc MiG-21 đâm thẳng vào phi cơ B-52 của đối phương sau khi bắn hai quả tên lửa trượt mục tiêu do bị đối phương gây nhiễu quá mạnh. Phi công Vũ Xuân Thiều sau đó đã được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 Hiện tại, chiếc phi cơ Anh hùng Phạm Tuân bắn rơi B-52 của đối phương đang được trưng bày trong khuôn viên của bảo tàng Phòng không - Không quân Hà Nội với 8 ngôi sao trên mũi, tượng trưng cho 8 chiếc máy bay định bị chiếc phi cơ này bắn hạ, một trong 8 ngôi sao đó chính là ngôi sao dành cho chiếc B-52 của đối phương rơi trên bầu trời Hà Nội hôm 27/12/1972.
Mời độc giả xem Video: B-52 đánh phá trên bầu trời Hà Nội và cái giá chúng phải trả. Nguồn: VTV.
Tuấn Anh

>> xem thêm

Bình luận(0)