Vào “hang cọp” bắt... B-52

Google News

(Kiến Thức) - Chiến thắng B-52 năm 1972 chấn động địa cầu không phải ngẫu nhiên có được. Đó là cả một quá trình ta chuẩn bị lâu dài, công phu.


Nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, báo Kiến Thức phỏng vấn đại tá Đào Đoàn Thế Hùng về quá trình chuẩn bị đánh B-52 trường kỳ của quân, dân Việt Nam.

Lời nhắc nhở chỉ đường của Bác từ 9 năm trước

Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không trong 12 ngày đêm Hà Nội là giai đoạn đỉnh cao chiến thắng B-52 của Quân chủng. Để có được chiến thắng vang dội đó, quân và dân ta có khoảng thời gian chuẩn bị kéo dài tới 9 năm.

Đại tá Thế Hùng nhớ lại, năm 1963, khi gặp đồng chí Phùng Thế Tài, lúc đó là Tư lệnh Quân chủng PKKQ, Bác Hồ đã đặt câu hỏi: “Chú đã biết gì về B-52 chưa?”. Mặc dù B-52 được Mỹ sử dụng từ 1955 nhưng cho đến trước chiến tranh Việt Nam nó chưa từng được sử dụng ở đâu. Do vậy, bộ đội phòng không Việt Nam đến lúc đó mới chỉ biết rất ít thông tin về tính năng kỹ thuật của nó. Vì thế Bác nhắc nhở: “Từ nay chú phải tìm hiểu về B-52 và nghiên cứu dần cách đánh nó”.

Đại tá Đào Đoàn Thế Hùng.
Đại tá Đào Đoàn Thế Hùng.

Năm 1965, đến thăm Bộ đội PKKQ lần nữa, Bác nói: “Dù Mỹ có B-52, B-57, hay B gì đi nữa thì ta cũng quyết đánh, mà đã đánh thì phải quyết thắng”. Cũng trong năm này, Thủ tướng Kosygin của Liên Xô (Nga) sang thăm Việt Nam, Bác Hồ đã đặt vấn đề, đề nghị giúp Việt Nam xây dựng những trung đoàn tên lửa và viện trợ tên lửa để bắn máy bay hiện đại của Mỹ. Đồng chí Kosygin đồng ý ngay.

Không lâu sau, Thủ tướng Kosygin cho chuyển vũ khí, khí tài tên lửa sang Việt Nam cùng một đoàn chuyên gia. Trong khoảng 3 tháng, Việt Nam khai sinh bộ đội tên lửa. Ra trận lần đầu ngày 24/7/1965, họ bắn rơi chiếc máy bay thứ 400 của đế quốc Mỹ.

Vào tận hang để tìm cách bắt cọp

Ít lâu sau khi thành lập bộ đội tên lửa, Bác Hồ nhắc nhở các chiến sĩ, muốn bắt được cọp phải vào tận hang. Trong thời gian này, Mỹ mới chỉ cho B-52 hoạt động ở Khu 4. Nghe lời Bác, Quân chủng Phòng Không đưa trung đoàn tên lửa 238 vào Vĩnh Linh – "chảo lửa" của Khu 4 để tìm cách đánh B52.

Cả một trung đoàn với vũ khí, khí tài hành quân dưới con mắt "cú vọ" luôn xăm xoi của không quân Mỹ là một việc vô cùng khó khăn. 4 tiểu đoàn di chuyển dưới làn mưa bom, bão đạn, tới nơi dồn ghép lại, chỉ còn lại 1 tiểu đoàn để chiến đấu.

Trong một địa bàn luôn nằm trong tầm hoạt động của máy bay và pháo của Mỹ, việc ngụy trang phải nâng lên tới mức nghệ thuật. Mỗi cành lá ngụy trang, mỗi công sự phải được chăm chút để không bị khác biệt so với xung quanh. Nếu trước khi đến xây dựng trận địa, cây cỏ ở xung quanh héo úa thì vật ngụy trang của trận địa cũng phải y như thế. Mặc dù đã chú trọng ngụy trang như vậy nhưng vẫn không tránh được bom đạn địch.

