Sự thực chiếu cổ tắm máu người anh hùng Nguyễn Trung Trực

Google News

Khi lưỡi đao của kẻ thù bổ xuống, máu từ cổ người anh hùng phun xuống mặt chiếu Tà Niên, đọng thành hình chữ Thọ.

Theo hồi ức truyền đời của những người già Tà Niên kể lại cho lớp con cháu đời sau, vì thương cụ Nguyễn, cảm kích khí khái, phẩm chất kiên trung của cụ mà khi hay tin cụ sẽ bị hành quyết, người Tà Niên đã bàn với nhau dệt chiếu nâng bước người anh hùng đất Việt vào cõi thiên thu.
 
Khi lưỡi đao của kẻ thù bổ xuống, máu từ cổ người anh hùng phun xuống mặt chiếu Tà Niên, đọng thành hình chữ Thọ. Thương nhớ cụ Nguyễn, người Tà Niên đã mang chiếc chiếu thấm máu người anh hùng về lưu thờ và cũng từ đây, nghề dệt chiếu hoa với chữ Thọ không thể thiếu ở làng chiếu Tà Niên được hình thành.
 
144 năm trước, Nguyễn Trung Trực, anh hùng dân tộc nổi tiếng với chiến công đánh chìm tàu Pháp trên sông Nhựt Tảo và câu nói bất hủ lúc bị giải ra đoạn đầu đài “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”, bị thực dân Pháp hành hình vì “tội” yêu nước và chống lại mẫu quốc. Thời khắc bi thương đó đến nay đã gần 15 thập niên trôi qua nhưng khí phách của anh hùng Nguyễn Trung Trực khi bị kẻ thù “trảm sống” vẫn còn sống mãi trong lòng dân tộc với nhiều giai thoại, truyền thuyết bi hùng về một vị tướng kiên trung, quả cảm, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng.

Một trong những di vật gắn liền với giai thoại lịch sử ấy hiện “có mặt” tại đền thờ cụ Nguyễn tại thành phố Rạch Giá, Kiên Giang. Đó là chiếc chiếu cổ mà đồng bào Tà Niên dùng để trải đường cho người anh hùng bước vào lòng dân tộc!

Là thủ lĩnh phong trào kháng Pháp miền Tây Nam Bộ từ năm 1861 đến 1868, theo tài liệu của Bảo tàng Kiên Giang, Nguyễn Trung Trực sinh năm 1838, người huyện Cửu An, phủ Tân An, nay thuộc địa phận xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Xuất thân là dân chài lưới, lúc mới vào lính, Nguyễn Trung Trực được biên chế trong hệ thống lính đồn điền của quan Kinh lược Nguyễn Tri Phương (sinh năm 1800, mất năm 1873, người tỉnh Thừa Thiên, xuất thân trong một gia đình làm ruộng và nghề mộc, Tổng chỉ huy quân đội triều đình Nguyễn chống quân Pháp xâm lược ở các mặt trận Đà Nẵng năm 1858, Gia Định năm 1861 và Hà Nội vào năm 1873).

Khi Pháp nổ súng xâm lược Nam Kỳ, Nguyễn Trung Trực tham gia vào lực lượng nghĩa quân của Trương Định (sinh năm 1820, người tỉnh Quảng Ngãi, thủ lĩnh kháng Pháp từ năm 1859 đến năm 1864, tuẫn tiết vào năm 44 tuổi tại Gò Công khi bị quân Pháp bất ngờ bao vây đánh úp với sự chỉ điểm của kẻ phản bội Huỳnh Công Tấn). Tháng 6/1867, Pháp đánh chiếm Hà Tiên, Nguyễn Trung Trực bám thủ ở Hòn Chông (nay thuộc huyện Kiên Lương, Kiên Giang) và rồi chuyển quân về hoạt động tại vùng Tà Niên. Được sự ủng hộ hết lòng của dân trong vùng, ngày 16/6/1868, Nguyễn Trung Trực thống lãnh nghĩa binh đánh chiếm đồn Rạch Giá, làm chủ tỉnh lị này trong 6 ngày và sau đó bị Pháp bắt ở Phú Quốc, giam giữ tại khám đường Sài Gòn và xử chém cùng 6 nghĩa binh kiên trung khác tại Rạch Giá vào ngày 13/10/1868.

