Tình điên dại giữa thi hào Goethe với trinh nữ 19 tuổi

Google News

74 tuổi, Goethe vẫn yêu đầy bỏng cháy và nàng thơ khiến đại thi hào mê mệt đắm đuối là một trinh nữ sinh sau ông cả nửa thế kỷ.

- 74 tuổi, trái tim yêu của Goethe vẫn đập liên hồi. Và lần này, nàng thơ khiến ông si mê tới cuồng dại là một trinh nữ 19 tuổi mong manh như pha lê dễ vỡ.

Cũng như khi sáng tạo nghệ thuật, trong tình yêu, nếu trót nặng sâu tình cảm với người con gái nào, Johann Wollgang von Goethe (1749-1832) đều nồng cháy và cuồng dại hết mình. Có lẽ với tác giả của tiểu thuyết "Nỗi đau khổ của chàng Werthers" và truyện thơ "Faust" bất hủ ấy, yêu luôn đồng hành với sáng tạo nghệ thuật, nói cách khác, chính tình yêu đã trở thành động lực lớn lao, thôi thúc ông lao động hết mình trong nghệ thuật. Phần lớn những cuộc tình mà đại thi hào trải qua đều hiện diện trong những sáng tác của ông.

Viết hay yêu đều cháy hết mình

Xét về kinh nghiệm tình trường, Goethe được xếp vào hàng “tinh anh” trong giới văn chương bấy giờ. Những bóng hồng từng đi qua đời ông không hề thưa thớt. Nhưng với các nàng, yêu Goethe và được Goehthe yêu vừa là niềm hạnh phúc, vinh dự vừa là nỗi nơm nớp lo âu. Bởi ông luôn yêu nồng cháy, bồng bột và điên dại như một chàng thiếu niên hãy còn non nớt và thích phiêu lưu.

Trong khoảng thời gian từ năm 1765 – 1768, Goethe theo học ngành luật tại Đại học Leipzig. Lúc này, chàng trai trẻ thầm thương trộm nhớ Kathchen Schonkof. Để bày tỏ chân tình, ông từng tặng nàng nhiều bài thơ dạt dào xúc cảm. Tới năm 18 tuổi, tập thơ đầu tiên “Buch Annett” của ông ra mắt bạn đọc. Một năm sau, chàng thi sĩ đa tình trở về Frankfurt và phải điều trị thời gian dài trong bệnh viện.

Một bức chân dung Goethe.
Một bức chân dung Goethe.

Một người phụ nữ khác cũng đi qua cuộc đời Goethe, ấy là Nam tước phu nhân Charlotte Von Stein. Bằng chứng tình yêu giữa hai người họ là gần hai nghìn bức thư mà đại thi hào đã gửi cho nàng, hiện còn được lưu giữ ở bảo tàng Schiller và Goethe. Sau buổi đầu còn tỏ ra kiêu ngạo, lạnh lùng, Charlotte cuối cùng cũng gục ngã trước trái tim si tình và sự đeo bám ráo riết của chàng thi sĩ.

Nỗi nhớ nhung ngày càng da diết khi Nam tước Van Stein trở về trang trại và Charlotte cũng theo cùng. Những lúc không có nàng cạnh bên, đại thi hào lại vùi đầu bên những trang thư, bày tỏ nỗi nhớ nhung, giận hờn, buồn bã của mình. Mối tình giữa họ chỉ thực sự thăng hoa vào cái đêm định mệnh 22/3/1781. Nàng Charlotte đã tìm đến ông trong ngôi nhà có khu vườn xinh đẹp, nơi trước đó năm ngày, chàng thi sĩ đã chọn hái những nhánh violet tuyệt đẹp gửi tặng người mình yêu.

Trong suốt những ngày trốn sang Italy, kể từ tháng 9/1786, cho tới ngày 13/7/1788 khi rời khỏi nước này, đại thi hào đã gửi cho người tình kiêu sa của mình vô vàn những bức thư. Ông muốn bày tỏ nỗi lòng mình, muốn trút mọi tâm tình lên trang giấy để nhận lại sự tha thứ, bao dung từ nàng. Nhưng rồi mối tình lãng mạn, cháy bỏng kéo dài suốt mười ba năm giữa họ (1776 – 1789) cũng rơi vào vô vọng. Không thể thống kê chính xác những bức thư tình mà Goethe đã gửi cho người đẹp, nhưng dấu vết tình yêu của họ hiện hãy còn lưu giữ trong bảo tàng là gần hai ngàn bức. Kỳ lạ là chẳng ai tìm thấy bằng chứng trao gửi tình cảm của Nam tước phu nhân tới người thi sĩ, không một bức thư nào đề tên người gửi là Charlotte tới đại thi hào. Có lẽ nàng đã âm thầm hủy sạch mọi dấu vết của cuộc tình buồn.

