Hạm đội biển Đen có thể hủy diệt Hải quân Thổ trong 1 tuần

Google News

(Kiến Thức) - Hạm đội biển Đen có thể khiến Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ tê liệt hoàn toàn sau tuần đầu tiên của cuộc xung đột trên biển.

Trong bối cảnh quan hệ Nga - Thổ đang xấu đi, Thổ Nhĩ Kỳ cùng Ả Rập xê-út và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), với sự hậu thuẫn ngầm của Mỹ, đang chuẩn bị cho việc xâm nhập Syria. Theo đánh giá của Konstantion Sivkov, một viện sĩ của Viện Hàn lâm khoa học rocket, tên lửa và pháo binh Nga, Mỹ và Anh cũng có thể sẽ đưa lực lượng mặt đất của mình vào Syria. Nguy cơ xung đột quân sự giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là rất cao trong hoàn cảnh hiện nay...
Theo ý kiến từ các chuyên gia, nguy cơ sẽ bị giới hạn trong phạm vi xung đột vũ trang, mặc dù khả năng leo thang thành chiến tranh toàn diện trong phạm vi địa phương là hoàn toàn có thể. Khả năng chiến tranh bùng phát đến phạm vi cao hơn là rất khó khăn, bởi Nga sẽ không thể sử dụng vũ khí hạt nhân, và sẽ rất khó cho nước này khi tiến hành một cuộc chiến qui mô lớn mà không sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD).
Ham doi bien Den co the huy diet Hai quan TNK trong 1 tuan
 Tàu ngầm diesel-điện Đề án 636 lớp Varshavyanka B-261 Novorossiysk của Hạm đội Biển Đen Nga.
Do những điều kiện địa lí quân sự, Hạm đội Biển Đen của Nga và Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giữ một phần quan trọng trong các xung đột giữa hai nước, nếu như nó xảy ra. Sở chỉ huy của các hạm đội này sẽ là nơi diễn ra cuộc đối đầu cân não của lực lượng vũ trang hai bên. Đương nhiên một câu hỏi sẽ được đặt ra: Hải quân Nga có thể làm được những gì để bảo vệ lợi ích quốc gia ở Biển Đen?
Hạm đội Biển Đen: Binh hùng tướng mạnh
Theo các nguồn công khai, cho đến cuối năm 2015, Hạm đội Biển Đen có 7 tàu ngầm, 41 hạm nổi, 34 máy bay cánh cứng và khoảng 40 trực thăng. Trong số 7 tàu ngầm của Hạm đội, có hai chiếc thuộc Đề án 636.3 rất hiện đại. Bốn chiếc còn lại của Đề án 636.3 cũng sẽ đưa vào phục vụ trong biên chế Hạm đội trong năm 2016.
Ham doi bien Den co the huy diet Hai quan TNK trong 1 tuan-Hinh-2
 Tàu tuần dương mang tên lửa đề án 1164 lớp Atlant mang tên Moskva - kì hạm của Hạm đội Biển Đen
Khối tàu chiến mặt nước chủ lực của Hạm đội biển Đen bao gồm các tàu tuần dương mang tên lửa đề án 1164 Moskva (tên mã NATO là lớp Slava), tàu chống ngầm cỡ lớn đề án 1134B Kerch (tên mã NATO là lớp Kara, con tàu này hiện không hoạt động do hậu quả của một vụ cháy), cùng ba tàu hộ tống - hai tàu thuộc đề án 1135 (tên mã NATO là lớp Krivak) và một tàu thuộc đề án 01090 (tên mã NATO là lớp Kashin). Ba tàu khu trục nhỏ thuộc đề án 11356 (tên mã NATO là lớp Krivak-V) cũng sẽ được bổ sung cho hạm đội trong năm 2016.
Ham doi bien Den co the huy diet Hai quan TNK trong 1 tuan-Hinh-3
 Tàu hộ vệ tên lửa Đề án 21631 lớp Buyan-M mang số hiệu 602, tên gọi Zelyony Dol
Bên cạnh đó, Hạm đội Biển Đen cũng có lực lượng tàu chiến hạng nhẹ bao gồm hai tàu đệm khí cao tốc mang tên lửa thuộc đề án 1239 lớp Sivuch (tên mã NATO là lớp Bora), hai tàu tên lửa đề án 1234 (tên mã NATO là lớp Nanuchka) và hai tàu đề án 21631 (lớp Buyan), tám tàu săn ngầm đề án 1124M (tên mã NATO là lớp Grisha-III), sáu tàu quét mìn đại dương và năm tàu quét mìn gần bờ và cảng biển, bảy tàu đổ bộ cỡ lớn (3 tàu đề án 1171 lớp Alligator và 4 tàu đề án 775 lớp Ropucha)và sáu tàu tên lửa cao tốc (5 tàu đề án 12411 lớp Tarantul-III và đề án 12417 lớp Tarantul-IV, 1 tàu đề án 206MR lớp Matka).
