Điểm mặt các “Át chủ bài” của Không quân VN (1)

Google News

Chiến tranh Việt Nam ghi nhận cuộc chạm trán không cân sức giữa lực lượng không quân hùng hậu nhất thế giới của Mỹ với lực lượng không quân còn non trẻ của Việt Nam.

* Át (Aces) là một danh hiệu công nhận cho các phi công lái máy bay quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số 5 trở lên. Danh hiệu Át có từ Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Tuy mới thành lập, thiếu kinh nghiệm, trang thiết bị kém hiện đại hơn nhưng với sự nỗ lực phi thường công với tinh thần sáng tạo, dũng cảm các phi công Việt Nam đã lập được những chiến công hiển hách.

Có đến 16 phi công Việt Nam được công nhận danh hiệu Át trong khi đó con số phi công Át của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam chỉ có 5 người.

Dưới đây là danh sách 16 phi công Việt Nam được công nhận danh hiệu Át:

Phi công Nguyễn Văn Cốc.
Phi công Nguyễn Văn Cốc.

Phi công Nguyễn Văn Cốc

Đứng đầu trong danh sách các “Át” của Không quân Nhân dân Việt Nam là phi công Nguyễn Văn Cốc với 9 lần bắn rơi máy bay Mỹ trong đó có 7 lần được phía Mỹ công nhận.

Phi công Nguyễn Văn Cốc sinh năm 1943 tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ông được tuyển chọn đi học lái máy bay MiG-17 vào năm 1961. Sau đó, ông lại sang Liên Xô học chuyển loại MiG-21. Ông bắt đầu các hoạt động bay chiến đấu với MiG-21 trong biên chế trung đoàn 921, đoàn Sao Đỏ từ tháng 12/1965.

Chỉ trong vòng 2 năm (1967-1968), ông đã bắn rơi 9 máy bay Mỹ (gồm 3 F-4, 3 F-5, 1 F-102, 2 UAV tầng cao AQM-34A).

Một trong những trận đánh đáng nhớ nhất của ông, được tuyển chọn vào tập sách những trận đánh hay của không quân là trận ngày 30/4/1967.

Khi đó, biên đội của ông gồm phi công Nguyễn Ngọc Độ bay số 1, ông bay số 2 cất cánh đánh chặn một tốp F-105  của địch.Trong trận đánh, sau khi phi công Nguyễn Ngọc Độ phóng tên lửa diệt một máy bay, tranh thủ lúc lúc địch chưa phát hiện ra ta, ông đã nhanh chóng công kích bắn hạ thêm một máy bay F-105.

Đây có thể nói là bước “cải tiến chiến thuật”, vì theo nguyên tắc chiến thuật bài bản, trong biên đội 2 MiG-21 thì số 2 chỉ có nhiệm vụ yểm trợ, quan sát đối phương giúp số 1 công kích. Tuy vậy, Nguyễn Văn Cốc đã sáng tạo cải tiến chiến thuật, khi thời cơ đến, ở thế có lợi cùng tham gia tiêu diệt máy bay địch, vừa bảo vệ đồng đội nhưng vừa tăng hiệu suất chiến đấu.

Việc sáng tạo ra chiến thuật cải tiến số 2 cùng công kích, ông đã được đồng đội đặt cho biệt danh “chim cắt số 2”. Với những chiến công xuất sắc trong 2 năm chiến đấu, năm 1969, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Phi công Nguyễn Hồng Nhị.
Phi công Nguyễn Hồng Nhị.

Phi công Nguyễn Hồng Nhị

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị là một trong những phi công xuất sắc của Không quân Nhân dân Việt Nam.

Chỉ trong vòng 3 năm từ 1966-1968, phi công Nguyễn Hồng Nhị đã lập chiến công bắn hạ 8 máy bay địch. Trong đó, riêng năm 1967 ông bắn hạ tới 6 chiếc F-4 và F-8 của địch.

Một trong những trận đánh đáng lưu ý của ông là vào ngày 4/4/1966, khi đó ông đã dùng một chiếc MiG-21 bắn hạ máy bay không người lái ở độ cao 18.000m. Điều đặc biệt ở đây, ông là người đầu tiên bay trên MiG-21 chiến đấu và cũng là lần đầu tiên MiG-21 của ta lập công diệt địch.

Trong quá trình học tập trở thành phi công của ông. Ban đầu, ông được chọn đi học lái tiêm kích – bom. Nhưng khi về nước lại được giao lái máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-21. Đây là một trở ngại lớn vì những khoa mục, bài tập tiêm kích ông học rất ít, không thuần thục.

Bằng, lòng dũng cảm, sáng tạo, ông đã lập được những chiến công xuất sắc bảo vệ bầu trời miền Bắc Việt Nam. Thậm chí, những người phe đối phương cũng phải “ngả mũ kính phục” ông.

Năm 2005, một sĩ quan cao cấp Hải quân Mỹ (sau này trở thành Đô đốc Hải quân) đã tới Hà Nội du lịch với mong muốn được gặp Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị để bày tỏ lòng ngưỡng mộ. Rất tiếc khi đó ông không có mặt ở Hà Nội. 

Phi công Phạm Thanh Ngân.
Phi công Phạm Thanh Ngân.

Phi công Phạm Thanh Ngân

 Phạm Thanh Ngân sinh ngày 18/4/1939 tại xã Lương Phú, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Tháng 3/1959, ông nhập ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tháng 4/1961, ông được cử sang Liên Xô học lái tiêm kích MiG-17. Tháng 10/1964, ông về nước và tham gia chiến đấu trong trung đoàn 921 Sao đỏ.

