Bất ngờ uy lực hệ thống phòng không trên tàu Gepard Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Với pháo tự động và tên lửa bắn nhanh, tổ hợp phòng thủ tầm gần Palma trên tàu hộ vệ Gepard 3.9 của Việt Nam có khả năng chiến đấu gây kinh ngạc.

Trước các mối đe dọa từ các tên lửa đối hạm tốc độ cao và máy bay chiến đấu của đối phương, đặt ra yêu cầu cao phải bảo vệ các chiến hạm. Do vậy, các hệ thống phòng thủ tầm cực ngắn trên các chiến hạm (CIWS) được phát triển với mục đích phát hiện và tiêu diệt tên lửa đối hạm và các máy bay chiến đấu của đối phương ở tầm gần (dưới 10km).
Hệ thống này bao gồm các đại bác bắn nhanh điều khiển bằng radar, có tốc độ bắn lên tới vài nghìn viên/phút, tạo ra một “cơn mưa đạn”, tiêu diệt tên lửa và máy bay đối phương. Ngoài ra, một số hệ thống CIWS còn được trang bị thêm các hệ thống tên lửa tầm ngắn. 
Các chiến hạm hiện đại ngày nay hầu hết đều được trang bị một vài hệ thống CIWS, trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống phòng thủ của các chiến hạm trên biển. Trong đó tiêu biểu là hệ thống phòng thủ tầm gần Palma được Hải quân Nga phát triển và đang được lắp trên các tàu hộ vệ Gepard của Việt Nam.
Bat ngo uy luc he thong phong khong tren tau Gepard Viet Nam
Pháo GSh-30K 6 nòng cỡ 30mm. Ảnh: Haiquanvietnam
Thành phần hệ thống
Mỗi một hệ thống Palma được trang bị 2 pháo GSh-30K 6 nòng cỡ 30mm và 8 tên lửa đối không 9M311 (với 32 tên lửa dự trữ) trong một tháp pháo. Mỗi tháp pháo đều có radar theo dõi riêng và cũng như cảm biến quang điện và hồng ngoại, có thể được gắn với một hệ thống điều khiển hỏa lực trung ương, tích hợp thêm vào một hệ thống chiến đấu tổng thể.
Đối với một số phiên bản xuất khẩu cho Ấn Độ số lượng tên lửa này có thể lên tới 64 quả nhưng phiên bản mà Nga trang bị cho Việt Nam hiện được lắp đặt trên hai tàu Gepard Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ chỉ được biên chế 32 tên lửa tiêu chuẩn.
Thông số kỹ thuật
Một hệ thống Palma hoàn chỉnh có tổng khối lượng khoảng 15.500kg; cao 2,225m;  sử dụng đạn cháy nổ phân mảnh, đạn tách vỏ xuyên giáp có trọng lượng khoảng 0,39kg; tốc độ bắn 9.000 - 10.000 phát/phút; khả năng phóng từ 1 - 2 tên lửa trong khoảng thời gian từ 3 - 4 giây; sơ tốc đầu đạn từ 860m/s - 1.100m/s; tầm bắn của đạn pháo là 300 - 5.000m, tầm bắn của tên lửa đạt 10.000m.
Bat ngo uy luc he thong phong khong tren tau Gepard Viet Nam-Hinh-2
 Trung tâm chỉ huy trên tàu Lý Thái Tổ. Ảnh: Haiquanvietnam
Tính năng tác chiến 
Hai pháo nòng xoay GSh-30K 6 nòng 30mm có tốc độ 10.000 viên/phút, nạp đạn bằng băng truyền và làm mát bằng chất lỏng bay hơi. Độ giật rung của loại pháo này rất lớn do tốc độ bắn cực nhanh và đạn khá nặng nên hệ thống có thể tạo một lưới lửa dày đặc bao trùm một không gian lớn khi đạn bay với mật độ dày đặc ngăn không cho các loại vũ khí hay mục tiêu đang di chuyển có thể lọt qua để tiếp cận tàu.
