Bình chữa cháy trên xe ôtô vô dụng và nguy hiểm?

Google News

(Kiến Thức) - Sẽ rất nguy hiểm nếu để bình chữa cháy không rõ nguồn gốc xuất xứ trong xe ôtô, đặc biệt là khi để xe ngoài trời nắng nóng...

Trước quy định bắt buộc đặt bình chữa cháy trong ôtô của Bộ Công an, nhiều chuyên gia, bạn đọc tiếp tục đưa ra ý kiến phân tích từ nhiều góc độ khác nhau.
Nhiệt 70 độ C là chuyện bình thường
Tại một điểm kinh doanh phương tiện phòng cháy chữa cháy ở Q.Thủ Đức (TP.HCM), người hướng dẫn sử dụng bình chữa cháy cho biết các bình chữa cháy nếu để ở nhiệt độ trên 55 độ C sẽ rất dễ xảy ra cháy nổ, đặc biệt là loại bình bọt đang thông dụng. Một số loại bình chứa nhiều chất có thể gây ăn mòn kim loại, có hại cho các vật dụng trong xe.
Theo ông Nguyễn Đình Hùng - giảng viên bộ môn cơ khi ôtô (ĐH Bách Khoa TP.HCM) - sẽ rất nguy hiểm nếu để bình chữa cháy không rõ nguồn gốc xuất xứ trong ôtô để ngoài trời nắng nóng.
“Chưa có những thử nghiệm chính thức nào về việc những chiếc bình chữa cháy sẽ chịu được nhiệt độ bao nhiêu ở ngoài trời. Trong khi đó, xe hơi khi đậu giữa trời nắng nóng, không người ngồi có thể đạt đến mức nhiệt 70 độ C là chuyện bình thường.
Binh chua chay tren xe oto vo dung va nguy hiem?
Sẽ rất nguy hiểm nếu để bình chữa cháy không rõ nguồn gốc xuất xứ trong xe ôtô, đặc biệt khi trời nắng nóng.
Đặc biệt là với những chiếc xe đời cũ, hệ thống cách nhiệt và tản nhiệt đã hư hại. Nhiều người lại có thói quen mua bình chữa cháy để lên xe cho có mà không chú ý đến hạn sử dụng hoặc ưa rẻ mà mua hàng, giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không hạn sử dụng là cực kỳ nguy hiểm” - ông Nguyễn Đình Hùng nói.
Ông Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Lúc xe chạy, do mở điều hòa hoặc khí trời nên nhiệt độ trong xe không đến ngưỡng khiến bình chữa cháy phát nổ. Tuy nhiên khi đỗ xe, nhiệt độ bên ngoài chỉ tầm 40 độ C, nhưng do ảnh hưởng hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ bên trong có thể lên đến 70 độ C. Lúc đó bình chữa cháy trở thành ngòi nổ ngầm, khả năng gây nổ rất cao".
Đặt bình chữa cháy trong ôtô vô dụng?
Nhiều chủ sở hữu xe cho rằng nếu có sự cố hỏa hoạn, theo quán tính ai cũng tìm đường thoát thân, chạy nhanh ra ngoài để bảo toàn tính mạng.
Nhiều người dân cũng đặt ra câu hỏi vậy liệu chúng ta nên để bình chữa cháy ở đâu để thuận tay, dễ thấy, đồng thời đảm bảo tính an toàn cháy nổ, không gần các chi tiết nhựa, bọc da.
Đồng thời không thể để ở vị trí ảnh hưởng đến việc điều khiển chân ga, phanh và gây thương tích cho người ngồi trên xe khi chạy ở địa hình xấu, gồ ghề.
Binh chua chay tren xe oto vo dung va nguy hiem?-Hinh-2
Bình chữa cháy mini chỉ đặt trong ôtô với tính chất tượng trưng chứ khi xảy ra sự cố cháy nổ không có tác dụng. 
Theo anh Hải Phạm - chủ gara ôtô Wit Tuning, bình chữa cháy mini chỉ đặt trong ôtô với tính chất tượng trưng chứ khi xảy ra sự cố cháy nổ không có tác dụng.
Anh Hải Phạm cho biết: “Thường ôtô có hiện tượng cháy nổ là do chập điện hay rò xăng, mà nếu cháy vì những nguyên nhân như thế thì dùng bình chữa cháy mini cũng chẳng ăn thua gì. Nguyên tắc khi có sự cố cháy nổ trên ôtô là người ở bên trong phải tìm cách thoát ra khỏi xe và chạy càng xa càng tốt chứ không nên cố chữa cháy”.
Bình chữa cháy mini chỉ có tác dụng với các đám cháy nhỏ, mới phát hiện, trường hợp đã cháy to rồi thì không thể đủ để dập tắt. Bình chữa cháy lớn lại thường có phần vòi lắp sẵn, nếu để nằm trong cốp, khi di chuyển bình lăn lóc va đập sẽ dễ làm hỏng dây hoặc vòi. Còn nếu buộc dây hay chằng kỹ quá thì lúc xảy ra sự cố người ngồi xe do tác động tâm lý sẽ khó lấy ra để chữa cháy.
