Bài trí bàn thờ gia tiên ngày Tết thế nào cho đúng?

Google News

(Kiến Thức) - Trong ngày tết có rất nhiều thứ hoa quả bánh trái nhưng không phải thứ gì cũng có thể đặt lên bàn thờ gia tiên được.

Tạo sự trang nghiêm cho bàn thờ
Do truyền thống đạo hiếu uống nước nhớ nguồn, trong căn nhà của người Việt Nam, vị trí trang trọng nhất bao giờ cũng phải là bàn thờ gia tiên. Đó là nơi đặt bát hương thờ gia tiên tiền tổ và cũng là hình ảnh biểu tượng đại diện cho những ông bà, tổ tiên đã thành người thiên cổ. Mỗi khi con cháu nhìn lên bàn thờ liền nhớ tới cha ông.
Cố nhà văn Băng Sơn, ở bài viết về bàn thờ trong tập tùy bút "Thú ăn chơi của người Hà Nội" đã viết: “Đối với người đi làm ăn xa xôi, tết đến về sum họp giữa gia đình quê hương đâu chỉ là ăn cỗ tết. Thiêng liêng, quan trọng đầm ấm là được thắp ba nén nhang trên bàn thờ tổ tiên, được chắp tay tưởng niệm với bao hồi lắng về tổ tiên, ông bà cha mẹ đã về cõi xa xôi.
... Chim có tổ, người có tông. Có ông bà mới có cha mẹ. Có cha mẹ mới có mình. Người Việt chúng ta quan niệm, tâm niệm thế. Suốt 3 ngày tết, bàn thờ không được để hương khói lạnh tàn. Hương trầm, hương đen, hương vòng, hương sào... cứ nghi ngút, ngào ngạt hòa cùng hương hoa gồm hoa hồng, hoa huệ... hòa với hương của mâm ngũ quả nào hương bưởi, hương cam, hương phật thủ... làm căn nhà thiếu thốn nhiều thứ cũng vẫn đầy phong vị tết, tràn ngập màu sắc mùa xuân chứa chan niềm hy vọng mới...”.
Bai tri ban tho gia tien ngay Tet the nao cho dung?
Bộ tam sự. Ảnh minh họa. 
Thông thường sự bài trí bàn thờ ở các gia đình Việt Nam được kế thừa từ xa xưa truyền lại và cách bài trí đó là tuân theo triết lý âm dương ngũ hành. Theo sách "Phong tục thờ cúng của người Việt" thì các đồ thờ đều mang ý nghĩa của nó. Chẳng hạn cái tam sơn tượng trưng cho tam giác, cái lư hương tròn tượng trưng cho bàn thái cực, khi hương được thắp lên thì nó tượng trưng cho các vì tinh tú, hai ngọn đèn ở hai bên bàn thờ tượng trưng cho nhật nguyệt. Nếu trên bàn thờ có đặt lọ hoa và thường sẽ là lọ hình lục giác thì mang ý nghĩa của phật giáo là “lục căn thanh tịnh” hay còn gọi là tâm không.
Đó là ý nghĩa các đồ thờ, còn cách xếp đặt thì bài vị hoặc di ảnh tổ tiên đặt trong cùng. Phía trước đó là bát hương. Thường thường nên đặt 3 bát hương để tạo thành thế tam tài. Bên ngoài các bát hương thì đặt các chén nhỏ. Sau đó nếu có các đồ thờ như chân đèn, đỉnh đồng, bộ tam sự thì lần lượt sắp xếp. Ở ngoài cùng nên đặt 2 cây nến hoặc hai ngọn đèn dầu hoặc có thể bố trí đèn điện quả nhót để tạo ánh sáng làm bàn thờ ấm cúng.
Bài trí bàn thờ trong ngày tết
Lúc bình thường bàn thờ gia tiên chỉ có các đồ thờ nhưng tết là một dịp quan trọng nhất trong năm và cũng có rất nhiều lễ vật cần đặt lên bàn thờ để cúng tổ tiên. Vậy phải sắp xếp các lễ vật đó như thế nào cho có thẩm mỹ đồng thời không phạm phải các điều kiêng kị.
