New York Times: Hãy cầu Chúa khi qua đường ở Hà Nội

Google News

Phóng viên Thomas Fuller của thời báo New York Times đã bày tỏ sự sửng sốt của mình trước tình trạng giao thông ở thủ đô Việt Nam.

Sau chuyến thăm Hà Nội, phóng viên Thomas Fuller của thời báo New York Times đã bày tỏ sự sửng sốt của mình trước tình trạng giao thông ở thủ đô của Việt Nam trong bài viết đăng ngày 27/9.

Khi những vị khách phương Tây làm thủ tục nhận phòng ở khách sạn Meracus, một khách sạn nhỏ và tiện nghi trong khu phố cổ của Hà Nội, họ được nhân viên tiếp tân đưa một tờ hướng dẫn có tiêu đề "Làm thế nào để qua đường".

Nó có nội dung như sau:

”Hãy thoải mái và tự tin.

Quan sát theo cả hai hướng, hoặc nhìn vào mắt người lái xe.


Đi chậm rãi với sự dứt khoát.


Không bao giờ được giật lùi”.


Trong khi du khách ở London có thể thảo luận về thời tiết, hoặc du khách ở Paris bàn bạc xem nên đi ăn nhà hàng nào trong khi sang đường, thì ở thủ đô của Việt Nam, điều này thật là mạo hiểm. Tốt nhất là hãy dừng nói chuyện để chú tâm vào việc sang đường một cách an toàn.

Sau nhiều thập kỷ phát triển kinh tế, một Hà Nội yên tĩnh với những con đường mát rượi cây xanh, giờ đây biến thành một dòng sông xe cộ đầy tiếng gầm rú và bụi bặm. Không khó để bắt gặp cảnh tượng những vị khách quốc tế đứng như trời trồng bên lề đường với sắc thái khuôn mặt thật khó diễn tả, hoặc sửng sốt, hoặc là tái dại.

"Chúng tôi gần như hoảng loạn trong ngày đầu tiên ở Hà Nội. Có những lúc, bạn không có cách nào qua đường nổi", cô Christelle Rouchaville, một du khách đến từ Pháp, cho biết. Cô đang cố thu hết can đảm để đẩy chiếc xe chở con sang đường vào giờ cao điểm.

Christelle chia sẻ: “Hãy tưởng tượng mình đang trượt tuyết. Những xe máy giống như những người trượt tuyết đang đổ dốc và bạn cần đặt mình vào dòng chảy".

Đến Việt Nam cùng vợ để thực hiện một chương trình giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, anh Bob Greer, một người Australia, đã phải cầu xin sự giúp đỡ của Chúa Trời. "Hãy cầu Chúa hoặc bất cứ ai đem lại may mắn cho bạn. Không được biểu lộ sự sợ hãi, ngay cả khi đầu gối bạn đang run bần bật", anh nói khi bước qua con phố nhỏ đầy xe máy, với dáng điệu của một người lính giữa làn đạn kẻ thù.

Lần  tiên đến Việt Nam,  cặp vợ chồng mới cưới Nathan và Angie Dobrofsky đang qua đường trong khu phố cổ Hà Nội.
Lần tiên đến Việt Nam, cặp vợ chồng mới cưới Nathan và Angie Dobrofsky đang qua đường trong khu phố cổ Hà Nội.

Hà Nội không phải là thành phố duy nhất trên thế giới có  vấn đề về giao thông. Nhưng cảnh tượng hàng ngàn chiếc xe máy len lỏi vào các đường phố quanh co, những ngõ hẻm nhỏ hẹp thì quả là có một không hai.

Những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong việc trên qua đường - các cư dân của Hà Nội - đã đưa ra nhiều lời khuyên khác nhau.

Nguyễn Tuấn Minh, một học sinh trung học, giới thiệu phương pháp sử dụng "lá chắn sống", nghĩa là qua đường “dưới bóng” của những người đi bộ khác.  Minh tỏ ra không đồng ý với lời khuyên mà khách sạn Meracus đưa ra, về việc nhìn vào mắt người lái xe khi qua đường. Minh nói: "Bạn không thể làm vậy vì khi bạn đi bộ trên đường phố có thể có đến 40 chiếc xe máy cùng lao về phía bạn. Nếu họ thấy bạn, họ sẽ tránh bạn. Đừng chùn bước!".

Nhiều cư dân Hà Nội phàn nàn rằng, sự hỗn loạn giao thông tra tấn dây thần kinh của họ, đặc biệt là tiếng còi xe gần như không ngừng nghỉ. Ông Phạm Công Thịnh, một người gốc Hà Nội, hiện làm người hướng dẫn du khách tại khách sạn Metropole, đã hồi tưởng về thời kỳ mình đạp xe để đi làm khoảng hai thập kỷ trước, khi những con đường còn rất yên tĩnh, trước khi Việt Nam mở cửa kinh tế với thế giới.