Cần nói rõ rằng sau khi Nguyễn Trung Trực bị thực dân Pháp hành hình, hậu thế chẳng thể nào biết được thân xác của cụ nằm nơi đâu. Cụ được chôn cất hay bị kẻ thù thủ tiêu, quẳng xuống sông hay vùi lấp ở đầm lầy nào đó?! Về điều này, ông Đỗ Ngọc Minh, Trưởng Ban bảo vệ di tích đền thờ Nguyễn Trung Trực cho biết căn cứ vào lời truyền trong dân gian và từ một số tài liệu do Pháp để lại thì sau khi bị hành hình, thi thể cụ Nguyễn được giao cho toán lính Pháp đưa ra phía sau Tòa bố chính (còn gọi dinh Tỉnh trưởng) cách nơi hành hình 70m tiến hành chôn cất. Vì khiếp sợ oai linh của cụ và cũng vì kính nể sự hiên ngang của vị anh hùng mà chính những người lính Pháp đã trồng một cây đa trên mộ cụ để làm dấu.

"Sau năm 1975, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đặt ra yêu cầu tìm cho bằng được mộ Nguyễn Trung Trực. Xác định đó là nghĩa vụ thiêng liêng nên nhóm khảo sát đã dày công kiếm tìm, nhưng sau bao nỗ lực vẫn không phát hiện được dấu tích nơi yên nghỉ của cụ vì Tòa bố chính qua nhiều đợt xây dựng đã thay đổi cấu trúc ban đầu. Sau nhờ sự giúp đỡ của cố nhà văn Sơn Nam (tên thật là Phạm Minh Tày, từ năm 1943-1944 làm thư ký Tòa bố Rạch Giá, tác giả quyển “Nguyễn Trung Trực - anh hùng dân chài”, xuất bản tại Sài Gòn năm 1959) mà nhóm khảo sát đã tìm thấy mộ cụ Nguyễn dưới phiến đá hình vòm cung dài khoảng 1m" - ông Minh kể lại sự việc.

Thời khắc thiêng liêng ấy diễn ra vào khoảng 13h ngày 19/4/1986. Sau 4 giờ đồng hồ tỉ mẩn kiếm tìm, đội khai quật đã tìm thấy được hài cốt cụ và di dời về đền Nguyễn Trung Trực ngày nay (phường Nguyễn Trung Trực, Rạch Giá, Kiên Giang, mộ và đền thờ được công nhận là Di tích Lịch sử - văn hóa quốc gia vào năm 1989). Ngày 15/11 năm ấy, ngôi mộ mới của cụ Nguyễn được hoàn thành, nằm trước nhà Tây lan bên trái đền thờ. Điều này càng thắp lửa cho lòng tôn kính của nhân dân Kiên Giang nói riêng, cả nước nói chung với bậc vĩ nhân lịch sử, thêm phần rực cháy!
Chiếu cổ lịch sử.
Chiếu cổ lịch sử.
Đưa chúng tôi đi thăm khuôn viên đền thờ người anh hùng sống mãi trong lòng dân tộc, sau những sẻ chia về biết bao chiến công hiển hách của cụ Nguyễn, ông Đỗ Ngọc Minh dừng lại trước một di vật thiêng liêng với dòng chú thích "Chiếu hoa lịch sử". Sau giây phút trầm ngâm, giọng run run, ông Minh cho biết, chiếc chiếu này từng nâng bước chân anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đến đoạn đầu đài. Chiếc chiếu từng tắm máu người con kiên trung của dân tộc và 6 nghĩa binh của ông ẩn trong nó những huyền thoại bất khuất.

Liên quan đến chiếc chiếu hoa lịch sử ấy, tư liệu ở đền thờ Nguyễn Trung Trực ghi rằng: Ngày 28/8 âm lịch năm 1868, tại pháp trường Kiên Giang (nay là bùng binh Bưu điện Rạch Giá), thực dân Pháp tiến hành thi hành án anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Khi nhận được hung tin ấy, đồng bào Tà Niên đã cùng nhau bất kể ngày đêm dệt những chiếc chiếu hoa để kịp đem ra trải đường cho cụ Nguyễn bước ra pháp trường. Trước giờ hành quyết, đồng bào Tà Niên đã dâng lên cho cụ Nguyễn một mâm cơm thắm đượm tình quê hương dân tộc. Cảm kích trước tấm lòng của đồng bào Rạch Giá, cụ Nguyễn đã uống đến ly rượu cuối cùng và ngâm bài thơ tuyệt mệnh: "Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên/ Yên gian đởm khí hữu long tuyền/ Anh hùng nhược ngộ vô dung địa/ Báo hận thâm cừu bất đái thiên".