Trước hết trong ngày tết, để bài trí bàn thờ gia tiên, việc đầu tiên phải nghĩ đến là xếp mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả thì không bắt buộc loại quả gì vì tùy theo vùng miền có các sản vật khác nhau, miễn sao gồm đủ 5 loại quả có màu sắc khác nhau biểu tượng cho ngũ hành. Ở miền Bắc thì phổ biến là dùng chuối xanh, hồng hoặc quýt đỏ, lê trắng, bưởi vàng, hồng xiêm xám. Một mặt ngũ quả biểu tượng cho ngũ hành, mặt khác nó là đại diện cho 5 điều người ta mong ước nhất là: Phú (giàu) – quý (sang trọng) – thọ (sống lâu) – khang (khỏe mạnh) – ninh (bình yên).
Bai tri ban tho gia tien ngay Tet the nao cho dung?-Hinh-2
 Bàn thờ ngày tết. Ảnh minh họa.
Ngoài ra, nhiều nơi cũng có truyền thống mua hai cây mía về buộc vào hai cái cột ở hai bên bàn thờ hoặc dựng ở hai bên bàn thờ. Điều này theo sách "Việt Nam phong tục" của Phan Kế Bính thì có ý nghĩa là dùng cây mía làm gậy chống cho các cụ tiên tổ. Nhà văn Băng Sơn trong tài liệu đã nói ở trên cũng viết: “Nhiều vùng, đi phiên chợ tất niên phải sắm bằng được đôi cây mía voi thật dài, về buộc vào hai bên cột trước bàn thờ. Đó là gậy ông vải. Tổ tiên bao giờ chẳng có tuổi, chẳng già nua, gậy chống là cần, gậy bằng mía thật tiện lợi, đó là nghĩa tình thơm thảo...”.
Thông thường trong ngày tết, mâm ngũ quả sẽ được xếp ở chính giữa bàn thờ. Sau đó các vị trí hai bên và xung quanh mới xếp đặt các thứ bánh trái khác. Khi xếp đặt các thứ bánh trái hoặc lễ vật khác thì các nhà phong thủy khuyên rằng nếu bàn thờ ngoài tiên tổ còn có bát hương bà cô ông mãnh thì nên đặt lễ vật cân đối cả hai bên trái phải. Trong trường hợp gia đình không có bàn thờ gia tiên mà chỉ có bàn thờ ông Táo thì nên xếp đặt theo nguyên tắc tả thanh long hữu bạch hổ, ở bên tay phải của ban thờ xếp lễ vật cao hơn bên trái (lưu ý phải và trái là nói theo hướng của bàn thờ chứ không phải theo tay phải và tay trái của người đứng trước bàn thờ).
Ngoài vấn đề này ra, còn hai điều nên tránh khi bài trí bàn thờ ngày tết. Thứ nhất là việc sử dụng các cành vàng lá ngọc. Theo lời khuyên của nhiều website về phong thủy, những thứ như cành vàng lá ngọc có nhiều điều khó nói như: Bày bán chỗ có sạch không, cất giữ thế nào, có bị ô uế không... Một số chuyên gia thì nói rằng bày cành vàng lá ngọc lên bàn thờ là theo triết lý dân gian. Mọi người có thể bày lên bàn thờ nhưng tới ngày rằm tháng giêng thì hóa luôn chứ không nên để lâu.
Điều đáng lưu ý thứ hai là không nên tùy tiện cắm chân hương vòng vào bát hương. Tín ngưỡng cổ truyền coi bát hương là cái đầu của gia chủ. Dân gian nói rằng chỉ cần khi bốc bát hương mà không lèn chặt để một thời gian sau tro hương chắc lại sẽ có thể làm gia chủ bị đau đầu. Bởi vậy không nên tùy tiện cắm chân hương vòng vào bát hương. Có thể dùng dây để treo hương vòng hoặc đốt hương vòng ra đĩa bên ngoài bát hương vừa không khiến bát hương bị động vừa dễ làm sạch bàn thờ”.
Nam Khánh

Bình luận(0)