“Cuộc cách mạng” đặt tên con

Google News

Trước kia, khi các cụ đặt tên cho con trai, tên đệm dứt khoát phải là “Văn”, đặt tên cho con gái, tên đệm nhất định phải là “Thị”. Còn ngày nay, quan niệm đặt tên cho con đã có nhiều đổi khác.

Trước kia, khi các cụ đặt tên cho con trai, tên đệm dứt khoát phải là “Văn”, đặt tên cho con gái, tên đệm nhất định phải là “Thị”. Nhiều dòng họ cũng có “luật bất thành văn” là tên con cháu không được phạm “húy”, tức là không được trùng với tên của các ông, cụ, kỵ…. nhiều đời. Mở rộng ra, không được phạm “húy” tới các danh nhân, anh hùng dân tộc…

Ngày nay, quan niệm đặt tên cho con đã có nhiều đổi khác. Không chỉ chọn tên đẹp cho con, nhiều ông bố, bà mẹ trẻ còn mời cả nhà Sư, thầy phong thủy, thầy tướng số… xem ngày sinh tháng đẻ của con để “bấm” cái tên phù hợp.

Quan niệm thay đổi theo thời gian

Trên mạng Internet, có hẳn danh sách 100 tên hay cho bé trai, 100 tên hay cho bé gái sinh năm Quý Tỵ để các gia đình có con sinh năm 2013 tham khảo. Năm 2012, cũng có danh sách 100 tên hay cho bé trai, 100 tên hay cho bé gái sinh năm Nhâm Thìn…

Ngoài các hiệu sách, vô số sách hướng dẫn cách đặt tên hay cho con được bày bán. Tên nào được giới thiệu cũng dễ hiểu, ấn tượng, nhiều ý nghĩa. Có thể vì thế mà ngày nay, đến một trường mẫu giáo hay một trường tiểu học, khó mà tìm ra một cái tên xấu, khó nghe, khó gọi.

Các cậu con trai giờ thường sở hữu những cái tên rất đẹp như Anh Quân, Minh Đức, Chí Anh, Đức Trung, Gia Bảo… Các cô bé cũng được bố mẹ đặt cho những cái tên nhẹ nhàng, ấn tượng như Thùy Linh, Phương Chi, Huyền My, Tuyết Nhật, Diễm Quỳnh….

Xưa kia, các cụ có nhiều con, nhiều gia đình có tới tận 7 – 8 người con. Để dễ gọi, có gia đình đặt luôn tên con là: Một, Hai, Ba, Bốn, Năm, Sáu, Bảy Tám, hay Thúng, Mủng, Giần, Sàng, Nong, Nia, Mẹt…Có gia đình lại đặt cho các con những cái tên gắn với đồng ruộng như: Lúa, Gạo, Cua, Cá, Ốc… Gần hơn, nhiều gia đình chọn cho con trai cái tên Nguyễn Văn Đức, Trần Văn Tuấn, Lê Văn Nam…, con gái tên Nguyễn Thị Hồng, Hoàng Thị Lan, Vũ Thị Tuyết….

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Rõ ràng, quan niệm về việc đặt tên cho con đã thay đổi rất nhiều theo thời gian, theo sự phát triển của nền kinh tế - xã hội và theo những thay đổi của cấu trúc gia đình. Nếu như trước đây, trong một gia đình truyền thống, “tam đại đồng đường”, việc đặt tên cho cháu “đích tôn” thường do ông bà quyết định, bố mẹ không có quyền can thiệp thì ngày nay, việc đặt tên cho con thường là do bố mẹ quyết định, thậm chí, tên của cháu có phạm “húy” các ông, bà cũng không có quyền can thiệp.

Không nên quá cầu kỳ

Không chỉ cầu kỳ, cẩn trọng trong việc tìm tên hay, tên đẹp đặt cho con, nhiều gia đình “phú quý sinh lễ nghĩa”, tham vấn ‘Thầy” từ khi con còn ở trong bụng mẹ.

