Huyền Trân công chúa được phong là thần hộ quốc

Google News

Dù vì mục đích chính trị thế nào thì một điều rất hiển nhiên là Huyền Trân công chúa rất được nhân dân yêu quý.

- Về cuộc hôn nhân của Huyền Trân công chúa, đặc biệt là sự kiện bà được đưa về Việt Nam sau cái chết của chồng còn nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, dù vì mục đích chính trị thế nào thì một điều rất hiển nhiên là bà rất được nhân dân yêu quý. Sau khi bà mất, nhân dân đã lập đền thờ và tôn là thần mẫu.
 
Cướp công chúa khỏi giàn hỏa thiêu

Về nước Chiêm, Huyền Trân được vua Chiêm hết sức yêu quý, phong làm Hoàng hậu, mỹ hiệu là Paramecvari. Việc công chúa nước Đại Việt kết hôn với Vua Chiêm, trở thành Hoàng hậu nước Chiêm là hợp lẽ, môn đăng hậu đối. Chưa kể cuộc hôn nhân ấy lại là cái cầu giao hảo chính trị, không chỉ đem lại lợi ích quốc gia mà còn xoá bỏ hiềm khích, hận thù để hai dân tộc được sống yên bình.

Cuộc đời tưởng thế đã là viên mãn, đặc biệt là sau khi về Chiêm Thành được 11 tháng, Huyền Trân sinh được con trai đầu lòng. Nhưng nào ngờ chưa đầy 2 tháng sau, tháng 5 - Đinh Mùi (1307) Chiêm Vương Chế Mân đột ngột qua đời. Được biết nước Chiêm có tục lệ khi vua băng hà, các hoàng hậu phải chịu bị thiêu sống. Vua Trần Anh Tông lo ngại cho tính mạng em gái là Huyền Trân, liền sai quan Nhập nội hành khiển, Thượng thư Tả Bộc Xạ Trần Khắc Chung và An phủ sứ Đặng Vân sang Chiêm Thành nói thác để điếu tang rồi tuỳ cơ ứng biến, lập mưu cứu Công chúa Huyền Trân về Thăng Long để nàng khỏi bị tuẫn táng trên giàn hỏa thiêu.

Đền thờ Huyên Trân công chúa.
Đền thờ Huyên Trân công chúa.

Tháng 10 năm Đinh Mùi (1307), hai sứ giả Đại Việt đến Kinh đô Chiêm làm lễ viếng, nhân đó nói: "Nếu để Hoàng hậu lên giàn hoả thiêu ngay thì sợ trong đàn chay sẽ không có người đứng chủ. Chi bằng hãy ra bờ biển làm lễ chiêu hồn ở ven trời đón linh hồn cùng về rồi hãy vào giàn hoả thiêu". Người Chiêm thấy có lý nên nghe theo. Nhân đó Khắc Chung dùng thuyền nhẹ đã chuẩn bị trước, cướp Công chúa rong thẳng ra biển khơi.

Trần Khắc Chung đã làm tròn sứ mạng mà Vua Trần tin tưởng giao phó. Con thuyền đưa đôi trai tài gái sắc lênh đênh mãi trên biển cả, bất chấp mọi hiểm nguy, gần một năm ròng mới về đến kinh thành Thăng Long

Gả công chúa cho vua Xiêm là vì nghĩa lớn

Xung quanh câu chuyện này các nhà sử học cũng có những đánh giá khác nhau. Nhiều người cho rằng việc gả công chúa cho vua Xiêm là vì nghĩa lớn, vì mục đích làm cầu nối hữu nghị giữa hai dân tộc, là sự mở rộng bờ cõi mà không phải tiến hành chiến tranh, không phải hao tổn xương máu... Còn Ngô Sĩ Liên thì đánh giá: "... đem gả cho người xa không phải giống nòi để thực hiện lời hứa trước, rồi sau lại dùng mưu gian trá cướp về, thế thì tín ở đâu".

Tháng 8 năm Mậu Thân (1308), Công chúa Huyền Trân về đến Thăng Long. Theo di mệnh của Thượng Hoàng Trần Nhân Tông, Công chúa đầu gia Phật giáo ở núi Trâu Sơn (nay thuộc Bắc Ninh) vào năm Kỷ Dậu (1309), dưới sự ấn chứng của quốc sư Bảo Phát. Công chúa thọ Bồ tát giới và được ban pháp danh Hương Tràng.

Tượng thờ Huyên Trân công chúa.
Tượng thờ Huyên Trân công chúa.

Cuối năm Tân Hợi (1311), Hương Tràng cùng một thị nữ trước đây, bấy giờ đã quy y đến làng Hổ Sơn, huyện Thiên Bản (nay thuộc Nam Định), lập am dưới chân núi Hổ để tu hành. Sau đó, am trở thành điện Phật, tức chùa Nộm Sơn hay còn gọi là Quảng Nghiêm Tự.

Ngày 9 tháng giêng năm Canh Thìn (1340), Công chúa Huyền Trân mất. Dân chúng quanh vùng thương tiếc vô cùng, tôn là "Thần Mẫu" và lập đền thờ cạnh chùa Nộm Sơn.

Các triều đại sau đều sắc phong bà là thần hộ quốc. Triều Nguyễn sắc phong là: "Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần".
 

Bình luận(0)