Cuộc tình sét đánh giữa đại thi hào và nàng thơ Christiane Vulpius lại nảy nở vào năm 1806. Trong một lần đi dạo công viên ở Weimar, Goethe đã có cuộc hội ngộ đầy bất ngờ với Vulpius – một cô gái xinh đẹp, nết na và cư xử ý nhị, mực thước. Chính nàng đã chủ động nhờ đại thi hào đọc bản thảo thơ cho anh trai mình.

Thơ chỉ thường thường, không mấy ấn tượng, nhưng Goethe chẳng bận lòng vì điều ấy khi trái tim ông đã thực sự yếu mềm trước nhan sắc yêu kiều của người con gái trước mặt. Họ quyết định gắn bó suốt đời bằng một hôn lễ. Có thể nói, cuộc hôn nhân định mệnh giữa Goehte và Christiane Vulpius đã khơi nguồn hứng khởi trong ông, thôi thúc ông thể hiện khả năng sáng tạo nghệ thuật và viết nên tuyệt phẩm “Những khúc bi ca La Mã”. Hai người họ quấn quít bên nhau trong suốt nhiều năm. Đóa hồng Vulpius luôn làm tròn bổn phận vợ hiền, động viên, chăm sóc đức lang quân trên bước đường sự nghiệp. Mối tình đẹp của họ cứ miên man trải dài tới tận ngã cuối cuộc đời.

Nàng thơ 19 tuổi và tình yêu nồng dại lúc “xế chiều”

Như trên đã nói, trong tình yêu, Goethe luôn tỏ rõ là chàng “thợ săn” bừng bừng nhiệt huyết. Ông khi nào cũng yêu đắm say, bỏng cháy nhưng rất đỗi bồng bột như chàng trai mới lớn, kể cả khi đã ở ngã cuối cuộc đời. Bằng chứng là đại thi hào dù bước sang độ tuổi thất thập vẫn dốc sạch tâm tư vào mối tình muộn với thiếu nữ Ulrike – người sinh sau mình cả nửa thế kỷ.

Mối tình năm 74 tuổi với nàng thơ 19 tuổi được xem là nét chấm phá thú vị trong cuộc đời ông. Cuộc tình nồng cháy ấy đã lần nữa cho thấy, trái tim yêu của Goethe luôn hừng hực bốc lửa và trong ông luôn tiềm tàng sức mạnh yêu và khả năng yêu vô hạn. Tình yêu với ông không tuổi tác, không khoảng cách, không nhuốm màu vật chất. Nó đơn thuần chỉ là thứ tình cảm tự phát từ trái tim còn hôi hổi đập của mình. Yêu với Goethe nghĩa là sống và sống là để viết. Vì vậy, đừng tách bạch chuyện tình của Goethe khỏi bước đường nghệ thuật mà ông đã một đời dựng xây, vun đắp.

Năm 1823, khi đã 74 tuổi, Goethe liên tục bị những cơn đau ở tim hành hạ. Nhưng ông âm thầm chịu đựng, không chia sẻ cùng ai. Người vợ hiền Christiane Vulpius đã rời bỏ ông về cõi vĩnh hằng, còn với những đứa con thì ông khó lòng tìm được sự đồng cảm. Trong nỗi quạnh quẽ, đơn côi ấy, Goethe bất ngờ bị một cơn đau ngực vào tháng 2 hành hạ. Nghe tin dữ, Đại công tước Carl August liền phái các bác sĩ tới thăm khám bệnh tình cho đại thi hào. Sau tám ngày bất tỉnh, Goethe bỗng dưng bừng tỉnh rồi sai người kiếm cho mình một cốc nước khoáng. Bấy lâu nay, đại thi hào vẫn có niềm tin mãnh liệt vào tác dụng hồi sinh của nguồn nước tinh khiết này. Thật bất ngờ là sau khi uống nước, ông trở nên hoạt bát, tỉnh táo lạ thường rồi quyết định rời khỏi Weimar vào tháng 6 đầu hè để tới thiên đường nghỉ mát Marienbad tĩnh dưỡng. Đó là lần thứ ba ông đến nơi này.