Vợ chồng anh Tuấn, chị Phương mới sinh con gái đầu lòng. Mặc dù đã bàn đi bàn lại hàng tháng trời, nhưng tới tận khi chị vào phòng sinh, vợ chồng chị vẫn chưa “quyết” được một cái tên ưng ý cho con. Lúc cô y tá hỏi nếu sinh con gái thì đặt tên gì, sinh con trai thì đặt tên gì để ghi vào giấy chứng sinh, chị cuống lên nói đại là Minh Quyên và Tuấn Anh.

Sau khi chị sinh con, nhiều việc bù lên đầu, chồng chị cũng chẳng còn tâm trí đâu mà nghĩ đến việc tìm thêm những cái tên khác hay hơn nên cứ thế đi đăng ký khai sinh cho con. Thế nhưng, đến ngày cháu đầy tháng, ông bà ở quê lên thăm, gọi riêng chồng chị ra nói nhỏ rằng anh chị không thể đặt tên con gái là Minh Quyên vì một “thầy” ở quê bảo nếu đặt tên đó sau này con gái chị sẽ “nghịch như tướng cướp”.

Đang hoang mang chưa biết thế nào thì “sếp” của vợ, một người nổi tiếng giỏi chữ nghĩa, đến thăm cũng “phán” rằng cái tên Minh Quyên không nên đặt cho con gái. Thế là thay vì đi làm hộ khẩu cho con cho đúng thời hạn quy định, anh Tuấn lại tất tả lên phường xin cải chính tên cho con. Không biết cái tên Huyền Anh mà anh chị mới chọn có còn bị ai chê nữa không.

Vợ chồng anh Đức, chị Ngọc thì cẩn thận hơn. Chồng chị là “đích tôn” của dòng họ, chị lại đã có một con gái nên khi biết chị mang bầu bé trai, nhà anh chị lúc nào cũng như sắp đón sự kiện trọng đại. Vốn là dân kinh doanh bất động sản, không chỉ có nhiều tiền mà còn quen nhiều thầy phong thủy, tướng số, anh Đức chọn một “thầy” tin tưởng nhất để nhờ đặt tên cho con.

“Thầy” phán, con anh chị tuổi Nhâm Thìn, mang mệnh Trường Lưu Thủy (nước sông dài), Rồng gặp nước là biểu tượng tốt, bởi vậy, nếu đặt tên “chuẩn” thì sẽ khai thác hết được tiềm năng, giúp con “vùng vẫy” và thành đạt trong xã hội.

Sau nhiều ngày tính toán, “Thầy” chọn cho con anh chị cái tên Phúc Thịnh. Không biết “Thầy” tính có đúng không, đến nay Phúc Thịnh đã 1 tuổi, cậu chẳng có gì khác với sự phát triển của trẻ ở lứa tuổi của mình nhưng anh Đức, chị Ngọc thì lúc nào cũng đầy kỳ vọng vào “rồng con” của mình.

GS.TS Nguyễn Lân Dũng cho biết, bố ông lấy tên bố (Lân) để làm đệm cho con trai và lấy tên mẹ (Tề) để làm tên đệm cho con gái (Tề Chỉnh). Bố ông khi nhỏ là một cậu bé gầy yếu (sau nhờ thường xuyên luyện tập mà thọ tới 98 tuổi) nên hy vọng con cái khỏe mạnh vì thế mới có một dàn tên các con trai là Dũng, Cường, Hùng, Tráng… mặc dầu sau này nhà ông không có ai theo nghiệp thể thao hay võ nghệ.

Theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng, việc đặt tên con thế nào hoàn toàn tùy theo sự thống nhất của cha mẹ, tuy nhiên các ông bố, bà mẹ nên tránh đặt tên con trùng với các danh nhân và cũng tránh đặt tên một cách khó đọc, khó hiểu hoặc vô nghĩa; ngoài ra, không nên quá cầu kỳ, mời “thầy” đặt tên để tốn tiền một cách vô lý…
Theo Pháp Luật Việt Nam

Bình luận(0)