Câu chuyện đồng bào Tà Niên vì cảm kích lòng yêu nước và khí phách cụ Nguyễn đã ngày đêm dệt chiếu hoa lót đường cho vị tướng quên mình vì nghĩa lớn đẹp và xúc động biết nhường nào. Những tư liệu lịch sử cũng nhấn mạnh rằng không chỉ dệt chiếu nâng bước người anh hùng, sau khi Nguyễn Trung Trực bị Pháp chém chết để thị uy, dù rằng kẻ thù tuyên bố sẽ thẳng tay "trảm" bất kỳ ai có dính líu đến "quân nổi loạn" nhưng đồng bào Tà Niên vẫn bí mật thờ ông ở đình làng Vĩnh Hòa Đông, sau thờ thêm phó tướng Lâm Quang Ky, người đã cải trang thành Nguyễn Trung Trực, sẵn sàng hy sinh thân mình để cứu nguy cho chủ tướng Nguyễn Trung Trực và được người dân suy tôn là "Lê Lai cứu chúa".

Nhưng đồng bào Tà Niên là dân tộc nào, họ hiện cư trú ở đâu, vì sao họ lại có ân tình sâu nặng với anh hùng Nguyễn Trung Trực? Những khúc mắc mà không phải ai cũng được am tường hiểu tận thôi thúc người viết. Qua trao đổi, ông Đỗ Ngọc Minh cho biết: Tà Niên không phải là "tộc người kỳ lạ" như ai đó lầm tưởng. Mà là một địa danh, nơi cư trú đông người Khmer. Địa danh này thuộc địa phận làng Vĩnh Hòa Đông (xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, Kiên Giang).

Từ chia sẻ của ông Minh, chúng tôi biết được rằng Vĩnh Hòa Đông là ngôi làng nằm bên hữu ngạn sông Cái Bé, nơi nổi tiếng với lịch sử bi hùng, từng lưu dấu chân anh hùng Nguyễn Trung Trực cùng biết bao nghĩa quân của ông, ngày đêm thao luyện, vạch mưu bày kế đánh đuổi quân xâm lăng. Tại nơi này, vì mến mộ tài năng, đức độ của Nguyễn Trung Trực mà người dân Tà Niên gia nhập nghĩa quân rất đông. Mối ân tình sâu nặng giữa vị tướng kháng Pháp và người dân Tà Niên được thắt chặt, keo sơn từ những ngày binh biến ấy!

Không dừng lại ở đó, Vĩnh Hòa Đông còn nổi tiếng bởi nghề dệt chiếu Tà Niên với nguồn nguyên liệu sẵn có là những bãi bờ vô tận mọc đầy loài lát gon (cói). Chuyện kể rằng nghề dệt chiếu Tà Niên có từ trước năm 1880, khi vùng đất này còn chưa có con kinh Ông Hiển từ Rạch Giá đổ ra sông Cái Bé và được người Khmer gọi là "cro-tiel" (có nghĩa chiếu dệt bằng lác, hoặc cói). Theo thời gian, do người dân đọc trại mà cụm từ cro-tiel được gọi là Tà Niên. Chuyện cũng kể rằng thuở ban đầu, người dân Tà Niên chỉ dệt loại chiếu trơn và giữ màu ngà truyền thống, nghĩa là không lẫy hoa, nhuộm màu. Nhưng từ khi cụ Nguyễn bị Pháp hành hình vào ngày 27/10/1868, nghề dệt chiếu hoa ở Tà Niên được hình thành, sắc sảo đến lạ với chữ Thọ màu đỏ không thể thiếu được.
Tượng đài anh hùng Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá - Kiên Giang.
Tượng đài anh hùng Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá - Kiên Giang.
Theo hồi ức truyền đời của những người già Tà Niên kể lại cho lớp con cháu đời sau, vì thương cụ Nguyễn, cảm kích khí khái, phẩm chất kiên trung của cụ mà khi hay tin cụ sẽ bị hành quyết, người Tà Niên đã bàn với nhau dệt chiếu nâng bước người anh hùng đất Việt vào cõi thiên thu. Khi lưỡi đao của kẻ thù bổ xuống, máu từ cổ người anh hùng phun xuống mặt chiếu Tà Niên, đọng thành hình chữ Thọ. Thương nhớ cụ Nguyễn, người Tà Niên đã mang chiếc chiếu thấm máu người anh hùng về lưu thờ và cũng từ đây, nghề dệt chiếu hoa với chữ Thọ không thể thiếu ở làng chiếu Tà Niên được hình thành.