Ông nói: "Cuộc sống lúc đó thật đơn giản và yên bình. Giờ đây, tất cả mọi người đều căng thẳng, ai cũng muốn kiếm nhiều tiền". Ông cũng cho rằng dòng người nhập cư từ các vùng khác vào Hà Nội là nguyên nhân quan trọng khiến giao thông thủ đô rơi vào tình trạng như hiện nay. 

Khu phố cổ Hà Nội là nơi du khách có thể trải nghiệm trực quan về sức ép của mật độ dân số quá cao lên cuộc sống. Khu vực này có sự pha trộn giữa kiến trúc thuộc địa Pháp với văn hóa truyền thống của người Việt, luôn tràn ngập các hàng ăn, quán cóc vỉa hè và không thể thiếu dàn đồng ca của các loại động cơ đốt trong. Đường phố Hà Nội nói chung có vỉa hè thoáng đãng, nhưng chúng thường biến thành những bãi đỗ xe máy khổng lồ, đồng nghĩa với việc người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường.

Cô Nguyễn Thị Xoa, làm việc tại một đại lý du lịch có văn phòng trong khu phố cổ, cho biết: "Đôi khi điều này khiến du khách bị sốc thực sự. Tôi luôn khuyên họ hãy tự tin và bước đi từ từ. Không bao giờ được chạy. Đừng do dự. Hãy quyết đoán".

Trong cuốn sách học thi lấy bằng lái xe do Nhà nước ban hành có ghi quy tắc "xe máy phải nhường đường cho người đi bộ qua đường tại những nơi giao cắt". Nhưng đó chỉ là ước mơ mà thôi. Quy tắc của thực tế là “mạnh ai nấy chạy”, và dường như không có ai bị phạt vì điều này.

Ở Hà Nội, người dân phải ngó nghiêng cả hai làn đường khi băng qua đường một chiều. Ngoài ra, đèn tín hiệu tại một số nút giao thông dường như là một sự lãng phí điện không cần thiết.

Ông Thịnh, nhân viên khách sạn Metropole, nhận xét: “Ở nước ngoài, khi đèn đỏ tất cả mọi người đều dừng lại. Còn ở đây, nếu không có cảnh sát, mọi người cứ thản nhiên đi qua".

Ông đã giúp khách nước ngoài bằng cách lập bản đồ hành trình đặc biệt để hướng dẫn họ những nơi qua đường dễ nhất. Hầu hết khách du lịch quay trở lại được khách sạn mà không gặp sự cố, trừ một vài người tỏ ra bị sốc, ông Thịnh cho biết.

Nếu như ở phương Tây, xe ô tô là phương tiện đi lại chính, còn xe máy chỉ là phương tiện giải trí thì ở Việt Nam mọi thứ hoàn toàn ngược lại: Xe máy là phương tiện của tất cả mọi người, còn ô tô chỉ giành cho người giàu. 

Không chỉ chở người, xe máy còn được dùng để vận chuyển hàng hóa, như TV màn hình phẳng, các thùng bia, các bao tải lớn đựng hoa giả. Điều này góp phần làm cho giao thông thêm hỗn loạn và gia tăng ngay cơ tai nạn.

Trên toàn Việt Nam, các vụ tai nạn do ô tô và xe gắn máy đã gây ra những thiệt hại nặng nề về người và của. Theo báo cáo của truyền thông nhà nước, trong năm 2011 ở Việt nam có 44.548 vụ tai nạn, làm hơn 11.000 người tử vong.

Dù không có số liệu cụ thể, ở Hà Nội, tỉ lệ thương vong dường như thấp hơn, do mật độ xe quá đông khiến tốc độ lưu thông không cao. Một sĩ quan cảnh sát giao thông thường tức trực tại các giao lộ chính cho biết, đa số các vụ tai nạn ông đã nhìn thấy chỉ gây thương tổn bên ngoài, hoặc những chấn thương không nghiêm trọng.

Nghịch lý là, những thách thức giao thông của Hà Nội lại tỉ lệ thuận với sự hấp dẫn của thành phố này trong con mắt du khách quốc tế. Dễ dàng nhận ra điều này qua số lượng du khách đông nghịt trong khu phố cổ, cũng như ý kiến của những vị khách cho rằng họ không thể chờ đợi lâu để có dịp được quay trở lại Hà Nội lần sau… 

Thanh Bình (theo New York Times)

ĐANG ĐỌC NHIỀU

Lạc vào thế giới bí ẩn của Geisha hiện đại

Lạc vào thế giới bí ẩn của Geisha hiện đại

Hà Nội “quái và dị“ trong mắt phóng viên Tây Hà Nội “quái và dị“ trong mắt phóng viên Tây Những con số thú vị về dân cư Đông Dương thời Pháp Những con số thú vị về dân cư Đông Dương thời Pháp

[links()]

Bình luận(0)