Tháng 8/1965, ông đi học chuyển loại tiêm kích MiG-21. Tháng 6/1966, ông về nước và bắt đầu trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ bầu trời miền Bắc.

Trong thời gian từ 1966-1968, ông cùng đồng đội tham gia chiến đấu và trực tiếp bắn rơi 8 máy bay địch. Có hai trận đánh ngày 18 và 20/11/1967, ông và phi công Nguyễn Văn Cốc đã bắn rơi tới 4 máy bay địch.

Đặc biệt, 2 trong số máy bay MiG-21 mà ông từng điều khiển mang số hiệu 4324 và 4326 đều là những chiếc có số lần bắn hạ đối phương cao nhất (4324 với 14 lần và 4326 với 13 lần).

Phi công Mai Văn Cương

Anh hùng phi công Thiếu tướng Mai Văn Cương sinh năm 1941 tại xã Hoàng Đạo, huyện Hoàng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông nhập ngũ ngày 28/3/1959 và được kết nạp vào Đảng ngày 23/8/1964.

Tháng 7/1961, ông được cử đi học lái máy bay tiêm kích MiG-17 tại Liên Xô. Tháng 10/1964, ông là sĩ quan lái máy bay của trung đoàn 921. Tháng 9/1965, ông tiếp tục được cử đi học chuyển loại MiG-21 tại Liên Xô.

Trong quá trình chiến đấu, phi công Mai Văn Cương đã bắn hạ 8 máy bay Mỹ các loại.

Phi công Đặng Ngọc Ngự

Phi công Đặng Ngọc Ngự tham gia chiến đấu trong trung đoàn 921 Sao Đỏ. Trên chiếc MiG-21, ông đã 7 lần bắn hạ máy bay Mỹ. Ngày 22/5/1967 bắn rơi chiếc F-4C, ngày 10/5/1972 bắn rơi chiếc F-4E, ngày 8/7/1972 bắn rơi chiếc F-4E.

Phi công Nguyễn Văn Bảy A.
Phi công Nguyễn Văn Bảy A.

Phi công Nguyễn Văn Bảy

Anh hùng phi công Đại tá Nguyễn Văn Bảy A (*) sinh năm 1936 tại xã Hòa Thành, Lai Vung. Năm 1953, do không chịu lấy vợ theo ý gia đình ông bỏ trốn vào bộ đội. Sau hiệp định Geneva 1954, ông tập kết ra miền Bắc.

Năm 1960, ông được chọn đi học lái máy bay tiêm kích MiG ở Liên Xô. Tháng 4/1965, ông về nước tham gia chiến đấu trong đội hình trung đoàn 921.

Trong suốt những năm chiến đấu (1966-1968), phi công Nguyễn Văn Bảy đã tham gia đánh 13 trận bắn rơi 7 máy bay Mỹ và chưa lần nào phải nhảy dù.

Đặc biệt có những trận đánh hiếm có mà có lẽ khi nghe tới nhiều phi công Mỹ cũng phải “thán phục”. Trận ngày 7/10/1965, khi chiến đấu trên bầu trời Yên Thế, máy bay của ông bị trúng đạn thủng kính buồng lái. Dù vậy, ông vẫn bình tĩnh bịt lỗ thủng to nhất và đưa máy bay hạ cánh an toàn. Sau trận đó, ông đếm tất cả có 82 lỗ thủng nắp buồng lái. Có thể nói đây là kỳ tích hiếm có phi công nào trên thế giới làm được.

Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, năm 1967 ông được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Có một điều lạ, cuộc đời ông dường như gắn chặt với con số “7”. “Tao toàn gặp số bảy: Tên Bảy, con thứ 7, đi bộ đội lúc 17 tuổi, học văn hóa 7 ngày lên 7 lớp, 7 lần bắn rơi 7 máy bay Mỹ bằng máy bay MiG-17, được phong Anh hùng năm 1967…”, ông kể.

Phi công Nguyễn Đức Soát.
Phi công Nguyễn Đức Soát.

Phi công Nguyễn Đức Soát

Anh hùng phi công Trung tướng Nguyễn Đức Soát sinh năm 1946 tại xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

Năm 1965, ông nhập ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam, cũng trong năm này ông được cử đi học lái tiêm kích MiG-21 tại Liên Xô.

Năm 1968, ông về nước và được cử vào chiến đấu trong trung đoàn 921. Chỉ trong năm 1972, ông lần lượt bắn rơi 6 máy bay Mỹ.

Một trong những trận đánh đáng nhớ của ông và đồng đội là trận ngày 27/6/1972. Trong trận đánh đó, hai biên đội MiG-21 Nguyễn Đức Soát – Ngô Duy Thư (trung đoàn 921) và Phạm Phú Thái – Bùi Thanh Liêm (trung đoàn 927) đã phối hợp tiêu diệt 4 chiếc F-4.

Đây là trận thắng oanh liệt khi chỉ trong ít phút bốn phi công của ta đã bắn rơi bốn máy bay phản lực hiện đại được những phi công sừng sỏ Không quân Mỹ điều khiển.

Với những chiến công xuất sắc trong chiến đấu, năm 1973, phi công Nguyễn Đức Soát được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân khi mới 27 tuổi.

Phi công Nguyễn Ngọc Độ

Anh hùng phi công Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Độ sinh năm 1934 tại xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Tháng 6/1953 ông nhập ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tháng 10/1956 ông được cử đi học lái máy bay chiến đấu tại Trung Quốc. Năm 1964, ông về nước tham gia chiến đấu trong Trung đoàn 921.

Trong quá trình chiến đấu, ông trực tiếp cầm lái chiếc MiG-21 F13 số hiệu 4420 bắn rơi 6 máy bay chiến đấu Mỹ.

Theo Đất Việt

Bình luận(0)