Bái phục công chúa dẹp loạn cứu triều Trần

Google News

Nếu không có sự cương quyết của một nàng công chúa thì triều đại với hào khí Đông A này sẽ lụi tàn sớm hơn tới 30 năm.

Là một triều đại lẫy lừng trong lịch sử Việt Nam với những chiến công oanh liệt chống giặc ngoại xâm và nhiều thành tựu trong kiến thiết đất nước trải suốt 175 năm cầm quyền, tuy nhiên ít người biết rằng, nếu không có sự cương quyết của một nàng công chúa thì triều đại với hào khí Đông A này sẽ chấm dứt vai trò của mình trên vũ đài chính trị sớm hơn tới 30 năm.
 
Một quyết định sai lầm khiến xã tắc ngả nghiêng

Ngày 25 tháng 5 năm Kỉ Dậu (1369), Trần Dụ Tông băng hà sau 28 năm ở ngôi vua (1341 – 1369), thọ 33 tuổi, vì không có con nên trước khi mất đã “xuống chiếu đón Nhật Lễ vào nối đại thống”, trên danh nghĩa Nhật Lễ là cháu họ của vua.

Ngày 14 tháng 12 năm Kỉ Dậu (1369), Nhật Lễ nghe nói Hoàng thái hậu Hiển Từ thường than thở, hối hận vì đã đưa mình lên ngôi, bèn sai người đầu độc giết chết. Từ đó Nhật Lễ “ngày ngày rượu chè, dâm dật, trăm sự chơi bời, hay bày ra các trò tạp kỹ, thân cận suồng sã với lũ tiểu nhân, muốn đổi lại họ là Dương. Người tôn thất và các quan đều thất vọng” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).

Tháng 9 năm Canh Tuất (1370), tôn thất họ Trần có nhiều người bất mãn đã bàn mưu diệt trừ, khiến ông vua này phải trốn dưới gầm cầu mới thoát được rồi ra tay trả thù: “Mùa thu, tháng 9, ngày 20, thái tể Nguyên Trác cùng con là Nguyên Tiết giết Nhật Lễ không được, bị giết.

Đêm hôm ấy, cha con Nguyên Trác và 2 người con của công chúa Thiên Ninh đem người tôn thất vào thành định giết Nhật lễ. Nhật Lễ trèo qua tường, nấp dưới cầu mới. Mọi người lùng không thấy, giải tán ra về. Khi trời sắp sáng, Nhật Lễ vào cung, chia người đi bắt 18 người chủ mưu. Bọn Nguyên Trác đều bị hại” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Mưu kế vụng về, sơ hở của các tôn thất nhà Trần khiến việc diệt trừ Nhật Lễ không thành, lại mang họa đến tính mạng của nhiều người.
Khi công chúa mất, người dân đã lập miếu thờ phụng, đến nay ngôi miếu vẫn còn, được gọi là miếu Hoàng Bà; bài vị và văn tế tôn gọi là Lượng Quốc Thiên Ninh thái trưởng công chúa thụy viết Huệ Bà. Ảnh minh họa
Khi công chúa mất, người dân đã lập miếu thờ phụng, đến nay ngôi miếu vẫn còn, được gọi là miếu Hoàng Bà; bài vị và văn tế tôn gọi là Lượng Quốc Thiên Ninh thái trưởng công chúa thụy viết Huệ Bà. Ảnh minh họa.
Cung Định vương Trần Phủ dù là bố vợ của Nhật Lễ nhưng vì sợ hãi đã bỏ trốn lên vùng Đà Giang, thế nhưng một người không có tính quyết đoán lại vốn không có ý muốn làm vua mà chỉ thích sống an nhàn cuối cùng do sự đưa đẩy của thời cuộc đã được đưa lên ngôi, công lao lớn nhất trong việc này phải kể đến hai người em của ông là Công chúa Thiên Ninh và Cung Tuyên vương Trần Kính.