Lưới lửa mà các mảnh đạn tạo nên đặc biệt tỏ rõ hiệu quả trong việc giữ khoảng cách an toàn giữa cho tàu với các loại vũ khí hành trình trong khoảng từ 500m - 4.000m. Do cỡ đạn lớn nên súng có thể dùng các loại đạn đặc biệt như đạn cháy nổ mạnh - phân mảnh (HEIF), đạn phân mảnh - vạch đường (FT), đạn tách vỏ xuyên giáp - vạch đường với lõi bằng hợp kim wolfram VNZh bảo đảm khả năng xuyên giáp cực tốt.
Trong trường hợp cần độ chính xác cao thì hệ thống được trang bị các tên lửa phòng không 9M311. Đây là một loại tên lửa nhiên liệu rắn có đẩu nổ phân mảnh sẽ phát nổ khi lại gần mục tiêu, dùng hệ thống chỉ điểm bằng laser hoặc ra đa.
Hệ thống khi tác chiến có 8 ống phóng, 4 ống mỗi bên để sẵn sang cho việc chiến đấu. Các ống này có thể tự nạp đạn lại sau khi sử dụng. Với kho chứa tên lửa nằm ở phía dưới hệ thống tác chiến với tổng cộng 32 quả, cả bốn ống mỗi bên có thể nạp đầy trong khoảng 1,5 phút. Các tên lửa này thường được dùng để tấn công các mục tiêu trong khoảng cách 1.500 - 10.000m.
Bat ngo uy luc he thong phong khong tren tau Gepard Viet Nam-Hinh-3
 Tên lửa phòng không 9M311. Ảnh: Wikipedia
Phương thức tác chiến
+ Trường hợp đối với mục tiêu xa mà pháo GSh-30K không bắn tới: Palma sẽ sử dụng hệ thống radar quang học riêng của mình để tìm và khóa các mục tiêu nguy hiểm tiềm tàng. Ngoài ra nó cũng nhận các thông tin từ hệ thống dò tìm của tàu mẹ cũng như các số liệu về mục tiêu để tính toán vị trí tạo lưới lửa và sử dụng tên lửa hiệu quả nhất (hệ thống tự động này cho phép khóa 6 mục tiêu cùng lúc). Sau khi, mục tiêu đã bị khóa, hệ thống sẽ nạp tên lửa 9M311 vào bệ phóng để chuẩn bị cho đợt tấn công.
+ Trường hợp mục tiêu bay thấp và cực gần: Nhờ vào khả năng làm việc độc lập của các module, tổ hợp phòng không Palma có thể dò tìm một cách chính xác, đồng thời ghi nhớ và theo dõi các mối nguy hiểm trong phạm vi dò tìm của nó.
Ngay khi phát hiện được mối nguy hiểm hiện hữu trong phạm vi, Palma sẽ gần như ngay lập tức ghi nhớ và sẵn sàng khai hỏa để triệt hạ các mối nguy hiểm này. Module tìm kiếm được tích hợp radar phát hiện các vật thể bay bao gồm tên lửa hạm đối hạm, các máy bay cường kích, UAV… sử dụng công nghệ tái tạo hình ảnh 3D, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết dù là khắc nghiệt nhất.
Ngay khi tái tạo xong hình ảnh 3D của vật thể, nó sẽ định hướng các tên lửa và 2 khẩu pháo GSh-30K sẵn sàng tấn công tiêu diệt. Phụ thuộc vào số lượng module dò tìm, hệ thống tác chiến sẽ xử lý nhanh hơn, đồng thời có khả năng theo dõi và tiêu diệt được nhiều mục tiêu hơn. Khi hệ thống đã ghi nhớ số lượng mục tiêu, module kiểm soát hỏa lực sẽ tính toán số lượng mục tiêu và lên đạn sẵn cho GSh-30K để sẵn sàng nổ súng.
Với sự kết hợp giữa súng và tên lửa hệ thống này tạo ra lớp bảo vệ tốt so với các hệ thống chỉ dùng súng hay tên lửa. Trong các thử nghiệm tỷ lệ hạ gục mục tiêu cố tiếp cận trong khoảng 96% đến 99%. Hệ thống này có thể gắn trên các tàu từ 400 tấn trở lên. Với tỷ lệ này nó đã qua mặt cả hệ thống Phalanx CIWS của Mỹ và Goalkeeper CIWS của Hà Lan.
Lam Ngọc

>> xem thêm

Bình luận(0)