Chuyện chiếu Tà Niên thấm máu người anh hùng vị quốc vong thân được ghi rõ trong tư liệu của Ban Bảo vệ di tích đền thờ Nguyễn Trung Trực với lời nhấn rằng cụ Nguyễn là anh hùng không để đầu rơi xuống đất: "Khi đao phủ hành án, cụ đưa tay bưng đầu gắn vào cổ và trừng mắt nhìn bọn Pháp, làm chúng hoảng sợ bỏ chạy. Nhưng giọt máu của cụ rơi xuống chiếu, hiện thành chữ Thọ với ý nghĩa Kiên Giang có vị anh hùng bất tử. Như thà thơ Huỳnh Mẫn Đạt đã xúc cảm viết nên: "Anh hùng cương cảnh phương danh thọ/ Tu sát đê đầu vị tử thân".

Từ câu chuyện lịch sử bi hùng ấy, nhân lễ giỗ lần thứ 140 ngày sinh của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (năm 1978),  đồng bào Tà Niên ngày nào do nữ nghệ nhân Lê Thị Sa cùng nhóm thợ giỏi nghề đã dành tâm huyết dệt nên chiếc chiếu hoa có kích thước khổng lồ dài đến 45m, ngang 1,8m nhằm ôn lại truyền thống cũng như bày tỏ sự ngưỡng mộ, tôn kính của đồng bào với anh hùng Nguyễn Trung Trực. Theo ông Minh, chữ Thọ ở chiếu hoa được giải thích theo hai nghĩa, ý thứ nhất hàm ý rằng "cụ Nguyễn không mất, cụ vì dân vì nước nên cụ trường thọ, cụ sống mãi trong lòng nhân dân. Nghĩa thứ 2 của chữ Thọ gắn liền với lời kể truyền đời rằng khi bị Pháp chém đầu, máu cụ Nguyễn chảy xuống chiếu hoa, tạo thành chữ giống chữ Thọ".          

Hẳn rằng gần 150 năm trước, khi dệt chiếu nâng bước chân anh hùng Nguyễn Trung Trực, những cụ ông cụ bà, những bà những chị người Tà Niên đã vừa dệt vừa khóc thương cho người anh hùng vắn số, mới 30 tuổi nhưng đã phải lên đoạn đầu đài, phải giã từ cuộc sống. Chính điều này đã thôi thúc nhiều nhà thơ cảm khái, sáng tác những áng thơ bất hủ, trong đó có một nhà thơ vô danh có đôi dòng ngắn gọn nhưng súc tích, hàm chứa trọn vẹn chất bi hùng về chiếu hoa Tà Niên với câu mở đầu rằng "Tà Niên chiếu lệ mà hùng". Chiếu lệ vì thấm đẫm nước mắt của người dân Tà Niên. "Chiếu lệ mà hùng" vì nâng bước vị tướng quả cảm hiên ngang trước cái chết!

Một ngày nào đó, nếu có dịp đến Rạch Giá-Kiên Giang, bạn hãy nhớ câu chuyện hôm nay, câu chuyện về đồng bào Tà Niên đẫm lệ dệt chiếu nâng bước chân anh hùng Nguyễn Trung Trực lên đoạn đầu đài đón nhận cái chết đầy dũng khí để rồi sống mãi trong lòng dân tộc. Hãy dành chút thời gian, hãy đến đình thờ Nguyễn Trung Trực để viếng mộ cụ, để thắp nén tâm hương tưởng nhớ đến người anh hùng dân tộc cùng những nghĩa quân từng theo ông đánh Pháp và cũng như ông, hiên ngang với kẻ thù đến giờ phút cuối cùng.

Và nếu có thể, bạn hãy đến làng Vĩnh Hòa Đông tìm hiểu về nghề dệt chiếu hoa của đồng bào Tà Niên nơi này. Hãy đến để cảm nhận, để được rõ vì sao chiếu Tà Niên vẫn được duy trì đến hôm nay, luôn là mặt hàng nổi tiếng ở Kiên Giang cũng như đoạt nhiều huy chương vàng qua những cuộc đấu xảo thời thuộc Pháp, từng tham dự hội chợ Sài Gòn năm 1926, hội chợ Marseille năm 1933…
 

Theo ANTG

 
[links()]

Bình luận(0)