Nhắc tới Marienbad, hẳn nhiều người sẽ phải trầm trồ khen ngợi cảnh sắc tuyệt vời, nên thơ nơi đây. Ngay chính nhà văn người Áo Franz Kafka (1883-1924) cũng từng thốt lên: “Đẹp không tưởng tượng được” khi nói tới chốn thiên đường này. Và quyết định tới Marienbad dưỡng bệnh khiến cuộc đời xế bóng của Goethe lại ầm ào những cơn sóng của tình yêu. Nói đúng hơn, thiên đường nghỉ mát này chính là nơi nảy mầm tình yêu của đại thi hào với người thiếu nữ ngọt ngào, trong sán.

Chân dung nàng thơ của Goethe - Ulrike von Levetzow.
Chân dung nàng thơ của Goethe - Ulrike von Levetzow.

Tới Marienbad, ông thường nghỉ ngơi tại nhà góa phụ Von Levetzow. Giữa hai người họ từng có thời thắm thiết yêu đương, nhưng sau khi chia tay, họ vẫn luôn nghĩ về nhau như những người bạn chân thành, tốt bụng. Và mỗi lần tới đây tĩnh dưỡng, ông đều thích ở lại trong nhà Von Levetzow.

Trong số ba công chúa dễ thương của người bạn cũ, ông đặc biệt dành tình cảm yêu mến cho thiếu nữ Ulrike – cô con gái lớn trong nhà. Nàng tươi trẻ, trong sáng và trinh nguyên như một đóa hồng nhung đang hé nụ. Đôi mắt với sắc xanh nhạt và mái tóc xoăn màu hạt dẻ luôn làm gương mặt Ulrike bừng lên sức sống. Mỗi khi ngắm nhìn người thiếu nữ hồn nhiên, trong sáng như pha lê ấy, Goethe lại dâng đầy xúc cảm. Ông vừa tiếc nuối cho thời thanh xuân chỉ còn là dĩ vãng, vừa xao xuyến xúc động trước một vẻ đẹp tinh khôi, duyên dáng vô bờ của người con gái.

Mỗi lần rời khỏi Marienbad để trở về Weimar, ông không khỏi nhớ nhung gia đình Von Levetzow, nhất là nàng trinh nữ Ulrike. Và ông chỉ còn biết bày tỏ nỗi nhớ niềm thương qua những phong thư gửi cho nàng. Thậm chí, hình bóng người đẹp còn ẩn hiện trong những vần thơ đẹp mà ông sáng tác trong thời gian ấy.

Và lần này, trở lại thiên đường nghỉ mát Marienbad sau cơn nguy biến tháng 2, việc đầu tiên Goethe làm là đến thăm người bạn tốt Von Levetzow và những công chúa của bà. Chào đón ông nồng nhiệt là Ulrike – cô bé con ngày nào giờ đã thực sự là một thiếu nữ duyên dáng, yêu kiều.

Ông thuê trọ tại ngôi nhà “Chùm nho vàng”, tức Bảo tàng thành phố ngày nay. Với Goethe, có lẽ mùa hè năm ấy đẹp tựa giấc mơ. Ông cùng nàng thơ sánh vai đi dạo trong công viên, cùng uống thứ nước nhiều chất sắt của nguồn nước Ambrosius - "nguồn nước của tình yêu".

Mọi người đều nhận ra người đàn ông 74 tuổi sống lặng lẽ, trầm tư ngày thường bỗng dưng đổi khác. Ông như được hồi sinh, trở thành quý ông đầy lịch lãm, trẻ trung và vô cùng cuốn hút. Thậm chí, ông còn bền sức khiêu vũ với các quý bà, quý cô trong một buổi dạ hội tới tận đêm khuya. Mỗi bước nhảy của Goethe trở nên nhanh nhẹn, linh hoạt và bay bổng tới lạ kỳ. Giây phút khiến ông bối rối và trở nên khó xử nhất là khi Goethe tiến lại gần, ngỏ ý mời Ulrike khiêu vũ. Những người xung quanh nhìn họ rồi nhìn nhau đầy ẩn ý, khiến không khí dạ hội bỗng dưng trùng xuống. Theo thói quen, mỗi khi dạ hội kết thúc, Goethe luôn tỏ phép lịch sự, đích thân tiễn ba nàng công chúa nhà Levetzow về tận cửa. Nàng Ulrike sẽ là người nán lại lâu nhất bên nhà thơ, vừa để tỏ lòng biết ơn, vừa để tâm tình vài ba câu chuyện. Một lần, Goethe đã mạnh dạn xin phép được hôn nàng.