Ham doi bien Den co the huy diet Hai quan TNK trong 1 tuan-Hinh-4
 Máy bay chiến đấu Su-30SM của Hạm đội Biển Đen Nga trình diễn tại MASKS 2015. Ảnh: Vitaly V.Kuzmin
Đóng vai trò quan trọng cho tác chiến trên biển của Hạm đội Biển Đen là lực lượng hàng không hạm đội, bao gồm 16 máy bay ném bom chiến thuật Sukhoi Su-24M (đang trong quá trình chuyển loại thành Su-34 Fullback), 4 (một số nguồn nói là 7) thủy phi cơ chống ngầm Beriev Be-12 (Mail), một máy bay tác chiến điện tử Antonov An-12PP (Cub) và 4 máy bay trinh sát Su-24MR. Lực lượng trực thăng của hạm đội gồm 30 chiếc Kamov Ka-27PL chống ngầm và 8 chiếc Mi-8 tác chiến điện tử.
Lực lượng bảo vệ bờ biển của Hạm đội Biển Đen bao gồm một lữ đoàn tên lửa và pháo binh độc lập, có trong biên chế một trung đoàn tên lửa cơ động tầm xa Redut, hai trung đoàn tên lửa cơ động tầm ngắn Rubezh và một tiểu đoàn pháo cơ động 130mm Bereg.
Hạm đội Biển Đen cũng có một trung đoàn hải quân đánh bộ độc lập. Theo Sivkov, tình trạng trên các tàu của Hạm đội Biển Đen là tốt. Khi quan hệ với NATO nói chung và Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng xấu đi, những biện pháp khẩn cấp sẽ được thực hiện để đảm bảo càng nhiều lực lượng của hạm đội ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu càng tốt.
Trong bối cảnh đó, Nga có thể sẽ sử dụng 100% lực lượng tàu chiến chủ lực và hạng nhẹ, khoảng 80% lực lượng bảo vệ bờ biển. Không quân Hạm đội sẽ tung vào trận 12-16 máy bay Su-24M và Su-30SM, 2-3 thủy phi cơ Be-12, 2 máy bay Su-24MR trinh sát, khoảng 12-18 trực thăng chống ngầm Ka-27PL và 4-5 trực thăng tác chiến điện tử Mi-8. Tất cả số máy bay kể trên sẽ ở trong tình trạng kĩ thuật hoàn hảo.
Nếu chiến sự nổ ra, Hạm đội Biển Đen sẽ được Quân đoàn phòng không 51 yểm trợ trong việc bảo vệ các căn cứ và lực lượng của hạm đội, như một phần của hệ thống chống thâm nhập tổng thể. Quân đoàn 51 có thể đưa vào chiến đấu hai trung đoàn máy bay chiến đấu (khoảng 50-60 máy bay Su-27 Flanker và máy bay MiG-29 Fulcrum) và hai trung đoàn tên lửa đất đối không.
Không quân chiến lược tầm xa có thể tăng cường cho Hạm đội Biển Đen một trung đoàn không quân để đối phó với các tàu chiến cỡ lớn của những kẻ thù tiềm năng. Các lực lượng không quân đặc nhiệm của Nga đang đóng tại căn cứ không quân Khmeimim ở Syria cũng có thể sẽ tham gia chiến đấu. Tuy nhiên, mục tiêu chính của lực lượng này vẫn là đảm bảo phòng không cho các lực lượng vũ trang Nga và đồng minh Syria khỏi Không quân Thổ Nhĩ Kỳ.
Với quân số như trên, Hạm đội Biển Đen có thể bố trí lực lượng như sau:
- Một lực lượng 2-3 tàu ngầm diesel-điện tấn công tiêu diệt hải quân đối phương tại nam biển Đen, có thể được sự hỗ trợ của khoảng một trung đoàn máy bay ném bom tầm xa.
- Một lực lượng đối kháng trực tiếp với đội tàu mặt nước chủ lực của địch, bao gồm một tàu tuần dương mang tên lửa và 3-4 tàu hộ tống biển xa. Các lực lượng tấn công có thể được hỗ trợ bởi khoảng hai trung đoàn máy bay ném bom tầm xa.
- Một lực lượng hoạt động ven bờ bao gồm 2-3 nhóm tàu tên lửa cao tốc, 2 nhóm tàu hộ vệ tên lửa, 12-16 máy bay phản lực chiến đấu cùng các đơn vị tên lửa - pháo binh bờ biển.