Công chúa ra tay dẹp loạn cứu vương triều
 
Sau sự kiện một số tôn thất triều Trần mưu lật đổ Nhật Lễ bị thất bại, những người còn lại kẻ thì yên lặng không dám phản kháng, chỉ lo đến thân; người thì kinh sợ mà bỏ trốn, sống ẩn dật; trong triều thì quan lại nhu nhược để mặc cho lộng hành tàn bạo.

Trước tình cảnh đó, riêng có mình công chúa Thiên Ninh lấy làm tức giận, phần vì căm phẫn tội ác của Nhật Lễ, phần vì muốn báo thù cho 2 con và nhất là muốn giành lại ngôi vị chính thống cho họ Trần, do đó đã âm thầm chuẩn bị lực lượng để ra tay.

Công chúa Thiên Ninh còn gọi là Bạch Tha hoặc Ngọc Tha, con gái của Trần Minh Tông, thân mẫu là Hiến Từ hoàng hậu (còn có hiệu là Lệ Thánh), những anh chị em cùng mẹ của Thiên Ninh gồm có Cung Túc vương Nguyên Dục, Trần Hạo (Trần Dụ Tông), Cung Tĩnh vương Nguyên Trác.

Tuy là phận nữ nhi nhưng là người gan dạ, quả cảm và cương quyết; sau khi hạ giá lấy chồng, công chúa được phong thực ấp ở vùng đất ven sông Luộc với hàng nghìn mẫu ruộng, bà đã chiêu tập dân cư lập ra ấp Bồ Ngọc và theo chế độ của triều Trần, các hoàng thân quốc thích đều được phép có lực lượng vũ trang riêng, vì thế công chúa Thiên Ninh cũng xây dựng đội quân hương dũng của mình, vừa sản xuất, vừa tập luyện võ bị phòng khi dùng đến lúc có biến.

Sau khi suy tính kế sách diệt trừ Nhật Lễ, Công chúa Thiên Ninh thấy chỉ có người anh cùng cha khác mẹ là Cung Định vương Trần Phủ là đủ uy tín đứng ra hô hào hoàng thân, quan lại cùng nhau hợp sức lật đổ hôn quân Nhật Lễ.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Cung Định vương có con gái là Hoàng hậu của Nhật Lễ, sợ tai họa đến mình nên tránh ra ở trấn Đà Giang (tức Gia Hưng) lánh nạn, ngầm hẹn với các em là Cung Tuyên vương Kính, Chương Túc Quốc thượng hầu Nguyên Đán và Thiên Ninh Công chúa Ngọc Tha họp nhau ở sông Đại Lại (tức chi lưu sông Mã, Thanh Hóa - PV) phủ Thanh Hóa để dấy quân”.

Tuy nhiên, theo sách “Đại Việt sử ký tiền biên” thì chính Công chúa Thiên Ninh mới là người khởi xướng, khích lệ anh trai mình hành động: “Trước kia, Cung Định vương vốn không có ý lấy nước, công chúa Thiên Ninh mới bảo rằng:

- Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông mình, sao lại vứt bỏ nước cho kẻ khác? Anh phải đi đi, em sẽ đem bọn gia nô dẹp nó cho!.

Quan Chi hậu nội nhân phó là Nguyễn Nhiên biết là Nhật Lễ muốn hại Cung Định vương, cũng khuyên vương nên sớm thấy cơ mà tránh. Lúc đó, ý Cung Định vương mới quyết, khi đi mới làm bài thơ gửi cho em là Kính. Thơ rằng:

Vị cực sàm thân tiện thứ quan,
Trắc thân, độ lĩnh, nhập sơn man.
Thất lăng hồi thủ thiên hàng lệ,
Vạn lý môn tâm lưỡng mấn ban,
Khử Vũ đồ tồn Đường xã tắc,
An Lưu phục để Hán y quan.
Minh Tông sự nghiệm quân tu ký,
Khôi phục thần kinh chỉ nhật hoàn.