Người lính tên lửa ở trong Vĩnh Linh đã đúc kết thành câu “nắng ráo bổ nhào, mưa rào tọa độ”. Nghĩa là những ngày thời tiết đẹp thì máy bay trinh sát OV-10 hoạt động, phát hiện dấu hiệu khả nghi là chúng bắn pháo hiệu đánh dấu. Ngay sau đó, máy bay ném bom lao đến đánh vào những chỗ bọn OV-10 chỉ điểm. Còn những ngày mưa rào hay thời tiết xấu, địch lại cho máy bay rải bom các tọa độ mà chúng nghi ngờ là có lực lượng của ta.

Chịu đựng bom đạn địch để tìm cách đánh B-52, bộ đội tên lửa của trung đoàn 238 đã chịu nhiều tổn thất. Theo thống kê của cuốn Lịch sử trung đoàn tên lửa 238, chỉ riêng tại chiến trường Khu 4, trung đoàn 238 hi sinh 394 chiến sĩ.

Đại tá Thế Hùng (áo xanh) cùng đồng đội cũ thăm Bảo tàng Phòng không - Không quân - nơi lưu giữ nhiều hiện vật từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đại tá Thế Hùng (áo xanh) cùng đồng đội thăm Bảo tàng Phòng không - Không quân, nơi lưu giữ nhiều hiện vật từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 17/9/1967, tiểu đoàn 84 của trung đoàn 238  bắn những quả đạn đầu tiên vào máy bay B-52 của địch. 17h 3, tại trận địa nông trường Quyết Thắng tiêu diệt 1 chiếc B-52. Ngay sau trận đó 30 phút, tiểu đoàn 84 tiếp tục tiêu diệt 1 chiếc máy bay B-52 nữa. Và như vậy, ngay trong ngày đầu ra quân, tiểu đoàn tên lửa đánh hai trận và bắn rơi 2 máy bay B-52. Thế nhưng đánh xong thì địch đáp trả, dùng máy bay cường kích F-4, F-105 đánh khiến quân ta tổn thất nặng nề.

Nhớ về những hi sinh của đồng đội, Đại tá Thế Hùng không giấu nổi sự xúc động: “Như thế để thấy rằng, có được chiến thắng, quân ta cũng phải trả hi sinh tổn thất rất nhiều. Điều đáng quý là sau những hi sinh, mất mát đó, chúng ta rút được nhiều kinh nghiệm, nhận biết thủ đoạn của Mỹ và tìm ra cách để đối phó với địch và cuối cùng là chúng ta đã chiến thắng”.

Thực vậy, từ những kinh nghiệm xương máu thu được từ đất lửa Quảng Trị, một tập tài liệu về kinh nghiệm đánh B-52 của bộ đội tên lửa đã ra đời làm vốn liếng cho bộ đội phòng không của ta trong cuộc đối đầu với B-52. Cho đến khi bước vào chiến dịch tháng 12/1972, bộ đội ta đã liên tục rút kinh nghiệm. Mỗi lần địch thay đổi thủ đoạn là một lần chúng ta rút kinh nghiệm thay đổi cách đánh. Từ việc chống gây nhiễu ngoài đội hình đến gây nhiễu trong đội hình cho đến phát hiện B-52 giả, B-52 thật…

Đến tháng 10/1972, tất cả các kinh nghiệm tác chiến với B-52 từ trước đến nay được tổng hợp vào cuốn cẩm nang có tên “Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa”. Cuốn sách thường được biết đến với cái tên “Cẩm nang bìa đỏ”. Cuốn cẩm nang đã được Quân chủng PKKQ phổ biến đến từng kíp chiến đấu trong toàn Binh chủng tên lửa. Nhờ đó, vào thực tế chiến dịch, có những trung đoàn lần đầu tiên đối mặt cũng đã bắn hạ được B-52.

“Phải khẳng định việc đánh thắng B-52 là có sự dẫn đường chỉ lối của Bác Hồ cho bộ đội PKKQ. Từ khi Bác đã báo động quân chủng chuẩn bị đánh B-52 (1963) đến chiến thắng 1972 là 10 năm, chúng ta đã có một khoảng thời gian chuẩn bị dài nhiều yếu tố”, Đại tá Thế Hùng khẳng định.

Bình luận(0)