- Một lực lượng chống ngầm ven bờ bao gồm hai nhóm tàu săn ngầm, mỗi nhóm gồm 3-4 chiếc, hai tàu ngầm diesel-điện, 3-4 máy bay chống ngầm và 25-30 trực thăng chống ngầm.
Hạm đội Biển Đen có thể hỗ trợ cho mũi tiến công đường biển của Quân khu Phương Nam Nga với trung đoàn hải quân đánh bộ của mình, cùng với đó là 6-7 tàu đổ bộ xung kích có khả năng đổ bộ hai tiểu đoàn lính thủy đánh bộ.
Trong tuần đầu tiên diễn ra chiến sự, nếu tình hình diễn biến đúng như dự đoán, Hạm đội Biển Đen có thể đánh bại hai cụm tàu chiến đấu mặt nước chủ lực của kẻ địch, bao gồm một tàu tuần dương mang tên lửa (ví dụ như lớp Ticonderoga), hoặc bốn đến năm cụm tàu chiến đấu mặt nước hay tàu săn ngầm, mà có trong biên chế các tàu khu trục hoặc tàu frigate.
Trong vùng biển ven bờ của nước Nga, Hạm đội Biển Đen có thể:
- Đánh bại tối đa bốn cụm tàu chiến đấu mặt nước, bao gồm 2-3 tàu khu trục, tàu frigate hay tàu hộ vệ tên lửa mỗi cụm.
- Đánh chìm đến 4 tàu ngầm
- Thực hiện các cuộc đổ bộ chiến thuật với qui mô lên đến 2 tiểu đoàn hải quân đánh bộ
Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ: “Không phải dạng vừa đâu”
Sau khi phân tích khả năng tác chiến của Hạm đội Biển Đen Nga, câu hỏi tương tự cũng được đặt ra với Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ.
Ham doi bien Den co the huy diet Hai quan TNK trong 1 tuan-Hinh-5
 Tàu frigate mang tên lửa lớp Gabya mang tên gọi Gelibolu của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ
Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ hiện có 15 tàu ngầm (bao gồm 10 chiếc Kiểu 209 đã cũ), 19 tàu frigtate mang tên lửa dẫn đường (trong đó có 5 tàu lớp Oliver Perry và sáu tàu lớp Knox), khoảng 25 tàu quét mìn và khoảng 20 tàu hộ vệ tên lửa. Các máy bay chiến thuật của không quân cũng sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho hải quân. Theo ước tính của các chuyên gia, sẽ có thể có từ 100-440 máy bay được huy động tấn công các hạm tàu và căn cứ của Hạm đội Biển Đen.
Trong tương quan so sánh với Hạm đội Biển Đen, hải quân Thổ Nhĩ Kỳ có thể mất đến 40-45% số hạm tàu mặt nước và bốn tàu ngầm (tương đương 27% số tàu ngầm).
Thiệt hại của Hạm đội Biển Đen có thể lên đến 25-30% số hạm tàu hải quân, 35% số máy bay, 30% lực lượng bảo vệ bờ biển và một hoặc hai tàu ngầm. Với các lực lượng máy bay chiến thuật và chiến lược hỗ trợ cho hạm đội Biển Đen, mức độ thiệt hại cũng tương tự. Nói cách khác, sau tuần đầu tiên, hải quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hầu như tê liệt, trong khi Hạm đội Biển Đen vẫn còn khả năng chiến đấu. Theo đánh giá của Sivkov, nhiệm vụ chiếm ưu thế trong các vùng duyên hải Biển Đen như vậy là đã hoàn thành.
Nhưng cũng cần nhắc lại, Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên NATO. Và nếu như xung đột này lôi cuốn các thành viên NATO vào vòng chiến sự, thì khối này có thể phái đến 2-3 nhóm tấn công gồm tàu tuần dương và tàu khu trục mang tên lửa, được hỗ trợ bởi ba liên đội tàu sân bay xung kích của Mỹ ở phía đông Địa Trung Hải. Thêm vào đó là 60-70 máy bay chiến thuật Mỹ được bố trí tại các căn cứ không quân của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được huy động để tấn công lực lượng của Hạm đội Biển Đen. Trong trường hợp này, Hạm đội Biển Đen có thể tìm cách làm suy yếu lực lượng đối phương và giới hạn thiệt hại của mình. Nhưng kể cả trong trường hợp đó, tổn thất này vẫn là rất nặng nề ở cấp chỉ huy chiến dịch.
Sau đó, đối phương có thể tiến hành các hoạt động cấp chiến thuật và chiến dịch trên Biển Đen nhằm vào bờ biển của Nga và đồng minh, từ đó tấn công các cơ sở kinh tế và quân sự của nước này.
Thanh Hoa

Bình luận(0)