Nghĩa là:

Ngôi cả gièm nhiều mới bỏ quan,
Né thân, vượt núi, tới sơn man,
Bảy lăng ngoảnh lại châu tuôn chảy,
Muôn dặm đau lòng, tóc bạc lan.
Diệt Vũ , giữ yên Đường xã tắc,
Phò Lưu lại thấy Hán y quan.
Minh Tông sự nghiệp em nên nhớ,
Thu phục thần kinh sắp khải hoàn.


Bài thơ nói lên ý chí bản thân, sự đau lòng thấy cảnh vương triều suy vi, nêu tấm gương diệt trừ phe cánh họ Vũ (Võ) Tắc Thiên để khôi phục nhà Đường cũng như việc dẹp yên nội loạn họ Lữ phù giúp họ Lưu nhà Hán, qua đó bày tỏ niềm tin tưởng về ngày thu phục lại kinh đô Thăng Long.

Cung Tuyên vương Trần Kính đọc thơ xong mới đưa cho các quan tướng thuộc tôn thất xem, coi đó như lời kêu gọi phục quốc. Công chúa Thiên Ninh nhận được mật thư cũng nhanh chóng tập trung binh lính cùng lương thảo, tiền bạc kéo vào Thanh Hóa hội quân để cùng tiến về kinh sư hỏi tội Nhật Lễ.

Công chúa cùng anh trai lại ngầm liên kết với Thiếu úy Ngô Lang là người đang được Nhật Lễ tin dùng để phối hợp hành động, nên mỗi khi Nhật Lễ sai quân tướng đi đánh bắt các tôn thất họ Trần thì Ngô Lang đều bí mật bảo họ đừng về nữa mà ra nhập với phe phục quốc.

“Rất nhiều lần các cánh quân Nam, Bắc đi đánh, đều không một ai trở về, Ngô Lang cũng xin đi, Nhật Lễ không cho” (Đại Việt sử ký toàn thư). Nhờ đó mà uy lực của tôn thất họ Trần ngày một lớn mạnh, tháng 11 năm Canh Tuất (1370), Cung Định vương Trần Phủ cùng Cung Tuyên vương Trần Kính, công chúa Thiên Ninh đem đại quân về Thăng Long.

Ngày 13 khi quan quân đến phủ Kiến Hưng (nay thuộc Nam Định) đã ban bố lệnh phế truất Nhật Lễ xuống làm Hôn Đức công rồi cùng nhau suy tôn Cung Định vương Trần Phủ lên ngôi hoàng đế với tôn hiệu là Thể khiên kiến cực thuần hiếu hoàng đế, đặt niên hiệu là Thiệu Khánh, đại xá thiên hạ và xưng là Nghĩa Hoàng (sử gọi là Trần Nghệ Tông). Sau đó Trần Nghệ Tông làm lễ tế cáo mà nói rằng:

- Sự việc ngày hôm nay không phải ý của tôi nghĩ tới, vì việc của xã tắc không thể tránh được, trong lòng lo thẹn. Xin nhận ngôi tôn vinh để đền đáp chút chí nguyện sẵn có.

Sách “Đại Việt sử ký tiền biên” chép rằng: “Trước đây, vua vì thấy Nhật Lễ vô đạo, tránh nạn mà chạy ra. Ngô Lang ngầm xin làm nội ứng. Tôn thất, bách quan lần lượt ra khỏi thành theo vua, khuyên vua sớm trở về nước để thanh trừ loạn trong nước, vua nghẹn ngào cảm tạ. Mọi người đều náo nức cầu xin định ngày lên đường. Khi quân tiến, tiếng hô xa gần vang trời”.