Ông Nguyễn Đình Hùng cũng cho biết những phản ứng cháy trên ôtô rất phức tạp, không thể chữa cháy bằng bình cứu hỏa mini, người điều khiển xe không nên cố chữa cháy vì rất nguy hiểm.
Thêm vào đó, các xe hơi đời mới đều có hệ thống bảo vệ, hệ thống cách ly như ngắt nhiên liệu, ngắt toàn bộ thân xe... Đặt thêm bình chữa cháy chỉ “rước” thêm nguy cơ chứ không có lợi ích gì cả.
Quy định chỉ mang tính hình thức?
Luật sư (LS) Hà Hải - Đoàn luật sư TP.HCM - dẫn rằng theo điều 3, điều 4 và điều 16 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 thì văn bản dưới luật do cơ quan hành pháp ban hành phải thỏa mãn hai điều sau: thứ nhất phải có cơ sở pháp lý, phải phù hợp với các bộ luật, điều luật hiện hành; thứ hai là trước khi ban hành phải có sự tham gia góp ý kiến của các tầng lớp nhân dân, phải có thăm dò, tìm hiểu phản ứng của đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật đó hoặc những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Theo đó, thông tư 57 mới của Bộ Công an rõ ràng chưa thỏa mãn. Thứ nhất, đọc các căn cứ mà thông tư 57 viện dẫn thì không có nội dung cụ thể nào quy định việc để bảo đảm an toàn tính mạng cho người đi ôtô thì mỗi xe phải trang bị phương tiện phòng chống cháy nổ (cụ thể là bình chữa cháy); vấn đề thứ hai là trước khi văn bản quy phạm pháp luật này ra đời vẫn chưa có một cuộc thăm dò dư luận nào được thực hiện.
“Có thể hiểu tại sao người dân không đồng tình với những quy định trong thông tư mới này. Không chỉ lo sợ về nguy cơ gây cháy nổ mà còn là việc tốn kém, phát sinh thêm chi phí, thời gian và công sức bảo quản; nguồn lực xã hội tập trung vào việc này là rất lãng phí. Ngoài ra, hàng nhái, hàng giả, hàng Trung Quốc kém chất lượng lẫn lộn đang được bán tràn lan. Không những vậy, những quy định như thế này lại còn dễ tạo điều kiện cho một bộ phận người thi hành công vụ lạm quyền” - LS Hà Hải nêu ý kiến.
Binh chua chay tren xe oto vo dung va nguy hiem?-Hinh-3
Nếu ôtô quá dễ cháy, bình chữa cháy có thể khắc phục lỗi này thì không? 
Do đó, thông tư 57 sẽ chỉ có thể tồn tại trên giấy tờ chứ không giải quyết được vấn đề và thật sự không đi vào cuộc sống, thể hiện rằng những người soạn thảo chưa có sự tham vấn, chưa có sự tìm hiểu, chưa thăm dò điều kiện tình hình thực tế của xã hội của nước ta.
Theo ông Nguyễn Đình Hùng, cần có những thử nghiệm rõ ràng trước khi ban hành các văn bản pháp luật. Chính cơ quan ban hành phải đứng ra thực hiện những thử nghiệm đó, sau đó phải có một đối tác độc lập kiểm nghiệm lại. Việc ban hành luật không những vậy còn phải xét đến những thiệt hại về kinh tế và về môi trường chứ không thể ban hành “chơi chơi” để gây tổn hại mà không đạt được lợi ích gì như vậy.
Các hãng xe lớn thiếu sót trong thiết kế PCCC?
Các hãng ôtô lớn trên thế giới cần học hỏi khi quên việc dành chỗ để bình chữa cháy ở các dòng xe 4 - 9 chỗ?
Nếu ôtô quá dễ cháy, bình chữa cháy có thể khắc phục lỗi này thì không lý nào các nhà sản xuất xe hơi lớn có kinh nghiệm trăm năm lại quên thiết kế chỗ lắp đặt bình chữa cháy trên những dòng xe du lịch 4 - 9 chỗ...
Ngay cả những chiếc siêu xe dành cho giới siêu giàu như Bentley, Lexus, BMW… cũng không có chỗ dành riêng để các thiết bị PCCC. Và liệu có khoa học chút nào khi để một vật “không nhỏ, nên có” trên xe mà vốn dĩ nhà sản xuất không dành riêng chỗ cho nó…
Theo thông tư 57, ôtô từ 4 - 9 chỗ ngồi phải trang bị một bình bột chữa cháy loại dưới 4kg hoặc bình bọt chữa cháy loại dưới 5 lít hay bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít hoặc bình khí CO2 chữa cháy loại dưới 4kg.
Phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng với chủ phương tiện nếu không trang bị bình chữa cháy trên xe theo quy định.
Nguyễn Anh

>> xem thêm

Bình luận(0)