Đắm chìm trong bể tình, đại thi hào bỗng trẻ trung, nhanh nhẹn như một chàng thanh niên hãy còn phơi phới thanh xuân. Chỉ cần nghe thấy tiếng cười giòn tan của nàng thiếu nữ, ông đã vội vàng bỏ dở công việc, không đội mũ, không gậy ba toong, cứ thế lao xuống bậc thềm để đón người con gái đáng yêu, hoạt bát ấy.

Khi tình yêu chất ngập trong tim và như dòng nham thạch đang chầu chực phun trào, Goethe đã liều lĩnh hạ quyết tâm kết hôn cùng người con gái có tuổi đời kém mình cả nửa thế kỷ. Quyết định ấy được ông đưa ra sau khi gia đình Levetzow rời Marienbad để tới Karlsbad. Thiếu vắng Ulrike, Goethe trở nên tuyệt vọng. Ông nhận ra, thứ “thần dược” giúp mình níu kéo sự sống không phải là nguồn nước khoáng ngọt lành của Marienbad mà chính là thiếu nữ e lệ. Vậy là bất chấp tuổi già, bất chấp bệnh tật, Goethe khăn gói tới Karlsbad để nắm giữ hạnh phúc của đời mình.

Ông tìm gặp đại công tước Carl August, nhờ giúp đỡ. Thương bạn, đại công tước bèn tới gặp gia đình Von Levetzow đang nghỉ mát tại đây và truyền đạt lời cầu hôn của Goethe tới Ulrike. Sau một hồi quanh co với đủ lý do chênh lệch tuổi tác và của hồi môn cho con gái yêu, cuối cùng bà Von Levetzow đã chấp thuận, nhưng với một điều kiện vô cùng trái khoáy: “Nên chờ một năm nữa để hai người họ dịu lại trong cảm xúc”. Với người trẻ, một năm chờ đợi là thử thách quá ngắn ngủi và giản đơn, nhưng còn Goethe, người đàn ông đã ở ngưỡng cuối cuộc đời, lại thêm bệnh tình tàn phá sức khỏe, không gì đảm bảo ông sẽ chiến thắng ngoại cảnh để có được nàng thơ của mình. Và đề nghị ấy với ông còn tàn nhẫn hơn cả một lời từ chối thẳng thừng.

Ngày 28/8, ông tổ chức sinh nhật lần thứ 74 của mình tại quán Bạch mã ở thành phố Loket gần đó rồi rời khỏi Karlsbad trong một sớm mùa thu se sắt buồn. Trong cỗ xe ngựa trên đường trở về Weimar, cảm xúc dâng trào, ông lại đặt bút làm thơ. Về tới nơi, bài thơ đầu tiên đã viết xong, đó chính là một trong số những tuyệt phẩm trong tập “Marienbad Elegie” (Những khúc bi ca Marienbad) mà ông đã hoàn thành vào mùa thu năm ấy. Đại công tước Carl August đã phải hết lời ca tụng khi đọc tập thơ này: “Một tuyệt tác sinh ra từ trong đau khổ!”.

Dẫu mùa hè năm sau đó, Von Levetzow lại gửi thư mời Goethe tới nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng tại Marienbad, nhưng đại thi hào chỉ lịch sự tỏ lòng cảm ơn, nhưng chẳng lần nào trở lại mảnh đất ghi dấu mối tình buồn thương ấy nữa.

Ông ra đi vào ngày 23/2/1832, khi đang miệt mài sáng tác tại chiếc ghế bành quen thuộc, yêu thích của mình. Riêng số phận nàng thơ một thời của Goethe - Ulrike von Levetzow - cũng không được ai nhắc nhớ đến nữa. Có quan điểm cho rằng, bà đã ở vậy tới suốt cuộc đời và chỉ tôn sùng, yêu quý Goethe như một yêu một người cha đáng kính.

Thùy Dương

Bài đang đọc nhiều
Ngôi nhà cổ kỳ lạ nhất VN: Chỉ xây trong một đêm Ngôi nhà cổ kỳ lạ nhất VN: Chỉ xây trong một đêm “Top” những cái to lớn-dài-già nhất Việt Nam (1) “Top” những cái to lớn-dài-già nhất Việt Nam (1) Giải mã kết cục “thảm“ của con cháu vua Quang Trung Giải mã kết cục “thảm“ của con cháu vua Quang Trung

[links()]

 

Bình luận(0)