Lúc quân của Trần Nghệ Tông đến bến Đông Bộ Đầu, áp sát Thăng Long thì Thái úy Ngô Lang dùng lời lẽ hơn thiệt khuyên bảo Nhật Lễ viết thư nhận tội, nhường ngôi rồi kéo ra hàng. Trần Nghệ Tông thấy tình cảnh con rể như thế mới ôm Nhật Lễ mà khóc lóc, an ủi nhưng vì các quân tướng quá căm giận nên mới đành sai bắt giam vào trong ngục.

Sau đó vì Nhật Lễ thù Ngô Lang, lừa ông vào ngục nói chuyện rồi giết chết nên Trần Nghệ Tông mới sai giết Nhật Lễ và con là Nhật Liễu cùng Trần Nhật Hạch là kẻ khuyên Nhật Lễ sát hại người tôn thất.

Tháng 2 năm Tân Hợi (1371) Trần Nghệ Tông cho mở tiệc lớn ở điện Thiên An khao thưởng theo thứ bậc, “dùng người hiền tài, chọn những trẻ con trai gái mồ côi của người tôn thất đưa hết về nuôi ở trong cung” những người có công lớn như Công chúa Thiên Ninh được phong làm Lượng Quốc thái Trưởng công chúa, chi hậu nội nhân Nguyễn Nhân thăng làm Tả tham ty chính sự…

Đặc biệt là sau đó không lâu, vào tháng 4 năm ấy, Trần Nghệ Tông lập em trai là Trần Kính làm Hoàng thái tử, làm tập sách “Hoàng Huấn” gồm 14 chương để ban cho, lại phong vợ cả của Hoàng thái tử làm Hoàng thái tử phi.

Chuyện một vị vua lập em làm Thái tử khá đặc biệt vì thường chỉ có lập con, lập cháu mà thôi. Lý do là bởi trong việc tôn ông làm minh chủ diệt trừ Nhật Lễ thì việc chỉ huy quân lính, tập hợp lực lượng, chuẩn bị lương thảo khí giới để phần lớn đều cho em ông là Trần Kính phụ trách cho nên Nghệ Tông đem ngôi nhường cho (Đại Việt sử ký toàn thư).

Về Công chúa Thiên Ninh, dù được phong làm Lượng Quốc thái Trưởng công chúa, nhưng nghĩ đến cảnh 2 con bị giết hại, bà không hào hứng gì với chức tước, vàng bạc nhung lụa mà xin về thái ấp của mình để vui với đồng ruộng.

Biết không ngăn được, Trần Nghệ Tông xét thấy công lao của bà và ý chí phục dựng lại cơ đồ giống như chuyện các trung thần thời Hán, Đường nên mới lấy địa danh có liên quan ở phương Bắc là Bồ, Bái để đặt cho trang ấp của công chúa vì thế tại thái ấp của Thiên Ninh có các trang Bái, trang Bồ, trang Ngọc Quế (nay thuộc xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình).

Để giúp đỡ người dân nghèo, công chúa ban phát tiền bạc cho họ mua nông cụ, trâu bò lấy sức kéo để sản xuất vì thế mà dân chúng khắc ghi, ơn nhớ mãi.

Khi công chúa mất, người dân đã lập miếu thờ phụng, đến nay ngôi miếu vẫn còn, được gọi là miếu Hoàng Bà; bài vị và văn tế tôn gọi là Lượng Quốc Thiên Ninh thái trưởng công chúa thụy viết Huệ Bà.

Hàng năm vào ngày 2, ngày 3 tháng 3 và ngày 4, ngày 5 tháng Chạp âm lịch, dân địa phương mở hội rước, làm cỗ cúng để tưởng nhớ đến công chúa đã khai hoang lập ấp cho các thế hệ bao đời được hưởng điền địa, tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đồng thời cũng là người đã góp phần cứu một vương triều nổi tiếng trong lịch sử nước nhà kéo dài thêm thời gian tồn tại của mình, một điều hiếm có mà không phải ai cũng có thể làm được.
 
Theo Phunutoday
[links()]

Bình luận(0)