Mến dòng sông Gianh biết danh Lũy Thầy

Google News

Người có công đầu trong việc khởi xướng, thiết kế và chỉ đạo thi công Lũy Thầy là cụ tổ ngành tuồng bội Việt Nam Đào Duy Từ...

- Lũy Thầy là hệ thống chiến luỹ được xây dựng từ năm 1630. Người có công đầu trong việc khởi xướng, thiết kế và chỉ đạo thi công là nhà quân sự, nhà thơ và là cụ tổ ngành tuồng bội Việt Nam Đào Duy Từ (1572 - 1634).

Chân dung người khởi xướng, thiết kế và chỉ đạo thi công

Ông vốn quê ở làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn (nay là huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá). Ông xuất thân trong một gia đình làm nghề ca hát, cha là Đào Tá Hán làm quản giáp nghề xướng ca nên Đào Duy Từ không được lấy đậu trong kỳ thi Hương.
 
Phẫn chí vì có tài mà không được trọng dụng, phản ứng trước luật lệ khắt khe trong thi cử đương thời, ông bỏ đất Bắc vào Nam lập nghiệp. Được chúa Nguyễn trọng dụng, những năm làm quan ở Đàng Trong, với trọng trách của một quan nội tán, tước hầu, Đào Duy Từ đã đem hết tài năng và tâm trí phục vụ chủ mới. Ông còn là người truyền dạy cho dân địa phương nghệ thuật hát bội và khởi thảo vở tuồng Sơn Hậu.

Sự ra đời của Lũy Thầy bắt đầu từ ý đồ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1634) sau trận kịch chiến giữa quân Lê - Trịnh và quân Nguyễn trên bờ sông Nhật Lệ năm Đinh Mão (1627).
 
Theo Đại Nam nhất thống chí: Sau trận đánh này, mặc dù giành được thắng lợi, chúa Nguyễn vẫn rất lo lắng, băn khoăn, trăn trở trong việc tìm kế sách để phòng ngừa và chống lại quân Lê - Trịnh, vì chúa biết quân Lê Trịnh do Trịnh Tráng (1623 - 1657) rất mạnh và chúa Trịnh phải vâng lệnh vua Lê vào đòi chúa Nguyễn phải nộp cống theo lệ.

Giữa lúc Sãi vương đang cầu người hiến kế thì mùa xuân năm Canh Ngọ (1630), Đào Duy Từ đệ trình kế hoạch xây dựng lũy Trường Dục để ngăn chặn quân Trịnh.

Lũy Trường Dục dài 2.500 trượng (khoảng 2km), khởi đầu từ chân núi Thần Đinh (chùa Non) chạy dọc theo hữu ngạn sông Rào Đá, đến ngã ba sông Nhật Lệ, men theo bờ Nam qua các làng Xuân Dục, Cổ Hiền, Trường Dục, Quảng Xá đến vùng động cát của phá Hạc Hải.
 
Tại Lũy Trường Dục, theo Đại Nam nhất thống chí, năm Mậu Tý (1648), tướng Trương Phước Phấn cùng con là Hoàng đánh thắng quân Lê - Trịnh giữ yên phiên trấn.

Quảng Bình Quan là một trong những cửa ải của hệ thống Lũy Thầy.
Quảng Bình Quan là một trong những cửa ải của hệ thống Lũy Thầy.
Dấu ấn của một thời phân chia đất nước dưới chế độ phong kiến

Mặc dù đã xây dựng được một chiến lũy bề thế, vững chắc, nhưng chúa Nguyễn vẫn chưa yên lòng. Năm Tân Mùi (1631), chúa Nguyễn Phúc Nguyên cử Đào Duy Từ và danh tướng Nguyễn Hữu Dật ra Quảng Bình khảo sát hình thế sông núi vùng Động Hải để xây thêm thành lũy. Sau chuyến công cán thị sát, các tướng nhà Nguyễn đã tiến hành xây thêm lũy mới gọi là Lũy Đầu Mâu.

Lũy được bắt đầu từ động Ông Hồi (dưới chân núi Đầu Mâu) chạy dọc theo nam sông Lệ Kỳ ra đến cầu Dài (phía Nam thị xã Đồng Hới).
 
Lũy cao một trượng năm thước, phía ngoài đóng cọc tre, đổ đất lên 5 tầng cấp, cứ cách 3 - 5 trượng xây một pháo đài để đặt súng thần công và cứ cách 1 trượng thì đặt một súng phóng đá. Chiều dài của lũy là 3.000 trượng.

Cũng cùng thời gian đó (1631) chúa Nguyễn lại cho xây tiếp một luỹ mới, tiếp nối với Lũy Đầu Mâu, chạy từ cầu Dài vòng sang phía Tây thành Đồng Hới, bọc lấy làng Đồng Phú (Phú Ninh) ra đến cửa sông Nhật Lệ.
 
Ngoài lũy đào hào bao quanh, Lũy Đầu Mâu cùng với luỹ Nhật Lệ gọi là Lũy Trấn Ninh (chính luỹ). Lũy Trường Dục, lũy Trấn Ninh có một chiều dài lớn và xây đắp hết sức bề thế, nhưng chúa Nguyễn vẫn chưa an tâm vì mặt đông của vùng đất này vẫn còn trống trải, quân Lê - Trịnh có thể lợi dụng các động cát mà tràn vào.
 
Do vậy, năm Giáp Tuất (1634) chúa Nguyễn lại sai Nguyễn Hữu Dật tổ chức đắp Lũy Trường Sa với chiều dài 7km, chạy từ Sa động đến Huân Cát, thuộc địa phận xã Bảo Ninh (hữu ngạn sông Nhật Lệ).

Như vậy, trong khoảng thời gian hơn 3 năm, chúa Nguyễn với sự giúp sức của Đào Duy Từ và các tướng lĩnh khác đã dồn bao sức người, sức của tạo nên một thệ thóng chiến lũy dài gần 34km. Đây là một hệ thống thành lũy liên hoàn, có nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều tuyến.

Lũy Thầy ra đời cách đây hơn 350 năm, trải theo dòng thời gian nó đã trở thành một di tích lịch sử, văn hoá của đất nước, là dấu ấn của một thời phân chia đất nước dưới chế độ phong kiến. Lũy Thầy đã được ghi trong nhiều bộ sách lịch sử, văn hoá của triều Nguyễn.
 
Năm Nhâm Dần (1842), vua Thiệu Trị trên đường tuần du ra Bắc qua Lũy Trấn Ninh đã đổi tên lũy cũ thành Lũy Định Bắc trường thành và cho dựng bia để ghi nhớ. Sau này nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương viết "Ai đã qua Đèo Ngang, đã sang Ba Rền, mến dòng sông Gianh biết danh Lũy Thầy".

Trịnh Dương
[links()]

Bình luận(0)